KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm B
BA TRỤ CHÍNH CỦA THỜI GIAN

Bình Hòa

Nhân dịp đầu năm phụng vụ, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin Chúa nhật 30.11.2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI suy nghĩ về ý nghĩa của thời gian. Chúng ta thường than rằng mình bận rộn không có thời giờ, đặc biệt là không có giờ dành cho Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn dành thời giờ cho chúng ta, đồng hành với chúng ta. Lời mời gọi “hãy tỉnh thức” vào đầu Mùa Vọng thúc giục chúng ta hãy sẵn sàng trả lời với Chúa về những hành vi của chúng ta. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, với Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới. Sự kiện này mời gọi chúng ta suy nghĩ về chiều kích thời giờ, điều rất lôi cuốn chúng ta. Theo gương của Chúa Giêsu, tôi xin bắt đầu bằng một nhận xét cụ thể: tất cả chúng ta đều nói “tôi không có giờ” bởi vì nhịp sống hằng ngày trở nên gấp rút với hết mọi người. Về phương diện này, Hội thánh cũng mang đến một “Tin mừng”, đó là Thiên Chúa đã dành thời giờ của mình cho chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng có ít thời giờ, nhất là đối với Chúa thì chúng ta không biết tìm thời giờ hoặc đôi khi không muốn. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thời giờ cho chúng ta! Đây là điều thứ nhất mà khởi đầu của một năm phụng vụ mới giúp cho chúng ta khám phá lại. Đúng thế, Thiên Chúa ban cho chúng ta thời giờ của mình, bởi vì ngài đã đi vào lịch sử với lời của ngài và với những công trình cứu độ, để mở rộng lịch sử đến chân trời vĩnh cửu, để cho nó trở nên lịch sử giao ước. Trong viễn ảnh này, thời giờ tự nó đã là một dấu chỉ của tình thương của Thiên Chúa: một quà tặng mà giống như với những điều khác, con người có thể trân trọng đánh giá, hoặc ngược lại, có thể làm hư hại; có thể nắm bắt ý nghĩa của nó hoặc xao lãng hời hợt.

Có ba “trụ” chính của thời giờ nổi bật trong lịch sử cứu độ: ở đầu là cuộc tạo dựng, ở giữa là cuộc nhập thể và cứu chuộc, và ở tận cùng là cuộc quang lâm, nghĩa là việc Chúa Kitô trở lại vào thời cánh chung, bao hàm cả việc phán xét chung. Ta đừng nên quan niệm ba thời điểm này như là ba chặng kế tiếp nhau theo thời gian. Thực vậy, cuộc tạo dựng tuy ở vào lúc khởi nguyên của vạn vật nhưng vẫn cứ tiếp tục và còn diễn ra suốt dòng tiến triển của vũ trụ, kéo dài cho tới lúc kết liễu thời gian. Một cách tương tự như vậy, cuộc nhập thể và cứu chuộc, dù đã xảy ra vào một lúc xác định của lịch sử, tức là giai đoạn mà Chúa Giêsu xuất hiện trên mặt đất, nhưng tỏa tầm tác dụng ra đến thời trước và thời sau nó. Cũng vậy, cuộc tái lâm và phán xét đã khởi sự từ trên thập giá của Chúa Giêsu và ảnh hưởng đến lối sống của mọi người thuộc mọi thời.

Mùa Vọng cử hành việc Chúa đến vào hai thời điểm: trước tiên, nó mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức chờ đợi cuộc việc Chúa đến trong vinh quang; thứ đến, càng gần đến lễ Giáng sinh, nó mời gọi chúng ta hãy đón tiếp Ngôi Lời làm người để cứu độ chúng ta. Nhưng Chúa đến liên tục trong đời sống chúng ta. Vì thế lời mời của Chúa Giêsu “Hãy tỉnh thức” (Mc 13,33.35.37) vào Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng này thực là thích thời. Lời này được ngỏ đến các môn đệ, cũng như với “tất cả mọi người”, bởi vì mỗi người ,vào giờ mà chỉ Chúa biết, sẽ được gọi đến để trả lời về những hành động trong đời mình. Điều này đòi hỏi một thứ siêu thoát chính đáng khỏi tài sản trần thế, lòng thống hối thành thực về những lỗi lầm của mình, lòng bác ái đối với tha nhân và nhất là lòng tin tưởng khiêm tốn vào bàn tay của Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu.

Đức trinh nữ Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu là một hình ảnh mẫu mực của mùa Vọng. Chúng ta hãy xin Mẹ cầu thay nguyện giúp để cho chúng ta được trở nên nhân tính kéo dài để cho Chúa đến.

Nguồn: archivioradiovaticana.va