Bài Huấn Luyện Hàng Tháng Của Ủy Ban Giáo Dân (Bài 15)

08/10/2019


MỤC VỤ GIÁO DÂN


Bài Huấn Luyện Hàng Tháng Của Ủy Ban Giáo Dân (Bài 15)

 

PHẦN TU ĐỨC

TÂM THẾ ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 14,1.7-15) 




Chứng kiến anh em ông Gia-cô-bê và Gio-an xin được ngồi bên tả và bên hữu Đức Giêsu, các môn đệ đâm ra tức tối. Đức Giêsu đã sửa dạy các ông và cho các ông thấy đâu là tâm thế ứng xử của các môn đệ người: “anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. vì con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,42-45). Làm người phục vụ anh em, nghĩa là ưu tiên quan tâm nhu cầu của anh chị em hơn nhu cầu của bản thân. Viễn tượng của Đức Giêsu về người lãnh đạo như thế có thể gây sốc cho chúng ta, những thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, nhất là trong hoàn cảnh ngày nay, khi người ta bận tâm tìm kiếm chỗ ngồi, địa vị, quyền lực, và lợi ích cho bản thân mình hơn là tìm cơ hội khiêm tốn phục vụ.

 Khi Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu, người ta “cố dò xét Người” (Lc 14,1), nhưng thật ra khi đó, chính Đức Giêsu đang quan sát cách họ ứng xử với nhau; Người “nhận thấy” họ cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên đã khuyên nhủ họ qua dụ ngôn. Thế nhưng lời khuyên dành cho khách dự tiệc dường như chẳng có gì đặc biệt, bởi theo phong tục người Do Thái, người chủ tiệc không dành riêng một số ghế cho các vị khách quan trọng hay các bậc vị vọng, cũng không có nhóm tiếp tân hướng dẫn khách mời vào các chỗ dành riêng; quan khách phải tự căn cứ vào địa vị bản thân mà chọn chỗ ngồi thích hợp. Vậy nên, cách ứng xử ngôn ngoan là đừng ngồi vào chỗ quan trọng nhất, tránh phải nhường chỗ và phải “mất mặt”, thay vào đó, hãy chọn chỗ khiêm tốn hơn, để sau đó có thể được hãnh diện và vinh dự khi được mời công khai lên vị trí quan trọng hơn. Hẳn là mỗi người có thể tự đúc kết kinh nghiệm để biết cách ứng xử khôn ngoan như thế.

 Trong khi lời khuyên dành cho khách dự tiệc dường như không có gì đặc biệt, thì lời khuyên dành cho chủ tiệc lại thật sự lạ thường: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,12-14). Chắc hẳn lời khuyên của Đức Giêsu dành cho khách dự tiệc không thể được hiểu ở mức độ khôn khéo thông thường, nhưng cần được hiểu trong viễn tượng bữa tiệc nước trời: “Phúc thay ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa!” (Lc 14,15).

 Thật vậy, ai trong chúng ta có thể tự căn cứ vào địa vị bản thân để chọn chỗ cho mình trong Tiệc Nước Trời? Có chỗ trong Tiệc Nước Trời là một đặc ân nhưng không Thiên Chúa chuẩn bị sẵn cho mỗi người chúng ta. Trong viễn tượng Nước Trời, chúng ta đều nghèo hèn và lỗi tội, như thánh Phao-lô nói, trong Đức Ki-tô không có phân biệt giữa nam và nữ, giữa Do Thái và Dân Ngoại, giữa người tự do và người nô lệ. Chúng ta trở nên giống nhau trong thân phận, trong phẩm giá và ân sủng. Đó chính là chỗ nhất của mỗi người chúng ta. Chính trong viễn tượng nước trời, chúng ta nhận ra tâm thế ứng xử của người môn đệ Đức Giêsu, đó là phục vụ cách nhưng không: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).

 Hồi tâm. 

1/ Tôi trải nghiệm thế nào trong vai trò lãnh đạo cộng đoàn?

 2/ Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, có khi nào tôi không được cư xử tương xứng, thiếu tôn trọng? Khi đó, tôi cảm nghĩ thế nào và ứng xử ra sao?

 3/ Khi nghĩ đến cung cách lãnh đạo phục vụ như Đức Giêsu mời gọi, tôi thường nghĩ đến điều gì, nhớ đến ai? Ai từng làm gương cho tôi về cung cách lãnh đạo phục vụ? 

Lm. Toma Vũ Ngọc Tín, SJ.

 

 


Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI

CÁC CÔNG TÁC TIN MỪNG HÓA CẤP BÁCH:

CHÍNH TRỊ – KINH TÊ – LAO ĐỘNG 

Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17:18-19) 

Ki-tô hữu nói chung, và giáo dân nói riêng, thực hiện ơn gọi Ki-tô hữu của riêng mình qua việc sống Tin Mừng ngay giữa lòng thế giới hôm nay. Họ cảm thấy cấp bách phải làm dậy lên sức mạnh muối men và ánh sáng của Tin Mừng, hầu ướp mặn và soi sáng những nguyên lý hiện chi phối các sinh hoạt của thế giới con người, trong đó, hơn bao giờ hết, nổi bật hai lãnh vực quan trọng là chính trị và kinh tế. Hai lãnh vực này nhất thiết cần phải được Tin Mừng mau chóng giải thoát khỏi bị chi phối bởi dục vọng do lòng tham vô đáy của con người gây nên. Đây chính là nguyên nhân của mọi chia rẽ, mọi tranh chấp và chiến tranh trong chính trị, cũng như mọi bóc lột và bất công trong hoạt động kinh tế đang hoành hành trên thế giới hôm nay. 

1/ Nhận thức tầm quan trọng của chính trị

 Chính trị, trong ý nghĩa và nội dung tinh ròng của nó, chính là đường hướng sinh động các trật tự trần gian của tập thể con người, hòng phục vụ cho cá nhân, gia đình và tập thể xã hội như quốc gia dân tộc cách hữu hiệu nhất. Đó là khía cạnh ‘đời công’ của con người, và liên quan tới nhiều lãnh vực như kinh tế, trật tự công cộng, luật pháp, hành chính và văn hóa v.v…, theo hướng làm thăng tiến cách có tổ chức lợi ích chung - cũng được gọi là ‘công ích’. Mọi Ki-tô hữu nói chung, và giáo dân cách riêng, nhân danh những đòi hỏi của Tin Mừng, không thể nào sao lãng bổn phận tham gia vào các hoạt động chính trị và kinh tế, nhất là trong thế giới và xã hội hôm nay (xem CFL số 42). Công Đồng Va-ti-can II thậm chí đã nhiệt liệt biểu dương sự tham gia này, và coi đó như nét chuyên biệt của người giáo dân Ki-tô hôm nay: “Hội Thánh coi công việc của những ai dấn mình vào các việc công ích của quốc gia, và chấp nhận những lao nhọc nặng nề của công tác này, tới tinh thần phục vụ tha nhân, là rất đáng khen ngợi” (GS số 75).

 Điều này cần được mọi phần tử Hội Thánh ngày nay đặc biệt lưu tâm, vì đã có một thời, người ta coi chính trị như một lãnh vực mà bất cứ Ki-tô hữu thuần khiết nào cũng cần xa lánh. Nhiều người quan niệm rằng giữ đạo (đồng hóa với việc sống Tin Mừng) là chuyện hoàn toàn riêng tư, không liên quan gì tới lãnh vực công hay chính trường, vì đây là hố sâu phản Tin Mừng nguy hiểm nhất, đầy rẫy những thủ đoạn phi nhân. Chính vì lẽ đó mà ngày nay, các Ki-tô hữu càng phải thay đổi não trạng tự tách biệt, để biết tích cực dấn mình vào các hoạt động phục vụ công ích, đặc biệt là quan tâm và tham gia chính trị, hầu làm thay đổi bộ mặt xã hội con người. Hơn bao giờ hết, Hội Thánh thời hậu Va-ti-can II mong ước các Ki-tô hữu giáo dân thoát ra khỏi thái độ hoài nghi cũng như lãnh đạm đối với chính trị và kinh tế. Họ hoàn toàn không được phép từ chối tham gia sinh hoạt chính trị, viện cớ rằng chính trị là môi trường nguy hiểm cho luân lý và lương tâm… Hơn thế nữa, họ còn phải xác tín rằng: chính trị chính là lãnh vực cống hiến cho mình môi trường phục vụ Tin Mừng sâu xa và hữu hiệu nhất.   

2/ Các tiêu chuẩn Tin Mừng soi dẫn

 Được soi sáng và thúc đẩy bởi Tin Mừng tình yêu của Đức Ki-tô, mọi Ki-tô hữu, trong thái độ cũng như trong tham gia chính trị, đặc biệt chính trị đảng phái, đều cần lưu ý tới các tiêu chí sau đây :

 1/ Chính trị chân chính phải luôn nhằm phục vụ con người và xã hội, phải có ý hướng chắc chắn là tích cực bảo vệ và cổ súy cho nền công lý và hòa bình mọi nơi.

 2/ Mọi sử dụng quyền hành trong chính trị đều phải đặt nền tảng trên tinh thần phục vụ (cũng được gọi là ‘công ích’). Đây là điều kiện cơ bản giúp cho các hoạt động của những ai tham gia chính trị, nhất là chính trị đảng phái, được luôn ‘trong sáng’ và ‘liêm khiết’.

 3/ Phải ý thức rằng: tình liên đới sẽ là phương thế duy nhất để thực hiện một nền chính trị chân chính, hướng đến phát triển và tiến bộ đích thực của con người và xã hội. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh thế giới hôm nay, sự liên đới phải được thể hiện trong chính trị trên bình diện ngày càng rộng lớn hơn, nhiều khi vượt ra khỏi lằn ranh của gia tộc, địa phương hay quốc gia, để tiến tới bình diện đa quốc mang tầm cỡ thế giới, hầu xây dựng được một nhân loại đại đồng hòa bình và phát triển. 

Để làm được điều đó, Hội Thánh luôn nhắc nhở các Ki-tô hữu rằng: họ cần tôn trọng tính cách độc lập của các thực tại trần thế, đồng thời cũng biết làm chứng cho những giá trị đích thực của Tin Mừng, những giá trị luôn hướng tới việc nâng cao phẩm chất của từng con  người và toàn xã hội. Trong mọi dấn thân trần thế, nhất là trong lãnh vực chính trị và kinh tế, các Ki-tô hữu giáo dân cần biết áp dụng cách khôn ngoan và sáng tạo Học thuyết Xã hội của Tin Mừng đã được Hội Thánh đề xuất. Họ cần học hỏi, thấu triệt, và khôn ngoan ứng dụng học thuyết này vào những hoàn cảnh đa diện và phức tạp của môi trường sống mình. 

3/ Tin Mừng hóa lãnh vực kinh tế

 Một trong các mục tiêu của đời sống con người mà chính trị cần giải quyết là: làm sao thăng tiến được lãnh vực kinh tế của mỗi người và của toàn xã hội. Đây là lãnh vực mà thế giới hôm nay đang có những phát triển nhanh chóng vượt bậc, đồng thời cũng tiềm tàng không ít những bất bình đẳng và bất công to lớn. Trong khi hướng tới mục tiêu gia tăng của cải vật chất nhằm phục vụ đời sống con người và xã hội tốt hơn, chính kinh tế lại dễ bị chi phối bởi những nguyên tắc phi đạo đức, sao lãng (thậm chí còn chống lại) phẩm giá đích thực và những giá trị sâu xa nhất của con người và xã hội. Chính vì lẽ đó mà Tông huấn Ki-tô hữu Giáo Dân, dựa trên đường hướng đã được Công Đồng Va-ti-can II vạch ra (xem GS số 63), đã mạnh dạn lên tiếng như sau: “Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế và xã hội.” (CFL số 43) 

Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, khi công bố Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, đã nêu lên một số nguyên tắc Tin Mừng cơ bản, một số những công việc cụ thể cần làm, và một thái độ căn bản mà người Ki-tô hữu cần có, khi tiến hành các hoạt động kinh tế và lao động (xem các số 38-39),:

 1/ Thiên Chúa ban tặng các của cải trên mặt đất cho tất cả và cho từng con người; nói cách khác, mọi của cải đều mang tính phục vụ và xã hội

 2/ Quyền tư hữu có chức năng tiên quyết là phục vụ từng con người và xã hội; không ai được phép sử dụng quyền này mà tách nó ra khỏi mục tiêu phục vụ

 3/ Lao động là quyền lợi và bổn phận của mọi công dân trong xã hội, bất luận là nam hay nữ. Tự nó, lao động tiềm tàng những giá trị to lớn nâng cao con người và xã hội, vượt lên trên cả những giá trị và lợi ích thuần kinh tế. 

4/ Nhiệm vụ cấp bách của Ki-tô hữu giáo dân trước vấn đề lao động

 Kể từ cuộc bùng nổ cách mạng kỹ nghệ vào giữa thế kỷ XIX, vấn đề kinh tế và lao động không ngừng chuyển biến để trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn thế giới hôm nay. Đứng trước những chuyển biến phức tạp đang diễn ra trong lãnh vực lao động và kinh tế, mà hậu quả của chúng là liên tục đảo lộn cuộc sống con người và xã hội, Ki-tô hữu giáo dân chúng ta cần có nhận thức rằng: Hội Thánh thời hậu Va-ti-can II đang trao vào tay mình những trọng trách rất lớn hòng cải tạo thế giới, đó là:

1/ Ki-tô hữu (đặc biệt giáo dân) phải là những người tiền phong tìm mọi cách giải quyết các vấn đề của nạn thất nghiệp đang gia tăng; vừa bảo đảm tiến bộ trong lao động sản xuất, lại vừa duy trì được phẩm giá của người lao động khi tạo nên những sản phẩm hữu ích.

 2/ Họ cũng phải không ngừng đấu tranh để chống lại vô vàn những bất công phát sinh từ những cơ chế phi nhân trong lao động và sản xuất.

 3/ Họ còn phải nỗ lực biến nơi làm việc thành một môi trường sống hiệp thông mang tính cộng đoàn, nơi mỗi con người đều có quyền tham gia, và nhân phẩm được tôn trọng. Trong cộng đoàn lao động này, họ sẽ nỗ lực phát huy những mối liên đới mới mẻ và bền chặt giữa những con người cùng chung tay làm việc, hầu tạo nên một hình ảnh sống động của một xã hội đoàn kết và yêu thương.

 4/ Họ còn phải nỗ lực sáng tạo những hình thức sản xuất kinh doanh mới để thúc đẩy tiến bộ, thông qua những trao đổi kỹ thuật cởi mở đầy tương tác; đồng thời không ngừng duyệt xét lại các hệ thống thương mại và tài chánh, hầu xóa bỏ tối đa những bất bình đẳng và bất công dễ dàng xảy ra.

 Tóm lại, Tông Huấn minh định thái độ tích cực của Ki-tô hữu giáo dân trước các vấn đề kinh tế và lao động như sau: “Họ phải chu toàn công việc của mình với khả năng nghề nghiệp chuyên môn, với tính liêm khiết của con người, và với tinh thần Tin Mừng như là phương tiện để thánh hóa chính mình” (CFL số 43).

 Như thế, ta có thể không chút hổ thẹn khẳng định rằng: chính qua lao động, hoạt động kinh tế và tham gia chính trị mà các Ki-tô hữu giáo dân tìm được cho mình con đường sống Tin Mừng và thánh hóa bản thân. Chúng ta mơ ước sớm có được những diện mạo Ki-tô hữu giáo dân như thế, hầu có thể giới thiệu cho nhân loại biết về các giá trị tích cực của Tin Mừng có khả năng dẫn dắt thế giới hôm nay đi đúng đường. 

Câu hỏi gợi ý:

1/ Là người Ki-tô hữu Việt Nam, chúng ta có ý thức gì về trách nhiệm chính trị của mình đối với tổ quốc và đồng bào của mình không? Nói cách khác, chúng ta có chứng minh được rằng: các giá trị Tin Mừng là rất cần thiết cho sự phát triển lâu bền của đất nước chúng ta hay không?

 2/ Thái độ của bạn đối với lao động nói chung, và công việc làm ăn của mình nói riêng, có được các nguyên lý Tin Mừng về nhân văn và liên đới soi dẫn không? Nói cách khác, tiêu chuẩn Tin Mừng có hướng dẫn bạn trong việc lựa chọn công ăn việc làm không? 

 

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

MƯỜI MÔN ĐỆ KIA TỨC TỐI... 

“Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó”. (Mt 20,24)

Dẫn vào

Theo tâm lý học, một trong những cách thức hỗ trợ việc nhận định tâm tính vốn khá phức tạp của con người là phân chia tính tình con người thành ba loại: (1) phân loại A (aggressiveness: sự hung hăng, khẳng định mạnh mẽ); (2) phân loại B (balance: sự quân bình, thích ứng hài hòa); (3) phân loại C (can: cái hộp kim loại, khả năng chứa đựng). Sự thành công hay thất bại của ai đó theo từng phân loại có thể được điều chỉnh nhờ hiểu biết tính khí bản thân mình thuộc phân loại nào, thường có khuynh hướng ứng xử như thế nào.

 Thật vậy, nhớ lại nội dung ba bài viết liền trước bài viết này, chúng ta có thể nói: nếu muốn ngồi bên hữu hay bên tả của Thầy Giê-su là khuynh hướng tự nhiên của hầu hết mọi người thì rõ ràng nên xếp hai anh em “con ông Dê-bê-đê” và cả bà mẹ của hai anh em này vào Phân loại A,[1] với ý thức những vị này sẽ phải trải qua việc đón nhận những thực tiễn “uống chén đắng” của Phân loại C,[2] trong khi đó, ai cũng cần phải nỗ lực vượt qua chính mình, và đạt đến sự ổn định của Phân loại B.

 Theo đó, chủ đề “Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,24) của bài chia sẻ lần này có thể giúp quý chức các hội đồng hội đoàn giáo xứ suy nghĩ nhiều hơn về vai trò phục vụ của mình, như chính các tông đồ, các môn đệ… noi gương tinh thần yêu thương phục vụ hết mình của Thầy Giê-su năm xưa. 

Nghe vậy...

Khá nhiều các tông đồ, các môn đệ của Thầy Giê-su năm xưa thuộc Phân loại A một cách rõ ràng: hăng hái, quyết đoán, cạnh tranh, táo bạo, chạy đua với thời gian, ghét bị thua cuộc…. Chẳng vậy mà chỉ cần nghe thấy bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, nài xin Người cho hai con của bà được ngồi bên hữu, bên tả của Người… thì các ông phản ứng ngay, hết sức tức tối. Tương tự, chỉ cần nghe thấy ai đó trong hàng ngũ anh chị em quý chức chúng ta gặp nhiều may mắn, lại sắp được bầu chọn vào một chức vụ cao hơn mình, chúng ta có thể sẽ cảm thấy bị thôi thúc phải làm điều gì đó, phải cạnh tranh quyết liệt, muốn chạy đua với thời gian để cũng được tiến cử vào chức vụ cao hơn như vậy (hoặc hơn vậy). Chúng ta ghét bản thân mình phải sắm vai người thua cuộc, chúng ta không thích “… là người đến sau”. 

… mười môn đệ kia tức tối

Vì ghét sắm vai người thua cuộc, ai đó mới dễ dàng bực bội, dễ dàng tức tối…. Khi bực bội, tức tối, người ta không quan tâm đến thực tiễn luôn đòi hỏi những ai đó ở vị trí cao phải có khả năng chịu đựng;[3] phải uống được chén đắng Thầy Giê-su uống.[4] Nghĩa là, Thầy Giê-su, các tông đồ, các môn đệ đều phải trải qua những đòi hỏi của Phân loại C: biết chịu thương chịu khó, bó buộc bản thân, biết nhẫn nhịn chịu đựng.[5] Chẳng vậy mà khi gắng sức uống chén đắng một cách thái quá, cơ thể những người thuộc Phân loại C có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí sau đó là trầm cảm (khả năng miễn dịch suy giảm, dễ dẫn đến ung thư). Nghĩa là, chính chúng ta, những người trong vai người phục vụ giáo xứ, cũng dễ dàng trở nên tức tối khi “phải” phục vụ những người xung quanh. Thật ra, Chúa dạy rõ ràng: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.[6] 

… tức tối với hai anh em đó

Khi hành động của bản thân không minh nhiên tỏ ra mình là những người sẵn sàng phục vụ… thì chính đó là lúc chúng ta hay tức tối với những người xung quanh, những người đang cần chúng ta giúp đỡ. Trong khi đó, với danh nghĩa là những quý chức hội đồng hội đoàn giáo xứ, chúng ta được mời gọi nên như các tông đồ, các môn đệ, những người theo Chúa – như chính các vị này đã noi gương Thầy Giê-su – tình nguyện phục vụ, đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.

 Vậy ra, khởi đầu là tính cách thuộc về Phân loại A, chúng ta cần tránh rơi hoàn toàn vào Phân loại C. Nghĩa là, chúng ta cần khéo léo cân bằng tính cách của mình để có thể thuộc về Phân loại B: ôn hòa, dễ chịu, không nuôi cảm giác cấp bách về thời gian, không tham vọng, nhưng vẫn dồi dào lý tưởng, và luôn lạc quan. Thật ra, tức tối, bực bội… với những người là đối tượng mà chúng ta tự nguyện cam kết yêu thương phục vụ là một sai lầm kép. Tức tối, bực bội đã không được gì mà bực bội, tức tối lại còn làm mất đi “những người bạn”. Đành rằng, muốn thành công phải là người có khuynh hướng thuộc về Phân loại A; muốn được nổi tiếng là người tốt, cần phải là người có khuynh hướng thuộc về Phân loại C. Tuy nhiên, người tốt nhất và thành công nhất chính là người có tính cách thường xuyên thuộc về Phân loại B. 

Chuyện vui minh họa

Một anh chồng trẻ nọ vừa tan sở chạy vội về nhà dùng cơm tối với gia đình. Thấy cô vợ đang đánh phạt đứa con trai nhỏ, anh ta bỏ đi thẳng vào nhà bếp. Lại thấy nồi cháo gà đang nghi ngút khói trên bàn, anh ta nhanh nhảu múc ngay một tô để ăn. Ăn xong, thấy vợ vẫn còn đang đánh phạt đứa con, anh ta không nhịn nổi, bèn nói: “Giáo dục con cái đừng dùng roi vọt, phải giảng giải cho con hiểu chứ…”. “Anh biết không…”, chị vợ nói, “em mất công nấu nồi cháo gà thơm ngon là thế mà nó lại tè vào một bãi, tức tối quá chừng đi…”. Anh chồng vừa nghe đến đó liền nổi cơn “lôi đình”, tức tối giận dữ quát: “Á à, á à… thôi em nghỉ ngơi một chút đi, để anh xử lý cho…”. 

Câu hỏi giúp thảo luận

Với đề tài chủ đạo “Ơn gọi của người giáo dân trong gia đình, Giáo hội, và xã hội”, trong Đại hội Ủy Ban Giáo Dân từ ngày 16 đến 18-7-2019 vừa qua tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, bạn có cảm thấy ý thức hơn về ơn gọi được làm giáo dân quý chức hội đồng, hội đoàn giáo xứ? Bạn nghĩ tính cách của bạn thuộc phân loại nào theo tâm lý học (A, hay B, hay C)?

Khi gặp chuyện bất bình, bạn thường ứng xử ra sao? Có khi nào vừa nghe biết một nguồn tin trái ý, không như mong đợi… bạn nổi giận ngay lập tức không? Bạn thường ứng xử như thế nào? Theo bạn, có nên tùy tiện đánh giá việc này việc nọ không?

20-7-2019, GTHH

 

PHẦN MỤC VỤ

Uống nước nhớ nguồn 

Lời mở

Tháng 7 năm 2010, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu công nhận việc tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh là một trong những quyền căn bản của con người. Người ta có thể nhịn ăn 1,2 tháng trời mà không chết, nhưng nếu không uống nước trong vòng 3-4 ngày, không ai có thể sống. Nước không phải chỉ hết sức cần thiết và quan trọng đối với con người,  nước còn là cội nguồn của tất cả các dạng sống, từ những đơn bào, cho đến thực vật, động vật. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu vai trò của nước trong đời sống tự nhiên của con người và trong đời sống siêu nhiên của người tín hữu để có thái độ sống đúng đắn. 

1. Nước trong đời sống tự nhiên

Theo nghiên cứu của Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI), nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn. Theo bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2006, có tới 1,1 tỉ người không tiếp cận được nước sạch và hơn 2,6 tỉ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản. 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,43 triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường[7].

 Ở Việt Nam, có tới 80-90% phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long mắc bệnh phụ khoa vì không có nước sạch, phải dùng trực tiếp nước sông, nước kênh. Hầu hết các học sinh Việt Nam không uống đủ nước vì sợ không dám dùng nhà vệ sinh ở trường do quá dơ bẩn. 

1.1. Vai trò của nước trong cơ thể con người

Khoảng 70% cơ thể chúng ta là nước. Nước xuất hiện ở tất cả các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Hàm lượng nước trong gan là 86%, não 85%, phổi 83%, máu 83%, thận 83%, cơ bắp 75%, da 64%, thấp nhất là xương: 31%.

Nước có vai trò điều hoà nhiệt độ cơ thể. Khi nhiệt độ môi trường biến đổi, nước sẽ điều hoà thân nhiệt bằng cách toát ra mồ hôi.

Nước cũng vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến mỗi tế bào qua hoạt động của dạ dày, ruột non. Nước thực hiện chức năng giải độc, lấy đi các chất thải độc hại ở tế bào. Nhờ nước, các thức ăn đưa vào cơ thể được chuyển hoá và được phân giải về mặt vật lý và hoá học, hệ tiêu hóa chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích và bài tiết chất thải ra ngoài. Nước đóng vai trò làm dung môi trong suốt quá trình này.

Nước còn làm trơn các khớp xương để xương vận hành nhịp nhàng trơn tru, không bị tổn thương. Nước còn giúp làm sạch phổi bằng cách gột rửa những bụi bẩn, virus, vi khuẩn, khói thuốc. Não cần nước nhiều hơn các cơ quan khác, nên não sẽ báo hiệu để rút nước từ các cơ quan ấy. Vì thế chúng ta cần uống nhiều nước để não làm việc ổn định, đầu óc minh mẫn. Các cơ bắp cần nước để hoạt động. Nếu thiếu nước ta sẽ bị mỏi cơ, cảm thấy rã rời, không muốn vận động.

Người trưởng thành có khoảng 5 lít máu. Tim bơm tất cả 5 lít máu này đi khắp cơ thể trong mỗi phút. Các thành phần của máu gồm: huyết tương (chiếm 54%), hồng cầu (45%), bạch cầu và tiểu cầu (1%); máu sẽ thu nhận các chất dinh dưỡng được hấp thu từ ruột cũng như oxy từ phổi để chuyển chúng đến các tế bào. Máu cũng lấy đi các hoá chất do tế bào thải ra như urê và acid lactic đến gan và thận để thải ra ngoài. Nước là thành phần chính của máu, chiếm tới 92%., nhất là trong huyết tương. Hiểu được vai trò quan trọng của nước trong cơ thể, chúng ta phải tập thói quen uống đủ nước mỗi ngày: như uống một ly nước ngay khi thức dậy, luôn mang theo nước bên mình, đặt lịch uống nước cách nhau khoảng 2 giờ trong thời gian làm việc ban ngày, uống nước trước khi ngủ để cơ thể ở trong trạng thái thư giãn, góp phần tái tạo tế bào và hỗ trợ các cơ quan hoạt động trong đêm. Nên uống nước từ từ và uống từng ngụm nhỏ. 

1.2. Chiến tranh nước

Do tình trạng ô nhiễm trên thế giới mỗi ngày một nặng và dân số ngày càng tăng, nước sạch sẽ là một tài nguyên quý giá hơn cả dầu mỏ trong thế kỷ 21. Dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nhiên liệu khác như điện, nhiên liệu sinh học, gió, khí đốt… còn nước lại không thể thay thế, nên nhiều dân tộc đang muốn chiếm hữu nước thật nhiều để bảo đảm cuộc sống cho mình. Vì vậy có thể tạo nên một cuộc chiến tranh nước trong tương lai gần.

Tài nguyên nước là các nguồn nước mà con người có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng, giải trí và môi trường. Hầu hết các hoạt động này cần nước ngọt. Tuy nhiên, 97% nước trên trái đất là nước muối, chỉ có 3% còn lại là nước ngọt. 2/3 lượng nước ngọt này tồn tại nơi các sông băng và khối băng ở các cực Nam-Bắc[8]. Phần còn lại không đóng băng được tìm thấy chủ yếu ở dạng nước ngầm, chỉ một tỉ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất ở các sông hồ và trong không khí[9]. Nước mặt ở các sông hồ được bổ sung bởi lượng mưa, mưa tuyết, mưa đá và nó sẽ mất đi khi chảy vào đại dương, bốc hơi hoặc ngấm xuống đất[10]. Việc cung cấp nước ngọt và sạch trên thế giới đang từng bước giảm đi, trong khi nhu cầu tăng do dân số thế giới tăng cũng như do các vùng đất ngập nước trên thế giới giảm đi một nửa trong suốt thế kỷ 20.

Dù nhiều nơi hầu như không mất tiền mua nước, nhưng đó là thứ giá trị nhất hành tinh. Nhiều nước hiện nay phát động chiến tranh giành giật tài nguyên dầu mỏ: nhưng tất cả hàng hoá giá trị nhất thế giới sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu thiếu nước.

Chính vì thiếu ý thức về giá trị của nước nên hiện nay người ta đang khai thác cạn kiệt và làm bẩn nước do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Cách đây 2000 năm, chỉ có khoảng 250 triệu người trên trái đất, vào năm 2019 này, có hơn 7,7 tỉ người. Các vùng sa mạc trên thế giới ngày càng mở rộng. Mực nước ngầm đang giảm 1m/năm. Những khối băng trên dãy Himalaya đang tan chảy với tốc độ báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước của các sông chính như sông Mekong, Dương Tử (ở Trung Quốc), sông Hằng (ở Ấn Độ), sông Ấn (ở Pakistan). Trung Quốc bị cáo buộc gây ô nhiễm nguồn nước nhiều nhất khi đổ các chất thải vào các con sông[11].

Theo thông tin của một số cơ quan chính quyền Thái Lan, Lào, Việt Nam và Uỷ hội sông Mekong (MKC): mực nước sông Mêkông trong đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7/2019 đã ở mức thấp nhất, dưới cả mức tối thiểu trong nhiều năm. Ba nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm nguồn nước sông Mêkông: do hạn hán, lượng mưa quá ít, kế đến là việc giảm nguồn nước xả ra từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Cuối cùng là kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi ở Lào dự kiến hoạt động chính thức vào tháng 10/2019[12].

Học thuyết Xã hội Công giáo nói đến quyền có nước sạch là một quyền căn bản và phổ quát của con người[13], nói đến tình trạng thiếu nước sạch, kém phát triển và nghèo đói của nhiều nước trên thế giới (số 447) và nhắc đến mục tiêu phổ quát của của cải và nước (số 484)[14]. “Tự chính bản thân của nó, nước không thể được xem như một trong nhiều thứ hàng hoá của con người, nó cần được sử dụng cách hợp lý và liên đới với những người khác: Quyền có nước, cũng như các quyền khác của con người, được đặt trên nền tảng là phẩm giá con người, chứ không phải dựa trên bất cứ việc đánh giá đơn thuần theo định lượng nào mà coi nước chỉ như một hàng hoá kinh tế không hơn không kém. Không có nước, sự sống bị đe doạ. Thế nên, quyền có nước uống an toàn là quyền của mọi người trên thế giới và là quyền không thể chuyển nhượng[15]. 

2. Nước trong đời sống siêu nhiên

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nghĩa là có thể xác và tinh thần, nên tầm quan trọng của nước trong đời sống siêu nhiên cũng không thua kém so với đời sống tự nhiên. 

2.1. Nước theo ý nghĩa Thánh Kinh

Nước là nguồn mạch, là tiềm năng của sự sống[16]. Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng hình ảnh nước hằng sống để nói về sự sống siêu nhiên do Người ban cho nhân loại[17].

Trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài việc uống để sống, người ta còn dùng để tắm rửa, giặt giũ. Vì thế, trong đời sống siêu nhiên, nước chỉ sự thanh tẩy. Người ta dùng nước đã làm phép để tẩy sạch tội lỗi con người[18].

Nước là hình ảnh của Thần Khí[19] và sự sống do Chúa Giêsu trao ban đặc biệt qua biến cố Thập Giá khi Người đổ máu và nước từ vết thương ở cạnh sườn Người (x. Ga 19,34).

Vì thế, nước được sử dụng nhiều trong các nghi thức, bí tích và phụng vụ của Giáo hội Công giáo, tượng trưng cho việc tham dự vào sự chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô. 

2.2. Nước trong đời sống đạo đức

Người tín hữu Công giáo cần nhìn lại cách sử dụng nước tự nhiên trong đời sống hằng ngày để phát huy một sức khỏe ổn định giúp cho mọi hệ thống trong cơ thể hoạt động tốt đẹp. Mỗi ngày cần phải uống đủ nước, khoảng 2 lít, trong điều kiện bình thường. Tránh uống những loại nước ngọt, bia rượu đầy hóa chất như hiện nay, nhất là trong các bữa tiệc, bữa ăn. Nên tránh uống nước trước bữa ăn khoảng 1 giờ để khỏi làm loãng các dịch vị và men tiêu hoá trước khi ăn, cũng như nên uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ để giúp tiêu hoá các chất bổ trong đồ ăn và hấp thu qua các lông mao trong ruột non.

 Việc dùng nước để tắm rửa, giặt giũ như mời gọi ta thanh tẩy tâm hồn bằng bí tích Giải Tội như một lần tắm rửa thiêng liêng. Ta nên tạo thói quen chừng 2 tháng đi xưng tội một lần, nếu không có tội trọng đặc biệt cần xưng thú sớm. Việc thanh tẩy đó còn là dịp giúp ta nhìn lại đời sống để định hướng cho giai đoạn sống mới.

 Bài học ý nghĩa của nước đến từ các dòng sông: dòng Cửu Long đầy phù sa, dòng Hồng Hà đỏ thắm hay dòng Hương Giang lững lờ, cũng như mọi con sông trên thế giới, tất cả đều chảy ra biển. Không một sông nào muốn chảy ngược dòng. Ta tưởng chừng như chúng đã chết khi hòa mình vào biển cả bao la, nhưng thật sự không dòng sông nào chết cả, nên không một giọt nước nào của chúng bị mất. Hơi nước từ sông, từ biển bốc lên thành mây, thành mưa trả lại cho chúng dòng nước tinh khiết từ trời[20]. Những rác bẩn thối tha người ta đổ vào các dòng sông sẽ được ướp mặn, chuyển hoá nên con người mới có dòng nước ngọt sạch trong. 

Lời kết

Hiểu được bài học từ những dòng sông, ta mới âm thầm làm việc, hy sinh cho đời như những giọt nước quảng đại trao tặng sự sống cho con người mà chẳng cần biết người dùng nó là tốt hay xấu, nghèo hèn hay giàu sang, xinh tươi hay xấu xí. Vì thế, mỗi lần uống nước ta lại nhớ đến nguồn nước từ trời. 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 Câu hỏi gợi ý

1. Mỗi ngày bạn uống bao nhiêu nước và uống như thế nào?

2. Bạn làm gì để bảo vệ nguồn nước tự nhiên  của con sông gần nơi bạn ở?

3. Bạn học được bài học đạo đức nào từ những dòng sông?

4. Bạn cần làm gì để sử dụng nguồn nước sạch cách hữu ích cho bản thân và cho người khác?

 


[1] X. Mt 20,20.

[2] X. Mt 20,23.

[3] Mt 20,22-23.

[4] Mt 20,21.

[5] Thậm chí, những người thuộc phân loại này còn có xu hướng nghiêng chiều về ức chế bản thân, dù cảm thấy bất an cũng ít khi biểu hiện ra bên ngoài. Có người còn bị trầm cảm!

[6] Mt 20,23.

[7] x. Wikipedia, bài Chiến tranh nước, Internet

[8] x. Earth’s Water distribution, United states Geological Survey, internet, 13/5/2019.

[9] x. Scientific Facts on Water: State of the Resource Green Facts website, internet, 31/1/2008.

[10] x. Wikipedia, Bài Tài nguyên NướcGiáng Thuỷ, Internet.

[11] x. Wikipedia, Chiến tranh Nước, Internet.

[12] x. Báo Tuổi Trẻ, bài Sông Mêkông trơ đáy, ĐBSCL lo hạn mặn khốc liệt, ngày 25/7/2019, tr.7.

[13] x. Tóm lược HTXHCG, số 365, 485.

[14] x. Docat, tr.181, 207, 220.

[15] x. Tóm lược HTXHCG, số 485.

[16] x. Ez  47,1-12; Tv 104; Lv 26,4; Am 4,7; Đn 11,14.

[17] x. Ga 3,5; 4,10-14; 7,37-38; HĐGMVN, Từ điển Công giáo Việt Nam, mục từ Nước, tr.655; Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá, Huấn thị Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại Nước Hằng Sống, 2002, tr.33; Tóm lược HTXHCG, số 463.

[18] x. Ez, 16,4-9; St 18,4; Tv 26,6; Lv 16,4.24; Mt 27,24; 3,11; Lc 11,38-41; 1Cr 6,11.

[19] x. Ga 7,39; Tt 3,5; GLHTCG, số 694-696.

[20] x. Anthony Nguyễn Ngọc Sơn, Sứ điệp loài hoa, Hoa Lưu ly, tr. 11.


Ủy ban Giáo Dân/HĐGMVN


 

LỊCH PHỤNG VỤ