Tường thuật Đại hội Tu Sĩ Toàn quốc Lần thứ IV

Toà Giám Mục Bùi Chu, 8 – 10 tháng 3 năm 2010

I. ĐÓN TIẾP VÀ KHAI MẠC

Ngay từ sáng sớm ngày 8 tháng 3 năm 2010, Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Tính cùng với 10 nữ tu và một đoàn xe 6 chiếc ra sân bay Nội Bài để đón các đoàn đại biểu từ miền Nam bay ra tham dự Đại Hội. Tất cả các vị khách đến bằng đường hàng không đều được đón về Toà Giám Mục Bùi Chu lúc 11 giờ trưa, 3 và 5 giờ chiều cùng ngày, và đoàn đến muộn nhất là 9 giờ tối.

Tại Toà Giám Mục lúc 7 giờ có Chầu Mình Thánh Chúa và 7 giờ 30 có buổi văn nghệ của các nữ tu Bùi Chu, chào mừng các vị tu sĩ đến tham dự Đại Hội. Buổi văn nghệ kết thúc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong các vị khách quý.

II. CÁC ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

Lý do của Đại Hội được Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ thuộc HĐGMVN tuyên bố là để gặp gỡ nhau, gây tinh thần bác ái hiệp thông giữa 215 tu sĩ nam nữ của 111 Hội Dòng, Tu Hội, Đời và Tu Đoàn Tông Đồ, cùng nhau học tập về đời tu dựa trên Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô.

Đề tài học tập gồm có 4 buổi thuyết trình và 4 buổi thảo luận.

Đề tài I: Giáo Hội cảm phục và biết ơn những người sống thánh hiến, do Cha Micae – Phaolô Trần Minh Huy, Thạc sĩ Tu đức thuộc Tu Hội Xuân Bích trình bày.

Đề tài II: Can đảm đối diện với thử thách và thách đố, do Cha Giuse Đỗ Thôn Nhu, chuyên viên Tu đức thuộc Dòng Thánh Thể trình bày.

Đề tài III: Dấn thân thăng tiến đời sống thiêng liêng, do Cha GSTS. Giuse Trần Quốc Tuyến, chuyên viên khoa Luân lý Thần học trình bày.

Đề tài IV: Làm chứng cho tình yêu trong đời sống thánh hiến, do Cha GSTS. Đa Minh Trần Ngọc Đăng, chuyên viên khoa Truyền giáo trình bày.

III. HỘI THẢO

1. Về quyền bính và vâng phục?

Giải đáp:

– Sau Công đồng Vaticanô II, vâng phục không còn kiểu “tối mặt” mà là trao đổi và đối thoại nhưng quyết định cuối cùng vẫn do bề trên. Cả bề trên lẫn bề dưới đều cầu nguyện để xin ý Chúa.

– Người trẻ có thể có nhiều chuyên môn hơn, còn bề trên có nhiều kinh nghiệm hơn.

– Bề trên nên biết dùng người vào trong các lãnh vực thích hợp.

– Người trẻ cần biết về cái tôi để khiêm nhường và vâng phục.

2. Tương quan, hợp tác giữa các nữ tu và linh mục trong công việc mục vụ ở các giáo xứ? Vẫn có xung khắc?

Giải đáp:

– Cần quân bình: cha yêu mến chị em có thể đưa đến vấn đề tình cảm, lạm dụng hoặc nếu cha không ưa chị em có thể đưa đến vấn đề sỉ nhục.

– Bề trên khôn ngoan đặt chị em phục vụ giáo xứ, tránh con số quá ít. Không dễ dàng nhận thêm các công việc tại các giáo xứ mới mà thiếu chị em, rất lưu ý “solo cum sola”.

– Sống chung giữa các tu sĩ trẻ, chủng sinh, cha xứ,… sẽ không tốt.

– Tương quan giữa các nữ tu và cha xứ còn tuỳ thuộc vào giáo dục. Hiện nay Đại Chủng Viện Xuân Bích cho các chủng sinh học luật dòng để tạo sự hiểu biết kính trọng nhau.

– Việc huấn luyện để phái nam hiểu biết đời sống dòng tu, để tôn trọng và thông cảm. Phía nữ cần có chiều sâu đời sống nội tâm, trưởng thành nhân bản và tâm linh.

– Trong việc mục vụ giáo xứ, linh mục và nữ tu không chọn nhau.

– Cần lưu tâm sự xung khắc giữa các cộng đoàn nữ tu làm việc trong cùng một giáo xứ, tránh tự ái và nói hành nhau. Chúa Giêsu là giải đáp cho mọi sự xung khắc.

3. Bình đẳng nam nữ và bình đẳng giữa nữ tu và linh mục?

Giải đáp:

– Cần thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ trong đời sống thánh hiến.

4. Đâu là thách đố ảnh hưởng xấu đến đời sống thánh hiến?

Giải đáp:

– Gần mực thì đen, do môi trường xã hội đưa đến thiếu thành thật, vô kỷ luật,…

5. Đâu là kiểu mẫu về người thánh hiến cho thời đại này?

Giải đáp:

– Là người có tài và đức.

– Là người có sự bình an nội tâm, có niềm vui và hạnh phúc của đời sống dâng hiến.

6. Trước những khó khăn và thách đố của xã hội hôm nay, các dòng tu phải đào tạo và tuyển chọn ơn gọi làm sao?

Giải đáp:

– Cần có đủ thời gian thay vì qua loa, cần lưu ý đến những nguyên nhân sâu sắc bên trong hơn là những thay đổi bên ngoài.

– Đào tạo giúp người trẻ thành nhân hơn là thành công. Đề cao những giá trị của Tin Mừng: hy sinh, từ bỏ, thành thật, công bằng, giá trị của lao động.

– Cần tổ chức cho trẻ có một sân chơi lành mạnh, một môi trường tốt.

– Giáo dục nhân bản trong các lớp giáo lý, biết dùng thời gian và tự đào tạo chính mình.

7. Mục vụ ơn gọi?

Giải đáp:

– Việt Nam đang ở trong mùa gặt của ơn gọi vì vậy chúng ta cần tận dụng.

– Cần chèo ra chỗ sâu để tìm các ơn gọi.

– Đào tạo các nhà đào tạo.

– Việc tìm kiếm ơn gọi không được quên rằng: sức lôi cuốn người trẻ là làm sao cho họ thấy nơi người thánh hiến có sự bình an, có niềm vui và hạnh phúc trong tâm hồn.

8. Làm sao có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và đời sống hoạt động tông đồ?

Giải đáp:

– Hãy đặt tinh thần bác ái yêu thương lên trên hết.

– Chứng từ yêu thương là yếu tố quan trọng trong việc tông đồ truyền giáo.

– Đời sống khó nghèo của người sống thánh hiến chưa đủ sức thuyết phục.

– Những cơ sở to lớn, xa cách người nghèo.

– Việc làm đánh động mạnh hơn lời nói.

– Cần có vị linh hướng, không quyết định gì khi ở trong tăm tối.

– Trong đào tạo các em nên đưa những sinh hoạt lồng vào việc cầu nguyện.