KINH TRUYỀN
TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA NHƯNG KHÔNG VÀ VÔ HẠN
“Thiên Chúa yêu thương chúng ta
với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh
tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất
của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói điều này với
hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin
trưa Chúa Nhật hôm 15.03.2015 tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ
ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với
chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến
nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của
con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta rằng
Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng
ta biết bao! Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức
tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và
vô hạn.
Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng
minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện
Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất
cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc
thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo
viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người,
nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh
nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình
nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng
trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. Như trong việc tạo dựng cả
trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của
Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ
là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu
con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết
với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới
vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được.
Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta
nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu
chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại
với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên
Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga
13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian,
nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha
đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự
sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của
các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Lòng thương xót của
Thiên Chúa thật lớn lao: Ngài yêu thương chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta;
Thiên Chúa tha thứ tất cả và Thiên Chúa luôn tha thứ.
Sau cái chết và sự sống lại của
Đức Giêsu, thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim
chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần
hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô
và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các
giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có
khả năng yêu mến Thiên Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu
hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của
Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột
đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng
thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa
yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng
ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm
của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.
Chuyển ngữ: Linh Tiến Khải
Nguồn: archivioradiovaticana.va