ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU CUBA
Quảng trường Cách mạng, Havana (Cuba)
Chủ nhật, ngày 20 tháng 9 năm 2015
Anh chị em thân mến!
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi có vẻ nhạy cảm: “Dọc đường, anh em bàn tán điều gì vậy?” Đó là câu hỏi mà Người cũng có thể hỏi mỗi người chúng ta ngày nay: “Các con bàn tán về điều gì mỗi ngày?” “Các con có khát vọng gì?” Phúc âm cho chúng ta biết rằng các môn đệ “không trả lời vì trên đường đi, họ đã tranh cãi về việc ai là người lớn nhất”. Họ xấu hổ khi nói với Chúa Giêsu những gì họ đang bàn tán. Giống như các môn đệ khi đó, ngày nay chúng ta cũng có thể bị cuốn vào những cuộc tranh cãi tương tự: ai là người lớn nhất nhất?
Chúa Giêsu không thúc ép khi đưa ra câu hỏi. Người không ép buộc họ nói với Người những gì họ đã nói trên đường. Nhưng câu hỏi đó vẫn còn, không chỉ trong tâm trí các môn đệ, mà còn trong trái tim họ.
Ai là người lớn nhất? Đây là một câu hỏi suốt đời mà vào những thời điểm khác nhau, chúng ta phải đưa ra câu trả lời. Chúng ta không thể trốn tránh câu hỏi đó; nó đã được khắc ghi trong trái tim chúng ta. Tôi nhớ không chỉ một lần, trong các buổi họp mặt gia đình, trẻ em thường được hỏi: “Con yêu ai hơn, Mẹ hay Bố”? Câu hỏi này cũng có nghĩa: "Ai là người quan trọng nhất đối với con?" Nhưng đây có phải chỉ là câu hỏi khi chúng ta vui đùa với trẻ con? Lịch sử nhân loại đã được đánh dấu bằng câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho câu hỏi này.
Chúa Giêsu không sợ câu hỏi của mọi người; Người không sợ nhân tính của chúng ta hay những điều khác biệt mà chúng ta đang tìm kiếm. Ngược lại, Người biết chiều sâu của trái tim con người, và là một người thầy giỏi, Người luôn sẵn sàng khuyến khích và hỗ trợ chúng ta. Như thường lệ, Người tiếp nhận sự tìm kiếm, khát vọng của chúng ta và Người trao cho chúng một chân trời mới. Như thường lệ, bằng cách nào đó, Người tìm ra câu trả lời có thể đặt ra một thách thức mới, gạt sang một bên những "câu trả lời đúng", những câu trả lời chuẩn mực mà chúng ta được mong đợi đưa ra. Như thường lệ, Chúa Giêsu đặt trước chúng ta "logic" của tình yêu. Một tư duy, một cách tiếp cận cuộc sống, có thể được tất cả mọi người sống theo, vì nó dành cho tất cả mọi người.
Khác xa với bất kỳ loại chủ nghĩa tinh hoa nào, chân trời mà Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta không dành cho một số ít những tâm hồn đặc quyền có khả năng đạt đến tầm cao của kiến thức hoặc các cấp độ tâm linh khác nhau. Đường chân trời mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta luôn liên quan đến cuộc sống hằng ngày, cũng như ở đây trên "hòn đảo của chúng ta", một điều gì đó có thể làm cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta thêm hương vị vĩnh cửu.
Ai là người lớn nhất? Chúa Giêsu trả lời thẳng thắn: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người". Bất cứ ai muốn trở nên vĩ đại thì phải phục vụ người khác, chứ không phải được người khác phục vụ.
Đây chính là nghịch lý lớn của Chúa Giêsu. Các tông đồ đã tranh cãi về việc ai sẽ có vị trí cao nhất, ai sẽ được chọn để hưởng các đặc quyền - họ là các tông đồ, những người gần gũi nhất với Chúa Giêsu, và họ đã tranh cãi về điều đó! -, ai sẽ vượt lên trên chuẩn mực chung, để nổi bật trong cuộc tìm kiếm sự vượt trội hơn những người khác. Ai sẽ leo lên nấc thang nhanh nhất để đảm nhận những công việc mang lại một số lợi ích nhất định.
Chúa Giêsu làm đảo lộn "logic" của họ, tư duy của họ, chỉ bằng cách nói với họ rằng cuộc sống được sống một cách chân thực trong một dấn thân cụ thể cho người lân cận của chúng ta. Đó là, bằng cách phục vụ.
Lời kêu gọi phục vụ liên quan đến một điều gì đó đặc biệt, mà chúng ta phải chú ý. Phục vụ có nghĩa là quan tâm đến sự yếu đuối của họ. Chăm sóc những người dễ bị tổn thương trong gia đình, xã hội và dân tộc chúng ta. Họ là những khuôn mặt đau khổ, mong manh và buồn bã mà Chúa Giêsu bảo chúng ta phải nhìn vào và Người yêu cầu chúng ta phải yêu thương. Với tình yêu hình thành trong hành động và quyết định của chúng ta. Với tình yêu thể hiện trong bất kỳ nhiệm vụ nào mà chúng ta, với tư cách là công dân, được kêu gọi thực hiện. Chính những con người bằng xương bằng thịt, những con người có cuộc sống và câu chuyện riêng, và với tất cả sự yếu đuối của họ, mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta bảo vệ, chăm sóc và phục vụ. Trở thành một Kitô hữu đòi hỏi phải thúc đẩy phẩm giá của anh chị em chúng ta, đấu tranh vì nó, sống vì nó. Đó là lý do tại sao các Kitô hữu liên tục được kêu gọi gạt bỏ những mong muốn và khát khao của riêng mình, gạt bỏ việc theo đuổi quyền lực của họ, để chú tâm nhìn đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Có một loại “phục vụ” cũng là phục vụ người khác, nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị cám dỗ bởi loại phục vụ này, đó là “tự phục vụ” chính mình mà gạt bỏ người khác. Có một loại phục vụ chỉ quan tâm đến việc giúp đỡ “người của tôi”, “người của chúng tôi”. Loại phục vụ này luôn để “người của người khác” ở bên ngoài và dẫn đến quá trình loại trừ.
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bởi ơn gọi Kitô hữu của mình để phục vụ thực sự, phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau để không bị cám dỗ bởi một loại “tự phục vụ”. Tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu yêu cầu, thậm chí thúc giục, phải chăm sóc lẫn nhau vì tình yêu. Không nhìn sang bên này hay bên kia để xem người lân cận của chúng ta đang làm gì hoặc không làm gì. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm người đứng đầu trong các con thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Người đó sẽ là người đứng đầu. Chúa Giêsu không nói: nếu người lân cận của bạn muốn làm người đứng đầu, hãy để họ làm người phục vụ! Chúng ta phải cẩn thận để tránh những cái nhìn phán xét và hãy canh tân niềm tin của mình vào cái nhìn có sức biến đổi mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta.
Việc quan tâm đến người khác vì tình yêu không phải là sự phục tùng. Thay vào đó, nó có nghĩa là đặt vấn đề của anh chị em chúng ta vào trung tâm. Phục vụ luôn hướng đến khuôn mặt của họ, chạm vào da thịt của họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí, trong một số trường hợp, "chịu đựng" sự gần gũi đó và cố gắng giúp đỡ họ. Phục vụ không bao giờ mang tính ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ ý tưởng, chúng ta phục vụ con người.
Dân thánh và trung thành của Chúa ở Cuba là một dân tộc thích lễ kỷ niệm, tình bạn, những điều đẹp đẽ. Đó là một dân tộc diễu hành với những bài ca ngợi khen. Đó là một dân tộc có những vết thương, giống như mọi dân tộc khác, nhưng biết cách đứng lên với vòng tay rộng mở, tiếp tục bước đi trong hy vọng, bởi vì họ có ơn gọi vĩ đại. Đây là những hạt giống được tổ tiên của anh chị em gieo trồng. Hôm nay, tôi yêu cầu anh chị em chăm sóc ơn gọi này của mình, chăm sóc những món quà mà Chúa đã ban cho anh chị em, nhưng trên hết, tôi mời anh chị em chăm sóc và phục vụ sự yếu đuối của những người xung quanh mình. Đừng bỏ rơi họ vì những kế hoạch có thể quyến rũ, nhưng lại không quan tâm đến khuôn mặt của người bên cạnh anh chị em. Chúng ta biết, chúng ta là những chứng nhân của sức mạnh vô song là sự phục sinh, sức mạnh “làm nảy sinh những hạt giống của một thế giới mới ở khắp mọi nơi” (x. Evangelii Gaudium, 276, 278).
Chúng ta đừng quên Tin Mừng mà chúng ta đã nghe hôm nay: tầm quan trọng của một dân tộc, một quốc gia và tầm quan trọng của các cá nhân, luôn dựa trên cách họ tìm cách phục vụ những người anh chị em dễ bị tổn thương của mình. Ở đây chúng ta gặp một trong những thành quả của một nhân loại đích thực.