Lời Chúa:
Lc 14, 15-24
Khi ấy, một trong
những kẻ đồng bàn với Ðức Giêsu nói với Người: “Phúc thay ai được dự tiệc trong
Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người.
Ðến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ
bàn đã sẵn.” Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói:
“Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói:
“Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói:
“Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Ðầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho
chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi
công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù,
què quặt vào đây.” Ðầy tớ nói: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn
chỗ.” Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép
người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời
trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”
Suy niệm:
Bài Tin
Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của bữa tiệc
do một ông Pharisêu chức sắc mời
Đức Giêsu vào ngày sabát (Lc 14, 1).
Những lời Ngài nói trong bữa tiệc
đã đánh động một người cùng bàn.
Ông chia sẻ với Đức Giêsu về niềm
hạnh phúc
của người được dự tiệc trong Nước
Thiên Chúa (c. 15),
ở đó có mặt các tổ phụ và thiên hạ
từ khắp tứ phương (Lc 13, 28-29).
Chính vì thế Đức Giêsu đã muốn kể
một dụ ngôn về Nước Trời.
Nước Trời
giống như một đại tiệc do một người khoản đãi.
Ông đã mời nhiều quan khách đến dự.
Khi đến giờ đãi tiệc, ông còn sai
đầy tớ đi mời họ lần nữa.
“Mời quý vị đến, vì mọi sự đã sẵn
sàng rồi” (c. 17).
Tiếc thay lời mời ấy, đại tiệc ấy,
lại bị mọi người coi nhẹ.
Ai cũng có lý do để xin kiếu từ.
Kẻ thì kiếu vì cần phải đi xem
miếng đất mới mua (c. 18).
Kẻ thì kiếu vì phải đi kiểm tra năm
cặp bò mới tậu (c. 19).
Kẻ khác lại xin kiếu vì phải ở nhà
với người vợ mới cưới (c. 20).
Có vẻ các lý do đưa ra đều có lý
phần nào.
Nhưng thực sự chúng có phải là
những lý do chính đáng
để từ chối đại tiệc mà mình đã được
mời cách trân trọng hay không?
Vấn đề chỉ là chọn lựa.
Xem đất mới mua, xem bò mới tậu, ở
nhà với vợ mới cưới,
những điều ấy hẳn cần thiết và quan
trọng.
Nhưng có quan trọng bằng chuyện đi
dự tiệc không?
Nếu đi dự tiệc để diễn tả sự hiệp
thông của tình bạn
thì có thể hoãn các chuyện khác
không, để chọn điều có giá trị hơn?
Chúng ta
hiểu được sự nổi giận của ông chủ,
khi thấy bữa tiệc dành để khoản đãi
các khách quý lại bị đổ vỡ.
Ông thấy chính mình bị xúc phạm,
tình bạn bị coi thường.
Ông quyết định dành bữa tiệc này
cho những ai không phải là khách quý,
những người thuộc giới hạ lưu,
nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c. 21).
Và khi phòng tiệc vẫn còn chỗ
trống, ông đã khẩn khoản lôi kéo vào
cả những người ở ngoài đường hay
trong vườn nho (c. 23).
Cuối cùng, người được mời trước thì
bị loại, vì họ tự loại chính họ (c. 24).
Còn những người có vẻ không xứng
đáng lại được ngồi vào bàn.
Chẳng ai
xứng đáng được dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa
nếu Thiên Chúa không mời.
Nhưng chẳng ai bị loại trừ khỏi bàn
tiệc cánh chung
nếu họ không cố ý từ chối lời mời
đó.
Chẳng ai có thể tự cứu mình mà
không cần đến Thiên Chúa,
nhưng con người có thể làm mình bị
trầm luân mãi mãi
chỉ vì thái độ khép kín của mình
trước ơn Chúa ban.
“Tôi xin kiếu”, đó là câu nói của
nhiều người Kitô hữu hôm nay.
Chúng ta xin kiếu một cách quá dễ
dàng,
chẳng để ý gì đến nỗi thất vọng và
đau đớn của người đãi tiệc.
Lời mời của Thiên Chúa bị từ chối
chỉ vì những chuyện không đâu.
Chuyện tất bật làm ăn, chuyện vui
chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè.
Có nhiều chuyện thấy có vẻ quan
trọng hơn, khẩn trương hơn,
đến nỗi có người bỏ tham dự thánh
lễ Chúa Nhật.
Hãy chọn Thiên Chúa và biết quý
những gì Ngài muốn ban cho ta.
Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi,
không chỉ ở đời sau, mà ngay ở đời
này.
Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay
đúng hơn để chia sẻ một tình bạn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng
Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn
Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống
chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.