KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B
BA THÁI ĐỘ MÙA VỌNG: TƯƠI VUI, CẦU NGUYỆN VÀ BIẾT
ƠN
Linh Tiến
Khải
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm B ngày 17.12.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cần có ba thái độ Mùa Vọng là tươi vui, cầu nguyện và biết ơn để chuẩn bị sống lễ Giáng Sinh một cách đích thực. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Trong các Chúa Nhật trước phụng vụ đã nhấn mạnh
ý nghĩa của thái độ tỉnh thức và chuẩn bị đường cho Chúa đến. Trong Chúa Nhật
thứ ba của mùa Vọng, cũng gọi là “Chúa Nhật vui lên” phụng vụ mời gọi chúng ta
tiếp nhận tinh thần của tất cả những điều xảy ra: đó là niềm vui. Thánh Phaolô
mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến bằng cách sống ba thái độ: tươi vui liên
lỉ, kiên trì cầu nguyện và liên tục tạ ơn. Anh chị em hãy nghe rõ: ba
thái độ: thứ nhất, liên lỉ tươi vui, thứ hai, kiên trì cầu nguyện, và thứ ba
luôn luôn cảm tạ. Tươi vui liên lỉ, cầu nguyện kiên trì và liên tục cảm tạ.
Thái độ thứ nhất, luôn luôn tươi vui: “Anh em
hãy vui luôn!” (1 Tx 5,16) thánh Phaolô nói. Nó có nghĩa là luôn ở trong niềm
vui, cả khi các sự việc không như chúng ta ao ước, nhưng có niềm vui sâu xa, là
sự an bình: đó là niềm vui cả bên trong nữa. Và an bình là một niềm vui trên mặt
đất, nhưng là niềm vui. Các âu lo, các khó khăn và các khổ đau đi qua cuộc sống
của mỗi người, tất cả chúng ta đều biết. Và biết bao lần thực tại bao quanh
chúng ta xem ra không sống được và khô cằn, giống như sa mạc, trong đó vang lên
tiếng nói của thánh Gioan Tẩy Giả, như Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ (x Ga 1,23).
Nhưng chính các lời của vị Tẩy Giả vén mở cho thấy rằng niềm vui của chúng ta dựa
trên một sự chắc chắn rằng sa mạc này được ở: “Giữa anh em có một người mà anh
em không biết” (c. 26) thánh nhân nói. Đó là Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa
Cha sai đến. Ngài đến, như ngôn sứ Isaia nhấn mạnh, “để loan báo tin vui cho kẻ
nghèo hèn, băng bó vết thương của những tâm lòng tan nát, công bố sự tự
do cho người nô lệ, phóng thích cho những tù nhân, và công bố một năm hồng ân của
Chúa” (Is 61,1-2). Các lời này, mà Chúa Giêsu sẽ lấy làm của Ngài khi giảng dậy
trong hội đường Nadarét (x. Lc 4,16-19), minh giải rằng sứ mệnh của Ngài trong
thế giới là giải thoát khỏi tội lỗi và các tình trạng nô lệ cá nhân và xã hội,
mà tội lỗi gây ra. Ngài đã đến thế gian để tái trao ban cho con người phẩm giá
và sự tự do là con cái Chúa, mà chỉ có Ngài có thể thông truyền và vì thế trao
ban niềm vui.
Niềm vui định tính sự chờ đợi Đấng Cứu Thế
dựa trên lời cầu nguyện kiên trì: đó là thái độ thứ hai; thánh Phaolô nói: “Anh
em hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Qua lời cầu nguyện chúng ta có thể
bước vào trong một tương quan ổn định với Thiên Chúa, là suối nguồn của
niềm vui đích thật. Niềm vui của kitô hữu không mua được: không thể mua được;
nó đến từ đức tin và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, là lý do niềm hạnh phúc của
chúng ta. Chúng ta càng đâm rễ sâu nơi Chúa Giêsu Kitô, càng gần Chúa Giêsu bao
nhiêu, lại càng tìm thấy sự an bình nội tâm bấy nhiêu, dù có phải sống giữa các
mâu thuẫn thường ngày. Vì thế kitô hữu, khi đã gặp Chúa Giêsu, thì không thể là
một ngôn sứ của tai ương, nhưng là một chứng nhân và một người loan báo niềm
vui. Một niềm vui cần chia sẻ với những người khác; một niềm vui lây lan, khiến
cho con đường cuộc sống bớt mệt nhọc hơn.
Thái độ thứ ba do thánh Phaolô chỉ ra là liên tục
tạ ơn, nghĩa là tình yêu biết ơn đối với Thiên Chúa. Thật thế, Ngài rất quảng đại
với chúng ta, và chúng ta được mời gọi luôn luôn biết ơn các ân huệ của
Ngài, tình yêu thương xót của Ngài, sự kiên nhẫn và lòng tốt của Ngài, và như
thế sống trong sự biết ơn không ngừng.
Tươi vui, cầu nguyện và biết ơn là ba thái độ
chuẩn bị chúng ta sống lễ Giáng Sinh một cách đích thực nhất. Tươi vui, cầu
nguyện và biết ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nói: tươi vui, cầu nguyện và biết ơn:
Một lần nữa nào. Và tín hữu lập lại một lần nữa. To hơn nữa. Họ nói to hơn:
tươi vui, cầu nguyện và biết ơn.
Trong thời gian cuối cùng này của mùa Vọng chúng
ta hãy tín thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là “lý do niềm
vui của chúng ta”, không chỉ bởi vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, mà cũng bởi vì Mẹ
liên lỉ gửi chúng ta tới với Ngài.
Nguồn: archivioradiovaticana.va