Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ

21/01/2010

Đức cha Micae NGUYỄN KHẮC NGỮ (1909–2009)

Vị mục tử tốt lành và nhân từ

Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ sinh ngày 2 tháng 2 năm 1909 tại Vạn Đồn, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Nhập tiểu chủng viện Mỹ Sơn, địa phận Lạng Sơn năm 1922. Du học tại Đại Chủng Viện Luçon, miền Vende, nuớc Pháp năm 1928. Thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1934. Làm cha chính địa phận Lạng Sơn năm 1951. Làm Giám mục địa phận Long Xuyên từ ngày 4 tháng 4 năm 1961. Qua đời ngày 10 tháng 5, năm 2009, hưởng thọ 101 tuổi.

Làm sao ghi lại được nhân đức của một vị tu hành, của một linh mục, và của một vị Giám mục đã được Chúa cho sống hơn ba vạn sáu ngàn ngày trên dương trần như Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đây?

Ta thử dựa vào những lời trong Tin Mừng xem sao.

“Hãy học với Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29)

Đức cha Ngữ là một người cha tốt lành và nhân từ. Thật vậy, suốt thời gian ngài cai quản địa phận Long Xuyên trong chức vụ Giám mục tiên khởi, không ai chê trách ngài được điều gì về cuộc sống thường ngày, về đường lối làm việc, và về cách xử sự với linh mục đoàn cũng như với giáo dân trong địa phận. Ngài có tất cả những đức tính của một vị chủ chiên, của bậc làm cha mẹ, và của một người lãnh đạo tinh thần là: yêu thương, chăm sóc, cảm thông, nâng đỡ, và bao dung …

Giám mục vẫn là con người nên Đức cha Ngữ hiểu được những yếu đuối của con người, những nhẹ dạ của linh mục, những nông nổi của tu sĩ… nên ngài dễ cảm thông và tha thứ. Ngài nghiêm minh nhưng không nghiêm khắc. Ngài thẳng thắn nhưng lại cũng khoan dung.

Ngài hay dùng “cô Hồng” và “cô Hoa” để chỉ người phụ nữ. Thầy nào “tai tiếng” với “cô Hoa” hay cha nào “ấm ớ” với “cô Hồng” thì ngài gọi vào phòng riêng, đấm vào vai một phát: “Tao nghe nói mày thế này thế kia… Ráng tu trì nhá…” La mắng rồi ngài lại vỗ về và cho tiền về xe. Khác nào Chúa Giêsu xưa kia đã nói với người phụ nữ ngoại tình: “Ta cũng không kết án con đâu. Về đi và đừng… lôi thôi nữa…”. Khác nào người mẹ đánh cho đứa con một roi rồi lại lấy dầu cù là bôi vào vết roi ấy. Còn gì đẹp hơn và yêu thương hơn.

Ai cũng biết “chiếc áo không làm nên thầy tu” dù đó là tu chùa hay tu nhà thờ, dù đó là ni cô hay linh mục, dù đó là hồng y hay giám mục. Và ở bậc sống nào thì nhân đức cũng vẫn là thói quen tốt lành phải/được/cần tập luyện và thực hiện hằng ngày. Không phải một chủng sinh khi vừa mặc áo dòng là các nhân đức khó nghèo và vâng lời… tự động được gài vào con người ấy vĩnh viễn như người ta cài đặt Windows XP vào máy computer. Không phải một nữ tu vừa khấn trọn đời là các nết xấu như làm biếng, ghen tị, háo danh… tự động biến đi khỏi người ấy như một phép lạ ắt có mà Chúa phải làm. Cũng vậy, không phải khi đã được thụ phong Giám mục là Đức Giám mục không cần phải tập luyện nhân đức nữa.

Đức cha Ngữ “hồi còn trẻ” cũng nóng tính lắm, nhưng sau khi nghe các cha trong địa phận phản ảnh, Ngài đã thay đổi, và thay đổi thật nhiều. Trong địa phận Long Xuyên sau này cũng có nhiều linh mục thuộc típ nóng nảy, nhưng tất cả hầu như đã bị cái hiền lành của Đức cha Ngữ hóa giải, đã bị cái trầm tĩnh của Đức cha thắng vượt. Ngài đã vui vẻ đặt tên cho các vị “hay sốt” này là Năm Lửa, Bảy Lửa, Mười Lửa… và cuối cùng thì tất cả các lửa này đã… tắt ngúm hoặc chẳng còn lửa nào cháy bùng nữa.

Đức Giám mục xưng tội với ai? Thường là với một cha có tuổi và có tiếng đạo đức. Nhưng Đức cha Ngữ thì lại thường xưng tội với các linh mục bình thường, có khi lại là một linh mục học trò, đáng tuổi con, tuổi cháu của ngài, nhất là các linh mục mới chịu chức. Tại sao vây? Chắc tại ngài khiêm nhường và luôn xác tín rằng linh mục chỉ là khí cụ của Chúa mà thôi.

“Ngài đã yêu thương những người thuộc về Ngài đến cùng” (Ga 13,1)

Thương yêu và nâng đỡ các linh mục là những người cộng tác trực tiếp với mình là chuyện bình thường. Đức cha Ngữ còn yêu thương và nâng đỡ cả những chủng sinh lớp đệ thất đệ lục (lớp 6, lớp 7) vừa vào Tiểu chủng viện nữa. Ngài thuộc tên từng chú chủng sinh, nhà ở đâu, con cha nào... Ngài yêu thương nên biết tên, biết tuổi, biết tính tình, và biết cả nết xấu của mỗi chủng sinh nữa. Biết để huấn luyên, để uốn nắn, và để nâng đỡ.

Không chỉ yêu thương các linh mục, các tu sĩ, các chủng sinh, ngài còn thương yêu và để ý đến các giảng viên giáo lý. Rồi ngài còn thương cả những chủng sinh đã bị loại khỏi chủng viện. Có lần ngài đã đậu xe lại ở đầu Chợ Kênh Tám, bước vào thẳng nhà ông trùm Đệ tìm anh Hoàng Thắng đã bị đuổi khỏi chủng viện trước đó ít lâu. Không thấy Thắng, Đức cha nhắn với bố của Thắng: “Bảo nó nếu còn muốn đi tu nữa, thì lên gặp tôi…”

Đức cha Ngữ cũng rất để ý nâng đỡ các linh mục nghèo và đau bệnh trong địa phận. Ngài luôn tìm kiếm và chia bổng lễ cho các linh mục trong những xứ mà giáo dân chỉ xin lễ có khi bằng một rổ khoai lang hoặc bằng vài lon gạo hoặc những linh mục già yếu, đau bệnh trong các nhà hưu dưỡng. Khi nghe cha Nguyễn Đăng Trình bệnh nặng trong tuổi thanh xuân, Đức cha đã than thở: giá Chúa để tôi chết thay cho cha Trình để cha Trình sống mà làm việc…

“Ai trung thành trong việc nhỏ sẽ trung thành trong việc lớn” (Lc 16,10)

Linh đạo của Đức cha Ngữ là linh đạo của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, là đường thiêng liêng thơ ấu, là đơn sơ và khiêm nhu. Ngài đã chọn con đường này và đã giới thiệu cho những người sống với ngài.

Khi làm cha chính và cha bề trên chủng viện Lạng Sơn, ngoài Bắc, ngài đã tặng cho mỗi chủng sinh ngày mới bước vào chủng viện hai tập sách. Đó là cuốn Đường Thiêng Liêng Thơ Ấu và cuốn Chỉ Nam Hướng Đạo Sinh. Khi lập Tiểu chủng viện ở Long Xuyên, trong Nam, ngài đã đặt tên chủng viện là chủng viện Têrêxa, và ngài cũng có lòng kính mến vị thánh nữ này một cách đặc biệt.

Cho nên đường nên thánh của ngài cũng rất đơn giản: chu toàn mọi công việc trong đấng bậc của mình, dù đó là việc lớn hay việc nhỏ.

Ngài đặc biệt yêu quý lao động chân tay. Cho dù bận rộn công việc, Đức cha Ngữ đôi khi cũng tự giặt giũ quần áo cho mình. Ngài đã làm gương và không muốn sắm máy giặt cho các thầy đại chủng viện.

Trung thành hoàn tất mọi việc trong chức vụ dù lớn nhỏ, Đức cha Ngữ là một nhà giáo dục tận tâm, khôn ngoan, và kiên nhẫn. Ngài nhìn thấy cả cái hay và cái dở; cả cái yếu và cái mạnh của một học trò và của người đối diện. Nhưng ngài luôn nhắm và tập trung vào cái hay, cái tốt, cái mạnh, và cái tài năng tiềm ẩn trong một con người. Từ đó, ngài luôn lạc quan trong việc giáo dục: Không dập tắt tim đèn còn leo lét. Không bỏ rơi một người mới vấp ngã. Không loại trừ một học trò thông minh nhưng lại có tí bướng bỉnh. Điều quan trọng nhất là ngài cho người ta thời gian để đi đến đích: không vội vàng, đốt giai đoạn. Ngài biết rõ một đứa bé chỉ có thể được cưu mang bởi một người phụ nữ trong chín tháng chứ không phải chín người phụ nữ cưu mang đứa bé trong một tháng. Ngài biết mình đang trồng một thế hệ học trò, chứ không phải một luống khoai hay một luống bắp, nên ngài cho học trò thời gian và cơ hội để thử và học hỏi, đồng thời cũng không cứng nhắc trong đích điểm của việc giáo dục. Điều này lại rất đúng trong thể kỷ 21 này. Với ngài: không làm linh mục thì làm ông trùm, và không làm bác sĩ thì làm bác nông dân. Điều quan trọng là làm một người TỐT.

Đức cha Ngữ cũng còn là một nhà lãnh đạo đúng điệu nữa. Một trong những đức tính của nhà lãnh đạo là tin tưởng vào người cộng tác: khi đã trao phó công tác cho người được chỉ định thì không can thiệp, không phê bình, không gièm pha, và nhất là không sợ người được trao công tác nổi trội hơn mình. Sau năm 1975, khi đã trao công việc cho Đức cha Phó là ngài dứt khoát lui vào phía sau hậu trường, hay đúng hơn là lui vào bóng tối, chấp nhận bị quên lãng để người kế vị làm việc và có toàn quyền quyết định. Nhiều lần ngài nhắc: trong địa phận chỉ có một chủ chăn duy nhất mà thôi.

“Từ nay thầy sẽ không gọi chúng con là người tôi tớ, nhưng là bạn hữu thân tình” (Ga 15,15)

Trước Đức cha Micae, chắc chưa có vị Giám mục nào dám xưng mày-tao với các linh mục, với các thầy, và với các chủng sinh. Và sau ngài cũng chưa chắc có vị nào dám làm và làm được như vậy.

Tại sao? Tại vì ngài coi những người cộng tác với mình như bạn bè. Ngài coi con cái trong nhà, trong địa phận như bè bạn. Làm được như vậy vì ngài chân tình và bình dị. Được gọi là MÀY tức là người đối diện, nếu là linh mục, thì đã được nâng lên một cấp, còn nếu là một chủng sinh hoặc một giáo dân, thì còn được nâng nhiều cấp hơn nữa: cấp tuổi, cấp chức vụ, cấp đạo đức…

Nhưng cho dù ngài hạ mình xuống để xưng TAO hay nâng người đối diện lên để gọi MÀY, thì cái lối xưng hô độc đáo này cũng thật dễ thương và đầy ấn tượng. Trong tiếng Do Thái chắc hẳn không có đại danh từ Mày và Tao như trong tiếng Việt, nên Chúa Giêsu mới phải dài dòng giải thích: Thầy không gọi các con là người tôi tớ, nhưng gọi các con là bạn hữu thân tình, vì các con đã biết chia sẻ công việc của Thầy.

Ngài sống bình dị và đôi khi còn như phóng khoáng nữa. Việc đổi các cha xứ đâu phải chuyện nhỏ. Vậy mà ngài làm hai phiếu cho hai cha xứ rút thăm chơi. Một khi đã đồng ý cuộc chơi thì “ông nào được xứ nào thì… ráng mà chịu”. Luật “giang hồ” đó. Ấy thế mà lại được việc. (Có khi được cả phúc nữa). Có lần ngài xông vào gõ cửa nhà cha xứ giữa lúc ngủ trưa: "Này, này chuẩn bị đổi xứ đấy nhá." “Giang hồ” đến thế là cùng, nhưng việc vẫn chạy và chẳng ai ghét Ngài được.

“Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)

Thử đi tìm một vị linh mục không có tiền bạc. Chắc khó lắm hoặc không thể tìm được, vì trong một xứ đạo nghèo nhất, cha sở vẫn có tiền, và trong một địa phận nghèo nhất, Đức Giám mục vẫn không thiếu tiền. Đức cha Ngữ chắc chắn không phải là một luật trừ: ngài phải có tiền. Không có tiền sao ngài xây dựng được bao nhiêu cơ sở to lớn trong địa phận. Không có tiền sao huấn luyện đào tạo được bao nhiêu lớp tu sĩ và giáo sĩ. Chắc chắn ngài có tiền, có của, nhưng ngài lại sống rất khó nghèo và tiết độ với chính mình. Quần áo của ngài rất đơn giản. Giường chiếu của ngài rất thanh bạch. Bàn ghế trong phòng của ngài rất mộc mạc. Tòa Giám mục của ngài bao nhiêu năm chỉ là một nhà xứ cũ nhỏ bé. Chiếc xe ô-tô của Ngài cũng bé và cũ, nhiều lần tài xế phải nhờ các chủng sinh đẩy, khi đề máy không nổ.

Áo dòng của ngài cũ hơn áo dòng của các linh mục, và tất nhiên là cũ hơn của… các thầy. Nhưng cũ hay mới, thì ngài cũng chia sẻ với mọi người khi cần. Nhiều thầy trong địa phận đã mặc áo dòng của ngài, vì chưa kịp may để đi giúp xứ. Và ngài cũng chia sẻ ngay cả quần áo mặc thường ngày nữa. Nhưng nhiều người khi được chia sẻ áo quần của ngài, cũng phải bấm bụng mà nhận, vì có khi “tặng phẩm’ không được mới và lại chẳng mẫu mã gì cả. Khó mà mặc được.

Ngài đi chiếc xe cũ, để dành tiền xây Tiểu chủng viện Têrêxa. Ngài đắp chiếc mền cũ, để dành tiền xây đại chủng viện Thánh Tôma. Ngài nằm chiếc giường gỗ cũ kỹ, để dành tiền xây viện giáo lý. Ngài dùng bao thư làm bằng giấy xi-măng, để dành tiền cho các chủng sinh ăn học, để dành tiền cho học trò đi đường. Ngài từng dạy các chủng sinh: “Nếu không cần thì một xu ta cũng không xài, nhưng nếu cần thì một triệu ta cũng chi”. Cho nên ngài đã “ra lệnh” vá lại cái mền cũ nhiều lần, chứ nhất định không chịu mở những chiếc mền mới mà người ta trao tặng.

Đấy là một vài nét chấm phá về Đức cha Ngữ. Có đôi phần dí dỏm, và mong được như thế, vì dí dỏm cũng là một nét đặc trưng tốt lành trong đời của ngài vậy.


LỊCH PHỤNG VỤ