KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh năm A
Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót

15.04.2012

BÌNH AN CHO CÁC CON

Vatican News

Trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh ngày 15.04.2012, đồng thời cũng là lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người trao ban cho tha nhân ơn bình an của Chúa Kitô Phục Sinh và cầu nguyện cho sứ mệnh chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ của ngài. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Hằng năm khi cử hành lễ Phục Sinh, chúng ta sống trở lại kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa đã sống lại. Phúc Âm thánh Gioan kể lại rằng các môn đệ đã trông thấy Chúa hiện ra giữa họ trong Nhà Tiệc Ly, vào chính buổi chiều phục sinh “ngày thứ nhất trong tuần”, rồi “tám ngày sau đó” (x. Ga 20,19-20).

Thế rồi ngày ấy chúng ta gọi là “ngày Chúa Nhật”, ngày của Chúa, là ngày cộng đoàn kitô họp nhau để cử hành phụng tự riêng của mình, nghĩa là bí tích Thánh Thể, phụng tự mới, và ngay từ ban đầu khác với phụng tự do thái của ngày thứ bẩy. Thật thế, việc cử hành Ngày của Chúa là một bằng chứng rất mạnh mẽ sự Phục Sinh của Chúa Kitô, bởi vì chỉ một biến cố ngoại thường và đảo lộn mới có thể dẫn đưa các kitô hữu tiên khởi tới chỗ bắt đầu một phụng tự khác với ngày thứ Bẩy Do Thái.

Hồi đó cũng như ngày nay, phụng tự kitô không phải chỉ là một việc tưởng niệm các biến cố đã qua, cũng không phải là một kinh nghiệm thần bí riêng biệt, nội tâm, mà một cách nòng cốt là việc gặp gỡ Chúa phục sinh, Đấng sống trong chiều kích của Thiên Chúa vượt thời gian và không gian, nhưng lại thực sự hiện diện giữa cộng đồng, Đấng nói với chúng ta trong Thánh Kinh, và bẻ Bánh sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.

Qua các dấu chỉ này, chúng ta sống điều mà các môn đệ đã kinh nghiệm, nghĩa là sự kiện trông thấy Chúa Giêsu và đồng thời không nhận ra Người; sờ mó thân mình Người, một thận mình thật sự, nhưng tự do khỏi các ràng buộc trần gian.

Điều Phúc âm kể lại rất quan trọng, nghĩa là Chúa Giêsu, trong các lần hiện ra với các Tông Đồ tụ tập nhau trong Nhà Tiệc Ly, lập lại lời chào “Bình an cho các con” (Ga 20,19.21.26).

Lời chào truyền thống, với nó người ta cầu chúc Shalom bình an cho nhau, hầu như trở thành một điều mới mẻ: nó trở thành ơn của sự bình an, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể trao ban, bởi vì nó là hoa trái chiến thắng của Người trên sự dữ.

Sự “Bình an”, mà Chúa Giêsu cống hiến cho các bạn hữu Người, là hoa trái tình yêu thương của Thiên Chúa, đã đưa Người tới chỗ chết trên thập giá, đổ tất cả máu mình ra, như là Chiên Con hiền dịu và khiêm nhường, “tràn đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14).

Chính vì thế chân phước Gioan Phaolô II đã muốn dành Chúa Nhật hôm nay sau lễ Phục Sinh cho Lòng Thương Xót Chúa, với một hình ảnh chính xác: hình ảnh cạnh sườn của Chúa Kitô bị đâm thâu, từ đó máu và nước chảy ra, theo chứng tá mắt thấy của tông đồ Gioan (x. Ga 19,34-37). Nhưng giờ đây Chúa Giêsu đã sống lại, và từ Người sống động nảy sinh ra các Bí tích vượt qua của Phép Rửa Tội và Phép Thánh Thể: ai đến gần các bí tích ấy với đức tin, thì nhận được ơn sự sống đời đời.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận ơn bình an Chúa Giêsu phục sinh cống hiến cho chúng ta, chúng ta hãy để cho Người làm tràn ngập con tim với lòng thương xót của Người! Như thế với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là Thần Khí đã cho Chúa Kitô sống lại, cả chúng ta nữa cũng có thể đem các ơn phục sinh đó tới cho người khác.

Xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ của Lòng Xót Thương, bầu cử cho chúng ta được như vậy.

Chuyển ngữ: Linh Tiến Khải

Nguồn: archivioradiovaticana.va