ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Lễ Lá, ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 22
Chúa nhật, ngày 01/4/2007
Anh chị em thân mến,
Trong cuộc rước của Chúa nhật lễ Lá, chúng ta cùng hợp tiếng với đám đông các môn đệ, những người trong niềm hân hoan đã đồng hành cùng Chúa khi Ngài tiến vào thành Giêrusalem. Như họ, chúng ta cũng lớn tiếng ngợi khen Chúa vì tất cả những phép lạ chúng ta đã được chứng kiến. Vâng, chúng ta cũng đã thấy và vẫn còn thấy ngày nay những kỳ công của Đức Kitô: cách Người mời gọi những người nam nữ từ bỏ những tiện nghi của đời sống thường nhật để dấn thân hoàn toàn phục vụ những người đau khổ; cách Ngài ban cho những người nam nữ sự can đảm để chống lại bạo lực và dối trá, để mở lối cho sự thật hiện diện trong thế giới; cách Ngài, trong thầm lặng, thúc đẩy tâm hồn con người sống yêu thương, kiến tạo hòa giải ở nơi từng tồn tại hận thù, và làm phát sinh hòa bình ở nơi từng chất chứa sự đối nghịch.
Cuộc rước này, trước hết và trên hết, là một chứng tá vui mừng mà chúng ta dâng lên cho Đức Giêsu Kitô, nơi Người, dung nhan Thiên Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta, và nhờ Người, trái tim Thiên Chúa đã rộng mở đối với chúng ta. Trong Tin mừng theo Thánh Luca, trình thuật về cuộc rước được khởi đầu ở vùng phụ cận Giêrusalem phần nào được mô phỏng theo nghi thức đăng quang, được mô tả trong sách Các vua quyển thứ nhất, qua đó Salômôn được tấn phong làm người kế vị vương quyền của Đavít (x. 1 V 1,33–35).
Như thế, cuộc rước lá cũng là một cuộc rước tôn vinh Đức Kitô là Vua: Chúng ta tuyên xưng vương quyền của Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhìn nhận Người là Con vua Đavít, là Salômôn đích thực, là Vua của bình an và công lý. Việc nhìn nhận Người là Vua có nghĩa là chấp nhận Người như Đấng chỉ cho chúng ta con đường, là Đấng chúng ta tín thác và bước theo. Điều ấy cũng có nghĩa là đón nhận Lời của Người mỗi ngày như tiêu chuẩn chân thực cho đời sống chúng ta. Đồng thời, điều đó còn có nghĩa là nhận ra nơi Người thẩm quyền mà chúng ta quy phục. Chúng ta quy phục Người vì thẩm quyền của Người là thẩm quyền của chân lý.
Cũng như đối với các môn đệ ngày xưa, cuộc rước lá trước tiên là một biểu hiện của niềm vui, bởi lẽ chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu, bởi Người cho phép chúng ta được làm bạn hữu của Người, và bởi Người đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa mở ra ý nghĩa của đời sống. Tuy nhiên, niềm vui khởi đầu này cũng là biểu hiện của lời “xin vâng” chúng ta thưa cùng Chúa Giêsu, và của sự sẵn lòng đồng hành với Người đến bất cứ nơi nào Người dẫn dắt. Vì lý do đó, lời mời gọi mở đầu phụng vụ hôm nay đã diễn giải một cách chính đáng cuộc rước như là hình ảnh biểu tượng cho điều mà chúng ta gọi là “bước theo Đức Kitô” (sequela): “Chúng ta hãy xin ơn được bước theo Người”, chúng ta đã cùng nhau thưa lên như thế. Cụm từ “bước theo Đức Kitô” là một mô tả toàn diện về đời sống Kitô hữu. Nhưng điều đó bao hàm những gì? “Bước theo Đức Kitô” thực sự có nghĩa là gì?
Ban đầu, đối với các môn đệ tiên khởi, ý nghĩa của việc “bước theo” rất đơn sơ và cụ thể: Điều đó có nghĩa là để được đi với Chúa Giêsu, họ đã quyết định từ bỏ nghề nghiệp, công việc, toàn bộ cuộc sống của mình. Họ đảm nhận một nghề mới: nghề làm môn đệ. Nội dung cốt lõi của “nghề nghiệp” này chính là đồng hành với vị Thầy và hoàn toàn phó thác cho sự hướng dẫn của Người. Việc “bước theo” vì thế vừa là một hành vi bên ngoài, vừa là một thực tại nội tâm sâu xa. Khía cạnh bên ngoài là việc đi theo Chúa Giêsu trên những hành trình dọc ngang miền đất Palestine; khía cạnh nội tâm là một định hướng hiện sinh hoàn toàn mới, trong đó các điểm quy chiếu không còn nằm trong những sự kiện, trong những công việc đem lại nguồn thu nhập, hay trong ý muốn cá nhân nữa, nhưng là sự từ bỏ trọn vẹn để quy phục ý muốn của Đấng Khác. Từ nay, việc phục vụ theo ý của Người trở thành lẽ sống của đời mình. Trong một số trình thuật Tin mừng, chúng ta có thể nhận ra rất rõ rằng điều này bao hàm việc từ bỏ của cải và từ bỏ chính bản thân mình.
Như vậy, điều này cũng giúp chúng ta hiểu rõ việc “bước theo” có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay, và đâu là bản chất đích thực của việc bước theo ấy đối với chúng ta: đó là một cuộc hoán cải nội tâm, một sự biến đổi trong cách sống. Việc này đòi hỏi tôi không còn quy hướng vào bản thân mình, không coi việc hoàn thành chính mình là lý do chính yếu của đời sống. Thay vào đó, tôi được mời gọi hiến thân cách tự do cho một Đấng Khác – cho chân lý, cho tình yêu, cho Thiên Chúa, Đấng trong Đức Giêsu Kitô đi trước tôi và chỉ cho tôi con đường. Đó là một chọn lựa nền tảng: không còn sống chỉ cho riêng mình, không coi sự hữu dụng, lợi nhuận, sự nghiệp hay thành công là cùng đích của đời tôi, nhưng nhìn nhận chân lý và tình yêu là những tiêu chuẩn chân thật. Và chúng ta cần hiểu cho đúng rằng: chân lý và tình yêu không phải là những giá trị trừu tượng; nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng đã trở thành một con người. Bằng cách bước theo Người, tôi đi vào trong sự phục vụ chân lý và tình yêu. Khi từ bỏ mình, tôi tìm lại được chính mình.
Chúng ta hãy trở lại với phụng vụ và cuộc rước Lá. Trong nghi thức này, Phụng vụ đã chọn Thánh vịnh 24[23] làm thánh thi. Tại Israel, đây cũng là một bài thánh ca cho các cuộc rước, được hát khi dân chúng tiến lên Đền thờ. Thánh vịnh này diễn giải cuộc hành trình nội tâm mà cuộc hành trình thể lý là hình ảnh biểu trưng, và một lần nữa soi sáng cho chúng ta ý nghĩa của việc tiến lên cùng với Đức Kitô. “Ai được lên núi Chúa?” – Thánh vịnh đặt câu hỏi, rồi chỉ ra hai điều kiện thiết yếu. Những ai muốn lên núi ấy, những ai thực sự ước ao đạt đến đỉnh cao, đạt đến đỉnh cao đích thật, phải là những người tự vấn mình về Chúa. Họ phải là những người dò xét thực tại xung quanh để kiếm tìm Thiên Chúa, tìm kiếm Thánh Nhan của Ngài.
Các bạn trẻ thân mến, điều này hôm nay lại càng trở nên quan trọng biết bao: đừng chỉ buông mình theo dòng đời trôi nổi; đừng dễ dàng thỏa mãn với những gì người đời nghĩ, nói và làm. Hãy tự vấn lòng mình về Thiên Chúa và kiếm tìm Ngài. Đừng để cho vấn nạn về Thiên Chúa mai một trong tâm hồn chúng ta; hãy khao khát điều cao cả hơn, hãy ao ước được nhận biết Ngài – nhận biết Thánh Nhan của Người...
Điều kiện rất cụ thể thứ hai để có thể tiến lên núi Chúa là điều này: “Người tay sạch lòng thanh” mới được vào nơi thánh. Tay sạch là đôi tay không nhúng vào bạo lực, không vấy bẩn vì tham nhũng, hối lộ. Còn thế nào là lòng thanh? Lòng dạ thanh sạch là lòng dạ không giả hình, không bị hoen ố bởi dối trá và đạo đức giả; là lòng dạ trong suốt như dòng suối đầu nguồn, vì không bị phân đôi. Lòng dạ ấy không tự đánh mất chính mình trong cơn say của khoái lạc, là lòng dạ mà nơi đó, tình yêu là chân thật chứ không phải chỉ là một đam mê thoáng qua. Tay sạch và lòng thanh: nếu chúng ta bước đi cùng với Đức Giêsu, chúng ta sẽ được thanh luyện và được nâng lên tới đỉnh cao đích thực mà con người được tiền định – đó là: tình bạn với chính Thiên Chúa.
Thánh vịnh 24[23], thánh vịnh nói về việc lên núi Chúa, kết thúc với một nghi thức vào Đền thờ được cử hành trước cổng thánh: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào!” Trong phụng vụ cổ của Chúa nhật lễ Lá, vị linh mục khi tiến đến trước cửa nhà thờ đang khép kín, sẽ dùng đầu thánh giá trong cuộc rước để gõ mạnh vào cửa; rồi khi ấy, cửa sẽ được mở ra. Đó là một hình ảnh tuyệt đẹp về mầu nhiệm của chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dùng gỗ Thập giá – bằng quyền năng của tình yêu được trao hiến – mà gõ lên cánh cửa của Thiên Chúa từ phía nhân loại, phía một thế giới vốn không thể tự mình tìm đến cùng Thiên Chúa. Với Thập giá của Người, Chúa Giêsu đã mở ra cánh cửa của Thiên Chúa, cánh cửa ngăn cách giữa Thiên Chúa và nhân loại. Giờ đây, cánh cửa ấy đã rộng mở. Thế nhưng, Chúa cũng gõ cửa từ phía bên kia: Người gõ vào cánh cửa của thế giới, vào cánh cửa lòng chúng ta – những cánh cửa thường xuyên khép kín trước mặt Thiên Chúa. Và Người nói với chúng ta đại để như thế này: nếu những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho các ngươi qua công trình tạo dựng không đủ để đánh động lòng các ngươi để mở lòng các ngươi ra cho Thiên Chúa; nếu lời Kinh thánh và sứ điệp của Giáo hội không làm các ngươi động tâm; thì hãy nhìn Ta – Thiên Chúa đã tự nguyện chịu đau khổ vì các ngươi, Đấng hiện vẫn đang cùng đau khổ với các ngươi – và hãy mở lòng ra với Ta, Chúa của các ngươi, Thiên Chúa của các ngươi.
Chúng ta hãy để cho lời khẩn cầu này chạm đến cõi lòng mình trong giây phút này. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết mở cánh cửa tâm hồn mình, mở ra cánh cửa của thế giới, để Ngài – Thiên Chúa hằng sống – có thể đến trong Người Con của Ngài, ngay trong thời đại của chúng ta và chạm đến cuộc đời của chúng ta. Amen.