CHUYẾN VIẾNG THĂM MỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ Ở RÔMA
ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Chúa nhật 3 Mùa Chay, ngày 7 tháng 3 năm 2010
Anh chị em thân mến,
"Hãy sám hối", Chúa phán, "vì Nước Trời đã đến gần", chúng ta đã công bố trước bài Tin mừng của Chúa nhật 3 Mùa Chay năm C hôm nay, bài Tin mừng trình bày chủ đề nền tảng của "mùa quyết liệt" trong năm phụng vụ: lời mời gọi thay đổi đời sống và thực hiện những việc làm xứng đáng với sự sám hối.
Như chúng ta đã nghe, Chúa Giêsu nhắc lại hai sự kiện: một cuộc đàn áp tàn bạo trong Đền Thờ do quân đội La Mã thực hiện (x. Lc 13:1) và cái chết bi thảm của 18 người bị chết khi tháp Silôê sụp đổ (c. 4). Dân chúng coi những sự kiện này như một hình phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi của những nạn nhân ấy, và vì họ tự cho mình là công chính, họ tin rằng họ an toàn khỏi những tai họa như thế và không cần thay đổi điều gì trong cuộc sống. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho thấy thái độ này là một ảo tưởng: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (cc. 2-3). Và Người mời gọi chúng ta suy nghĩ về những biến cố này để có một cam kết quyết liệt hơn trên con đường hoán cải, vì chính việc khép mình trước Chúa và không chịu bước vào con đường hoán cải sẽ dẫn đến sự chết, sự chết của linh hồn. Trong Mùa Chay, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi tạo nên một bước ngoặt trong cuộc sống, suy nghĩ và hành động theo Tin Mừng, chỉnh đốn một số khía cạnh trong cách cầu nguyện, hành xử hoặc làm việc, cũng như trong các mối tương quan với tha nhân. Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi này không phải với sự nghiêm khắc vô ích, mà chính vì Người quan tâm đến lợi ích, hạnh phúc và ơn cứu độ của chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta phải đáp lại Người với một nỗ lực nội tâm chân thành, cầu xin Người giúp chúng ta hiểu được những phương cách cụ thể mà chúng ta cần thay đổi.
Kết luận của đoạn Tin mừng quay trở lại viễn cảnh của lòng thương xót, cho thấy sự cần thiết cấp bách để trở về với Thiên Chúa, đổi mới cuộc sống theo đường lối của Ngài. Dựa trên một tập quán thời bấy giờ, Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn về cây vả được trồng trong vườn nho. Tuy nhiên, cây vả này không sinh hoa trái (x. Lc 13:6-9). Cuộc đối thoại giữa chủ vườn và người làm vườn cho thấy một mặt là lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng kiên nhẫn và cho con người thời gian để hoán cải; mặt khác là sự cần thiết phải bắt đầu thay đổi đời sống cả bên trong lẫn bên ngoài ngay lập tức để không bỏ lỡ những cơ hội mà lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta nhằm vượt qua sự lười biếng thiêng liêng và đáp lại tình yêu của Ngài bằng tình con thảo của chúng ta.
Hơn nữa, trong đoạn trích của Bài đọc II mà chúng ta đã nghe, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta đừng tự đánh lừa mình: chỉ được rửa tội và nuôi dưỡng tại bàn Tiệc Thánh Thể là chưa đủ nếu chúng ta không sống xứng đáng như những Kitô hữu đích thực và không chú ý đến các dấu chỉ của Chúa (x. 1 Cr 10:1-4).
Anh chị em Giáo xứ Thánh Gioan Thánh Giá thân mến, tôi rất vui mừng được ở đây với anh chị em hôm nay để cử hành Ngày của Chúa. Tôi thân ái chào Đức Hồng y Đại diện, Đức Giám mục Phụ tá của khu vực, Cha Enrico Gemma, cha xứ của anh chị em, người mà tôi cảm ơn vì những lời lẽ tốt đẹp khi cha nói thay mặt cho tất cả anh chị em, và các linh mục khác đang giúp đỡ ngài. Tôi cũng muốn gửi lời chào đến tất cả cư dân của khu vực, đặc biệt là những người cao tuổi, bệnh nhân và những người cô đơn hoặc gặp khó khăn. Tôi nhớ đến mọi người trong Thánh Lễ này.
Tôi biết rằng giáo xứ của anh chị em là một cộng đoàn trẻ. Quả thực, nó bắt đầu hoạt động mục vụ vào năm 1989. Trong suốt 12 năm, cộng đoàn đã hoạt động trong những cơ sở tạm thời trước khi có được khu phức hợp mới của giáo xứ. Giờ đây, khi anh chị em đã có một ngôi thánh đường mới, tôi mong rằng chuyến thăm này của tôi sẽ là một sự khích lệ để anh chị em ngày càng trở thành Hội Thánh của những viên đá sống động chính là anh chị em. Tôi biết rằng kinh nghiệm của 12 năm đầu tiên đã định hình một phong cách sống vẫn còn tồn tại. Việc thiếu cơ sở phù hợp và truyền thống cố hữu thực sự đã thúc đẩy anh chị em tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, một ngọn đèn soi sáng bước chân anh chị em và mang lại những kết quả cụ thể về sự hoán cải, tham dự vào các Bí tích, đặc biệt là Thánh lễ Chúa nhật, và việc phục vụ. Tôi khuyến khích anh chị em làm cho giáo xứ này trở thành một nơi mà mọi người học cách lắng nghe Chúa ngày càng tốt hơn, Đấng phán dạy chúng ta trong Kinh thánh. Xin cho những điều này luôn là trung tâm ban sự sống cho cộng đoàn anh chị em để nó có thể trở thành một trường học liên tục của đời sống Kitô hữu mà từ đó khơi nguồn cho mọi hoạt động mục vụ.
Việc xây dựng nhà thờ giáo xứ mới đã thúc đẩy anh chị em hướng tới một dấn thân tông đồ đồng tâm nhất trí, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giáo lý và phụng vụ. Tôi xin chúc mừng những nỗ lực mục vụ mà anh chị em đang thực hiện. Tôi biết rằng nhiều nhóm tín hữu tập trung để cầu nguyện, được đào tạo trong trường Phúc âm, tham gia các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, và sống chiều kích thiết yếu trong đời sống Kitô hữu, đó là bác ái. Tôi trân trọng ghi nhận tất cả những ai góp phần làm cho các cử hành phụng vụ trở nên sinh động hơn và gia tăng số người tham dự, cũng như những ai, cùng với Caritas giáo xứ và nhóm Sant'Egidio, tìm cách đáp ứng những nhu cầu khác nhau trong khu vực, đặc biệt là những mong đợi của những người nghèo khổ và túng thiếu nhất. Cuối cùng, tôi nghĩ đến tất cả những nỗ lực đáng khen ngợi của anh chị em dành cho gia đình và giáo dục Kitô giáo cho trẻ em, cũng như những người tham gia trung tâm cầu nguyện và sinh hoạt sau giờ học.
Từ khi được thành lập, giáo xứ này đã mở ra với các Phong trào và Cộng đoàn Giáo hội mới, qua đó phát triển nhận thức rộng hơn về Giáo hội và trải nghiệm những hình thức truyền giáo mới. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục mạnh dạn trên con đường này, nhưng hãy đảm bảo kết hợp tất cả những thực tế hiện hữu trong một dự án mục vụ thống nhất. Tôi vui mừng khi biết rằng, liên quan đến ơn gọi và vai trò của những người sống đời thánh hiến và giáo dân, cộng đoàn của anh chị em đang đề xuất việc thúc đẩy trách nhiệm đồng hành của tất cả các thành viên trong Dân Thiên Chúa. Như tôi đã có cơ hội nhắc lại, điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong cách suy nghĩ, đặc biệt đối với giáo dân: "Họ không còn được nhìn nhận như là 'cộng sự' của hàng giáo sĩ, mà thực sự được công nhận là 'đồng trách nhiệm' với sự hiện hữu và hoạt động của Giáo hội, qua đó thúc đẩy sự trưởng thành của một giáo dân chính chắn và dấn thân" (Diễn văn tại Hội nghị Giáo phận Rôma, ngày 26 tháng 5 năm 2009).
Hỡi các gia đình Kitô hữu thân mến, hỡi những người trẻ đang sống trong khu vực này và tham gia vào giáo xứ, hãy để khát vọng loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô đến với tất cả mọi người và trở thành động lực ngày càng mạnh mẽ. Đừng đợi người khác đến mang tới những thông điệp không dẫn tới sự sống; thay vào đó, hãy trở thành những nhà truyền giáo của Chúa cho anh chị em quanh mình, ngay tại nơi họ sinh sống, làm việc, học tập hoặc đơn giản chỉ là nơi họ dành thời gian thư giãn. Ở đây cũng vậy, hãy khởi xướng một mục vụ ơn gọi sâu rộng và toàn diện, bao gồm việc giáo dục gia đình và giới trẻ trong cầu nguyện và sống đời sống mình như một món quà đến từ Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi mỗi người chúng ta nhận ra mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong đời sống của chúng ta, như chúng ta đã nghe trong Bài đọc I. Môsê nhìn thấy một bụi gai bốc cháy trong hoang mạc nhưng không bị thiêu rụi. Ban đầu, ông bị thúc đẩy bởi sự tò mò và tiến lại gần để quan sát hiện tượng kỳ diệu ấy, thì bỗng nhiên có tiếng từ bụi gai vọng ra: "Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp" (Xh 3,6). Và chính Thiên Chúa này đã sai ông đến Ai Cập, giao cho ông sứ mạng dẫn dắt dân Israel đến Đất Hứa và nhân danh Ngài, yêu cầu Pharaô thả dân Israel đi. Lúc này, Môsê hỏi Thiên Chúa về Danh của Ngài, Danh thể hiện uy quyền đặc biệt của Ngài, để ông có thể giới thiệu Thiên Chúa với dân và với Pharaô. Câu trả lời của Thiên Chúa có vẻ lạ lùng; dường như vừa là một câu trả lời, vừa không phải là câu trả lời. Ngài chỉ nói về chính mình: "Ta là Ðấng Tự Hữu", "Ta là Ta là", và điều đó là đủ. Thiên Chúa không từ chối yêu cầu của Môsê. Ngài công bố Danh của mình, qua đó tạo điều kiện cho chúng ta kêu cầu Ngài, thiết lập mối tương qua với Ngài. Bằng việc mặc khải Danh của mình, Thiên Chúa thiết lập một mối tương quan giữa Ngài và chúng ta. Ngài cho phép chúng ta kêu cầu Ngài, đi vào mối tương quan với Ngài và ban cho chúng ta khả năng sống trong mối tương quan ấy. Điều này có nghĩa là Người tự hiến cho thế giới nhân loại của chúng ta, Ngài trở nên gần gũi, như thể Ngài là một trong chúng ta. Ngài chấp nhận rủi ro của mối quan hệ, của việc ở với chúng ta. Điều đã bắt đầu nơi bụi gai cháy trong sa mạc được hoàn tất nơi mão gai cháy lữa yêu mến của Thập giá, nơi mà Thiên Chúa, khi trở nên gần gũi trong Con của Ngài làm người, thực sự trở thành một trong chúng ta, bị đặt vào tay chúng ta, và theo cách đó, thực hiện sự cứu độ nhân loại. Trên đồi Golgotha, Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình trong đêm Xuất Hành như Đấng giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ, đã tỏ mình là Đấng ôm trọn mọi con người với quyền năng cứu độ của Thập giá và Phục sinh, giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự chết, và đón nhận họ trong vòng tay yêu thương của Ngài.
Chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngưỡng mầu nhiệm Danh Thiên Chúa, để hiểu rõ hơn mầu nhiệm của Mùa Chay và sống trong sự hoán cải liên lỉ, cả với tư cách cá nhân lẫn cộng đoàn, hầu trở thành một sự hiển linh không ngừng trong thế giới, một chứng nhân của Thiên Chúa hằng sống, Đấng giải thoát và cứu độ chúng ta bằng tình yêu. Amen.