TRỐN TÌM

Phó tế Mark Danis

WHĐ (07.09.2023)“Lạy Thiên Chúa của Israel, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Isaia 45,15).

Có bao giờ Thiên Chúa dường như ẩn mình khi chúng ta tìm kiếm Ngài trong cầu nguyện không?

Câu trả lời phổ biến nhất mà mọi người đưa ra để giải thich lý do tại sao họ không dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày, đó là vì họ không cảm nghiệm được điều gì trong khi họ cầu nguyện. Họ tuyên bố không nhận được cảm xúc hay sự an ủi nào khi cầu nguyện.

Thậm chí đối với nhiều người vốn kiên trì cầu nguyện hàng ngày thì kinh nghiệm này vẫn đúng. Nhưng tại sao lại như vậy? Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa sự vắng mặt rõ ràng của Thiên Chúa với suy nghĩ rằng Cha Trên Trời là Đấng yêu thương?

Câu Kinh thánh của Isaia nói trên xác nhận thực sự có những lúc Chúa chọn cách ẩn mình khỏi những người tìm kiếm Ngài. Điều này có thể gây khó khăn đối với những tâm hồn chưa quen với đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và yêu thương chúng ta, lại ẩn mình khỏi chúng ta khi chúng ta tìm kiếm Ngài trong cầu nguyện.

Theo Thánh Gioan Thánh Giá, một linh mục dòng Cát Minh, sống vào thế kỷ 16, thì Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt khỏi chúng ta, nhưng Ngài ẩn mình khỏi chúng ta trong một số giai đoạn cầu nguyện của chúng ta.

Thánh Gioan Thánh Giá là bậc thầy về cầu nguyện, và ngài đã viết về cách Thiên Chúa tìm cách dẫn dắt một linh hồn sẵn sàng hiến thân cho việc cầu nguyện và tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là cuốn The Ascent of Mount Carmel – Lên Núi Cát minh, trong đó thánh Gioan viết về cách đạt được sự tiến bộ trong đời sống tâm linh, cho đến khi kết thúc bằng sự kết hợp hoàn toàn với Chúa, điều mà tất cả chúng ta sẽ vui hưởng trên Thiên đàng. Nhưng thánh Gioan cũng mô tả cách chúng ta có thể cảm nghiệm những yếu tố của sự kết hợp mật thiết này ngay cả trong cuộc sống này.

Trong chương thứ hai của tác phẩm của mình, thánh nhân giải thích rằng Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt khỏi chúng ta, mà thay vào đó, thực ra Ngài ẩn mình dù khuất trong đám đông nhưng vẫn thấy được. Thay vì vắng mặt, Thiên Chúa ẩn mình ở nơi hiển nhiên nhất - sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.

Vấn đề không phải là Chúa ẩn náu ở đâu mà là chúng ta tìm kiếm Ngài ở đâu và bằng cách nào.

Là con người, chúng ta mong muốn gặp gỡ Thiên Chúa theo những cách thức quen thuộc với chúng ta. Chúng ta muốn Thiên Chúa phải làm sao để chính Ngài trở nên phù hợp với cách chúng ta cảm nghiệm thế giới, chẳng hạn: qua thị giác, âm thanh, thính giác, xúc giác hoặc thậm chí có thể là mùi hương dễ chịu. Có lẽ chúng ta hy vọng mình sẽ nhận được sự đáp ứng cho lời cầu xin chúng ta dâng lên Ngài khi cầu nguyện. Hoặc có thể chúng ta chỉ muốn trải nghiệm cảm giác an ủi hay vui mừng khi nỗ lực tìm kiếm Ngài.

Thật ra, Thiên Chúa đã và vẫn thường tỏ mình ra theo những cách này cho những linh hồn tha thiết tìm kiếm Ngài, nhưng Ngài muốn chúng ta vượt qua những cách gặp gỡ Ngài như thế để đến với một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều.

Vấn đề là sự quá kỳ vọng của chúng ta muốn gặp gỡ Chúa lại dựa vào phương cách đầy giới hạn của con người chúng ta khi cảm nhận hoặc tiếp xúc với thế giới phàm tục hoặc vật chất; nhưng Thiên Chúa không bị giới hạn bởi những hạn hẹp của chúng ta. Ngài muốn chúng ta gặp Ngài một cách thân mật hơn nhiều. Thiên Chúa của chúng ta là thánh thiêng, và lời cầu nguyện, thờ phượng và gặp gỡ quan trọng nhất với Ngài phải ở trong thần khí.

“Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gioan 4, 24).

Thiên Chúa sẵn lòng cho phép chúng ta cảm nghiệm Ngài theo những cách quen thuộc hơn với chúng ta, trong một thời gian, bằng cách đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta và thậm chí, đôi khi, ban cho chúng ta những cảm nghiệm về sự hiện diện của Ngài qua những cảm giác bình an, vui mừng và an ủi. Nhưng Ngài luôn kêu gọi chúng ta đến một cuộc gặp gỡ yêu thương hơn. Giống như những đôi tình nhân trẻ, mối tương giao của họ trưởng thành thông qua những cách tìm hiểu nhau sâu sắc và thân mật hơn, Thiên Chúa muốn chúng ta khao khát Ngài với phần sâu thẳm nhất của chúng ta, và đó là bản tính thiêng liêng của chúng ta.

Tiên tri Isaia, mà chúng ta đã đọc ở trên, đưa ra cho độc giả những lời khuyên đáng khích lệ hơn về cách tìm kiếm gặp gỡ Thiên Chúa:

“Hãy tìm Chúa khi Ngài còn cho gặp, kêu cầu Ngài lúc Ngài ở kề bên...” (Isaia 55, 6).

Trong câu này, Isaia khuyến khích chúng ta, nhất là khi cầu nguyện, vượt ra ngoài sự tìm kiếm Chúa một cách đơn giản của chúng ta. Chúng ta phải tiến bộ vượt ra ngoài việc cầu nguyện chỉ bằng miệng lưỡi hoặc lớn tiếng, và thậm chí vượt ra ngoài việc sử dụng tâm trí của mình trong điều mà chúng ta gọi là suy niệm hay cầu nguyện trong tâm trí. Chúng ta phải sẵn sàng bước vào một nơi im lặng bí mật, bước vào căn phòng nội tâm của mình và tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong Thần Khí.

“Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mátthêu 6, 6).

Chúng ta hãy cầu xin để khi cầu nguyện chúng ta có ước muốn bước vào chính lòng mình và gặp gỡ Thiên Chúa theo cách thân tình mà Ngài muốn chia sẻ chính Ngài cho chúng ta. Xin Chúa phù hộ chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: integratedcatholiclife.org (01.08.2023)