KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B
NIỀM VUI CỦA CHÚNG TA LÀ CHÍNH ĐỨC GIÊSU
Jos. Nguyễn
Huy Mai
Trưa ngày Chúa nhật 14.12.2014, như thường lệ, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của
vài chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Đức
Thánh Cha nhắn nhủ mọi người hãy đón nhận Đức Giêsu vì Ngài là niềm vui sẽ đến
với mọi gia đình. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em và các con rất thân mến,
Hai tuần của Mùa Vọng vừa qua đã mời gọi chúng
ta phải tỉnh thức thiêng liêng để dọn đường cho Chúa đến. Trong Chúa Nhật thứ
ba của Mùa Vọng này, phụng vụ kêu mời chúng ta hãy có một thái độ nội tâm khác
để đón chờ Chúa đến, đó là niềm vui. Niềm vui của Đức Giêsu được gói gọn trong
câu nói: “Cùng với Đức Giêsu niềm vui sẽ đến nhà”.
Trái tim của con người luôn khao khát sự hân
hoan. Tất cả chúng ta đều khao khát niềm vui, mỗi gia đình, mỗi dân tộc luôn cầu
mong được hạnh phúc. Nhưng đâu là sự vui mừng mà Kitô hữu được kêu gọi để sống
và minh chứng? Đó là niềm vui được ở gần bên Chúa, được sống trong sự hiện diện
của Thiên Chúa. Kể từ lúc Đức Giêsu bước vào trong lịch sử, với sự giáng sinh của
Ngài nơi Bê-lem, nhân loại đã nhận lãnh hạt mầm của Nước Chúa, hệt như mảnh đất
đón nhận hạt giống, hứa hẹn sẽ thu hoạch trong tương lai. Chẳng cần phải tìm kiếm
nơi nào khác! Đức Giêsu đã đến để mang lại niềm vui cho tất cả mọi người và mọi
thời. Đó không phải là niềm vui chỉ hy vọng có được nơi thiên đàng bởi vì nơi
đây trên mặt đất này chúng ta sầu muộn nhưng trên thiên đàng chúng ta sẽ hoan hỷ.
Không, không! Không phải niềm vui như thế, nhưng là niềm vui đã hiện thực hóa
và được cảm nghiệm ngay bây giờ, bởi vì chính Đức Giêsu là niềm vui, và nhà
chúng ta có Đức Giêsu thì sẽ có niềm vui. Một điều khác là: “Nếu không có Đức
Giêsu có niềm vui không? Không! Ngài là Đấng Phục Sinh, đang sống và lao tác
trong và giữa chúng ta một cách đặc biệt nơi Lời Chúa và các Bí tích.
Tất cả chúng ta đã được rửa tội, là con cái của
Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi để thường xuyên nhận biết sự hiện diện của
Thiên Chúa giữa chúng ta, để giúp đỡ tha nhân khám phá hay tái khám phá ra Ngài
nếu như họ đã lỡ quên lãng. Đó là một sứ mạng cao đẹp, giống như của Gioan Tiền
Hô vậy: hướng dẫn con người đến với Đức Kitô- chứ không đến với chính bản thân
chúng ta!- bởi vì Người là đích điểm mà trái tim con người hướng đến khi tìm kiếm
niềm vui và hạnh phúc.
Thánh Phaolô, trong phụng vụ hôm nay, đề cập đến
những điều kiện để trở nên “sứ giả của niềm vui”: hãy cầu nguyện không ngừng, tạ
ơn Chúa luôn luôn, hãy chiều theo Thánh Linh, tìm kiếm điều lành và tránh xa điều
dữ (1 Tx 5, 17-22). Nếu điều này trở thành lối sống của chúng ta, thì Tin Mừng
có thể thấm nhập vào mọi nhà và giúp đỡ con người cũng như gia đình tái khám
phá rằng thực sự có ơn cứu độ nơi Đức Kitô. Trong Ngài, người ta có thể tìm thấy
sự bình an nội tâm và trợ lực để đương đầu mỗi ngày với những trạng huống khác
nhau trong cuộc sống, thậm chí đó là những hoàn cảnh khó khăn và nặng nề nhất.
Người ta chưa bao giờ nghe nói đến một vị thánh buồn hay là một vị thánh với
gương mặt thiểu não. Người ta chưa bao giờ nghe nói đến điều đó! Đó sẽ là một sự
vô lý. Một Kitô hữu là một người có con tim đầy bình an bởi vì người đó biết đặt
để niềm vui của mình nơi Thiên Chúa thậm chí cả khi phải trải qua những thời khắc
khó khăn trong cuộc sống. Có đức tin không có nghĩa là sẽ không gặp phải những
giây phút khó khăn nhưng là có sức mạnh để đương đầu với chúng với suy nghĩ rằng
chúng ta không hề cô độc. Đây là bình an mà Thiên Chúa ban tặng cho con cái của
Ngài.
Cùng hướng về Giáng Sinh đã cận kề, Giáo Hội mời
gọi chúng ta làm chứng rằng Đức Giêsu không phải một nhân vật của quá khứ; Ngài
là Ngôi Lời của Thiên Chúa ngày nay vẫn tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành của
con người; những cử chỉ của Ngài – những Bí tích – là sự tỏ bày của lòng âu yếm,
của sự an ủi và tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với từng con người.
Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn vui của
chúng ta”, luôn mang lại cho chúng ta những tin vui của Thiên Chúa, Đấng đến để
giải thoát chúng ta khỏi mọi sự nô lệ, bên trong cũng như bên ngoài.”
Nguồn: archivioradiovaticana.va