Chúa nhật 28 Thường niên năm A
Ngày 09.10.2011
Y PHỤC LỄ CƯỚI LÀ GÌ?
G. Trần Đức Anh OP
Sáng Chúa nhật 09.10.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI đến thăm giáo phận Lamezia Terme và Đan viện Serra San Bruno, nơi có mộ của
thánh Bruno vị sáng lập dòng Chartreux, qua đời cách đây 910 năm (năm 1101).
Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 25 của ngài tại Italia và là chuyến cuối
cùng trong năm nay.
Thành phố Lamezia Terme chỉ có lối 80 ngàn dân
cư, cách Roma 460 cây số đường chim bay về hướng nam, nhưng nếu đi đường bộ thì
phải vượt qua gần 600 cây số (588 Km). Giáo phận này hiện có hơn 143 ngàn tín hữu
Công Giáo thuộc 62 giáo xứ, được sự coi sóc của 89 linh mục, trong đó có 18 linh
mục dòng, và 21 phó tế vĩnh viễn, tất cả dưới quyền chủ chăn của Đức Cha Luigi
Antonio Cantafora, 68 tuổi (1943) từ 7 năm nay (2004).
Miền Calabria là vùng nghèo nhất nước Italia, lại
bị mang tiếng vì các tổ chức bất lương Ndrangheta, giống như mafia, đặc biệt là
nạn thất nghiệp của người trẻ ở đây rất cao, lên tới 65%, nên đa số người trẻ
đi di cư đi nơi khác để tìm công ăn việc làm ở miền bắc Italia hoặc ở nước
ngoài.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý
nghĩa các bài đọc, đặc biệt là bài Phúc Âm về dụ ngôn nhiều người khách mời được
vào dự tiệc cưới, nhưng có người không mặc y phục lễ cưới. Khi vua vào phòng tiệc,
thấy tình trạng đó, ngài trục xuất kẻ không có y phục ấy ra khỏi tiệc cưới. Đức
Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ Chúa Nhật tuần này trình bày cho chúng
ta một dụ ngôn nói về một tiệc cưới có nhiều người được mời đến dự. Bài đọc thứ
nhất, trích từ Sách Isaia, chuẩn bị nền tảng cho chủ đề này, vì nó nói về bữa
tiệc của Thiên Chúa. Bữa tiệc là một hình ảnh thường được sử dụng trong Kinh
thánh để biểu thị niềm vui trong sự hiệp thông và trọng sự dồi dào ân sủng của
Chúa, và nó mang lại một số ý tưởng về việc chia vui của Thiên Chúa với nhân loại
như Isaia mô tả: “Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một
bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon…” (Is 25:6). Vị tiên
tri còn nói thêm rằng ý định của Chúa là chấm dứt nỗi buồn và sự xấu hổ; Ngài
muốn mọi người sống hạnh phúc trong tình yêu của Ngài và hiệp thông với nhau.
Vì vậy, kế hoạch của Ngài, như chúng ta đã nghe, là tiêu diệt sự chết đến muôn
đời, sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi
hổ của dân Ngài (c. 7-8). Tất cả những điều này đánh thức lòng biết ơn và niềm
hy vọng sâu sắc: “Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Ngài, chúng ta đã
tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Ngài cứu độ” (c. 9).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta về
câu trả lời cho lời mời gọi tham dự bữa tiệc cứu độ nói trên của Thiên Chúa –
được đại diện bởi một vị vua (x. Mt 22:1-14). Nhiều quan khách được mời nhưng
có một điều bất ngờ xảy ra: họ từ chối tham gia vào bữa tiệc, họ có việc khác
phải làm; thực sự, một số người trong số họ tỏ ra khinh thường lời mời. Thiên
Chúa quảng đại với chúng ta, Ngài ban cho chúng ta tình bạn, quà tặng, niềm vui
của Ngài, nhưng chúng ta thường không đón nhận lời Ngài, chúng ta tỏ ra quan
tâm nhiều hơn đến những thứ khác và đặt mối quan tâm vật chất, quyền lợi của
riêng mình lên hàng đầu. Lời mời của nhà vua thậm chí còn gặp phải những phản ứng
thù địch và hung hãn. Tuy nhiên, điều này không cản trở sự hào phóng của nhà
vua. Nhà vua không nản lòng và sai đầy tớ đi mời nhiều người khác. Việc từ chối
của những người được mời trước tiên khiến cho lời mời được mở rộng đến tất cả mọi
người, ngay cả những người nghèo nhất, những người bị bỏ rơi và bị tước quyền
thừa kế. Những người hầu đã tập hợp lại những người họ tìm thấy và phòng cưới
chật kín: lòng tốt của nhà vua là không có giới hạn và tất cả đều có khả năng
đáp lại lời kêu gọi của nhà vua. Tuy nhiên, có một điều kiện để được tham dự tiệc
cưới này: đó là phải mặc áo cưới. Và khi bước vào đại sảnh, nhà vua nhận thấy
có người không muốn mặc nó và đó là nguyên nhân khiến người đó không thể tham
gia bữa tiệc.
Tôi muốn dừng lại ở điểm này với một câu hỏi:
làm sao người dự tiệc cưới đã nhận lời mời của vua, và khi vào phòng tiệc, cánh
cửa được mở ra cho người ấy, nhưng ông lại không có y phục lễ cưới? Y phục ấy
là gì? Trong thánh lễ thứ năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã nhắc đến bài chú giải
thật hay của thánh Gregorio Cả về dụ ngôn này. Thánh nhân giải thích rằng người
dự tiệc cưới ấy đã đáp lại lời mời của Thiên Chúa tham dự tiệc của Ngài, một
cách nào đó, đức tin đã mở cửa phòng tiệc cho họ, nhưng người ấy lại thiếu một
điều thiết yếu: đó là áo cưới, là lòng bác ái, là tình yêu. Và thánh Gregorio
nói thêm rằng: “Vì vậy, mỗi người trong anh chị em, có đức tin nơi Thiên
Chúa trong Giáo Hội, thì đã được dự tiệc cưới rồi, nhưng không thể nói là đã có
y phục lễ cưới nếu không bảo tồn ơn Đức Bác Ái” (Homilia 28,9: PL 76,1287).
Và y phục này được dệt tượng trưng bằng hai hàng chỉ, một hàng dọc và một hàng
ngang: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân (Xc ibid. 10: PL 76, 1288).
Anh chị em thân mến, tôi đến đây để chia sẻ với
anh chị em vui mừng và hy vọng, những cơ cực và vất vả, những lý tưởng và khát
vọng của cộng đoàn giáo phận này. Tôi biết rằng anh chị em đã chuẩn bị cho cuộc
viếng thăm này với một hành trình tinh thần khẩn trương, nhận khẩu hiệu là một
câu trích từ sách Tông đồ công vụ: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, thành
Nazareth, anh hãy bước đi!” (3,6). Tôi cũng biết rằng ở Lamezia Terme, cũng
như trên toàn miền Calabria, không thiếu những khó khăn, vấn đề và âu lo. Nếu
chúng ta quan sát miền đẹp đẽ này, chúng ta nhìn nhận trong đó có một vùng địa
chấn không những về mặt địa chất học, nhưng cả về mặt cơ cấu, lối cư xử và xã hội
nữa; có nghĩa đây là một miền đất trong đó những vấn đề xuất hiện dưới dạng cấp
tính và làm xáo trộn, một miền đất trong đó nạn thất nghiệp thật đáng lo âu,
nơi mà nạn phạm pháp nhiều khi hoành hành, làm thương tổn tầng lớp xã hội, một
miền đất trong đó người ta có cảm tưởng liên tục phải sống trong tình trạng khẩn
trương.
Là những người dân miền Calabria, anh chị em vốn
biết mau lẹ và sẵn sàng một cách đáng ngạc nhiên, đáp ứng những tình trạng khẩn
trương, và có khả năng đặc biệt thích ứng với tình trạng khó khăn. Tôi chắc chắn
rằng anh chị em sẽ biết vượt thắng những khó khăn ngày nay để chuẩn bị một
tương lai tốt đẹp hơn. Anh chị em đừng bao giờ chiều theo cám dỗ rơi vào thái độ
bi quan và co cụm vào mình. Anh chị em hãy động viên những tiềm năng đức tin và
những khả năng nhân bản của mình, cố gắng tăng trưởng trong khả năng cộng tác,
săn sóc tha nhân và mọi thiện ích công cộng, hãy bảo tồn y phục lễ cưới của
tình yêu; hãy kiên trì trong việc làm chứng về những giá trị nhân bản và Kitô
giáo vốn ăn rễ sâu nơi đức tin và lịch sử của miền đất này và nơi dân chúng tại
đây.
Anh chị em thân mến, cuộc viếng thăm của tôi diễn
ra hầu như ở cuối hành trình do Giáo Hội địa phương khởi xướng với việc đề ra dự
án mục vụ 5 năm. Tôi muốn cùng với anh chị em cảm tạ Chúa vì hành trình phong
phú đã trải qua và vì bao nhiêu mầm mống thiện hảo đã được gieo vãi, cho thấy
có thể hy vọng tương lai. Để đương đầu với thực tại mới về mặt xã hội và tôn
giáo, thực tại này khác với quá khứ, có lẽ có nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều
tiềm năng hơn, điều cần thiết là có một hoạt động mục vụ tân tiến và có tổ chức,
với sự cộng tác và dấn thân của tất cả các lực lượng Kitô quanh Đức Giám Mục:
các linh mục, tu sĩ và giáo dân, tất cả cùng được linh hoạt bằng một nỗ lực
chung trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Về vấn đề này, tôi vui mừng được
biết có những cố gắng hiện nay nhắm chuyên cần chăm chú lắng nghe Lời Chúa, qua
việc cổ võ những cuộc gặp gỡ hàng tháng trong các trung tâm khác nhau của giáo
phận và phổ biến việc thực hành Lectio divina, đọc và suy gẫm, cầu nguyện với Lời
Chúa. Một điều khác cũng rất thích hợp đó là Trường Đạo Lý xã hội Công Giáo, vừa
có phẩm chất và được phổ biến rộng rãi. Tôi nồng nhiệt cầu chúc cho những sáng
kiến ấy tạo nên một thế hệ mới những người nam nữ có khả năng thăng tiến không
những lợi đích của các phe riêng, nhưng cả công ích nữa. Tôi cũng muốn khích lệ
và chúc lành cho nỗ lực của các linh mục và giáo dân, đang dấn thân trong việc
huấn luyện cho các cặp công giáo về hôn nhân và gia đình, để mang lại một câu
trả lời theo tinh thần phục âm và có uy thế đối với bao nhiêu thách đố ngày nay
trong lãnh vực gia đình và sự sống.
Tôi biết rõ lòng nhiệt thành và tận tụy của các
linh mục trong việc thi hành các công tác mục vụ cũng như công tác huấn luyện
quyết liệt và có hệ thống, nhất là đối với giới trẻ. Anh em linh mục thân mến,
tôi khuyên nhủ anh em, ngày càng làm cho đời sống thiêng liêng của anh em được
bén rễ sâu hơn trong Tin Mừng, vun trồng đời sống nội tâm, sống thân mật với
Chúa và quyết tâm xa lìa não trạng duy tiêu thụ và trần tục, vốn là một thứ cám
dỗ thường xảy ra trong thực tại chúng ta đang sống. Anh em hãy học tăng trưởng
trong tình hiệp thông với nhau và với Giám Mục, giữa anh em và các giáo dân, tạo
điều kiện dễ dàng cho sự quí chuộng và cộng tác với nhau: từ đó chắc chắn sẽ nảy
sinh nhiều lợi ích cho đời sống các giáo xứ cũng như cho chính xã hội dân sự.
Anh em hãy biết đề cao giá trị của các nhóm và phong trào, với sự phân định và
theo các tiêu chuẩn chúng ta đã biết về đặc tính xã hội: các nhóm và phong trào
ấy cần được hội nhập vào việc mục vụ bình thường của giáo phận và giáo xứ,
trong tinh thần hiệp thông sâu xa.
Và với anh chị em là các giáo dân, người trẻ và
các gia đình, tôi nói rằng anh chị em đừng sợ sống và làm chứng về đức tin trong
các môi trường khác nhau trong xã hội, trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc
sống con người! Anh chị hay có tất cả những lý do để tỏ ra mạnh mẽ, tin tưởng
và can đảm, và điều này nhờ ánh sáng đức tin và sức mạnh của đức ái. Và khi Anh
chị em gặp phải sự chống đối của thế gian, hãy nói như thánh Phaolô tông đồ: “Tôi
có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi!” (Pl 4,13). Bao nhiêu
các thánh nam nữ ở toàn miền Calabria này qua dòng lịch sử cũng đã hành xử như
vậy.
Chớ gì chính họ giữ cho anh chị em luôn hiệp nhất
và nuôi dưỡng trong mỗi người ước muốn loan báo, bằng lời nói và việc làm, sự
hiện diện và tình yêu của Chúa Kitô. Xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà anh chị em vô
cùng tôn kính, giúp đỡ và dẫn anh chị em đến sự hiểu biết sâu sắc về Con của Mẹ.
Amen!
Nguồn: archivioradiovaticana.va