VATICAN – Ba đề tài chiếm
hầu hết thời gian của cuộc họp báo ngày 11/10 liên quan đến Thượng Hội đồng
Giám mục về giới trẻ là thế giới kỹ thuật số; nỗi sợ hãi với cô đơn; và Hàn Quốc.
Tiến sĩ Paolo Ruffini, Bộ
trưởng Bộ Truyền thông Vatican cho biết, các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng
vẫn diễn tiến trong bầu khí thoải mái và tươi vui giữa các giám mục và những người
trẻ. Ông nói rằng Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh đến một thực tế là bác ái không phải
chỉ rao giảng mà còn phải thể hiện trong hành động. Ông nói, có một bạn trẻ đã
nói với các Nghị phụ rằng hàng ngàn người trẻ đang hướng về các Nghị phụ và mong
đợi điều gì đó cụ thể từ Thượng Hội đồng, họ tin rằng các Nghị phụ sẽ đáp ứng niềm
hy vọng của họ. Tiến sĩ Ruffini cũng nói rằng một bài phát biểu về thế tục hoá đã
gợi ý với các giám mục đừng chỉ nhìn hiện tượng này như một phong trào tiêu cực
mà như một cách thế giúp giải thoát tôn giáo khỏi sự ràng buộc với đặc tính địa
phương. Nó thách đố Giáo hội có một đức tin trưởng thành hơn.
Thế giới kỹ thuật số
Tiến sĩ Ruffini nói rằng mặc
dù thế giới kỹ thuật số là một phát triển lớn lao và giúp cho việc trao đổi
thông tin thuận lợi hơn, nhưng nó cũng có những ranh giới. Mối nguy của sự thao
túng và nền văn hóa bạo lực là rất thực tế trong cả hình ảnh và bài viết. Giáo
hội phải giúp đưa tính nhân văn trở lại với thế giới kỹ thuật số.
Đức Tổng giám mục Bruno
Forte của giáo phận Chieti-Vasto, Italia, nói rằng Thượng Hội đồng nhìn nhận có
rất nhiều người trẻ cô đơn, không xây dựng các mối tương quan có thực, nhưng lại
đi tìm những tương quan trên mạng internet. Thượng Hội đồng đã suy nghĩ làm sao
để Giáo hội đến được với những người trẻ ấy; họ đang ngồi một mình trong bóng tối
trước chiếc máy tính đe dọa sẽ nuốt chửng họ.
Nỗi sợ hãi và cô đơn
Đức Tổng giám mục Forte gợi
lên hai đặc điểm của người trẻ mà ngài nhận thấy các cuộc thảo luận đều nói đến.
Trước hết, có những bạn trẻ ôm ấp rất nhiều hy vọng và ước muốn cho tương lai,
đặc biệt là những người đang trốn chạy vì tình hình chính trị và kinh tế. Thứ
hai là những người trẻ ở phương Tây, họ sợ hãi và cô đơn hơn. Ngài nói rằng điều
này phát sinh từ thế giới kỹ thuật số nhưng cũng bởi vì họ cắt đứt với quá khứ
và các thế hệ trước. Một khi mối liên kết giữa các thế hệ bị cắt đứt, ký ức sẽ không
còn và vì thế người trẻ mất luôn gốc rễ.
Một dự thính viên ở Ấn Độ,
anh Percival Holt, nhận định rằng ngay cả
tại Thượng Hội đồng Giám mục, một số giám mục cũng phải cố gắng để hiểu được người
trẻ vì khoảng cách giữa các thế hệ. Anh nói các ngài đang cố gắng làm thế và điều
quan trọng là phải tiếp tục đối thoại. Giáo hội và người trẻ phải kiên nhẫn cùng
nhau bước đi, anh nói thêm.
Đức Giám mục Lazzaro You Heung-sik
ở Hàn Quốc nói ngài cũng đã gặp một số bạn trẻ có nhiều sợ hãi. Họ sợ sẽ phải hy
sinh và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nếu hai miền Bắc và Nam Triều Tiên thống
nhất. Ngài tin đó không phải là đa số vì có nhiều người cho rằng thống nhất sẽ
đem lại lợi ích cho tất cả.
Triều Tiên
Về tình hình ở Triều Tiên,
Đức Giám mục Heung-sik nói rằng cho đến năm ngoái nhiều người vẫn tin rằng sẽ xảy
ra chiến tranh giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Điều đó nay đã thay đổi. Ngài cho rằng
đó là nhờ Thế vận hội Olympic, và nói sự kiện này đã giúp thiết lập mối quan hệ
giữa hai miền. Đức cha Heung-sik cho biết ngài tin Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng mở
cửa. Ngài nói rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói với người đồng nhiệm
Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un, rằng cách tốt nhất để đất nước hội nhập với cộng đồng
quốc tế là mời Đức giáo hoàng Phanxicô đến thăm. Nếu Đức giáo hoàng nhận lời đến
thăm, thì đây sẽ là một bước tiến lớn cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đức
cha Heung-sik cũng lưu ý rằng còn rất nhiều công việc phải làm và thay đổi là điều
cần thiết – có ý nói đến việc Bắc Triều Tiên cần bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Cuối
cùng ngài khẳng định, nhờ lắng nghe và đón nhận những góp ý, đặc biệt là của những
người trẻ, Giáo hội có thể giúp cho mọi việc tiến triển và kiến tạo một bầu khí
hợp tác.
(Vatican News, 11/10/2018)
Minh Đức