ĐỨC THÁNH CHA THĂM VIẾNG MỤC VỤ TẠI TURIN
ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Charles, Turin
Chúa nhật 5 Phục Sinh, ngày 02/5/2010
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui mừng được hiện diện cùng anh chị em trong ngày lễ này và cử hành Thánh lễ trọng thể cho anh chị em.
Tôi xin chào tất cả những người hiện diện, đặc biệt là Đức Hồng y Severino Poletto, Tổng Giám mục của anh chị em, người mà tôi cảm ơn vì những lời chào đón nồng nhiệt thay mặt cho toàn thể cộng đoàn. Tôi cũng xin chào các Đức Tổng Giám mục và Giám mục hiện diện, các linh mục, nam nữ tu sĩ và các đại diện của các hội đoàn và phong trào giáo dân. Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến ngài Sergio Chiamparino, Thị trưởng thành phố, và cảm ơn vì lời chào mừng thân thiện, cùng với các đại diện của chính quyền dân sự và quân sự, đặc biệt cảm ơn những ai đã quảng đại cộng tác cho chuyến viếng thăm mục vụ này. Tôi cũng nghĩ đến những người không thể hiện diện, đặc biệt là những người đau yếu, cô đơn và đang gặp khó khăn. Trong Thánh lễ này, tôi phó dâng thành phố Turin và tất cả cư dân của thành phố cho Chúa, Đấng mà mỗi Chúa nhật mời gọi chúng ta cùng nhau tham dự bàn tiệc Lời chân lý và Bánh hằng sống.
Chúng ta đang sống trong mùa Phục sinh, thời gian của sự tôn vinh Chúa Giêsu. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe nhắc nhở rằng sự tôn vinh này được thực hiện qua cuộc Thương khó. Trong mầu nhiệm Vượt qua, cuộc Thương khó và sự tôn vinh gắn bó chặt chẽ và tạo thành một sự hiệp nhất không thể tách rời. Khi Giuđa rời phòng Tiệc ly để thực hiện kế hoạch phản bội dẫn đến cái chết của Thầy, thì Thầy Giêsu nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người" (Ga 13,31): Sự tôn vinh của Chúa Giêsu bắt đầu ngay tại thời điểm đó. Thánh sử Gioan làm rõ điều này: Ông không nói rằng Chúa Giêsu chỉ được tôn vinh sau cuộc Thương khó, hay qua sự Phục sinh; thay vào đó, ông cho thấy rằng chính trong cuộc Thương khó mà sự tôn vinh của Người đã bắt đầu. Trong cuộc Thương khó, Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang của Người, đó là vinh quang của tình yêu, tình yêu tự hiến trọn vẹn. Người yêu mến Chúa Cha, thực hiện ý muốn của Chúa Cha đến cùng, với sự tự hiến hoàn hảo; Người yêu nhân loại, hiến mạng sống vì chúng ta. Do đó, Người đã được tôn vinh trong cuộc Thương khó, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Nhưng cuộc Thương khó, như một biểu hiện cụ thể và sâu sắc tình yêu của Người, chỉ là khởi đầu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng sự tôn vinh của Người vẫn còn ở phía trước (x. Ga 13,32). Sau đó, khi Người báo trước sự ra đi khỏi thế gian này (x. Ga 13,33), Người ban cho các môn đệ một điều răn mới, như một di chúc, để họ có thể tiếp tục có được sự hiện diện của Người ở giữa họ theo một cách mới: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34). Nếu chúng ta yêu thương nhau, Chúa Giêsu sẽ tiếp tục hiện diện giữa chúng ta, tiếp tục được tôn vinh trong thế gian này.
Chúa Giêsu nói về một "điều răn mới". Nhưng điều gì làm cho nó mới mẻ? Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã ban điều răn yêu thương; nhưng điều răn này trở nên mới mẻ vì Chúa Giêsu thêm vào một yếu tố quan trọng: "Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau". Điều mới mẻ chính là "yêu như Chúa Giêsu đã yêu". Mọi tình yêu của chúng ta đều được phát sinh từ tình yêu của Chúa Giêsu và đều hướng về tình yêu của Người, được thực hiện trong tình yêu của Người và hoàn thành chính nhờ tình yêu của Người. Cựu ước không đưa ra một mẫu gương yêu thương; nó chỉ đưa ra mệnh lệnh yêu thương. Ngược lại, Chúa Giêsu đã hiến mình cho chúng ta như một mẫu gương và nguồn mạch của tình yêu – một tình yêu vô biên, phổ quát, có thể biến đổi mọi hoàn cảnh tiêu cực và mọi trở ngại thành cơ hội để tiến triển trong tình yêu. Và nơi các Thánh của thành phố này, chúng ta thấy sự hoàn thành của tình yêu đó, sự hoàn thành luôn xuất phát từ nguồn mạch tình yêu của Chúa Giêsu.
Trong những thế kỷ trước, Giáo hội tại Turin có một truyền thống phong phú về sự thánh thiện và phục vụ quảng đại cho mọi anh chị em, như cả Đức Hồng y Tổng Giám mục và ngài Thị trưởng đã đề cập – nhờ công lao của các linh mục nhiệt thành, các nam nữ tu sĩ sống đời hoạt động và chiêm niệm, cùng với các giáo dân trung tín. Do đó, lời của Chúa Giêsu có một âm hưởng đặc biệt đối với Giáo hội tại thành phố Turin này, một Giáo hội quảng đại và năng động, bắt đầu từ các linh mục của mình. Khi ban cho chúng ta điều răn mới, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống tình yêu của chính Người và dựa vào tình yêu của Người, đó là dấu chỉ thực sự đáng tin cậy, hùng hồn và hiệu quả để loan báo sự hiện diện của Nước Thiên Chúa cho thế gian. Rõ ràng, với sức riêng của mình, chúng ta yếu đuối và giới hạn. Trong chúng ta luôn có sự kháng cự đối với tình yêu và trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều khó khăn gây chia rẽ, oán giận và ác ý. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng Người sẽ ở cùng chúng ta trong cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta có khả năng yêu thương quảng đại và phổ quát, có thể vượt qua mọi trở ngại, ngay cả những trở ngại trong chính trái tim chúng ta. Nếu chúng ta hiệp nhất với Đức Kitô, chúng ta có thể thực sự yêu thương theo cách của Chúa. Yêu thương người khác như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta chỉ có thể thực hiện được với sức mạnh được truyền đạt cho chúng ta trong mối tương quan với Người, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, trong đó Hy tế tình yêu của Người tạo ra tình yêu trở nên sự hiện diện đích thực: Đây là sự mới mẻ thực sự trên thế giới và là sức mạnh của sự tôn vinh vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng được tôn vinh qua sự liên tục của tình yêu của Chúa Giêsu trong tình yêu của chúng ta.
Vì thế, tôi muốn ngỏ một lời khích lệ cách đặc biệt đến các linh mục và các phó tế, cũng như đến các tu sĩ nam nữ của Giáo hội này, những người đang quảng đại dấn thân trong công cuộc mục vụ. Làm việc trong vườn nho của Chúa có thể đôi khi trở nên mệt nhọc; các bổn phận gia tăng, có rất nhiều đòi hỏi và không thiếu những vấn đề: Ước chi anh em hằng ngày biết kín múc sức mạnh từ mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa trong cầu nguyện, để có thể loan báo cách ngôn sứ sứ điệp cứu độ; hãy quy hướng đời sống mình về điều thiết yếu trong Tin mừng; hãy vun trồng một chiều kích thực sự của hiệp thông và huynh đệ trong linh mục đoàn, trong cộng đoàn của anh em, và trong mối tương quan với Dân Thiên Chúa; hãy làm chứng, trong thừa tác vụ của anh em, cho sức mạnh của tình yêu xuất phát từ trời cao, đến từ Chúa là Đấng đang hiện diện giữa chúng ta.
Bài đọc thứ nhất chúng ta vừa nghe trình bày cho chúng ta một cách thức đặc biệt để tôn vinh Chúa Giêsu: đó là sứ vụ tông đồ và hoa trái của sứ vụ này. Phaolô và Barnaba, khi kết thúc chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên, đã trở lại các thành mà họ từng viếng thăm, củng cố tinh thần các môn đệ và khích lệ họ kiên vững trong đức tin, bởi – như các ngài nói – “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22). Anh chị em thân mến, đời sống Kitô hữu không hề dễ dàng; tôi biết rằng tại thành phố Turin này có rất nhiều khó khăn, rất nhiều vấn đề và lo âu: Tôi đặc biệt nghĩ đến những ai hiện đang sống trong tình trạng bấp bênh vì thiếu công ăn việc làm, vì tương lai bất định, vì những đau khổ thể lý và luân lý. Tôi nghĩ đến các gia đình, đến người trẻ, đến người cao niên thường sống cô đơn, đến những người bị gạt ra bên lề xã hội và đến anh chị em di dân. Vâng, cuộc sống dẫn đưa chúng ta đến việc chạm trán với nhiều thử thách và vấn nạn, nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, có một xác tín đến từ đức tin rằng: Chúng ta không cô đơn, Thiên Chúa yêu thương từng người không trừ một ai và Ngài gần gũi với mỗi người bằng tình yêu của Ngài. Điều này làm cho chúng ta có thể đối diện, sống và vượt qua những khó khăn của cuộc sống hằng ngày. Chính tình yêu phổ quát của Đức Kitô Phục Sinh đã thúc đẩy các Tông đồ ra khỏi chính mình, loan truyền Lời Chúa, và hiến thân vô điều kiện cho tha nhân với lòng can đảm, niềm vui và bình an. Đấng Phục Sinh sở hữu một quyền năng tình yêu vượt thắng mọi giới hạn, không dừng bước trước bất cứ trở ngại nào. Và cộng đoàn Kitô hữu – đặc biệt trong những hoàn cảnh mục vụ đòi hỏi nhiều – phải trở nên khí cụ cụ thể của tình yêu này của Thiên Chúa.
Tôi tha thiết kêu gọi các gia đình hãy sống chiều kích Kitô giáo của tình yêu qua những hành vi đơn sơ thường nhật trong các mối tương quan gia đình, vượt thắng chia rẽ và hiểu lầm; hãy vun trồng đức tin, là điều củng cố sự hiệp thông mạnh mẽ hơn. Trong thế giới phong phú và đa dạng của văn hóa và các trường đại học, cũng đừng thiếu vắng chứng tá của tình yêu mà Tin mừng hôm nay đề cập đến, một tình yêu thể hiện nơi khả năng lắng nghe cách chăm chú và đối thoại khiêm tốn trong hành trình tìm kiếm chân lý, với xác tín rằng chính chân lý sẽ đến với chúng ta và chiếm lấy chúng ta. Tôi cũng muốn khích lệ những nỗ lực vốn không thiếu gian khó của những người được mời gọi điều hành công việc Nhà nước: sự cộng tác nhằm phục vụ thiện ích chung và kiến tạo thành phố ngày càng nhân bản và đáng sống hơn chính là dấu chỉ cho thấy tư tưởng Kitô giáo về con người không bao giờ chống lại tự do của họ, nhưng nâng đỡ cho sự viên mãn lớn lao hơn – sự viên mãn chỉ có thể tìm thấy thành tựu nơi một “nền văn minh tình thương”.
Tôi muốn nói với tất cả anh chị em, và cách riêng với các bạn trẻ: đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng – niềm hy vọng đến từ Đức Kitô Phục Sinh, từ chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi, hận thù và sự chết.
Bài đọc II hôm nay trình bày cho chúng ta chính thành quả sau cùng của sự Phục sinh của Chúa Giêsu: đó là Giêrusalem mới, Thành thánh từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, trang điểm như tân nương sẵn sàng đón tân lang của mình (x. Kh 21,2). Đấng đã chịu đóng đinh, Đấng đã chia sẻ nỗi thống khổ của chúng ta – như tấm Khăn liệm thánh cũng hùng hồn nhắc nhớ – chính là Đấng đã sống lại và muốn quy tụ tất cả chúng ta trong tình yêu của Người. Đó là một niềm hy vọng kỳ diệu, “mạnh mẽ” và vững chắc, bởi như sách Khải huyền nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Lẽ nào tấm Khăn liệm thánh lại không truyền đạt cùng một sứ điệp đó sao? Trong tấm khăn ấy, chúng ta thấy – như trong một tấm gương – nỗi đau khổ của chúng ta được phản chiếu nơi khổ hình của Đức Kitô: Passio Christi. Passio hominis. Chính vì lý do ấy, tấm Khăn liệm là một dấu chỉ của hy vọng: Đức Kitô đã đối diện với thập giá để chặn đứng sự dữ; để nơi cuộc Vượt qua của Người, chúng ta thấy trước giây phút mà, cả đối với chúng ta nữa, mọi giọt lệ sẽ được lau khô, và sẽ không còn sự chết, than khóc hay tiếng nức nở.
Đoạn trích sách Khải huyền kết thúc bằng lời khẳng định này: “Và Đấng ngự trên ngai phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’” (Kh 21,5). Điều hoàn toàn mới mẻ đầu tiên được Thiên Chúa thực hiện chính là sự Phục sinh và vinh quang thiên quốc của Chúa Giêsu. Đó là khởi đầu của một chuỗi những “sự mới mẻ” mà chúng ta cũng được thông phần. Những “sự mới mẻ” ấy chính là một thế giới tràn đầy hoan lạc, nơi không còn đau khổ hay áp bức, nơi không còn oán hờn hay thù ghét, mà chỉ còn tình yêu đến từ Thiên Chúa – tình yêu ấy biến đổi mọi sự.
Cộng đoàn Giáo hội tại thành phố Turin thân yêu, tôi đã đến với anh chị em để củng cố đức tin nơi anh chị em. Tôi muốn tha thiết và yêu mến kêu mời anh chị em: Hãy kiên vững trong đức tin mà anh chị em đã lãnh nhận – đức tin ấy ban ý nghĩa cho cuộc sống và trao sức mạnh để yêu thương; đừng bao giờ đánh mất ánh sáng hy vọng nơi Đức Kitô Phục Sinh, Đấng có thể biến đổi thực tại và làm cho mọi sự trở nên mới; hãy sống tình yêu Thiên Chúa cách đơn sơ và cụ thể trong lòng thành phố, tại các khu phố, trong cộng đoàn, trong gia đình: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Amen.