Hôm thứ Tư 27 tháng Sáu 2018, Quỹ John Templeton của Anh Quốc đã trao giải Templeton năm 2018 cho Quốc vương Abdullah II của Jordan ông đã “cống hiến cho sự h hợp nội bộ của Hồi giáo và giữa Hồi giáo với các tôn giáo khác, hơn tất cả các nhà lãnh đạo chính trị khác”.

Sau Rabbi người Anh Jonathan Sacks vào năm 2017, Quốc vương của Jordan đã được chọn để trao giải Templeton của năm nay; và chính vào lúc tình hình chính trị - xã hội của Jordan đang gặp bất ổn.

Giải thưởng trị giá 1,1 triệu bảng Anh này (khoảmg 1,5 triệu euro), nhằm tôn vinh một người “có đóng góp xuất sắc cho chiều kích tinh thần của đời sống bằng tư tưởng, khám phá hay hoạt động của mình”.

Thông cáo của Quỹ John Templeton cho biết Quốc vương Abdullah II được trao giải Templeton năm nay “vì sự cống hiến của ông trong việc tương trợ và hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo”. Từ khi lên ngôi năm 1999, Quốc vương Abdullah II đã dành ưu tiên cho việc hiện đại hoá xã hội Jordan và sự hoà hợp của Hồi giáo.

Năm 2004, ông đưa ra “Thông điệp Amman” nổi tiếng, trong đó ông kêu gọi tất cả các quốc gia Hồi giáo thăng tiến Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Thông điệp hoà bình này, được đưa ra khi kết thúc cuộc chiến ở Iraq, mời gọi người Hồi giáo đừng làm cho sự hài hoà giữa người Shiite và người Sunni trong khu vực suy yếu thêm nữa. Nhiều lần, ông nói rằng khủng bố và bạo lực không có chỗ trong tôn giáo.

Hài hoà bên trong Hồi giáo và giữa các tôn giáo

Năm 2005, Quốc vương Abdullah II quy tụ 200 nhà trí thức đại diện cho nhiều xu hướng Hồi giáo khác nhau. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là tài liệu mang tên “Ba điểm của thông điệp Amman”. Tài liệu nhìn nhận tính hợp thức của tám trường phái Hồi giáo, cấm tuyên bố bội giáo giữa người Hồi giáo với nhau và thiết lập những điều kiện cho việc ban hành các fatwa [1].

Tuyên bố của Quỹ John Templeton cũng tôn vinh hoạt động của Quốc vương Abdullah II trong lĩnh vực đối thoại liên tôn. Năm 2010, ông đề nghị thành lập Tuần lễ Hoà hợp Tôn giáo Toàn cầu. Tuần lễ này – được thông qua tại Khoá họp lần thứ 65 của Đại Hội đồng của Liên Hiệp Quốc – sẽ diễn ra vào tháng Hai hằng năm, nhằm “nhấn mạnh đòi hỏi cấp bách về đạo đức phải cổ vũ và hiểu biết các giá trị hoà bình vốn có trong mọi tôn giáo” [2].

Tổ chức Templeton được đặt theo tên của Sir John Marks Templeton (1912–2008), một tỉ phú người Anh. Ông là nhà đầu tư chứng khoán và một người hoạt động từ thiện. Giải thưởng Templeton thành lập từ năm 1972.

Trong số những người đã nhận giải Templeton trước đây, có những tên tuổi lớn như: Mẹ Têrêsa Calcutta (1973 - lần đầu tiên), Thầy Roger Schütz (1974), Đức hồng y Leon Joseph Suenens (1976), Chiara Lubich (1977), tiểu thuyết gia người Nga Alexander Solzhenitsyn (1983), Đức Đạt Lai Lạt Ma (2012) hay Jean Vanier (2015) – người sáng lập phong trào LArche (Con Tàu [Noe]).

Minh Đức

Nguồn: la-croix.com

–––––––––––––––––––

[1] Fatwa là ý kiến về vấn đề luật pháp, những quyết định pháp lý từ những chuyên viên tôn giáo, đạo đức Islam, ngoài hai nguồn tham khảo chính là thiên kinh Coran và Hadith (truyền thống liên quan đến tiên tri Mohamed) – Xem Dictionnaire de L’Islam, Brebols, 1995, tr. 156.

[2] Từ năm 2011, Tuần lễ này được Cộng đồng tôn giáo Baha’i tổ chức tại Việt Nam và mời nhiều đại diện các tôn giáo khác tham gia.