ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

BÀI GIẢNG

Lễ Lá, ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 25

Chúa nhật, ngày 28/3/2010

Anh chị em thân mến,

Các bạn trẻ thân mến,

Trình thuật Tin mừng về việc làm phép lá, mà chúng ta vừa nghe khi quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô này, bắt đầu với câu: “Chúa Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19,28). Ngay từ những lời mở đầu của Phụng vụ hôm nay, Giáo hội đã tiên báo lời đáp trả của mình đối với Tin mừng khi tuyên xưng: “Chúng ta hãy bước theo Chúa”. Lời tuyên xưng ấy diễn tả cách rõ ràng chủ đề của Chúa nhật lễ Lá: Đó là việc bước theo Chúa (sequela). Là Kitô hữu có nghĩa là xem con đường của Chúa Giêsu Kitô là con đường đúng đắn để làm người; là con đường đưa con người đến cùng đích của mình, đến sự viên mãn trọn vẹn và chân thực của nhân tính. Cách riêng, tôi muốn lặp lại với tất cả các bạn trẻ nhân ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 25 này rằng: Làm Kitô hữu là một hành trình – đúng hơn – là một cuộc hành hương; là cùng bước đi với Chúa Giêsu Kitô, là tiến bước theo hướng đi mà Người đã chỉ và vẫn đang chỉ cho chúng ta.

Nhưng hướng đi ấy là gì? Làm thế nào để chúng ta nhận biết được? Bản văn Tin mừng hôm nay đưa ra hai chỉ dẫn. Trước hết, bản văn nói rằng đó là một cuộc “tiến lên” (ascent). Điều này trước tiên mang một ý nghĩa hết sức cụ thể: Thành Giêricô, nơi bắt đầu chặng cuối cùng trong cuộc hành trình của Chúa Giêsu, nằm ở độ cao khoảng 250 mét dưới mực nước biển; còn thành Giêrusalem – đích đến – lại tọa lạc ở độ cao từ 740 đến 780 mét trên mực nước biển: tức là một hành trình leo dốc gần 1.000 mét. Tuy nhiên, hành trình thể lý bên ngoài ấy còn là biểu tượng cho một chuyển động nội tâm của con người trong việc bước theo Đức Kitô: Đó là cuộc hành trình leo lên để đến những đỉnh cao đích thực của nhân tính. Con người có thể chọn con đường dễ dãi, tránh né mọi nỗ lực. Con người cũng có thể trượt xuống chỗ thấp hèn và thô tục. Con người có thể sa vào trong vũng lầy của gian dối và bất lương. Thế nhưng, Chúa Giêsu đi trước chúng ta và tiến lên những đỉnh cao. Người dẫn đưa chúng ta đến những gì cao cả, thanh sạch. Người đưa chúng ta đến bầu không khí trong lành của những đỉnh cao: đến cuộc sống trong chân lý; đến lòng can đảm không bị nao núng trước những lời đàm tiếu của dư luận xã hội; đến sự kiên nhẫn biết chịu đựng và nâng đỡ tha nhân. Người dẫn chúng ta đến với một tâm hồn cao thượng rộng mở trước nỗi đau, đến với những người bị gạt ra bên lề. Người hướng chúng ta đến việc trung tín với người khác, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Người thúc đẩy chúng ta đến việc sẵn lòng trợ giúp, đến việc sống tốt lành – ngay cả khi bị người khác vô ơn. Người hướng dẫn chúng ta đến với tình yêu, đến với Thiên Chúa.

“Chúa Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem”. Nếu chúng ta diễn giải lời Tin mừng này trong bối cảnh toàn bộ hành trình mà Chúa Giêsu đã thực hiện – một hành trình vốn vẫn đang tiếp diễn cho đến tận thế, với điểm đến là “Giêrusalem” – thì chúng ta có thể khám phá ra nhiều tầng ý nghĩa khác nhau được gợi mở nơi đây. Dĩ nhiên, trước hết, điều này cần được hiểu theo nghĩa trực tiếp: đó chính là địa danh “Giêrusalem” – Thành thánh nơi Đền thờ Thiên Chúa tọa lạc; và sự độc nhất vô nhị của Đền thờ này hàm ý đến chính sự duy nhất của Thiên Chúa. Vì thế, nơi ấy loan báo hai điều: trước hết, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trên toàn thế giới – Đấng vượt xa mọi không gian và thời gian của chúng ta; Ngài là Thiên Chúa mà toàn thể công trình tạo dựng thuộc về. Ngài là Thiên Chúa mà trong thẳm sâu cõi lòng, mỗi người nam và nữ đều kiếm tìm, và theo một cách nào đó, tất cả mọi người đều có một chút nhận thức gì đó về Ngài. Nhưng Thiên Chúa ấy đã tự mặc khải Danh của Ngài. Ngài đã tự cho con người được nhận biết về Ngài, Ngài đã khởi đầu một lịch sử với nhân loại: Ngài chọn một con người – Ápraham – làm khởi điểm cho lịch sử ấy. Thứ đến, Thiên Chúa vô biên ấy lại đồng thời là Thiên Chúa gần gũi. Ngài – Đấng không thể bị giam cầm trong bất kỳ công trình nào – lại muốn cư ngụ giữa chúng ta, muốn hiện diện hoàn toàn giữa nhân loại.

Nếu Chúa Giêsu, cùng với dân hành hương Israel, lên đường tiến về Giêrusalem, thì Người làm như vậy để cử hành với dân Israel lễ Vượt Qua – biến cố tưởng niệm việc Thiên Chúa giải phóng dân Israel, một ký ức luôn đồng thời là niềm hy vọng về sự giải thoát dứt khoát mà Thiên Chúa sẽ ban. Và Chúa Giêsu tiến gần đến lễ này trong ý thức rằng chính Người là Con Chiên, nơi Người sẽ được ứng nghiệm điều mà sách Xuất hành đã nói: một con chiên toàn vẹn, là con đực, được sát tế vào lúc xế chiều, trước toàn thể đại hội cộng đồng Israel, như là “luật quy định cho đến muôn đời” (x. Xh 12,5-6.14). Và sau cùng, Chúa Giêsu biết rằng hành trình của Người còn đi hơn nữa: Thập giá sẽ không phải là điểm kết thúc của Người. Người biết rằng hành trình của mình sẽ xé toang bức màn ngăn cách giữa thế giới này và thế giới của Thiên Chúa; rằng Người sẽ tiến lên ngai toà của Thiên Chúa và trong Thân Thể Người, Người giao hoà Thiên Chúa và con người. Người biết rằng Thân Thể Phục Sinh của Người sẽ là của lễ hy lễ mới và là Đền Thờ mới; rằng xung quanh Người – giữa triều thần thiên quốc và các thánh – một Giêrusalem mới sẽ được hình thành, vừa hiện diện trên Thiên quốc vừa hiện diện nơi trần thế, bởi vì nhờ cuộc khổ nạn của Người, ranh giới giữa trời và đất đã được mở ra.

Như vậy, nơi cuộc tiến lên của Chúa Giêsu, các chiều kích của việc bước theo Người (sequela) của chúng ta trở nên hiển hiện, Người muốn dẫn chúng ta đến: đỉnh cao của Thiên Chúa, đến sự kết hiệp thông với Thiên Chúa, đến việc ở cùng Thiên Chúa. Đây chính là cùng đích thật sự và việc hiệp thông với Người chính là con đường để đạt đến cùng đích đó. Hành trình tiến bước cùng với Chúa Giêsu cũng đồng thời là hành trình tiến bước cùng nhau trong cái “chúng ta” của những người bước theo Chúa Giêsu. Hành trình tiến bước cùng với Chúa Giêsu đưa chúng ta vào trong cộng đoàn ấy. Vì con đường dẫn đến sự sống đích thực, đến việc làm người trong sự phù hợp với khuôn mẫu của Con Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô – thì vượt quá sức riêng của chúng ta, nên hành trình này luôn bao hàm việc được nâng đỡ. Chúng ta có thể hình dung, theo cách nào đó, mình đang được cột vào Chúa Giêsu Kitô, cùng Người tiến lên đỉnh cao của Thiên Chúa. Chính Người kéo và nâng đỡ chúng ta. Một yếu tố của việc bước theo Chúa Kitô là để cho mình được cột chung với Người, là thừa nhận rằng tự mình, chúng ta không thể làm được gì. Hành vi khiêm hạ này – hành vi đi vào trong chiều kích “chúng ta” của Giáo hội – là điều cốt yếu; biết nắm chặt lấy sợi dây, nghĩa là biết sống tinh thần trách nhiệm của sự hiệp thông, không làm đứt gãy sợi dây bởi tính cố chấp hay kiêu căng. Niềm tin tưởng khiêm nhường này của chúng ta, cùng với Giáo hội, giống như một đoàn người cùng được buộc dây lại với nhau để leo lên đỉnh cao của Thiên Chúa – đây là điều kiện thiết yếu để bước theo Đức Kitô. Việc được cột chung với nhau cũng bao hàm cả việc không hành xử như những người làm chủ Lời Chúa, không chạy theo một quan niệm sai lầm về sự giải phóng. Sự khiêm hạ của “việc được ở cùng với nhau” là điều thiết yếu cho cuộc tiến lên. Và cũng thuộc về điều này, là trong các Bí tích, chúng ta để cho Chúa một lần nữa nắm lấy tay chúng ta, để Người thanh luyện và tăng sức cho chúng ta; và đó cũng là việc chúng ta đón nhận kỷ luật của hành trình tiến lên, ngay cả khi bản thân mỏi mệt.

Sau cùng, chúng ta cần lặp lại điều này: Thập giá cũng là một phần trong cuộc tiến lên đỉnh cao của Chúa Giêsu Kitô. Cũng như trong đời sống trần thế, không thể đạt được những thành tựu lớn lao mà không có sự hy sinh và lao nhọc của bản thân; cũng như niềm vui khi đạt được một khám phá lớn trong tri thức hay một kỹ năng vĩ đại trong thực hành luôn gắn liền với sự rèn luyện, với nỗ lực học hỏi, thì con đường tiến đến sự sống đích thực, đến chỗ thành toàn nhân tính của mình, cũng gắn liền với sự hiệp thông với Đấng đã tiến lên đỉnh cao của Thiên Chúa qua thập giá. Xét cho cùng, thập giá là một biểu hiện ý nghĩa đích thực của tình yêu: chỉ ai biết bỏ mình mới thực sự tìm thấy chính mình.

Chúng ta có thể tóm tắt như sau: Việc bước theo Chúa Kitô đòi hỏi, trước tiên, là việc đánh thức lại khát vọng được trở thành con người đích thực – và vì vậy, cũng là việc đánh thức lại khát vọng của mình đối với Thiên Chúa. Kế đến, điều đó đòi hỏi chúng ta gia nhập vào đoàn người đang leo núi, trong sự hiệp thông của Giáo hội. Trong cái “chúng ta” của Giáo hội, chúng ta bước vào sự hiệp thông với “Chúa Giêsu Kitô”, và như vậy chúng ta bước đi được trên con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe Lời của Chúa Giêsu Kitô và sống Lời Người trong: đức tin, đức cậy và đức mến. Như thế, chúng ta đang trên đường tiến về Giêrusalem vĩnh cửu, và ngay từ giây phút hiện tại này, theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã ở đó rồi – trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh của Thiên Chúa.

Cuộc hành trình hành hương của chúng ta theo chân Đức Kitô vì thế không nhắm đến một thành phố trần thế, nhưng hướng về Thành thánh mới của Thiên Chúa đang dần hình thành ngay giữa thế gian này. Tuy nhiên, cuộc hành trình hành hương đến Giêrusalem dưới thế cũng có thể hữu ích cho các Kitô hữu trong cuộc hành trình đến Giêrusalem Thiên quốc. Chính tôi, trong cuộc hành trình hành hương đến Thánh địa vào năm ngoái, đã gắn kết ba ý nghĩa với cuộc hành hương của mình. Trước hết, tôi nghĩ đến điều thánh Gioan nói ở phần đầu Thư thứ nhất của ngài: điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến (x. 1 Ga 1,1). Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không phải là một huyền thoại do con người bịa đặt. Đức tin ấy đặt nền tảng trên một biến cố lịch sử có thật. Lịch sử ấy, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và chạm đến. Thật cảm động khi được hiện diện tại Nagiarét, nơi Sứ thần hiện ra với Đức Maria và báo tin về sứ vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Thật cảm động khi được ở Bêlem, nơi Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta; khi được bước đi trên mảnh đất thánh nơi Thiên Chúa đã chọn để trở nên con người, trở nên một trẻ thơ. Thật cảm động khi bước lên các bậc thềm dẫn đến đồi Canvê, nơi Chúa Giêsu đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá. Và sau cùng, thật cảm động khi được đứng trước ngôi mộ trống, cầu nguyện nơi thi hài thánh thiêng của Người từng được đặt, và nơi mà vào ngày thứ ba, mầu nhiệm Phục sinh đã xảy ra. Việc bước đi theo các con đường trần thế mà Chúa Giêsu đã đi qua phải giúp chúng ta tiến bước với niềm vui lớn hơn và với một xác tín mới mẻ hơn trên con đường nội tâm mà Người đã chỉ cho chúng ta – chính Người là con đường ấy.

Ở khía canh thứ hai, khi chúng ta hành hương về Thánh địa Giêrusalem, chúng ta còn đi như những sứ giả của hòa bình, mang theo lời cầu nguyện cho hòa bình; là lời mời gọi tha thiết gửi đến tất cả mọi người, để họ dốc toàn lực, ngay tại nơi mà tên gọi “Giêrusalem” của nó đã bao hàm chữ “hòa bình”, hầu làm cho nơi ấy thực sự trở nên một vùng đất của hòa bình. Như thế, cuộc hành hương này còn mang ý nghĩa thứ ba: là lời khích lệ dành cho các Kitô hữu hãy ở lại trên mảnh đất quê hương của mình và dấn thân mạnh mẽ tại đó để xây dựng hòa bình.

Chúng ta hãy trở lại với Phụng vụ Chúa nhật lễ Lá. Trong lời nguyện làm phép các cành lá, chúng ta cầu xin cho mình được sinh hoa kết trái bằng những việc lành nhờ hiệp thông với Đức Kitô. Trải qua dòng lịch sử – và cả trong thời đại hôm nay – một quan điểm sai lạc vẫn không ngừng xuất hiện: cho rằng các việc lành không phải là thành phần của đời sống Kitô hữu, hay ít nhất cũng không có vai trò quan trọng đối với ơn cứu độ của con người. Quan điểm này bắt nguồn từ cách diễn giải sai lầm tư tưởng của thánh Phaolô.

Nhưng nếu thánh Phaolô nói rằng các việc làm không thể làm cho con người được nên công chính, thì ngài không hề phủ nhận tầm quan trọng của hành động ngay chính; và nếu ngài nói đến sự chấm dứt của Lề luật, thì không có nghĩa là Mười Điều Răn đã trở nên lỗi thời hay không còn giá trị nữa. Chúng ta không cần phải đi sâu vào toàn bộ vấn đề rộng lớn mà vị Tông đồ đã đề cập. Điều quan trọng ở đây là nhận ra rằng, khi thánh Phaolô sử dụng thuật ngữ “Lề luật”, ngài không có ý chỉ đến Mười Điều Răn, mà là có chỉ đến toàn bộ hệ thống sống phức tạp mà dân Israel đã thiết lập nhằm bảo vệ bản thân khỏi những cám dỗ của nền văn hóa ngoại giáo. Tuy nhiên, giờ đây Đức Kitô đã mang Thiên Chúa đến với dân ngoại. Dân Israel không còn bị buộc phải tuân giữ hình thức phân biệt ấy nữa. Với họ, lề luật duy nhất được trao ban chính là Đức Kitô. Và điều đó có nghĩa là: yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và thực thi tất cả những gì tình yêu này hàm chứa. Các Điều Răn – được giải thích theo ánh sáng mới và sâu xa hơn nơi Đức Kitô – là một phần không thể thiếu trong tình yêu này. Chúng chính là những quy tắc nền tảng của tình yêu đích thực: trước hết và như là nguyên tắc căn bản – đó là việc thờ phượng Thiên Chúa Duy Nhất, điều được diễn tả qua ba điều răn đầu tiên. Những điều răn này khẳng định rằng: “Không có Thiên Chúa, thì chẳng điều gì thành tựu một cách đúng đắn.” Còn Thiên Chúa là ai, Ngài như thế nào – chúng ta biết được điều đó nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Tiếp đến là sự thánh thiêng của gia đình (Điều Răn thứ tư), sự thánh thiêng của sự sống (Điều Răn thứ năm), trật tự hôn nhân (Điều Răn thứ sáu), trật tự xã hội (Điều Răn thứ bảy), và sau cùng là sự bất khả xâm phạm của chân lý (Điều Răn thứ tám). Tất cả những điều này, ngày nay, lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết – và cũng phù hợp sâu xa với tư tưởng của thánh Phaolô, nếu chúng ta đọc toàn bộ các Thư của ngài. “Hãy sinh hoa trái bằng những việc lành”: Vào khởi đầu của Tuần Thánh, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho mình được trổ sinh hoa trái ấy ngày một dồi dào hơn.

Vào phần cuối của bài Tin mừng trong nghi thức làm phép các cành lá, chúng ta nghe lời tung hô mà các khách hành hương cất lên để chào đón Chúa Giêsu khi Ngài đến cửa thành Giêrusalem. Lời tung hô ấy lấy lại lời của Thánh vịnh 118 (117), vốn được các tư tế công bố cho khách hành hương từ Thành Thánh, nhưng theo thời gian đã trở thành một biểu thức của niềm hy vọng Mêsia: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa” (Tv 118[117], 26; x. Lc 19,38). Các khách hành hương nhận ra nơi Đức Giêsu chính là Đấng sẽ đến nhân danh Chúa. Thật vậy, theo Tin mừng thánh Luca, họ còn thêm vào từ: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!”. Và họ tiếp tục bằng một lời tung hô gợi lại sứ điệp của các thiên thần trong đêm Giáng sinh, nhưng được chuyển biến theo một cách thức đáng suy nghĩ. Các thiên thần loan báo vinh quang của Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm. Còn các khách hành hương khi đón Chúa vào Thành thánh lại nói: “Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”. Họ biết rõ rằng dưới thế này không có bình an. Và họ cũng biết rằng nơi của bình an là trên cõi trời cao – họ biết rằng một yếu tố thiết yếu của Thiên đàng trên cõi trời cao chính là sự bình an. Vì vậy, lời tung hô này vừa là một biểu lộ của niềm đau sâu sắc, vừa là một lời nguyện đầy hy vọng: ước gì Đấng đến nhân danh Chúa mang đến trần gian điều đang hiện hữu nơi cõi trời cao. Ước gì vương quyền của Ngài trở thành vương quyền của Thiên Chúa, ước gì có sự hiện diện của Thiên đàng nơi trần thế.

Trong phụng vụ Thánh Thể, trước lời truyền phép, Hội thánh cất lên lời Thánh vịnh mà xưa kia dân chúng đã dùng để chào đón Chúa Giêsu trước khi Ngài vào Thành thánh: Hội thánh chào kính Chúa Giêsu như Vị Vua đến từ Thiên Chúa, Đấng ngự đến giữa chúng ta nhân danh Thiên Chúa. Ngày nay, lời chào vui mừng ấy vẫn luôn là một lời khẩn cầu và hy vọng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa mang trời cao đến với chúng ta – đem vinh quang Thiên Chúa và bình an cho nhân loại.

Chúng ta hãy hiểu lời chào này trong tinh thần của lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúng ta biết rằng trời là Thiên đàng, nơi của vinh quang và bình an, bởi vì nơi đó thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn. Và chúng ta cũng biết rằng trần gian sẽ không trở thành thiên đàng bao lâu thánh ý Thiên Chúa chưa được thể hiện trên đó.

Vậy, chúng ta hãy chào mừng Chúa Giêsu – Đấng từ trời cao ngự xuống – và khẩn cầu Ngài giúp chúng ta nhận ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Ước gì vương quyền của Thiên Chúa được thể hiện nơi trần gian, để thế giới này được chan hòa ánh vinh quang bình an. Amen