Nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ
CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VỀ
GIÁO HỘI MÔNG CỔ TRƯỚC CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Vatican News
Vatican News (31.08.2023) – Từ ngày 31.08 đến ngày 04.09.2023, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Mông Cổ, một
Giáo hội nhỏ bé với chỉ hơn kém 1.500 tín hữu. Tuy thế, Giáo hội Mông Cổ là một
Giáo hội sống động, với con số tín hữu tăng đều và với các hoạt động bác ái và
đối thoại liên tôn.
Lịch sử Giáo hội Mông Cổ
Kitô giáo lần đầu tiên được loan báo đến Mông Cổ thông qua các Kitô hữu
thuộc phái Nestorio của truyền thống Syriac cổ vào khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế
kỷ thứ 10. Tuy nhiên, trong suốt những thế kỷ tiếp theo, Kitô giáo không hiện
diện liên tục tại nước này.
Công giáo được truyền bá đến Mông Cổ vào thế kỷ 13, dưới thời Đế quốc
Mông Cổ. Nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên được phép vào Mông Cổ là linh mục
dòng Đa Minh người Pháp Barthélémy de Crèmone, người đã đến Karakorum vào năm
1253 trong một phái đoàn ngoại giao thay mặt cho Vua Pháp.
Kitô giáo biến mất sau khi sự thống trị của người Mông Cổ ở Viễn Đông
chấm dứt, và xuất hiện trở lại khi hoạt động truyền giáo bắt đầu ở Trung Quốc
vào giữa thế kỷ 19.
Sau khi Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ thân Liên Xô được thành lập, mọi sự
hiện diện của Kitô giáo đều bị loại bỏ hoàn toàn. Sau khi chế độ Cộng sản kết
thúc và sau quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Mông Cổ vào đầu những năm
1990, quyền tự do tôn giáo đã được thiết lập, và các nhà truyền giáo Công giáo
được phép trở lại.
Năm 1992, Cộng hòa Mông Cổ mới được thành lập, ra đời từ cuộc Cách mạng
Dân chủ năm 1990, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, và điểm Truyền
giáo “sui iuris” của Ulaanbaatar được thành lập và được giao phó cho Dòng Truyền
giáo Trái Tim Vẹn sạch Đức Mẹ, được gọi là các nhà truyền giáo Scheut.
Giáo hội bé nhỏ nhưng sống động
Khi 3 nhà truyền giáo đầu tiên của cộng đoàn Scheut đến Mông Cổ vào năm
1992, ở đây chưa có một Kitô hữu nào cư trú, và việc thành lập Giáo hội phải bắt
đầu từ con số không, giữa những khó khăn về văn hóa và ngôn ngữ.
Công việc tông đồ của các nhà truyền giáo Scheut, được hỗ trợ bởi Giáo
hội Mông Cổ, đã sinh kết quả, với sự gia tăng, tuy ít nhưng đều đặn, số người
theo Công giáo tại đất nước Phật giáo chiếm đa số, và số người trẻ Công giáo
Mông Cổ trở thành linh mục và tu sĩ.
Từ 14 tín hữu Mông Cổ vào năm 1995, hiện nay Giáo hội nước này đã có
khoảng 1.500 tín hữu rải rác tại 8 giáo xứ và một nhà nguyện, được hướng dẫn bởi
1 Giám mục, 25 linh mục, bao gồm 2 linh mục người Mông Cổ, 6 chủng sinh, 30 nữ
tu, 5 nam tu, 35 giáo lý viên; họ thuộc 30 quốc tịch khác nhau.
Hoạt động của Giáo hội Mông Cổ
Giáo hội Mông Cổ điều hành một học viện kỹ thuật, 2 trường tiểu học và
hai trường mẫu giáo, một phòng khám y tế cung cấp dịch vụ điều trị và thuốc men
cho người nghèo, một trung tâm dành cho người khuyết tật và hai viện tiếp nhận
người già bị bỏ rơi và người già nghèo.
Mỗi giáo xứ cũng đã bắt đầu các dự án từ thiện bổ sung cho các dự án của
Caritas Mông Cổ, bằng cách mở các bếp cung cấp bữa ăn và cơ sở giặt giũ, đồng
thời tổ chức các khóa dạy nghề cho phụ nữ.
Tương quan với chính quyền
Giáo hội Mông Cổ có các tương quan tốt với chính quyền; điều này được
thể hiện qua thỏa thuận được ký kết giữa Đại sứ Mông Cổ cạnh Tòa Thánh và Đức Tổng
Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh, để tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực văn
hóa bằng việc mở Văn khố mật của Tòa Thánh cho các nhà nghiên cứu của Mông Cổ.
Tương quan với các tôn giáo khác
Tương quan với các tôn giáo khác, đặc biệt là các lãnh đạo Phật Giáo,
cũng là điều nổi bật của Giáo hội Mông Cổ trong đối thoại liên tôn.
Những thách đố
Giáo hội Mông Cổ cũng có những thách đố. Thách đố mục vụ chính của Giáo
hội Mông Cổ là giúp đỡ các tín hữu Mông Cổ đào sâu đức tin của họ và làm cho đức
tin trở nên phù hợp hơn với cuộc sống hàng ngày của họ.
Thách đố thứ hai là thúc đẩy sự hiệp thông và tình huynh đệ giữa các
nhà truyền giáo thuộc các dòng tu khác nhau, và với các cộng đồng Kitô giáo
khác trong nước, hầu hết là những người theo đạo Tin Lành.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Giáo hội ở Mông Cổ gặp thách
đố trong việc loan báo Tin Mừng cho xã hội Mông Cổ, nơi 40% dân số nói rằng họ
là người vô thần.
Nguồn: vaticannews.va/vi