ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

50 năm sứ vụ Jrai tại miền đất hứa Pleikly

Trung tâm Loan báo Tin Mừng Pleikly (GP Kontum) tọa lạc tại Thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Nơi đây được ví như “miền đất hứa” để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho đồng bào sắc tộc Jrai mà 50 năm trước, ngày 10.10.1969, bốn tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế (CSsR) đã được Ðức cha Paul Seitz, Giám mục địa phận ủy thác. Ngài đã đích thân chở các vị tới vùng này.


Ngày ấy, Ðức cha Paul Seitz dặn dò: “Tôi trao cho dòng Chúa Cứu Thế tất cả đồng bào Jrai. Bây giờ anh em có bốn người, nhưng nếu nhà dòng gởi đến 72 thừa sai tôi cũng hoan hỉ đón nhận. Tôi chúc lành cho anh em, cho công cuộc tông đồ của anh em và cho sắc tộc này”.

Bốn vị thừa sai đầu tiên là cha Antôn Vương Ðình Tài, thầy trợ sĩ Lêôna Hồ Văn Quân, hai thầy sáu Giuse Trần Sỹ Tín và Phêrô Nguyễn Ðức Mầu. Ngày mới đặt chân đến, chẳng ai biết các ngài là ai. Không nơi trú ngụ, các vị phải nghỉ tạm trong một phòng học bỏ hoang, giành chỗ ở của mấy chú… dê. Gần hai mươi năm đầu ở với dân, học ăn, học nói, học lao động y như một người dân tộc bản địa thực thụ, không giảng đạo, cũng chẳng bà con nào theo Chúa. Mãi đến năm 1985, tại Pleikly chuẩn bị Năm Thánh Ðức Mẹ, người Jrai bắt đầu xin rửa tội.

Nửa thế kỷ, cộng đoàn dòng Chúa Cứu Thế Kontum đã nhìn lại công cuộc vun trồng Hội Thánh trong đất Jrai để “đón nhận, tiếp nối và ra đi”. Ngày kỷ niệm đánh dấu bằng thánh lễ tạ ơn sáng ngày 16.10.2019, trời mưa lất phất nhưng không ngăn được bước chân của hàng ngàn tín hữu sắc tộc tiến về Pleikly. Chủ tế thánh lễ, Ðức Giám mục giáo phận Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, đồng tế có cha Tổng Ðại diện Phêrô Nguyễn Vân Ðông, cha Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Giuse Nguyễn Ngọc Bích, cha Giuse Trần Sỹ Tín cùng hàng trăm linh mục, tu sĩ dòng và triều trong giáo phận Kontum. Có mặt từ rất sớm, anh Kpa Thức, một tín hữu người dân tộc vui vẻ cho biết: “Hôm nay giống như ngày hội của đồng bào, mọi người gác lại công chuyện đến dự lễ tạ ơn Ðức Chúa Trời với Ama (cha). Các Ama giống như người đồng bào, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, mặc áo thổ cẩm, nói tiếng Jrai… Nói chung là hòa nhập, học hỏi, đón nhận con người và văn hóa bản sắc riêng của chúng tôi bằng tất cả sự yêu thương chân thật”.

 

Người Jrai rất quý y phục truyền thống của họ, chỉ những khi có lễ hội họ mới mang ra mặc. Trời mưa, sợ ướt áo, chị Kpuih Trong gói đồ cẩn thận trong túi bóng bỏ vào gùi đeo trên lưng, tay dắt con nhỏ tiến vào khuôn viên cử hành thánh lễ, khuôn mặt không hề tỏ vẻ mệt mỏi vì đường sá xa xôi ướt át, nhưng lại rất hân hoan niềm nở. Bên trong nhà thờ đầy kín người, chị chọn một góc lồng bộ áo mới vào người rồi cùng con tiến đến ghế trống ngoài sân. “Tôi được các Ama rửa tội năm 1992. Từ khi vô đạo học biết Chúa thấy phấn khởi lắm. Làng trước khi đón nhận Tin Mừng, bà con ít được học tiếng Việt. Nhờ cha Tín, không chỉ tôi được học biết chữ mà con cái cũng được các cha quan tâm dạy dỗ. Trước đây chỉ biết quanh quẩn trong làng, giờ biết đi sang các buôn khác để nói về Chúa và cầu nguyện cùng bà con rồi”, chị chia sẻ.

Một gian phòng nhỏ làm quầy thuốc bên trái nhà thờ cũng được chuẩn bị để bà con có nhu cầu đến thăm khám bệnh và nhận thuốc về uống. Sơ Anna Hồ Thị Thúy Hằng, dòng Mến Thánh Giá Tân Việt vừa soạn thuốc vừa kể: “Không chỉ dịp lễ lớn mà mỗi Chúa nhật, các cha đều cho phòng thuốc phục vụ bà con. Cuộc sống người đồng bào còn nhiều thiếu thốn nên lắm khi sức khỏe không đảm bảo, lại hay mắc các bệnh đau bao tử, nhức xương khớp, đau lưng… Phòng thuốc có các loại thuốc phổ thông như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, thuốc bổ tăng cường sức đề kháng… để hỗ trợ điều trị những bệnh lý thông thường, còn những trường hợp nặng hơn sẽ có cách giúp lên viện điều trị kịp thời”.

Hòa mình tham dự buổi lễ thánh thiêng của người sắc tộc, khách miền xa không khỏi xúc động. Dù cả ngàn người tham dự, ngồi tràn ra hai bên hông và phía sau nhà thờ, nhưng hết thảy đều rất trật tự, trang nghiêm. Trong nhà thờ không kê ghế, họ trải chiếu, ngồi quây quần ngay hàng thẳng lối, dự lễ một cách sốt sắng, thành tâm, có những cử điệu nhịp nhàng theo bài hát, kết hợp cùng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn T’rưng… Tất cả làm người tham dự phải hồi tâm hướng lòng lên Ðấng Tối Cao.

 

Suốt hành trình nơi miền đất hứa Pleikly cho người sắc tộc Jrai, các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế đã vượt qua không ít gian nan để ngày nay, hạt giống Tin Mừng được trổ sinh hoa trái. Cha Tổng Ðại diện Phêrô Nguyễn Vân Ðông xúc động đúc kết trong phần giảng lễ: “Thành quả 50 năm gieo trồng hạt giống Kitô trong đất Jrai của các cha dòng Chúa Cứu Thế trên miền sơn cước này là 45.000 người dân tộc Jrai lãnh nhận Phép Rửa, đồng thời còn chăm sóc cho 10.000 giáo dân Ba Na, hơn 6.000 tín hữu người Kinh, tổng cộng là 61.000 bổn đạo. Các cha có 29 người mà chăm sóc cho 61.000 giáo dân của 247 làng dân tộc, 75 giáo xứ, giáo họ người Kinh. Trung bình mỗi cha lo việc mục vụ tại 11 làng với khoảng 2.115 giáo dân; xây được 14 giáo xứ và 77 nhà nguyện cho các làng…”.

Sau những năm tháng hết mình dấn thân vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, cha Tài và thầy Quân đã về quê trời, còn cha Giuse Trần Sỹ Tín ở độ tuổi bát tuần vẫn miệt mài thắp sáng ngọn lửa đức tin cho đồng bào. Ngài xác tín: “Từ ngày thấy anh chị em Jrai theo Chúa, tôi mới biết Chúa thật sự là ai. Một Thiên Chúa về học thuật, về lý thuyết thì đã được học và dạy rất nhiều, tôi vẫn tin. Nhưng để chạm được Thiên Chúa cứu độ một cách sống động thì phải đến khi thấy người đồng bào Jrai theo đạo. Có một quyền năng của Thiên Chúa làm việc nơi chúng tôi khi thi hành sứ mạng, chứ cậy dựa và sức mình thì không thể làm được gì”.

Trước đó, ngày 15.10, đông đảo tín hữu sắc tộc quy tụ về Trung tâm Loan báo Tin Mừng Pleikly cùng các cha, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế có buổi gặp gỡ, chia sẻ, diễn nguyện ôn lại chặng đường 50 năm đón nhận ơn cứu độ của Ðức Kitô. Những tín hữu dân tộc thiểu số được Phúc Âm hóa và trở thành chứng tá ra đi thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em dân làng mình. 

Trung tâm Loan báo Tin Mừng Pleikly với gần 10 linh mục, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế hiện quản lý 16 làng người dân tộc Jrai cũng như người Kinh sinh sống quanh vùng. Ngoài ra, các vị còn phụ trách thêm nhiều giáo xứ như Ia Blữ (1 giáo họ, gần 2000 giáo dân, 6 làng), Phú Nhơn (7 giáo họ, 1.300 giáo dân), Ia Hrú - Phú Quang (7 giáo họ, hơn 4.000 giáo dân, 13 làng), Ia Dreng (7 giáo họ, 4.000 giáo dân, 11 làng).      

Ngọc Lan
Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn