PHÚC ÂM: Ga 15,1-8

1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.

3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.

6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.

8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.


CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc Ga 6,35.48; 8,12; 9,5; 10,7.9; 10,11.14; 11,25; 14,6; 15,1.5. Bạn thấy các câu trên có điểm nào chung? Qua các câu trên, bạn thấy Đức Giêsu tự nhận mình là gì?

2. Đọc lại tất cả các câu Kinh Thánh ở câu trên. Bạn thấy những gì Đức Giêsu nói về mình, có liên hệ gì đến loài người chúng ta không?

3. Đọc Ga 15,1 và 15,5. Bạn thấy hai câu này có gì khác nhau không? Đức Giêsu có phải là người sống nhờ và sống cho không?

4. Đâu là công việc của Chúa Cha, người trồng nho? Đọc Ga 15,2-3. Cha cắt tỉa các môn đệ với mục đích gì? Trong bài Tin Mừng này có bao nhiêu cụm từ “sinh trái”?

5. Trong bài Tin Mừng này, có bao nhiêu cụm từ “ở lại trong”? Đâu là ý nghĩa của cụm từ này?

6. Tìm những câu trong bài Tin Mừng này cho thấy việc ở lại có tính “hai chiều” (Ga 15,4.5; xem thêm Ga 6,56). Làm sao để ta ở lại trong Giêsu? Đọc Ga 15,7.

7. Đọc cả bài Tin Mừng. Đâu là những hậu quả của việc không ở lại trong Chúa? Ngược lại, đâu là những kết quả của việc ở lại trong Chúa? Theo bạn, ở lại trong Chúa có nhiều mức độ hay cấp độ không? Hoa trái có tuỳ theo mức độ bạn ở lại trong Chúa không?

8. So sánh “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5) và “Nếu anh em ở lại trong Thầy… thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7). Bạn có thấy gì tương phản không?


GỢI Ý SUY NIỆM

Trong cuộc đời bạn, bạn có thấy mình được Chúa Cha cắt tỉa không? Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Trong sách Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh cụ thể và gần gũi với cuộc sống, để nói về bản thân mình. Ngài hay dùng lối nói: Tôi là (hay Ta là), lối nói này không thấy có trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Ngài nói: Tôi là Bánh trường sinh (6,35.48), Tôi là Ánh sáng cho trần gian (8,12; 9,5), Tôi là Cửa (10,7.9), Tôi là người Mục tử tốt lành (10,11.14), Tôi là Cây Nho thật (15,1.5) và Tôi là Đường (Ga 14,6). Đây là những lối nói ẩn dụ (metaphor), nên được hiểu theo nghĩa bóng. Đức Giêsu ví mình với những điều gần gũi, cụ thể, như cây nho, cửa, con đường… Dĩ nhiên Ngài không phải là cái cửa hay cây nho! Nhưng qua những hình ảnh trên, chúng ta hiểu sâu hơn về con người và sứ mạng của Ngài. Cũng có khi Ngài nói về mình bằng những thực tại trừu tượng hơn: Tôi là Sự Sống lại và là Sự Sống (11,25), hay Tôi là Sự Thật và là Sự Sống (14,6).

2. Đọc những câu trên đây trong Tin Mừng Gioan, ta thấy khi Đức Giêsu nói về mình, Ngài luôn nói về mình trong tương quan với loài người chúng ta. Ngài là Bánh hằng sống để nuôi loài người, là Ánh sáng để dẫn đường chúng ta đi, là Cửa để đàn chiên ra vào, là người Mục tử chăm sóc chiên và dám chết vì đàn chiên, là Sự Sống lại và là Sự Sống đời đời cho người tín hữu, là Con Đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha, và là Cây Nho đem sức sống nuôi dưỡng các cành nho là chúng ta. Qua những câu trên, ta thấy cuộc sống của Đức Giêsu gắn kết với con người, Ngài sống trọn vẹn cho con người. Các câu “Tôi là” của Đức Giêsu đều có liên hệ đến sự sống đời đời. Ngài là Đường dẫn đến sự sống và là Sự Sống (Ga 11,25, 14,6), là Bánh sự sống (Ga 6,35.48.51), là Ánh sáng sự sống (Ga 8,12), là Mục tử cho chiên sự sống dồi dào (Ga 10,10), là Cửa ai vào sẽ được cứu sống (Ga 10,9), là Cây Nho đem lại sự sống cho các cành nho, khiến chúng sinh trái (Ga 15,4-5). Đức Giêsu nhận sự sống thần linh từ Chúa Cha và trao ban sự sống ấy cho những ai đến với Ngài và tin vào Ngài.

3. Câu Ga 15,1 cho thấy Đức Giêsu là Cây Nho thật được Chúa Cha trồng. Cha ban cho Ngài sự sống. Ngài sống nhờ sự chăm sóc của Chúa Cha là người trồng nho (x. Ga 6,57). Còn câu Ga 15,5 cho thấy Đức Giêsu là Cây Nho ban sức sống cho các cành gắn liền với Cây và làm chúng sinh trái nhờ được nuôi bằng dòng nhựa của Ngài. Như thế Cây Nho Giêsu vừa sống nhờ Cha là người trồng, vừa sống cho con người là những cành của Cây Nho. Có thể nói, Đức Giêsu thông truyền sức sống Ngài nhận được từ Chúa Cha cho con người.

4. Đức Giêsu ví mình với cây nho thật và Cha Ngài là người trồng nho (Ga 15,1). Đây là công việc của Cha đối với các cành: mọi cành ở trong Giêsu mà không sinh trái thì Cha chặt đi; còn mọi cành sinh trái thì Cha cắt tỉa để chúng sinh trái hơn (Ga 15,2), và sinh trái nhiều (Ga 15,5.8) Như thế “sinh trái” xum xuê là điều mà Cha mong muốn khi trồng nho. Cụm từ “sinh trái” được nhắc đến sáu lần trong bài Tin Mừng này: trong Ga 15,2 (3 lần), và trong Ga 15,4.5.8. Sinh trái là ước mơ lớn của Cha, người trồng nho. Bởi đó Cha không chấp nhận một cành nho ở trong cây nho Giêsu mà lại không có trái. Cha tỉa cành chỉ vì Cha muốn cành nho đó sai trái hơn. Vinh quang của Cha là sự phát triển của con người. Con người càng triển nở thật sự, Thiên Chúa càng được vinh quang. Thiên Chúa không sợ con người trưởng thành.

5. Trong bài Tin Mừng này, cụm từ “ở lại trong” được nhắc đến nhiều lần, trong Ga 15,4 (3 lần), và trong

 Ga 15,5.6.7 (mỗi câu 2 lần). Ở đây Đức Giêsu dùng lối nói đặc biệt “ở lại trong” để diễn tả sự kết hợp hết sức thân thiết giữa Ngài với các môn đệ, có thể nói là cả hai nên một. Như cây nho và cành nho có chung một nguồn nhựa, Đức Giêsu và các tín hữu cũng có chung một sự sống thần linh. “Hãy ở lại trong Thầy” là một mệnh lệnh của Đức Giêsu có tầm quan trọng lớn trong đời kitô hữu. Có thể nói, ai chưa ở lại trong Chúa Giêsu thì người đó chưa thật sự là kitô hữu. Trong Tin Mừng Gioan, cụm từ “ở lại trong” còn được dùng nhiều lần khác trong Ga 5,38; 6,56; 8,31; 14.10.

6. Đọc Ga 6,56; 15,4.5 ta thấy ở lại trong thường có tính hai chiều, nghĩa là các môn đệ ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong họ. Như thế là Thầy và trò ở lại trong nhau. Khi diễn tả sự thân thiết giữa Ngài với Chúa Cha, Đức Giêsu cũng dùng lối nói: Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha (Ga 14,10.11). Muốn ở lại trong Giêsu, ta cần tuân giữ lời của Ngài. Lời Đức Giêsu nói với các môn đệ đã làm cho họ được sạch rồi (Ga 15,3), nhưng họ cần để cho những lời đó ở lại trong họ (Ga 15,7), hay họ ở lại trong lời đó (Ga 8,31).

7. Những hậu quả của việc không ở lại trong Đức Giêsu là: cành không sinh trái (câu 4), cành bị chặt (câu 2), bị quăng ra ngoài và khô héo, rồi bị quăng vào lửa (câu 6), khi không có Đức Giêsu, ta chẳng làm được gì (câu 5). Còn ai ở lại trong Đức Giêsu: người ấy như cành nho được tỉa để sinh trái hơn (câu 2), người ấy sẽ sinh nhiều trái (câu 5 và 8), và sẽ được như ý nếu cầu xin với Cha (câu 7); khi sinh nhiều trái thì Chúa Cha được tôn vinh và người ấy trở nên môn đệ của Đức Giêsu (câu 8). Như thế trở nên môn đệ là một tiến trình, và ở lại trong Giêsu cũng có nhiều mức độ. Càng ở lại trong Giêsu sâu hơn, ta càng có hy vọng sinh nhiều trái hơn, và Chúa Cha càng được tôn vinh hơn (câu 8).

8. Con người hoàn toàn bất lực nếu không có sức sống của Chúa, nếu không ở lại trong Chúa. Mọi nỗ lực của con người cũng chẳng đem lại kết quả lâu bền, nếu không gắn bó với Chúa. Ngược lại, nếu ta ở trong Chúa, thì mọi lời cầu xin của ta đều phù hợp với ý Chúa, nên ta xin gì, Chúa đều nhận lời. Có thể nói ta được đưa ra khỏi sự bất lực của mình và mang lấy sức mạnh của Thiên Chúa.

WHĐ (23.04.2024)