SƯ PHẠM GẦN GŨI CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (10.10.2023) – Có thể nói Thiên Chúa thích ở với con người. Ngài luôn gõ cửa tâm hồn từng người để có cơ hội bước vào căn nhà thiêng liêng của chúng ta. Điều này nghe có vẻ lạ tai, nhưng lại rất quan trọng đối với niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Bạn có thể hỏi: “Tại sao tôi lại đề cập đến chủ đề này? Số là tôi thường nghe các bạn trẻ chia sẻ rằng: “Cha ơi, sao con cảm thấy Thiên Chúa xa lạ quá”. Trò chuyện một hồi tôi mới nhận thấy các bạn ấy quan niệm về một Thiên Chúa quá quyền năng cao vời đến nỗi con người không thể tới gần. Dĩ nhiên, Thiên Chúa quyền năng, nhưng Ngài rất thân thiện và muốn làm bạn với chúng ta.

Để hiểu rõ hơn vấn đề trên đây, chúng ta thử tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về Thiên Chúa. Sau đó, Giáo huấn của Giáo hội dạy gì về điều này; và sau cùng, tôi tập thấy Chúa trong mọi sự.

1. Đấng Emmanuel là Thiên Chúa

Câu chuyện vườn Địa Đàng phác họa một Thiên Chúa hằng ngày gặp gỡ, trò chuyện với con người. Tuy nhiên sau khi phạm tội, con người không còn ở trong hoàn cảnh huy hoàng thiêng liêng ấy nữa. Con người muốn trốn tránh Thiên Chúa. Ngược lại, Thiên Chúa lại ra sức tìm kiếm con người. Cuộc trốn tìm này được Kinh Thánh đề cập đến như là những lần con người phản bội Giao ước của Thiên Chúa. Các ngôn sứ là người kêu gọi dân Chúa trở về. Thiên Chúa lại thứ tha và muốn con người trung thành một lần nữa với giao ước.

Có lẽ lời giao ước lớn nhất đó là Thiên Chúa sẽ gửi một Đấng Cứu độ đến ở với con người. Tiên tri Isaia gọi Đấng ấy là: Emmanuel. “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu chỉ: 'Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel'.” (Is 7,14) Emmanuel (עִמָּנוּאֵל) nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta. Dĩ nhiên thời Cựu ước, Thiên Chúa hiện diện với dân bằng những dấu chỉ như đám mây, cột lửa, lều hội ngộ, hòm bia giao ước. Có khi Đức Chúa hiện diện ở trên núi: “Các ngươi sẽ thờ Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3,12).

Dù sao dân Cựu ước rất khó cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa về mặt địa lý. Nhưng không ai cho rằng Thiên Chúa lúc đó vắng bóng hoặc ruồng bỏ dân của Ngài. Họ vẫn khao khát được diện kiến hoặc gặp được Đức Chúa. Với biết bao bài thánh vịnh nói lên tâm tình khao khát chờ mong này. Chẳng hạn: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv 42,2). Lời nguyện ấy được thành toàn vào ngày Đức Giêsu giáng sinh. Từ thời khắc đó, Thiên Chúa là Emmanuel đã đến ở với con người. Ngài có danh xưng, có gia đình và bạn bè. Như vậy, “Thiên Chúa đã nhận lấy vẻ bề ngoài là loài người nơi Chúa Giêsu Kitô và trở nên bạn hữu cũng như anh em với ta” (Đức Bênêđictô XVI, 06-09-2008).

Trên hết, Đức Giêsu không chỉ muốn cứu độ con người, mà còn khao khát được ở với con người. Trước khi về trời, Ngài nhắn cho mỗi người một thông điệp quan trọng này: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Với thân xác phục sinh, Đức Giêsu hiện diện bằng nhiều cách thế: trong Thánh thể, trong Lời của Người, dĩ nhiên là cả trong những Bí tích. Ngài còn ở nơi các vị thừa tác của Người (giám mục, linh mục), nơi người nghèo, nơi những người bé mọn, nơi những người bị loại ra lề. Có thể nói Ngài ở khắp mọi nơi. Lời minh định này của Thiên Chúa đã giúp Giáo hội khám phá ra những linh đạo có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở rất nhiều phương diện khác nhau.  

2. Linh đạo gặp gỡ Thiên Chúa

“Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần”[1]. Theo đó, dĩ nhiên Đức Giêsu chính là con đường tốt nhất để chúng ta gặp được Chúa Cha. Nói cách khác, khi gặp Chúa Giêsu cũng là lúc chúng ta gặp Thiên Chúa. Thật may trong Giáo hội, có rất nhiều vị thánh đã khám phá ra những con đường rất phong phú để gặp được Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta cảm thấy đường lối sư phạm của Thiên Chúa là ở với con người.

Ví dụ một số linh đạo nổi tiếng chúng ta có thể bước vào: linh đạo của thánh Augustino, thánh Biển Đức, Đa Minh, Phanxico Assisi, hoặc của thánh I Nhã. Gần đây có linh đạo của Mẹ Têrêsa Calcutta liên quan đến người nghèo. Có thể hiểu linh đạo này như lời giải thích của Mẹ: “Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng với người nghèo là bạn quay lưng với  Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người” (Youcat 331). Người nghèo thì ở đâu cũng có: nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần. Khi ở với người nghèo, Mẹ Têrêsa Calcutta còn nhắn chúng ta: “Hãy rút ra sức mạnh từ niềm vui được ở với Chúa Giêsu. Hãy vui sướng và bình an. Hãy đón nhận bất cứ cái gì Chúa ban, và cho đi bất cứ cái gì Chúa lấy, với một nụ cười lớn”.

Với người trẻ thời internet, gương của Chân phước Carlo Acutis đáng để chúng ta học theo. Đây là linh đạo nên thánh dễ dàng cho người trẻ thời 4.0. Theo đó nếu bạn là người thông minh ư, cứ dùng trí thông minh của mình để khám phá những điều mới mẻ trong thế giới này. Thiên Chúa vẫn diện diện trong thế giới internet, nếu người trẻ dám nên thánh bằng sự sáng tạo và thiên tài cá nhân mình. Chẳng hạn, “Carlo Acutis (1991–2006) sinh ra và hít thở vào thập kỷ đánh dấu với những thành tựu của truyền thông kỹ thuật số, những phát minh kết nối giữa công nghệ và truyền thông có khả năng đưa con người dần xích lại gần nhau, làm cho thế giới thu gọn nhỏ lại trong tầm tay qua các phương tiện như trang web (World Wide Web), tin nhắn (Text Message)”[2].

Trên đây chỉ là vài ví dụ để chúng ta thấy Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và tìm kiếm từng người. Nếu bạn muốn tìm Thiên Chúa trong cầu nguyện, Giáo hội vẫn luôn khuyến khích. Bên cạnh đó, Giáo hội muốn mở toang cánh cửa gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi lãnh vực của bạn. Dù chúng ta là ai, làm gì và ở đâu, Thiên Chúa cũng muốn gặp gỡ từng người. Khi gặp được Thiên Chúa, cuộc sống và công việc của bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn. Hoặc nói như lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút khỏi các công việc hằng ngày để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Điều đó không đúng. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương, và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm”[3].

Thiên Chúa muốn gặp gỡ con người. Ngôn ngữ thần học diễn đạt về cuộc gặp gỡ này như là mặc khải của Thiên Chúa. Mặc khải nghĩa là việc Thiên Chúa, do tình yêu vô biên, đã tự tỏ mình ra cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài, để họ được cứu độ, được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và trở nên nghĩa tử của Ngài, qua Đức Kitô và trong Thánh Thần. Như vậy, nhờ sự tỏ mình ra trước của Thiên Chúa mà con người có thể gặp được Ngài.

Một lần nữa Công đồng Vatican II lặp lại rằng: “Theo sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa, Người đã vui lòng tự mặc khải bản thân Người và cho ta biết mầu nhiệm của ý định Người mà loài người, nhờ Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể, có thể nhờ Chúa Thánh Thần đạt tới Chúa Cha và được tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (Hiến Chế Dei Verbum).

3. Vài áp dụng cụ thể

Tĩnh tâm để gặp Chúa

Tĩnh tâm là lúc chúng ta được ngủ nghỉ, ăn uống, thư thái, thong dong và cầu nguyện. Chúa mời gọi bạn tách khỏi thế giới bên ngoài một chút (1-2 ngày). Nơi đó, Đức Giêsu mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Có nhiều hình thức tĩnh tâm. Thường là tĩnh tâm với nhóm, có người đồng hành với các bạn. Nội dung của tĩnh tâm sẽ giúp bạn yêu mến Chúa hơn, định vị lại chính mình. Từ đó, cùng với Chúa, chúng ta sắp xếp lại đời mình một chút, để bước vào cuộc sống đời thường với tâm thế của người con Chúa. Đi tĩnh tâm về, cuộc sống nhiều bạn có nhiều ý nghĩa hơn. Đó là “buổi tĩnh tâm đầy xúc động”[4].

Bạn có thể liên lạc với cha xứ, bạn bè hay nhà dòng nào đó để tìm những nhóm tĩnh tâm. Nếu muốn, bạn có thể tìm kiếm những khóa tĩnh tâm ở trên internet. Khi biết rồi, bạn đừng ngần ngại đăng ký và rủ mấy đứa bạn đi nữa. Một năm dành vài ngày ở bên Chúa, cuộc sống bạn sẽ khác, biến đổi nhiều lắm.

Hành hương

Mô hình hành hương ở Việt Nam chưa phổ biến lắm. Tuy vậy, đây đó giáo xứ thường tổ chức đi hành hương cùng với nhau. Gia đình hoặc nhóm bạn có thể đi thăm địa điểm thánh. Nơi đó, chúng ta không chỉ thăm quan, nhưng để cầu nguyện và trải nghiệm một bối cảnh mới. Lúc này, chúng ta cũng dễ gặp Chúa hơn. Chẳng hạn, lời mời gọi của Giáo hội đặc biệt dành cho người trẻ: “Một người trẻ đi hành hương để xin Đức Mẹ giúp đỡ và mời một người bạn hoặc một người bạn khác cùng đi, với cử chỉ đơn giản này, em làm một việc truyền giáo quý giá. Không thể tách rời khỏi mục vụ giới trẻ phổ thông những hành động truyền giáo thông thường không thể cưỡng lại được, là điều chọc thủng mọi kiểu mẫu thông thường của chúng ta. Chúng ta hãy đồng hành với điều ấy, cổ võ nó, nhưng đừng có ý điều khiển nó một cách quá đáng”[5].

Cắm trại

Đây là sở trường của người trẻ Việt Nam. Nhất là thời gian hè thường có nhiều nhóm cắm trại. Mấy ngày dựng lều, nấu nướng, vui chơi, lửa trại, trò chơi lớn hay thánh lễ cùng nhau, thật tuyệt vời biết bao. Nơi đó, ước sao người trẻ thấy được thiên nhiên thật đẹp và cần được bảo vệ. Trước nạn ô nhiễm khủng hoảng môi trường, Giáo hội cần người trẻ, bởi:

“Nơi nhiều thanh thiếu niên, việc tiếp xúc với các thụ tạo gây ra một sức thu hút đặc biệt, và các em rất nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường, như trong trường hợp các hướng đạo sinh và các nhóm khác, là các nhóm tổ chức những ngày ở giữa thiên nhiên, cắm trại, leo núi, du ngoạn và các chiến dịch cho môi trường. Theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, đây là những kinh nghiệm có thể dẫn đến một con đường để nhập vào trường của tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm”[6].

Xin ủng hộ con cái mình đi cắm trại, vì đó là môi trường tốt để rèn luyện kỹ năng. Hơn nữa, khi người trẻ chơi cùng nhau, họ có thể khám phá nhiều bài học cho cuộc đời. Đừng giam con em mình trong bốn bức tường; đừng để chúng cứ gắn liền với thiết bị công nghệ. Cha mẹ tốt cần tạo cho con cái mình sân chơi bổ ích. Trong sân chơi ấy luôn có Chúa Giêsu và có bạn bè đồng trang lứa với các em. Ước gì sân chơi ấy luôn có nơi mỗi giáo xứ.

Thăm viếng

Có thể gặp được Chúa trong khi chúng ta thăm ông bà, họ hàng. Nhiều nhóm tổ chức đi thăm viếng người nghèo. Không ít các bạn đi làm từ thiện. Lồng trong những hoạt động ấy là tình bạn dành cho nhau. Qua đó, ước gì chúng ta thấy Thiên Chúa đang hiện diện. Tập thấy Chúa nơi tha nhân cũng là điểm chú ý.

Lui tới nhà xứ

Giáo xứ hẳn nhiên có nhà thờ, có chỗ vui chơi, có nơi học giáo lý. Đó cũng là môi trường tốt để chúng ta gặp Chúa và gặp nhau. Chúng ta chỉ lui đến nhà xứ nếu nơi ấy cởi mở, sống đức tin, ước ao làm rạng danh Chúa Giêsu Kitô, vui vẻ, tự do, huynh đệ và tận tâm. Đừng xa lạ với cha xứ hay giáo xứ. Đó là nhà của chúng ta. Ước gì môi trường giáo xứ luôn mở rộng chào đón mọi người. Trẻ em “lăng xăng” vui chơi và trò chuyện trong giáo xứ luôn là hình ảnh đẹp.

Mạnh dạn sáng tạo để trải nghiệm với Chúa

Còn nhiều hình thức khác mà chúng ta không thể kể hết ở đây. Chẳng hạn có nhóm đi phượt, đi du lịch trong và ngoài nước, đi làm thêm, đại hội giới trẻ giáo xứ, giáo phận, tìm hiểu ơn gọi, tham gia sinh viên tình nguyện, tập làm truyền thông công giáo, v.v. Tất cả môi trường này mở ra cho chúng ta một cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa, một Đức Giêsu sống động.

Chúc mỗi người có thêm nhiều cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng đang muốn gặp gỡ chúng ta. Đó là sư phạm Thiên Chúa đang mời gọi và chỉ dạy cho chúng ta.



[1] Từ Điển Công Giáo, mục từ Linh Đạo

[3] Tông huấn “Vui mừng và Hoan Hỷ”, số 14

[4] Xem. Đức Kitô Sống, số 210 chú thích: “Tĩnh tâm đầy xúc động” là dịch từ cụm từ “ritiro di impatto” của tiếng Ý hay “retraite de choc” của tiếng Pháp, có nghĩa là một buổi tĩnh tâm làm cho tâm hồn được đánh động đến nỗi giật nẩy lên như bị một cú sốc.