Chúa nhật 29 Thường niên năm A
Ngày 19.10.2014
HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA ĐIỀU THUỘC VỀ THIÊN CHÚA
G. Trần Đức Anh OP
Sáng Chúa nhật 19.10.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô
đã chủ sự thánh lễ trước sự hiện diện của 80 ngàn tín hữu tại Quảng trường
Thánh Phêrô để tôn phong Đức Giáo hoàng Phaolô VI lên bậc chân phước đồng thời
bế mạc Thượng Hội đồng Giám Mục khóa đặc biệt thứ 3 sau 2 tuần tiến hành với chủ
đề “Những thách đố về việc mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một trong những câu thời danh
nhất trong toàn Tin Mừng: “Vậy hãy trả lại cho Cesar điều gì thuộc về Cesar, và
trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Trước sự khiêu
khích của những người Biệt Phái, là những người có thể nói là muốn khảo hạch
Chúa Giêsu về đạo và kéo vào chỗ sai lầm, Ngài trả lời bằng một câu nói mỉa mai
và khéo léo ấy. Đó là một câu trả lời hiệu nghiệm mà Chúa gửi cho tất cả những
người đặt vấn đề lương tâm, nhất là khi có liên quan tới lợi lộc, của cải và uy
tín, quyền hành và danh tiếng của họ. Và điều này vẫn luôn xảy ra trong mọi thời
đại.
Chắc chắn điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh là phần
hai trong câu nói: “Và hãy trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Điều
này có nghĩa là - đứng trước bất kỳ loại quyền bính nào - cần nhìn nhận và
tuyên xưng rằng chỉ một mình Thiên Chúa là chúa tể của loài người, và không có
ai khác. Đây là một sự mới mẻ ngàn đời cần phải tái khám phá mỗi ngày, vượt thắng
sự sợ hãi mà nhiều khi chúng ta cảm thấy trước những điều ngạc nhiên về Thiên
Chúa.
Chúa không sợ những điều mới mẻ! Vì thế, Ngài
liên tục làm cho chúng ta ngạc nhiên, mở ra và dẫn đưa chúng ta vào những con
đường chưa được nghĩ tới. Chúa đổi mới chúng ta, nghĩa là liên tục làm cho
chúng ta 'trở nên mới'. Một Kitô hữu sống Tin Mừng là “một sự mới mẻ của Thiên
Chúa” trong Giáo Hội và trong thế giới. Và Thiên Chúa yêu mến “sự mới mẻ ấy” dường
nào! “Hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa” có nghĩa là cởi mở đối với
Thánh Ý Chúa và tận hiến cuộc sống của chúng ta cho Chúa, và cộng tác vào Nước
từ bi, yêu thương và an bình của Ngài.
Đây chính là sức mạnh đích thực của chúng ta, là
men khơi dậy sức mạnh và là muối mang lại hương vị cho mỗi cố gắng của con người
chống lại thái độ bi quan thịnh hành mà thế giới đang đề nghị cho chúng ta. Đây
chính là niềm hy vọng của chúng ta vì niềm hy vọng nơi Thiên Chúa không phải là
một sự trốn chạy thực tại, không phải là một cớ thoái thác: đó là hoạt động trả
lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Chính vì điều này mà Kitô hữu nhìn thực
tại tương lai, thực tại của Thiên Chúa, để sống trọn vẹn cuộc sống - với đôi
chân đặt vững trên mặt đất - và can đảm đáp lại vô số những thách đố mới.
Chúng ta đã thấy điều này trong những ngày Thượng
Hội đồng Giám mục khóa đặc biệt - Sinodo có nghĩa là bước đi cùng nhau. Thực vậy,
các vị chủ chăn và giáo dân từ các nơi trên thế giới đã mang đến Roma này tiếng
nói các Giáo hội địa phương của họ để giúp các gia đình ngày nay tiến bước trên
con đường Tin Mừng, với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu. Đó là một kinh nghiệm
lớn trong đó chúng ta đã sống tính hiệp hành và tính cộng đoàn và chúng ta đã cảm
thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần hướng dẫn và luôn canh tân Giáo Hội, Giáo Hội
không ngừng được kêu gọi mau mắn chữa trị các vết thương rướm máu và khơi lên
niềm hy vọng cho bao nhiêu người không có hy vọng.
Vì hồng ân Thượng Hội đồng Giám mục này và vì
tinh thần xây dựng mà mọi người mang lại, cùng với thánh Phaolô Tông Đồ: “Chúng
ta hãy luôn cảm tạ Thiên Chúa cho tất cả anh chị em, nhắc nhớ anh chị em trong
kinh nguyện của chúng tôi” (1 Ts 1,2). Và Chúa Thánh Thần, trong những ngày làm
việc này, đã ban cho chúng ta quảng đại hoạt động với tinh thần tự do đích thực
và với tinh thần sáng tạo khiêm tốn, xin Chúa tháp tùng hành trình, trong các
Giáo Hội trên toàn trái đất, chuẩn bị chúng ta tiến hành Thượng Hội đồng Giám mục
thế giới khóa thường lệ vào tháng 10 năm 2015. Chúng ta đã gieo vãi và chúng ta
sẽ còn tiếp tục gieo vãi trong kiên nhẫn và kiên trì, chắc chắn rằng Chúa sẽ
làm tăng trưởng điều mà chúng ta đã gieo vãi (1 Cr 3,6).
Chân phước Phaolô VI
Trong ngày phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô
VI hôm nay, tôi nhớ đến những lời của Người, khi thành lập Thượng HĐGM: “Khi
chú ý xem xét những dấu chỉ thời đại, chúng ta tìm cách thích ứng cuộc sống và
các phương pháp .. với những nhu cầu gia tăng ngày nay và với những hoàn cảnh
biến đổi của xã hội” (Tông thư Tự Sắc Apostolica sollicitudo).
Đối với vị Đại Giáo Hoàng, là Kitô hữu can đảm
và là tông đồ không biết mệt mỏi này, trước Thiên Chúa ngày hôm nay, chúng ta
chỉ có thể nói một lời rất đơn sơ cũng như lời chân thành và quan trọng này:
cám ơn Người! Xin cám ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI yêu quí và được yêu mến của
chúng con! Cám ơn vì chứng tá khiêm tốn và ngôn sứ của Người về lòng yêu mến
Chúa Kitô và Giáo Hội!
Trong nhật ký riêng, Vị Đại Hoa Tiêu của Công đồng
này, sau khi bế mạc Công đồng đã ghi chú: “Có lẽ Chúa đã gọi tôi và ủy cho tôi
công tác phục vụ này không phải vì tôi có tài năng nào đó, hoặc để tôi cai quản
và cứu vãn Giáo Hội khỏi những khó khăn hiện nay, nhưng để tôi chịu đau khổ
cách nào đó vì Giáo Hội, và để rõ ràng là Chúa, chứ không ai khác, là vị đang
hướng dẫn và cứu vãn Giáo Hội” (P. Macchi, Paolo VI nella sua Parola, Brescia
2001, pp.. 120-121). Trong sự khiêm tốn sáng ngời này, sự cao cả của Chân Phước
Phaolô VI đã biết hướng dẫn một cách khôn ngoan và sáng suốt tay lái con thuyền
Phêrô mà không bao giờ đánh mất niềm vui và tín thác nơi Chúa, giữa lúc một xã
hội tục hóa và thù nghịch đang xuất hiện ở chân trời.
Đức Phaolô VI thực sự đã biết trả lại cho Thiên
Chúa những gì là của Thiên Chúa khi dành trọn cuộc đời của Người cho “sự dấn
thân thánh thiêng, trọng đại và rất quan trọng: đó là tiếp tục trong thời gian
và mở rộng sứ mạng của Chúa Kitô trên trái đất” (Bài Giảng lễ đăng quang:
Insegnamenti I, 1963, p.26), bằng cách yêu mến Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội để
“Giáo Hội đồng thời là người mẹ yêu thương của tất cả mọi người và là người ban
phát ơn cứu độ” (Thông điệp Ecclesiam Suam, Lời Tựa).
Ý nguyện và kinh Truyền Tin
Trong các ý nguyện được xướng lên trong phần lời
nguyện giáo dân có lời cầu xin Chúa thánh hóa sự kết hiệp của các đôi vợ chồng
Kitô bằng ơn thánh sự hiện diện của Chúa và xin Chúa cho phẩm giá của các trẻ
em và người già được bảo vệ trong mỗi gia đình; xin Chúa làm cho mọi người được
biết sự khôn ngoan của thập giá Chúa nhờ chứng từ của các vị tử đạo và những
người bị bách hại; xin cho các nhà lãnh đạo chính trị và tất cả những kẻ cường
quyền từ bỏ con đường oán hận và chiến tranh.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Ngài chào thăm
các tín hữu hành hương từ Italia và nhiều nước, cũng như các phái đoàn chính thức,
và đặc biệt là các tín hữu từ các giáo phận Brescia, Milano và Roma có liên hệ
đặc biệt tới cuộc sống và sứ vụ của Đức Giáo hoàng Montini.
Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Đức tân Chân phước
là người hăng say nâng đỡ sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại, bằng chứng đặc biệt
là Tông Huấn Evangelii nuntiandi của Người, qua đó Người muốn thức tỉnh đà tiến
và sự dấn thân cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Cần đặc biệt để ý đến khía
cạnh này trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phaolô VI, nhất là hôm nay chúng ta
cử hành Ngày Thế Giới Truyền giáo.
Đức Thánh Cha không quên đề cao lòng sùng kính
sâu xa của Đức Chân Phước Phaolô VI đối với Đức Mẹ. Dân Kitô giáo luôn biết ơn
vị Giáo Hoàng này vì Tông Huấn Marialis cultus về lòng tôn sùng Đức Mẹ và vì đã
tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Giáo Hội nhân dịp bế mạc khóa III của Công đồng chung
Vatican II.
Nguồn: archivioradiovaticana.va