GẶP GỠ VÀ ĐÓN TIẾP
Linh Tiến Khải
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 14.01.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ nhân Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn. Quảng diễn các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật 2 Thường niên năm B kể lại ơn gọi của ngôn sứ Samuel và ơn gọi của hai tông đồ Anrê và Gioan, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Năm nay tôi muốn cử hành Ngày quốc tế di dân và tị
nạn bằng một Thánh lễ mời gọi và chào đón anh chị em, đặc biệt là những người
di cư, tị nạn. Một số bạn mới đến Ý, những người khác là cư dân lâu năm và làm
việc ở đây, và những người khác vẫn được gọi là “thế hệ thứ hai”.
Đối với tất cả mọi người trong cộng đoàn này, Lời
Chúa đã vang vọng và hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu thêm lời mời gọi đặc biệt
mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta. Như Chúa đã làm với Samuel (cf. 1 Sm
3:3b-10,19), Chúa gọi đích danh chúng ta - mỗi người chúng ta - và yêu cầu
chúng ta tôn vinh sự kiện là mỗi người chúng ta đã được tạo dựng nên một hữu thể
độc nhất và không thể lặp lại, mỗi người là khác biệt và có một vai trò riêng
trong lịch sử thế giới. Trong Tin Mừng (x. Ga 1,35-42), hai môn đệ của Gioan hỏi
Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu?” (c. 38), ngụ ý rằng câu trả lời của Chúa Giêsu cho
câu hỏi này sẽ quyết định sự đánh giá của họ đối với vị thầy đến từ Nazareth.
Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Hãy đến mà xem!” (c. 39), và mở ra một
cuộc gặp gỡ cá nhân đòi hỏi đủ thời gian để chào đón, để biết và thừa nhận người
khác.
Trong sứ điệp cho Ngày di cư tỵ nạn hôm nay tôi đã viết: “Mỗi một người ngoại xa lạ gõ cửa nhà chúng ta là một dịp cặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hoá mình với người ngoại xa lạ được tiếp đón hay bị khước từ thuộc mọi thời đại”. Và đối với người xa lạ, người di cư, tỵ nạn và xin tỵ nạn, thì mỗi một cánh cửa của vùng đất mới cũng là một dịp gặp gỡ Chúa Giêsu. Lời Ngài mời gọi “Hãy đến và xem” cũng được hướng tới tất cả chúng ta, các cộng đoàn địa phương và các người mới tới. Đó là một lời mời gọi thắng vượt các sợ hãi để có thể đi gặp tha nhân, để tiếp đón họ, hiểu biết họ và thừa nhận họ. Đó là một lời mời gọi cống hiến cơ may gần gũi người khác để xem họ ở đâu và sống thế nào.
Trong thế giới ngày nay đối với những người mới
tới, thì để tiếp đón, để hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng
các luật lệ, nền văn hoá và các truyền thống của các nước tiếp đón họ. Nó cũng
có nghĩa là hiểu các sợ hãi và học hỏi cho tương lai. Đối với các cộng đoàn địa
phương tiếp đón, hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là rộng mở cho sự phong phú,
cho sự khác biệt mà không có các định kiến, hiểu biết các tiềm năng và các niềm
hy vọng của những người mới tới, cũng như sự dễ tổn thương và các sợ hãi của họ.
Cuộc gặp gỡ đích thực với người khác không chỉ dừng
lại ở việc tiếp đón, nhưng khiến cho tất cả chúng ta dấn thân trong các
hoạt động khác, mà tôi đã minh nhiên trong Sứ điệp cho ngày này: che chở, thăng
tiến và hội nhập. Trong cuộc gặp gỡ đích thật với người lân cận, chúng ta sẽ có
khả thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng xin được tiếp đón, che chở, thăng tiến
và hội nhập. Nó sẽ là tiêu chuẩn của ngày phán xét sau hết: Cuộc gặp gỡ đích thật
này với Chúa Kitô là suối nguồn của ơn cứu rỗi, một sự cứu rỗi được loan báo và
đem tới cho tất cả mọi người như tông đồ Anrê cho chúng ta thấy. Sau khi
cho anh mình là Simon biết ông đã tìm thấy Đấng Messia, ông dẫn anh tới với
Chúa Giêsu để cho anh có cùng kinh nghiệm gặp gỡ như ông.
Thật không dễ bước vào trong nền văn hoá của người
khác, đặt mình trong hoàn cảnh của những người khác biệt với chúng ta, hiểu các
tư tưởng và các niềm hy vọng của họ. Và chính vì thế chúng ta thường khước từ sự
gặp gỡ với tha nhân và dựng lên các hàng rào để bảo vệ chính mình. Các cộng
đoàn địa phương đôi khi sợ các người mới tới quấy rối trật tự đã có, sợ họ ăn
trộm cái gì đã được xây dựng một cách vất vả. Cả những người mới tới cũng sợ sự
đối chọi, phán đoán, kỳ thị, thất bại. Các nỗi sợ hãi này hợp pháp, vì dựa trên
các nghi ngờ dễ hiểu trên bình diện nhân loại. Có các nghi ngờ và sợ hãi không
phải là một tội. Tội là để cho các sợ hãi đó xác định các câu trả lời của chúng
ta, điều kiện hoá các lựa chọn của chúng ta, làm hại cho sự tôn trọng và lòng
quảng đại, nuôi dưỡng sự thù hận và khước từ. Tội là từ chối gặp gỡ người khác,
với sự khác biệt, với tha nhân, nhưng thực ra là một dịp đặc ân của sự gặp gỡ với
Chúa.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay với Chúa Giêsu
nơi người nghèo, người bị gạt bỏ, người tỵ nạn, người xin tỵ nạn làm nảy sinh
ra lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay. Một lời cầu nguyện cho nhau giữa các cộng
đoàn tiếp đón và người di cư tỵ nạn… Chúng ta hãy phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu
của Mẹ Maria Rất Thánh các niềm hy vọng của mọi người di cư tỵ nạn trên thế giới
để chúng ta tất cả học biết yêu thương tha nhân, yêu thương người xa lạ như
chính mình, phù hợp với giới răn bác ái và yêu thương tha nhân của Thiên Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi