THÁNH LỄ NGÀY THÊ GIỚI TRUYỀN GIÁO

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Vương cung thánh đường Vatican

Chúa nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2019

Tôi muốn suy tư về ba từ được lấy trong các bài đọc trong phụng vụ hôm nay: một danh từ, một động từ và một tính từ.

Danh từ là ngọn núi: Isaia nói về nó khi ông loan báo về một ngọn núi của Chúa, cao hơn các ngọn đồi, nơi mà mọi quốc gia sẽ đổ về (x. Is 2:2). Chúng ta thấy hình ảnh ngọn núi một lần nữa trong Phúc âm khi Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, bảo các môn đệ gặp Người trên núi Galilê; Galilê là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: “Galilê của dân ngoại” (x. Mt 4:15). Do đó, có vẻ như ngọn núi là nơi yêu thích của Thiên Chúa để gặp gỡ nhân loại. Đó là nơi Ngài gặp gỡ chúng ta, như chúng ta thấy trong Kinh thánh, bắt đầu từ Núi Sinai và Núi Carmel, cho đến tận Chúa Giêsu, người đã công bố các Mối Phúc trên núi, đã biến hình trên Núi Tabor, đã hiến mạng sống trên Núi Canvê và lên trời từ Núi Ôliu. Ngọn núi, nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa Thiên Chúa và nhân loại, cũng là nơi Chúa Giêsu đã dành nhiều giờ để cầu nguyện (x. Mc 6:46) để kết hợp trời và đất, và để kết hợp chúng ta, anh chị em của Người, với Chúa Cha.

Từ “ngọn núi” muốn nói gì với chúng ta? Chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và tha nhân. Đến với Thiên Chúa Tối Cao trong thinh lặng và cầu nguyện. Đến với tha nhân, những người chúng ta có thể nhìn bằng một cái nhìn rất khác: cái nhìn của Thiên Chúa – Đấng kêu gọi hết thảy mọi người. Từ trên cao, tha nhân có thể được thấy như một cộng đoàn mà vẻ đẹp hài hoà của nó chỉ có thể được nhận thấy trong cái nhìn toàn thể và bao quát. Ngọn núi nhắc nhở chúng ta rằng anh chị em của chúng ta không phải được lọc lựa, mà phải được ôm ấp, không chỉ bằng cái nhìn, nhưng bằng cả cuộc sống. Ngọn núi liên kết Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta trong một cái ôm duy nhất, đó là lời cầu nguyện. Núi mời gọi chúng ta hướng lên, và xa tránh những thứ mau qua, mời gọi chúng ta tái khám phá đâu là điều thiết yếu, quan trọng và vững bền: Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sứ mạng khởi đi từ ngọn núi: nơi đó, chúng ta nhận ra điều gì thực sự có giá trị. Trong tháng truyền giáo này, chúng ta hãy tự hỏi mình: đâu là điều thực sự có giá trị trong cuộc đời tôi? Tôi muốn leo lên ngọn núi nào?

Một động từ gắn liền với danh từ “ngọn núi”: động từ “đi lên”. Như tiên tri Isaia đã từng khuyến khích chúng ta: “Nào ta cùng lên núi Chúa” (Is 2,3), chúng ta được sinh ra không phải để yên vị trên đất, để thoả mãn những điều tầm thường, nhưng là hướng tới những điều cao cả. Và ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và những người anh chị em của mình.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là chúng ta phải đi lên: “Đi lên” nghĩa là chúng ta phải bỏ lại một điều gì đó, để kháng cự lại sức nặng của thói quy kỷ, để thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình. Đi lên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng đó là cách duy nhất để có được tầm nhìn tốt hơn về mọi thứ. Như những người leo núi biết, chỉ khi bạn lên đến đỉnh, bạn mới có thể có được tầm nhìn đẹp nhất; chỉ khi đó bạn mới nhận ra rằng bạn sẽ không có được tầm nhìn đó nếu không có con đường dốc đó.

Để leo núi, người ta không thể mang quá nhiều thứ. Cũng vậy, chúng ta phải đánh liều bỏ lại những điều không cần thiết. Bí quyết của sứ mạng là: để có thể ra đi, người ta phải bỏ điều gì đó lại phía sau, để có thể rao giảng, người ta phải từ bỏ. Một lời rao giảng đáng tin không phải được thêu dệt bằng những từ hoa mĩ văn chương, nhưng bằng một đời sống gương mẫu: một đời sống phục vụ, một đời sống biết chối từ những thứ vật chất gây nguy hại cho tâm hồn hoặc khiến người ta trở nên vô cảm, thờ ơ; Một đời sống gương mẫu là một lối sống dám từ bỏ để có thể dành giờ cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta tự hỏi mình: Tôi đang nỗ lực leo lên thế nào? Tôi có biết chối từ những bao bị mang tính thế gian, vừa nặng nề vừa vô ích, để leo lên núi Chúa hay không?

Nếu ngọn núi nhắc nhớ chúng ta điều gì là quan trọng – Thiên Chúa và tha nhân – còn động từ “đi lên” cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt tới điều ấy, thì từ thứ ba còn quan trọng hơn, nhất là trong ngày lễ hôm nay: tính từ “tất cả”. Đây chính là từ mà Thiên Chúa không mỏi mệt nhắc đi nhắc lại. Isaia nói với “toàn dân” (Is 2,2), Thiên Chúa muốn “tất cả được cứu” (1 Tm 2,4), con thầy Giêsu nói: “hãy đi và làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Thiên Chúa cố tình lặp lại từ “tất cả”, vì Ngài biết chúng ta luôn sử dụng từ “tôi” hoăc “chúng tôi”, ví dụ: những thứ của tôi, dân tộc tôi, cộng đoàn chúng tôi ... Ngài liên tục sử dụng từ “tất cả”, bởi không ai bị loại khỏi con tim và ơn cứu độ của Ngài. “Tất cả” để con tim của chúng ta vượt ra khỏi những ranh giới con người và chủ nghĩa đặc thù vốn chỉ dựa trên sự quy kỷ. “Tất cả”, bởi mọi người là một kho tàng quý giá, và ý nghĩa cuộc đời được tìm thấy chỉ khi biết trao tặng kho tàng ấy cho người khác. Đây chính là sứ mạng của chúng ta: lên núi để cầu nguyện cho mọi người và xuống núi để trở nên món quà trao ban cho tất cả.

Đi lên và đi xuống: do đó, người Kitô hữu luôn luôn di chuyển, hướng ra ngoài. “Hãy đi” thực sự là mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Phúc âm. Chúng ta gặp nhiều người mỗi ngày, nhưng - chúng ta có thể tự hỏi - chúng ta có thực sự gặp những người chúng ta gặp không? Chúng ta có chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu hay chỉ đơn giản là đi làm việc của riêng mình? Mọi người đều mong đợi những điều từ người khác, nhưng người Kitô hữu đi đến với người khác. Làm chứng cho Chúa Giêsu không bao giờ là để được người khác khen ngợi, mà là yêu thương những người thậm chí không biết Chúa. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu đi ra với tất cả mọi người, không chỉ với những người quen biết của họ hoặc nhóm nhỏ của họ. Chúa Giêsu cũng đang nói với anh chị em: "Hãy đi, đừng bỏ lỡ cơ hội để làm chứng cho Ta!" Anh chị em thân mến, Chúa mong đợi từ anh chị em một lời chứng mà không ai có thể thay thế bạn làm được. "Ước gì bạn có thể nhận ra ý nghĩa của lời ấy, nghĩa là sứ điệp của Đức Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới qua cuộc đời bạn… kẻo bạn thất bại trong sứ mệnh quý giá của mình." (Gaudete et Exsultate, 24).

Đâu là điều Thiên Chúa chỉ dẫn chúng ta khi đến với người khác? Chỉ có một điều thôi, một điều rất đơn giản: làm cho họ trở thành môn đệ. Nhưng hãy chú ý, môn đệ của Thầy, chứ không phải môn đệ của chúng ta. Giáo hội loan báo Tin Mừng chỉ khi Giáo Hội sống cuộc đời của một môn đệ. Một môn đệ đi theo Thầy của mình mỗi ngày và chia sẻ niềm vui làm môn đệ với người khác, không phải bằng cách chinh phục, ép buộc hay kết nạp, mà bằng lời chứng, bằng cách hạ mình và trao hiến với tình yêu mà chính chúng ta đã nhận được. Đây là sứ mệnh của chúng ta: mang lại sự tươi mới và trong trẻo cho những ai đang đắm chìm trong sự ô nhiễm của thế giới, mang đến bình an tràn ngập niềm vui mỗi khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trên núi khi cầu nguyện, cho thế giới thấy rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả và không bao giờ mỏi mệt với bất kỳ ai.

Anh chị em thân mến, mỗi chúng ta đều có và đều là một sứ mạng trên mặt đất này (Evangelii Gaudium, 273). Sứ mạng của chúng ta là làm chứng, chúc lành, an ủi, nâng dậy và làm tỏ rạng vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên! Thầy Giêsu mong đợi rất nhiều từ anh chị em. Cuộc đời của anh chị em là một sứ mạng cao quý: sứ mạng cuộc đời không phải là gánh nặng phải mang lấy, nhưng là một quà tặng để cho đi. Hãy can đảm và đừng sợ đi đến với tất cả mọi người!

Nguồn: vaticannews.va/vi