KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B
KHÔNG TRÌ HOÃN, NHƯNG THƯA VÂNG VỚI CHÚA

Hồng Thủy

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 20.12.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu theo gương Mẹ Maria, không trì hoãn nhưng thưa “vâng” với Chúa bằng cách thực hiện những bước cụ thể để tiến đến lễ Giáng sinh. Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật thứ IV và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, một lần nữa Tin Mừng tường thuật với chúng ta sự kiện Truyền Tin. Thiên thần nói với Đức Maria: “Mừng vui lên... Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1, 28.31). Đó dường như là một loan báo hoàn toàn vui mừng, nhắm làm cho Đức Trinh nữ hạnh phúc: có ai trong số các người nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó loan báo trước với Đức Maria một thử thách lớn lao. Tại sao? Bởi vì khi đó Mẹ đã là hôn thê của thánh Giuse, chưa kết hôn. Trong hoàn cảnh đó, Luật Mô-sê quy định rằng họ không được có quan hệ và sống chung. Vì thế, có một đứa con nghĩa là Đức Maria đã phạm Luật, và những hình phạt dành cho các người nữ thật khủng khiếp: Mẹ sẽ bị ném đá (x. Đnt 22.20-21). Chắc chắn sứ điệp của Thiên Chúa sẽ ban cho tâm hồn Đức Maria tràn đầy ánh sáng và sức mạnh; tuy nhiên, Mẹ đứng trước một chọn lựa quan trọng: thưa “vâng” với Thiên Chúa và chấp nhận mọi nguy hiểm, bao gồm cả mạng sống, hoặc từ chối lời mời và tiếp tục con đường bình thường của mình.

Và Mẹ Maria làm gì? Mẹ trả lời: “Xin hãy xảy đến với tôi như lời sứ thần.” Trong ngôn ngữ dùng để viết Tin Mừng nó không đơn giản là một tiếng thưa “xin hãy xảy đến". Động từ này diễn tả một mong muốn mạnh mẽ, một ý muốn kiên định rằng một điều gì đó xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu nó phải xảy ra, hãy để nó xảy ra..., nếu không thể làm khác được...” Không phải là một sự đầu hàng. Không, Mẹ không thể hiện sự chấp nhận yếu ớt và tùng phục nhưng là mong muốn mạnh mẽ và sống động. Mẹ không thụ động, nhưng chủ động. Mẹ không chịu đựng Thiên Chúa nhưng gắn bó với Người. Mẹ là một người yêu sẵn sàng phục vụ Chúa của mình mọi điều và ngay lập tức. Mẹ có thể xin thêm một chút thời gian để suy nghĩ về điều đó, hay xin giải thích thêm về những gì sẽ xảy ra; hoặc có thể đặt một điều kiện nào đó... Nhưng Mẹ đã không cần thêm thời gian, không để Thiên Chúa chờ đợi, không trì hoãn.

Đã bao lần chúng ta trì hoãn trong cuộc sống, ngay cả trong đời sống thiêng liêng! Ví dụ, tôi biết rằng cầu nguyện là điều tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian; để ngày mai, đồng nghĩa là “ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai...”, chúng ta trì hoãn mọi điều; tôi biết rằng giúp đỡ ai đó là điều quan trọng, vâng tôi phải làm, ngày mai tôi sẽ làm. Đó là một loạt những ngày mai, trì hoãn thực hiện. Hôm nay, trước ngưỡng cửa lễ Giáng sinh, Mẹ Maria mời chúng ta đừng trì hoãn, hãy thưa “vâng”. “Tôi phải cầu nguyện?” “Đúng, tôi phải tìm cách cầu nguyện.” "Tôi phải giúp đỡ tha nhân” "Đúng. Và tôi không trì hoãn". Mỗi lời thưa “vâng” đều phải trả giá nhưng luôn ít hơn điều Mẹ phải trả giá khi thưa tiếng “xin vâng” can đảm và sẵn sàng, những lời “Xin xảy đến với tôi như lời sứ thần”, những lời đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Còn chúng ta, chúng ta có thể nói lời thưa “vâng” nào? Trong thời gian khó khăn này, thay vì phàn nàn về những điều mà đại dịch ngăn cản chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho người thiếu thốn hơn: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, nhưng cho một người thiếu thốn không được ai nhớ đến! Một lời khuyên nhỏ khác: Để Chúa Giêsu giáng sinh trong chúng ta, chúng ta chuẩn bị tâm hồn, chúng ta cầu nguyện, chúng ta đừng để mình bị lối sống tiêu thụ lôi cuốn. Điều quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải là chủ nghĩa tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ đã cướp đi Giáng sinh khỏi chúng ta. Lối sống tiêu thụ không phải là hang đá Bêlem: ở đó có thực tại, có sự nghèo khó, có tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như tâm hồn của Mẹ Maria: sạch mọi điều xấu xa tội lỗi, nồng nhiệt đón tiếp, sẵn sàng đón Chúa.

“Xin xảy đến với tôi như lời sứ thần”, câu cuối cùng của Đức Trinh nữ trong Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, là lời mời gọi chúng ta thực hiện một bước cụ thể tiến đến lễ Giáng sinh. Bởi vì nếu việc Chúa sinh ra không chạm đến cuộc sống của chúng ta thì nó trôi qua một cách vô ích. Đức Thánh Cha mời gọi: Giờ đây trong kinh Truyền Tin, cả chúng ta cũng hãy nói “xin hãy thực hiện nơi con như lời sứ thần”, và ngài xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói lời này bằng cuộc sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi