Ngài mời gọi các tín hữu trở thành ánh sáng đưa mọi người đến với Chúa bằng cách làm cho tâm hồn chúng ta sáng ngời trong đức tin, với ánh nhìn quảng đại khi chào đón, và bằng những cử chỉ và lời nói đầy tình huynh đệ, đầy lòng nhân hậu và nhân ái. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha.
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Đền thờ Thánh Phêrô
Thứ bảy, ngày 6 tháng 1 năm 2025
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện và chúng tôi đến thờ lạy Người” (Mt 2,2): đây là chứng từ mà các Đạo sĩ đưa ra cho cư dân Giêrusalem, khi loan báo cho họ biết rằng Vua dân Do Thái đã giáng sinh.
Các Đạo sĩ làm chứng rằng họ đã bắt đầu một cuộc hành trình, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời họ, vì họ đã nhìn thấy một ánh sáng mới trên bầu trời. Chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm về hình ảnh này khi chúng ta cử hành Lễ Hiển Linh của Chúa trong Năm Thánh Hy Vọng. Tôi muốn nhấn mạnh ba đặc điểm của ngôi sao mà thánh sử Luca nói với chúng ta: rực sáng, mọi người đều có thể nhìn thấy nó và nó chỉ đường đi.
Ánh sáng duy nhất giúp chúng ta hạnh phúc: tình yêu Thiên Chúa
Trước hết, ngôi sao rực sáng. Nhiều nhà cai trị vào thời Chúa Giêsu tự gọi mình là “ngôi sao”, vì họ cảm thấy mình quan trọng, quyền lực và nổi tiếng. Tuy nhiên, ánh sáng đã mặc khải điều kỳ diệu của biến cố Giáng sinh cho các đạo sĩ không phải là ánh sáng nào trong số những "ánh sáng" này. Sự huy hoàng, giả tạo và lạnh lùng của họ, là kết quả của những tính toán và trò chơi quyền lực, đã không thể đáp ứng nhu cầu của các Đạo sĩ, những người đang tìm kiếm điều mới lạ và hy vọng. Ngược lại, họ được thỏa mãn bởi một loại ánh sáng khác, được tượng trưng bởi ngôi sao, chiếu sáng và sưởi ấm người khác bằng cách để cho mình bị thiêu đốt và tiêu hao. Ngôi sao cho chúng ta biết về ánh sáng duy nhất có thể chỉ cho mọi người con đường dẫn đến sự cứu rỗi và hạnh phúc: con đường tình yêu. Đây là ánh sáng duy nhất có thể làm cho chúng ta hạnh phúc.
Chúng ta được mời gọi trở thành dấu chỉ hy vọng cho nhau
Trước hết, ánh sáng này là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành con người và hiến thân cho chúng ta bằng cách hy sinh mạng sống mình. Khi chúng ta suy tư về ánh sáng đó, chúng ta có thể thấy rằng ánh sáng này mời gọi chúng ta hiến thân cho nhau, và với sự giúp đỡ của Người, trở thành dấu chỉ hy vọng cho nhau, ngay cả trong những đêm tối của cuộc sống. Chúng ta có thể suy nghĩ về điều này: chúng ta có thể rực sáng hy vọng không? Chúng ta có khả năng mang lại hy vọng cho người khác bằng ánh sáng đức tin của chúng ta không?
Bằng tình yêu, chúng ta có thể đưa người khác đến gặp Chúa
Giống như ngôi sao rực sáng đã dẫn đường cho các đạo sĩ đến Bêlem, chúng ta cũng vậy, bằng tình yêu của mình, có thể đưa những người chúng ta gặp đến với Chúa Giêsu, giúp cho họ nhận biết vẻ đẹp của khuôn mặt Chúa Cha nơi Con Thiên Chúa làm người. (x. Is 60,2) và cách yêu thương của Người, qua sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: Thiên Chúa gần gũi, cảm thương và dịu hiền. Đây là tình yêu. Và chúng ta có thể làm được điều đó mà không cần những công cụ phi thường và những phương tiện phức tạp, nhưng đơn giản bằng cách làm cho tâm hồn chúng ta sáng ngời trong đức tin, giúp cho chúng ta có cái nhìn quảng đại khi chào đón người khác, và giúp những cử chỉ và lời nói của chúng ta đầy tình huynh đệ, đầy lòng nhân hậu và nhân ái.
Vì vậy, khi chúng ta chiêm ngắm các đạo sĩ, những người hướng mắt lên bầu trời để tìm kiếm ngôi sao, chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta có thể trở thành ánh sáng dẫn đưa nhau đến gặp gỡ với Người (xem Mt 5,14-16). Thật là điều tồi tệ khi một người không trở nên ánh sáng cho người khác.
Mọi người có thể nhìn thấy ngôi sao
Bây giờ, chúng ta đến với đặc điểm thứ hai của ngôi sao: mọi người có thể nhìn thấy nó. Các đạo sĩ không làm theo chỉ dẫn của một mật mã bí mật nhưng đi theo một ngôi sao mà họ nhìn thấy đang tỏa sáng trên bầu trời. Trong khi họ nhận thấy điều đó, những người khác, như Vua Hêrôđê và các kinh sư, thậm chí không nhận thấy sự hiện diện của nó. Tuy nhiên, ngôi sao vẫn luôn ở đó, bất kỳ ai nhìn lên bầu trời, tìm kiếm một dấu hiệu hy vọng đều có thể nhìn thấy được nó. Tôi có là dấu chỉ hy vọng cho người khác không?
Thiên Chúa tìm kiếm mọi người
Đây cũng là một thông điệp quan trọng: Thiên Chúa không tỏ mình ra cho những nhóm độc quyền hay một số ít người có đặc quyền, nhưng Người đồng hành và hướng dẫn bất cứ ai tìm kiếm Người với tấm lòng chân thành (xem Tv 145,18). Thật vậy, Người thường đi trước những câu hỏi của chúng ta, đến tìm kiếm chúng ta trước cả khi chúng ta hỏi Người (xem Rm 10,20; Is 65,1). Chính vì lý do này, trong cảnh Chúa giáng sinh, chúng ta đại diện cho các Đạo sĩ với những đặc điểm của mọi lứa tuổi và mọi chủng tộc - một người trẻ, một người trưởng thành, một người già, với những đặc điểm của các dân tộc khác nhau trên trái đất - để nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm mọi người. Thiên Chúa tìm kiếm tất cả mọi người.
Và thật tốt biết bao khi chúng ta suy ngẫm về điều này ngày hôm nay, trong một thời điểm mà các cá nhân và các quốc gia, mặc dù có các phương tiện truyền thông ngày càng mạnh mẽ, dường như ngày càng trở nên ít sẵn sàng để hiểu, chấp nhận và gặp gỡ nhau trong sự đa dạng của họ!
Mọi người có cùng sứ mạng: loại bỏ mọi sự phân biệt
Ngôi sao chiếu sáng bầu trời và soi sáng cho mọi người, nhắc nhở chúng ta rằng Con Thiên Chúa, đến thế gian để gặp gỡ mọi người trên trái đất, bất kể họ thuộc sắc tộc, ngôn ngữ và dân tộc nào (xem Công vụ 10,34- 35; Kh 5,9), và Người ủy thác cùng một sứ mạng phổ quát cho chúng ta (xem Is 60,3). Nghĩa là, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta loại bỏ mọi hình thức phân biệt, gạt ra ngoài lề và loại bỏ con người, đồng thời thúc đẩy, trong chính cộng đồng chúng ta và trong các môi trường chúng ta đang sống, một nền văn hóa chào đón mạnh mẽ, trong đó những không gian chật chội của nỗi sợ hãi và sự từ chối được thay thế bằng những không gian rộng mở của gặp gỡ, hội nhập và chia sẻ cuộc sống; những nơi an toàn, nơi mọi người có thể tìm thấy sự ấm áp và nơi trú ẩn.
Giấc mơ của Thiên Chúa: toàn thể nhân loại hợp thành một gia đình hòa thuận
Đây là lý do tại sao ngôi sao ở trên bầu trời: không phải để ở xa và không thể chạm tới, mà trái lại để ánh sáng của nó được mọi người nhìn thấy, chiếu sáng đến mọi nhà và vượt qua mọi rào cản, mang lại hy vọng cho những góc xa xôi và bị lãng quên nhất của hành tinh. Ngôi sao ở trên bầu trời để nói với mọi người, bằng ánh sáng quảng đại của mình, rằng Thiên Chúa không chối bỏ hay lãng quên bất cứ ai (xem Is 49,15). Bởi vì Người là Người Cha mà niềm vui lớn nhất của Người là được thấy con cái của Người trở về nhà, đoàn tụ với nhau từ mọi nơi trên thế giới (xem Is 60,4). Người vui khi nhìn thấy con cái của Người xây những cây cầu, mở đường, tìm kiếm những người lạc lối và mang trên vai những người đang cố gắng bước đi, để không ai bị bỏ rơi và mọi người đều được tham gia vào niềm vui trong nhà Cha của mình.
Ngôi sao nói với chúng ta về giấc mơ của Thiên Chúa: đó là toàn thể nhân loại, trong sự phong phú của những khác biệt, có thể hợp thành một gia đình và sống hòa thuận trong thịnh vượng và hòa bình (xem Is 2,2-5).
Ngôi sao chỉ đường
Điều này đưa chúng ta đến đặc điểm thứ ba của ngôi sao: đó là chỉ đường. Đây cũng là ý nghĩa quan trọng để suy tư, đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh mà chúng ta đang cử hành, trong đó một trong những cử chỉ đặc trưng là hành hương.
Hành hương
Ánh sáng của ngôi sao mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc hành trình nội tâm, như Thánh Gioan Phaolô II đã viết, giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi mọi thứ không phải là đức ái, để “gặp gỡ Chúa Kitô một cách trọn vẹn, và tuyên xưng đức tin vào Người và đón nhận lòng thương xót dồi dào của Người” (Thư gửi những người đang chuẩn bị cử hành Đại Năm Thánh, 29 tháng 6 năm 1999, 12).
Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống
Cùng nhau bước đi “là việc điển hình của những người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống” (x. Sắc chỉ Spes non confundit, 5). Và khi nhìn lên ngôi sao, chúng ta cũng có thể canh tân cam kết trở thành những người “theo Đạo”, như các Kitô hữu đã được định nghĩa ngay từ thuở ban đầu của Giáo hội (xem Cv 9,2).
Mang ánh sáng tình yêu vào thế giới
Xin Chúa làm cho chúng ta trở thành những ánh sáng mang người khác đến với Người, giống như Đức Maria, quảng đại trong việc trao tặng chính mình, cởi mở chào đón người khác và khiêm nhường bước đi cùng nhau, để chúng ta có thể gặp Người, nhận ra Người và tôn thờ Người. Được Chúa biến đổi, chớ gì chúng ta có thể lên đường mang ánh sáng tình yêu của Người vào thế giới.
Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đến cầu nguyện trước hang đá Giáng Sinh trong Đền thờ Thánh Phêrô.
Nguồn: vaticannews.va/vi