ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

BÀI GIẢNG

Vatican Basilica

Lễ Chúa Kitô Vua năm B

Chủ Nhật, 25 tháng 11 năm 2012

Lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ kết thúc năm phụng vụ được phong phú thêm qua sự đón nhận vào Hồng y đoàn 6 thành viên mới. Theo truyền thống, tôi đã mời các vị đồng tế thánh lễ với tôi sáng hôm nay. Tôi xin gửi đến mỗi vị lời chào thân ái nhất và cám ơn Đức Hồng y James Michael Harvey vì những lời chào mừng nhân danh tất cả. Tôi chào các hồng y và giám mục khác hiện diện, cũng như các nhà chức trách dân sự, đại sứ, linh mục, tu sĩ và toàn thể tín hữu, đặc biệt là những người đến từ các giáo phận được giao phó cho các hồng y mới chăm sóc mục vụ.

Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ này, Giáo hội mời gọi chúng ta mừng Chúa Giêsu là Vua của Vũ trụ. Giáo hội kêu gọi chúng ta hướng đến tương lai, hay đúng hơn là hướng đến chiều sâu, đến mục đích cuối cùng của lịch sử, đó sẽ là vương quốc chung cuộc và vĩnh cửu của Chúa Kitô. Ngài đã ở với Chúa Cha ngay từ đầu, khi thế giới được tạo thành, và Ngài sẽ biểu lộ trọn vẹn quyền thống trị của mình vào thời điểm tận thế, khi Ngài phán xét toàn thể nhân loại. Ba bài đọc hôm nay nói với chúng ta về vương quốc này. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, trích từ Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện trong hoàn cảnh nhục nhã - Ngài bị buộc tội - trước quyền lực của La Mã. Ngài đã bị bắt, bị lăng mạ, bị chế giễu, và giờ đây kẻ thù của Ngài hy vọng sẽ kết án tử hình Ngài bằng cách đóng đinh. Họ đã giới thiệu Ngài với Philatô như một người tìm kiếm quyền lực chính trị, tự xưng là Vua của người Do Thái. Quan tổng đốc La Mã tiến hành cuộc điều tra và hỏi Chúa Giêsu: "Ông có phải là Vua dân Do Thái không?" (Ga 18:33). Để trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu làm sáng tỏ bản chất vương quyền của Người và bản thân chức vụ Messiah (Đấng Cứu Thế) của Người, không phải là quyền lực thế gian mà là tình yêu phục vụ. Người tuyên bố rằng vương quốc của Người không thể bị nhầm lẫn với một chế độ chính trị: “Vương quyền của Ta không thuộc về thế gian này… không thuộc về thế gian” (câu 36).

Rõ ràng là Chúa Giêsu không có một tham vọng chính trị nào. Sau khi Chúa hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi vì phép lạ, muốn tôn Người làm vua, để lật độ quyền lực của người La Mã và thiết lập một vương quốc chính trị mới, sẽ được coi như Nước Thiên Chúa hằng được mong chờ. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn, không dựa trên võ khí và bạo lực. Và chính việc hóa bánh ra nhiều, một đàng trở thành dấu chỉ sứ mạng cứu thế của Ngừơi, nhưng đàng khác là một lằn ranh trong hoạt động của Người: từ lúc đó, hành trình hướng về Thập Giá ngày càng trở nên rõ ràng hơn; tại đó trong cử chỉ yêu thương tột cùng, Nước Thiên Chúa, nước hứa, sẽ chiếu sáng rạng ngời. Nhưng đám đông dân chúng không hiểu, họ thất vọng, và Chúa Giêsu rút lên núi một mình để cầu nguyện (Xc Ga 6,1-15). Trong trình thuật về cuộc khổ nạn, chúng ta cũng thấy các môn đệ, tuy cùng chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người, nhưng họ nghĩ đến một vương quốc chính trị, được thiết lập nhờ võ lực. Trong vườn Giệtsimani, Phêrô đã rút gươm khỏi vỏ và bắt đầu chiến đấu, nhưng Chúa Giêsu đã chặn ông lại (Xc Ga 18,10-11). Người không muốn được bảo vệ bằng võ khí, nhưng muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng và thiết lập vương quốc của Người, không phải bằng võ khí và bạo lực, nhưng bằng vẻ yếu đuối của tình thương trao ban sự sống. Nước Thiên Chúa là nước hoàn toàn khác với các nước trần thế.

Chính vì thế, đứng trước một người không phương thế tự vệ, yếu ớt, bị hạ nhục, như Chúa Giêsu, một người quyền lực như quan Philatô cũng ngạc nhiên; ngạc nhiên vì ông nghe nói về một nước, về những người phục vụ. Và ông đặt câu hỏi mà ông thấy có vẻ là nghịch lý: “Vậy ông là vua sao?” Một người ở trong hoàn cảnh như thế là vua thuộc loại nào? Nhưng Chúa Giêsu trả lời khẳng định: “Quan nói đúng: tôi là vua. Vì thế, tôi đã sinh ra và đến trần thế; để làm chứng cho sự thật. Ai bởi sự thật thì nghe tiếng tôi” (18,37). Chúa Giêsu nói về vua, về vương quốc, nhưng Người không nói đến sự thống trị, nhưng là sự thật. Quan Philatô không hiểu: có thể có quyền lực lực nào mà không đạt được với những phương thế của con người? một quyền lực không theo tiêu chuẩn thống trị và sức mạnh? Chúa Giêsu đã đến để mạc khải và mang đến một vương quyền mới, vương quyền của Thiên Chúa; Người đến để làm chứng về sự thật của một vị Thiên Chúa là tình thương (Xc 1 Ga 4,8.16) và Người muốn thiết lập một nước công chính, tình thương và an bình (Xc Kinh Tiền Tụng). Ai cởi mở đối với tình thương, thì lắng nghe chứng từ ấy và đón nhận trong niềm tin, để vào Nước Thiên Chúa.

Chúng ta thấy cũng một quan điểm này trong bài đọc đầu tiên mà chúng ta đã nghe. Ngôn Sứ Daniel nói về một nhân vật huyền bí giữa trời và đất, ngự đến trong đám mây và được trao ban quyền bính, vinh quang và vương quốc (7,13-14). “Đó là những lời nói về một vị vua thống trị từ biển này tới biển khác, cho đến tận bờ cõi trái đất với một quyền bính tuyệt đối, không bao giờ bị hủy diệt. Thị kiến này của Ngôn Sứ, thị kiến cứu thế, sáng tỏ và được thể hiện trong Chúa Kitô: Quyền bính của Đức Messia chân chính, quyền bính không bao giờ tàn lụi và không bao giờ bị hủy diệt, không phải quyền bính của các vương quốc trần thế phát sinh rồi suy sụp, nhưng là vương quốc sự thật và tình thương. Theo cách này, chúng ta hiểu được vương quyền mà Chúa Giêsu công bố trong các dụ ngôn và được mặc khải công khai và rõ ràng trước viên tổng đốc La Mã, là vương quyền của chân lý, vương quyền mang lại ánh sáng và sự vĩ đại cho mọi vật.

Trong bài đọc thứ hai, tác giả sách Khải quyền quả quyết cả chúng ta cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô. Trong lời tung hô “Đấng yêu thương chúng ta và đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta bằng máu của Người”, tác giả tuyên bố rằng Chúa Kitô “làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (1:5-6). Ở đây cũng rõ ràng là chúng ta đang nói về một vương quốc dựa trên mối tương quan với Thiên Chúa, với chân lý, chứ không phải là một vương quốc chính trị. Nhờ sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu mở đường cho chúng ta đi vào một quan hệ sâu xa với Thiên Chúa: trong Người, chúng ta trở thành dưỡng tử đích thực, như thế, chúng ta được tham dự vào vương quyền của Chúa trên thế giới. Vì vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là không để cho mình bị thu hút vì các tiêu chuẩn trần thế về quyền lực, nhưng vào thế giới ánh sáng của sự thật và tình thương của Thiên Chúa. Tác giả sách Khải Huyền mở rộng cái nhìn về sự tái lâm của Chúa Giêsu để xét sử và thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, và nhắc nhở chúng ta rằng sự hoán cải, như lời đáp lại ơn thánh của Chúa, chính là điều kiện để thiết lập Nước Chúa (Xc 1,7). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến tất cả và từng người: luôn trở về cùng Nước Thiên Chúa, chủ quyền của Thiên Chúa, Sự Thật, trong đời sống chúng ta. Chúng ta khẩn cầu hằng ngày trong kinh Lạy Chúa với câu “Nước Cha trị đến”, có nghĩa là thưa với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thuộc về Chúa, xin Chúa sống trong chúng con, xin Chúa tập hợp nhân loại đang bị phân tán và đau khổ để trong Chúa tất cả đều được tùng phục Chúa Cha của lòng từ bi và tình thương.

Hỡi các anh em hồng y quí mến, tôi đặc biệt nghĩ đến các tân hồng y mới được tấn phong hôm qua, anh em được ủy thác trách vụ cam go này, đó là làm chứng về Nước Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật. Điều này có nghĩa là luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa và thánh ý Chúa trước những lợi lộc trần thế và quyền lực của nó. Anh em hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã biểu lộ vinh quang của Người trước quan Philato, trong tình trạng tủi nhục như Phúc âm mô tả: Chúa đã biểu lộ vinh quang của Người là yêu thương đến tột cùng, hiến mạng sống cho những người mình yêu. Đó là mạc khải về Nước Chúa Giêsu. Và vì thế, chúng ta hãy đồng tâm hiệp ý cầu nguyện: “Adveniat regnum tuum”, xin cho Nước Chúa được hiển trị. Amen.


Nguồn: archivioradiovaticana.va