Lời Chúa:
Lc 18, 1-8
Khi ấy, Ðức Giêsu
kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không
được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng
kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà
goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ
kiện tôi’. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng ông ta nghĩ
bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng
mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm
ta nhức đầu nữa chăng?’” Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói
đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn,
ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em
biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người
còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Suy niệm:
Ngày
14-10-2010 là ngày vui đối với người dân Chilê.
Ba mươi ba người thợ mỏ bị sụp hầm
sâu gần 700 m, được giải cứu.
Mười bẩy ngày đầu họ sống trong
bóng tối, cạn kiệt lương thực.
Họ còn phải sống gần hai tháng nữa
mới được cứu lên khỏi mặt đất.
“Tôi ở giữa Thiên Chúa và quỷ sứ.
Tôi bị giằng co giữa hai bên.
Tôi nắm chặt lấy bàn tay Chúa, và
Chúa đã cứu tôi.”
Đó là câu nói của anh Mario
Sepulveda,
người thợ mỏ thứ hai được đưa lên
khỏi “địa ngục”.
Khi còn ở dưới hầm, Jimmy Sanchez,
anh thợ trẻ nhất nhóm đã viết lên:
“Ở đây chúng tôi có 34 người, vì
Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng tôi.”
Dù người ta nhắc đến khoa học như
chìa khóa cho thành công,
nhưng chính việc cầu nguyện đã cho
họ sức mạnh để đứng vững.
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.”
Đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ chúng
ta qua dụ ngôn bà góa quấy rầy.
Bà là người không còn chỗ dựa vững
chãi của người chồng.
Bà lại còn là nạn nhân đáng thương
của một sự bất công chèn ép.
Nhất quyết không để mình bị bóc
lột,
bà đã nhiều lần đến gặp quan tòa để
xin ông minh xét cho (c. 3).
Tiếc thay ông này lại là một vị
quan tòa bất chính (c. 6),
nên vụ kiện bị ngâm trong một thời
gian khá lâu.
Nhưng bà không hề nản chí, và cuối
cùng bà đã thắng.
Ông quan tòa đã phải đem ra xử vụ
kiện, chỉ vì bị bà quấy rầy liên tục.
Đức Giêsu
đã táo bạo khi kể dụ ngôn trên.
Ngài dám so sánh Thiên Chúa với ông
quan tòa bất chính.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa thì tốt lành
và chăm lo cho con người,
ngược hẳn với ông quan tòa chẳng
coi ai ra gì (c. 2).
Nhưng cả hai lại có một nét chung.
Nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm
về một Thiên Chúa như hững hờ,
như không muốn đáp lại tiếng kêu
của những người chịu bất công áp bức.
Có biết bao tiếng kêu như thế vang
vọng từ khắp địa cầu.
Có biết bao người chịu bách hại mà
không thể lên tiếng.
“Đối phương tôi hại tôi, xin ngài
minh xét cho” (c. 3).
Đó vẫn là lời kêu nài muôn thuở của
những người thấp cổ bé miệng.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Thiên
Chúa không lên tiếng bênh vực,
không hành động gì để giải cứu,
giải oan.
Đức Giêsu
mong chúng ta đừng thất vọng trước sự bất công trên thế giới,
đừng nản lòng khi lời cầu nguyện
của chúng ta có vẻ rơi vào quên lãng.
Hãy tiếp tục cầu nguyện, vì Thiên
Chúa tốt hơn ông quan tòa nhiều.
Nếu quan tòa cuối cùng còn xử kiện
cho bà góa chỉ vì tránh bị quấy rầy,
thì huống hồ là Thiên Chúa, Đấng sẽ
làm rõ trắng đen vì lòng cảm thương.
Lẽ nào Người bắt những kẻ Người
tuyển chọn,
những kẻ ngày đêm kêu cứu với Người
phải chờ đợi mãi? (c. 7).
Lòng tin của chúng ta vẫn bị thách
đố ngày nào còn bất công trên thế giới.
Chỉ mong ta vẫn giữ được lòng tin
như người thợ mỏ ở trong hầm tối.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con
cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất
cả.
Miễn là ý Cha thực hiện
nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi
khác nữa.
Con trao linh hồn con về
tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về
tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.