CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI MAROC (TỪ 30-31/3/2019)
BÀI GIẢNG THÁNH LỄ
Chủ nhật 4 Mùa Chay, ngày 31 tháng 3 năm 2019
Sân vận động Prince Moulay Abdellah (Rabat)
Anh chị em thân mến,
“Anh ta còn đang ở xa, thì người cha trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20).
Tác giả Tin Mừng đã dẫn chúng ta vào trung tâm dụ ngôn, cho chúng ta thấy phản ứng của người cha khi nhìn thấy con trai mình trở về. Đầy xúc động, ông đã chạy ra đón anh ngay cả khi anh chưa kịp bước vào nhà. Đó là một người con đã được người cha mong đợi từ lâu. Một người cha vui mừng vì con trở về.
Nhưng đó không phải là lần duy nhất người cha chạy ra. Niềm vui của ông sẽ không tròn đầy nếu không có người con cả. Vì thế, ông đã đi tìm anh và mời anh tham dự tiệc (x. c. 28). Tuy nhiên, người con cả lại tỏ ra bất bình trước việc cha mình tổ chức đón chào người em trở về. Anh ta khó chấp nhận niềm vui của cha mình, đến nỗi không muốn nhắc đến em trai mình: "Thằng con của cha đó" (c. 30). Trong lòng anh, em trai vẫn còn mất tích, vì anh đã tự chối đón nhận người em trong trái tim mình.
Với sự từ chối tham gia buổi tiệc, người con cả không chỉ từ bỏ em trai, mà còn từ chối người cha. Anh thà đồng ý là mồ côi còn hơn là một người anh. Anh ưu tiên sự cô lập hơn là sự gặp gỡ, sự chua chát hơn là niềm vui. Không chỉ không thể hiểu và tha thứ cho em trai, anh ta còn không chấp nhận một người cha biết tha thứ, biết nhẫn nại chờ đợi, biết tin tưởng và tiếp tục tìm kiếm.
Tại ngưỡng cửa của ngôi nhà ấy, có điều gì đó về mầu nhiệm của nhân tính chúng ta được bộc lộ. Một mặt, đó là niềm vui mừng của người cha dành cho người con đã lạc mất nhưng nay được tìm thấy; mặt khác, đó là cảm giác bị phản bội và phẫn uất của người anh cả trước việc tổ chức tiệc đón mừng sự trở về của người em. Một mặt, đó là sự chào đón của người cha dành cho người con đã trải qua đau khổ và cơ cực, đến mức ao ước được ăn đậu muồng heo ăn mà cũng không ai cho; mặt khác, đó là sự bực bội và tức giận của người anh cả trước vòng tay ôm ấp dành cho một người đã từng tỏ ra hoàn toàn bất xứng.
Những gì chúng ta thấy ở đây một lần nữa phản ánh sự căng thẳng mà chúng ta đang trải nghiệm trong xã hội, trong cộng đoàn của mình và ngay cả trong chính tâm hồn mình. Một sự căng thẳng đã tồn tại sâu xa trong con người từ thời Cain và Abel. Chúng ta được mời gọi để đối diện với nó và nhận ra nó đúng như bản chất của nó. Bởi lẽ, chúng ta cũng tự hỏi: "Ai có quyền được ở cùng chúng tôi, được ngồi vào bàn tiệc của chúng tôi, tham gia vào các cuộc họp của chúng tôi, các hoạt động và mối quan tâm của chúng tôi, được hiện diện trong những quảng trường, những thành phối của chúng tôi?" Câu hỏi mang tính sát nhân này dường như luôn trở lại: "Con là người giữ em con hay sao?" (x. St 4,9).
Tại ngưỡng cửa của ngôi nhà ấy, chúng ta có thể thấy rõ những chia rẽ và xung đột của chính mình, sự hiếu thắng và mâu thuẫn luôn rình rập ngay bên cửa của những lý tưởng cao đẹp mà chúng ta theo đuổi, những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một xã hội huynh đệ, nơi mỗi người đều có thể cảm nghiệm được phẩm giá của một người con.
Tuy nhiên, tại ngưỡng cửa của ngôi nhà ấy, chúng ta cũng sẽ thấy một cách rạng ngời và rõ ràng ước muốn sâu thẳm và vô điều kiện của người cha rằng: tất cả người con đều được chia sẻ niềm vui với mình. Không ai phải sống trong những điều kiện phi nhân, như người con trai út đã từng chịu đựng, cũng không ai phải cô lập, đơn độc và cay đắng như người con cả. Trái tim người cha mong muốn tất cả mọi người được cứu độ và đạt tới nhận biết chân lý (1 Tm 2,4).
Đúng là có nhiều hoàn cảnh có thể gây ra chia rẽ và xung đột, và cũng có những tình huống đẩy chúng ta vào sự đối đầu và thù địch. Điều này không thể phủ nhận. Chúng ta thường bị cám dỗ tin rằng hận thù và báo thù là những cách chính đáng để đảm bảo công lý nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng hận thù, chia rẽ và báo thù chỉ làm tổn thương tâm hồn dân tộc chúng ta, đầu độc hy vọng của con cháu chúng ta, phá hủy và cuốn trôi mọi điều quý giá mà chúng ta trân trọng.
Do đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dừng lại và chiêm ngắm trái tim của Chúa Cha. Chỉ từ góc nhìn này, chúng ta mới có thể một lần nữa nhận ra rằng mình là anh chị em của nhau. Chỉ khi đặt mình vào chân trời rộng lớn đó, chúng ta mới có thể vượt lên trên những cách suy nghĩ hẹp hòi và chia rẽ, và nhìn nhận mọi sự một cách không làm lu mờ những khác biệt dưới danh nghĩa của một sự thống nhất gượng ép hoặc một sự gạt bỏ âm thầm. Chỉ khi mỗi ngày chúng ta có thể ngước mắt lên trời và thưa rằng: "Lạy Cha chúng con", chúng ta mới có thể trở thành một phần của tiến trình giúp chúng ta nhìn mọi sự một cách rõ ràng, dám mạo hiểm sống không còn như kẻ thù, nhưng như anh chị em.
"Tất cả những gì của Cha đều là của con" (Lc 15,31), người cha nói điều đó với người con cả. Ông không chỉ nói về của cải vật chất, mà còn nói về việc chia sẻ chính tình yêu và lòng thương xót của mình. Đây chính là gia sản lớn nhất và quý giá nhất của một Kitô hữu. Thay vì đo lường hay phân loại bản thân theo các tiêu chí đạo đức, xã hội, sắc tộc hay tôn giáo khác nhau, chúng ta cần nhận ra một tiêu chuẩn khác, một tiêu chuẩn mà không ai có thể tước đoạt hay phá hủy, vì đó là một hồng ân thuần túy: nhận thức rằng chúng ta là những người con yêu dấu, được Chúa Cha chờ đợi và vui mừng đón nhận.
"Tất cả những gì của Cha đều là của con", Chúa Cha nói, kể cả khả năng thương xót của Cha. Chúng ta đừng rơi vào cám dỗ coi việc chúng ta là con cái Thiên Chúa chỉ đơn thuần là vấn đề về luật lệ, bổn phận và việc tuân giữ. Căn tính và sứ vụ của chúng ta không phát xuất từ chủ nghĩa tự nguyện, chủ nghĩa pháp lý, chủ nghĩa tương đối hay chủ nghĩa cực đoan, nhưng từ niềm tin của những người mỗi ngày khiêm tốn và kiên trì cầu nguyện: "Xin cho Nước Cha trị đến!".
Dụ ngôn Tin Mừng để lại cho chúng ta một kết thúc mở. Chúng ta thấy người cha mời gọi người con cả bước vào và chia sẻ niềm vui của lòng thương xót. Tác giả Tin Mừng không nói gì về quyết định của người con cả. Anh ta có tham gia bữa tiệc không? Chúng ta có thể hình dung rằng phần kết thúc mở này là để mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn viết tiếp. Chúng ta hoàn thành câu chuyện qua cách sống của mình, qua cách chúng ta nhìn nhận người khác và đối xử với tha nhân. Người Kitô hữu biết rằng trong nhà Cha có nhiều chỗ ở; những ai ở ngoài chỉ là những người không muốn chia sẻ niềm vui của Ngài.
Anh chị em thân mến, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì cách anh chị em làm chứng cho Tin mừng của lòng thương xót trên mảnh đất này. Cảm ơn anh chị em vì những nỗ lực biến mỗi cộng đoàn của mình thành ốc đảo của lòng thương xót. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục vun trồng nền văn hóa của lòng thương xót, một nền văn hóa mà không ai nhìn người khác với sự thờ ơ hay ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của họ (x. Misericordia et Misera, 20). Hãy luôn gần gũi với những người bé nhỏ, người nghèo, và tất cả những ai bị gạt ra bên lề, bị bỏ rơi và lãng quên. Hãy tiếp tục trở thành dấu chỉ của vòng tay yêu thương của Chúa Cha.
Nguyện xin Đấng Giàu Lòng Xót Thương và Trắc Ẩn – như anh chị em Hồi giáo của chúng ta thường cầu khẩn – củng cố anh chị em và làm cho những công việc bác ái của anh chị em ngày càng sinh hoa kết quả.