của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Đức Kitô đang sống! Ngài là niềm hy vọng của chúng
ta, và một cách diệu kỳ, Ngài mang lại sức sống trẻ trung cho thế giới. Do đó lời
đầu tiên cha muốn gởi đến cho từng người trẻ Kitô giáo là: Đức Kitô đang sống
và Ngài muốn các con cũng sống!”
Đó cũng là khởi đầu của Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng,
“Christus Vivit”, của Đức Thánh Cha Phanxicô, ký vào ngày thứ Hai, 25 tháng Ba
tại Nhà Thánh ở Loreto gửi đến giới trẻ và “toàn thể Dân Thiên Chúa”. Qua tài
liệu dài 9 chương chia ra 299 đoạn, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngài “được cảm
hứng từ nguồn tài liệu dồi dào từ các suy tư và đối thoại của Thượng Hội Đồng”
về Giới Trẻ được tổ chức vào tháng Mười năm 2018.
Chương
một:
“Lời Chúa nói gì về người trẻ?” Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng “trong một thời
đại mà người trẻ không được tôn trọng nhiều, một vài đoạn văn [KT] diễn tả rằng
Thiên Chúa nhìn họ cách khác” (6). Ngài đã trình bày ngắn gọn một vài gương mặt
trẻ của Cựu Ước: Giuse, Gideon (7), Samuel (8), Vua Đa-Vít (9), Salomon và
Giêrêmia (10), người đầy tớ gốc Do Thái còn rất trẻ của Naaman, và cô thiếu nữ
tên Ruth (11). Rồi sau đó ngài tiếp tục chuyển qua Tân Ước. Đức Thánh Cha nói rằng
“Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn trẻ, cũng muốn ban cho chúng ta những con tim tươi
trẻ luôn mãi” (13) và ngài nói thêm: “Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã không
chấp nhận những người lớn tuổi có thái độ coi nhẹ người trẻ và sai khiến họ.
Ngược lại, Chúa còn nhấn mạnh rằng “ người lớn nhất trong các ngươi phải trở
nên như những người nhỏ nhất” (Lc 22,26). Đối với Chúa, tuổi tác không đem lại
đặc ân, và trẻ không có nghĩa là ít xứng đáng hoặc ít giá trị hơn”. Đức Thánh
Cha khẳng định: “Chúng ta không nên hối tiếc vì đã sống tốt khi còn trẻ, mở
lòng với Thiên Chúa và sống cách khác biệt” (17).
Chương
hai:
“Chúa Giêsu, Đấng luôn trẻ”.
Đức Thánh Cha nói về chủ đề Thời Niên Thiếu của Chúa
Giêsu và nhắc lại đoạn Tin Mừng diễn tả Người “lúc đó là một thiếu niên, lúc trở
về Nazareth cùng với cha mẹ sau khi bị lạc và được tìm thấy trong Đền Thờ”
(26). Ngài viết rằng chúng ta không nên nghĩ rằng “Chúa Giêsu là một người trẻ
nhút nhát hoặc khép kín. Những mối tương quan của Người đúng là của một thanh
niên đã sống trọn cho gia đình và dân của mình”, “và không ai coi Người là khác
thường hoặc dị biệt” (28). Đức Thánh Cha chỉ rõ rằng “nhờ cha mẹ tin tưởng nên
trẻ Giêsu được thoải mái sinh hoạt và đồng hành với những người khác.” (29).
Không thể bỏ qua những khía cạnh này trong cuộc sống của Chúa Giêsu khi thi
hành mục vụ cho giới trẻ, “kẻo lại dựng nên những kế hoạch tách rời giới trẻ ra
khỏi gia đình và cộng đồng, hoặc biến họ thành một thiểu số ưu tuyển, không bị
ô nhiễm”. Đúng hơn, chúng ta cần những “dự án giúp cho người trẻ mạnh mẽ hơn, đồng
hành với họ và thúc giục họ gặp gỡ người khác, dấn thân vào những sinh hoạt phục
vụ quảng đại và những sứ vụ tông đồ” (30). Chúa Giêsu “không dạy dỗ các con, hỡi
những người trẻ, từ xa hay từ bên ngoài nhưng từ giữa lòng tuổi trẻ của các
con, tuổi trẻ mà Người cùng chia sẻ với các con” và trong Người, chúng ta có thể
nhận ra được những đặc nét của một tâm hồn trẻ trung (31).
Với “Người ở bên, chúng ta có thể múc lấy nguồn suối
nước chân thật làm sinh động tất cả mọi ước mơ, những dự kiến, những ý tưởng to
tát, đồng thời thúc giục chúng ta loan báo điều làm cho cuộc đời trở nên đáng sống”
(32); “Chúa mời gọi chúng ta làm bừng sáng những ngôi sao trong đêm đen cuộc đời
của những người trẻ khác” (33).
Sau đó, Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ về Giáo Hội
và viết: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giải thoát Giáo Hội khỏi những kẻ làm
cho Giáo Hội trở nên già cỗi, đóng khung Giáo Hội vào quá khứ và kìm hãm hoặc
làm cho Giáo Hội giậm chân tại chỗ. Và chúng ta cũng xin Chúa giải thoát Giáo Hội
khỏi một cơn cám dỗ khác: là cứ tưởng rằng mình trẻ vì chấp nhận bất cứ những
gì thế gian đưa đến, rằng mình đang được đổi mới vì đã xếp sứ điệp của mình qua
một bên và hành động như những kẻ khác. Không! Giáo Hội chỉ trẻ khi vẫn luôn là
chính mình, khi không ngừng nhận được sức mạnh từ Lời Chúa, Thánh Thể và sự hiện
diện hằng ngày của Đức Kitô và sức mạnh của Thần Khí Chúa trong cuộc sống của
chúng ta.” (35)
Phải nhìn nhận rằng “là những phần tử của Giáo Hội,
chúng ta không thể tách riêng khỏi kẻ khác”, đồng thời “phải có can đảm trở nên
khác, nhắm đến những lý tưởng khác với thế gian, làm chứng cho nét đẹp của lòng
đại lượng, tinh thần phục vụ, sự thanh khiết, ý chí kiên tâm, tấm lòng tha thứ,
sự trung thành với ơn gọi của riêng mình, tinh thần cầu nguyện, kiên trì theo
đuổi công lý và công ích, lòng yêu thương kẻ nghèo cũng như tình bằng hữu trong
xã hội” (36).
Giáo Hội có thể bị cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành và
quay trở lại thái độ “đi tìm một hình thức an toàn giả dối và theo thói đời. Người
trẻ có khả năng giúp cho Giáo Hội được trẻ trung hơn” (37).
Sau đó Đức Thánh Cha trở lại giáo huấn ngài tâm đắc nhất,
và với cách giải thích rằng con người của Chúa Giêsu phải được trình bày “theo
một cách thế lôi cuốn và hiệu quả”, ngài đã viết: “Giáo Hội không được tự quy
chiếu vào chính mình một cách thái quá mà thay vào đó và trên hết là phản ánh Đức
Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa là khiêm nhường nhìn nhận rằng một số điều cụ thể
cần phải thay đổi” (39).
Tông huấn nhìn nhận rằng có những người trẻ cảm thấy sự
hiện diện của Giáo Hội là “phiền hà, thậm chí còn gây bực mình”. Thái độ này bắt
rễ từ những lý do nghiêm trọng và dễ hiểu: những gương mù về tính dục và tài
chánh; một hàng giáo sỹ không được
đào tạo kỹ lưỡng để hiểu biết và giải quyết những vấn đề nhạy cảm của giới trẻ;
… vai trò thụ động dành cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; khó khăn của Giáo
Hội khi giải thích tín lý và những lập trường đạo đức của mình cho xã hội hiện
nay” (40).
Có những người trẻ “mong muốn Giáo Hội lắng nghe nhiều
hơn và làm nhiều hơn là chỉ lên án thế
giới mà thôi. Họ không muốn thấy một Giáo Hội im lặng và sợ phải lên tiếng, và cũng chẳng muốn thấy một Giáo Hội cứ
loay hoay đối phó với hai ba vấn đề ám ảnh mình. Để được người trẻ tin
tưởng, có nhiều khi Giáo Hội cần lấy lại thái độ khiêm tốn và đơn thuần lắng
nghe và nhìn nhận rằng ý kiến của người khác có thể soi lối giúp cho Giáo Hội
hiểu rõ Tin Mừng hơn” (41). Chẳng hạn, một Giáo Hội quá sợ hãi thì sẽ thường
xuyên bị chỉ trích vì “tán thành
mọi đề nghị của một số nhóm bênh vực nữ quyền”, trong khi một Giáo Hội
“mang tính sống động thì có thể phản ứng bằng thái độ lưu tâm đến những yêu cầu
hợp pháp của phụ nữ”, đồng thời vẫn không tán thành mọi đề nghị của một số nhóm bênh vực nữ quyền” (42).
Tiếp theo, Đức Thánh Cha trình bày “Mẹ Maria, người phụ
nữ trẻ ở Nazareth”, và lời Xin Vâng của Mẹ là lời thưa của “một người vui lòng
chấp nhận nguy cơ, sẵn sàng hy sinh những gì mình có, mà không có sự bảo chứng
gì ngoài niềm tin chắc chắn rằng mình đang cưu mang trong thân xác mình một lời
hứa. Vì thế cha hỏi các con: các con có thấy rằng chính mình cũng đang mang một
lời hứa?” (44) Đối với Mẹ, “thử thách không phải là lý do để nói “không”, và khi
liều thân như thế, Mẹ đã trở nên “người
mang ảnh hưởng của Thiên Chúa đến”.
Giữa lòng Giáo Hội cũng có rất
nhiều vị thánh trẻ. Đức Thánh Cha nhắc đến thánh Sebastian, thánh Phanxicô
thành Assisi, thánh Gioan thành Arc, Chân phước tử đạo Anrê Phú Yên, thánh Kateri
Tekakwitha, thánh Đôminicô Savio, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Chân phước
Ceferino Namuncurá, Chân phước Isidoro Bakanja, Chân phước Pier Giorgio Frassati,
Chân phước Marcel Callo, Chân phước trẻ tuổi Chiara Badano.
Chương ba: “Các con là ‘hiện tại’ của
Thiên Chúa”
Đức Thánh Cha đã phát biểu:
Chúng ta không thể chỉ nói rằng “người trẻ là tương lai của thế giới”. “Họ
chính là hiện tại của thế giới; chính ngay bây giờ, họ đang làm cho thế giới phong
phú hơn” (64). Vì thế cần phải lắng nghe người trẻ cho dù “có một khuynh hướng
đưa ra những câu trả lời đã được đóng gói và những giải pháp có sẵn, mà không
cho phép những vấn nạn của họ được nêu ra và như thế không đối mặt với những
thách đố mà họ đặt ra” (65).
“Ngày nay người lớn chúng ta
thường có khuynh hướng kể ra mọi vấn đề và thất bại của người trẻ thời đại …
Nhưng kết quả của thái độ đó là gì? Làm xa cách thêm, ít gần gũi và ít tương trợ
hơn” (66). Bất cứ ai được giao phó trách nhiệm làm cha, linh mục quản xứ và hướng
dẫn giới trẻ đều phải có khả năng “tìm được những lối đi mà người khác chỉ thấy
là những bức tường ngăn cản và nhận ra những tiềm lực trong khi người khác lại
chỉ thấy hiểm nguy. Đó chính là cách thế mà Chúa Cha nhìn mọi sự; Ngài biết
cách trân trọng và nuôi dưỡng những hạt giống sự thiện được gieo trong con tim
người trẻ. Do đó con tim của mỗi một người trẻ phải được xem là “đất thánh”
(67). Đức Thánh Cha cũng mời gọi chúng ta không tổng quát hóa sự kiện, bởi vì
“có rất nhiều loại thế giới của ‘người trẻ’ hôm nay” (68). Nói đến những gì
đang xảy ra cho người trẻ, ngài nhắc đến những người đang sống trong bối cảnh
chiến tranh, những người đang bị lợi dụng, những nạn nhân của các vụ bắt cóc, tổ
chức tội ác, nạn buôn người, nô lệ và khai thác tình dục cũng như hãm hiếp. Và cả
những người đang sống cuộc sống phạm tội ác và bạo lực (72). “Nhiều người trẻ
đang bị cuốn hút bởi những ý thức hệ, được xử dụng hay khai thác như bia đỡ đạn
hoặc một lực lượng xung kích để tiêu diệt, khủng bố hoặc giễu cợt kẻ khác. Tệ
hơn nữa, nhiều người trẻ mang tâm trạng chủ nghĩa cá nhân, thù nghịch và nghi
ngờ hết mọi người; với chiều hướng đó, họ dễ dàng trở thành mục tiêu cho những
chiến lược tàn ác và hủy hoại của những nhóm chính trị hoặc thế lực kinh tế”
(73). Và còn nữa, rất nhiều người đang chịu đau khổ vì bị gạt ra ngoài lề xã hội
với lý do tôn giáo, chủng tộc hoặc kinh tế. Đức Thánh Cha kể đến những trẻ vị
thành niên và người trẻ “mang thai, nạn nhân của sự phá thai, truyền nhiễm HIV,
những hình thức khác của nghiện ngập (ma túy, cờ bạc, khiêu dâm vv), và hoàn cảnh
nghiệt ngã của các trẻ đường phố không nơi ở, không gia đình hoặc nguồn tài
chánh” (74), những hoàn cảnh vừa đau đớn vừa khó khăn gấp đôi của các phụ nữ. “Chúng
ta không bao giờ là một Giáo Hội không biết khóc trước những thảm cảnh của các
người trẻ. Chúng ta không thể xem những việc đó là quen mắt rồi … Điều tệ hại
nhất mà chúng ta mắc phải là mang lấy một tinh thần thế tục với cách giải quyết
là ru ngủ giới trẻ bằng những thông điệp khác, những phương tiện giải trí khác,
những mưu cầu tầm thường” (75).
Đức Thánh Cha cũng mời gọi
giới trẻ biết khóc cho những người đồng trang lứa đang chịu đau khổ hơn mình.
Ngài giải thích: “Đúng thế,
những người quyền thế cũng cung cấp một vài giúp đỡ nhưng thường với một giá trả
khá cao. Trong nhiều quốc gia nghèo đói, sự trợ giúp kinh tế từ các nước giàu hay
những cơ quan quốc tế thường đi đôi với việc
phải chấp nhận những quan niệm Tây phương về tính dục, hôn nhân, cách sống
hoặc cơ chế công bằng xã hội. Hình thức thực dân ý thức hệ này rất nguy hại cho
người trẻ” (78). Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại nền văn hóa ngày nay
đang quảng bá hình tượng trẻ đẹp của nhan sắc và dùng những thân thể trẻ để quảng
cáo: “điều này không có liên hệ gì đến người trẻ. Nó chỉ có nghĩa là người lớn
đang muốn nắm lấy người trẻ về trong bàn tay của họ” (79).
Đề cập đến “ham muốn, tổn
thương và ước vọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tính dục và “tầm quan trọng
thiết yếu” của nó đối với cuộc sống người trẻ cũng như “tiến trình trưởng thành
về căn tính của họ”. Ngài viết rằng: “trong một xã hội không ngừng đề cao tính
dục, giữ vững một tương quan lành mạnh với thân thể của chính mình và một cuộc
sống tình cảm lành mạnh là điều không dễ dàng”. Vì lý do đó và những nguyên
nhân khác, luân lý tính dục thường có khuynh hướng trở thành nguồn gốc gây nên
sự “hiểu lầm và xa lánh Giáo Hội, cũng bởi vì Giáo Hội bị xem như là một cơ chế
xét xử và lên án”, mặc dầu trong thực tế có những người trẻ đang muốn thảo luận
về những vấn đề này (81). Đứng trước những phát triển trong các lãnh vực khoa học,
kỹ thuật y sinh học và thần kinh học, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng những tiến bộ
đó có thể làm cho chúng ta quên rằng sự sống là một hồng ân, và chúng ta là những
thụ tạo với những giới hạn bẩm sinh, dễ bị khai thác bởi những kẻ lợi dụng sức
mạnh của kỹ thuật.
Tiếp đến, Tông huấn đề cập đến
chủ đề “thế giới số” đã tạo nên “một cách thế thông tin mới”, và có khả năng “tạo
sự dễ dàng cho việc phát tán những thông tin độc lập”. Trong nhiều quốc gia, mạng
lưới toàn cầu và các mạng xã hội “đã tượng trưng cho một diễn đàn vững chắc để
tiếp cận và lôi kéo người trẻ” (87). Nhưng những hệ thống đó có thể là lãnh địa
của “cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, mà đỉnh cao là trường hợp cực
đoan nhất của ‘trang mạng đen’. Những phương tiện truyền thông đại chúng dạng số
đặt con người vào nguy cơ bị nô lệ, tự cô lập và dần dần mất đi sự tiếp xúc với
thực tế … Những hình thức bạo lực mới được phát tán qua hệ thống truyền thông
xã hội, chẳng hạn như trường hợp ức hiếp kẻ khác qua mạng ảo. Internet cũng là
một phương tiện truyền bá các phim ảnh đồi trụy và khai thác các nạn nhân với mục
đích tính dục hoặc là qua nạn cờ bạc” (88). Cũng không nên quên rằng trong thế
giới số hóa “cũng có những lợi ích kinh tế to lớn”, có khả năng tạo nên “những
kỹ xảo để thao túng lương tâm con người và tiến trình dân chủ”. Các hệ thống
truyền hình cáp “tạo điều kiện cho sự phát tán những tin tức giả và thông tin
sai lạc, khích động thành kiến và ghen ghét … Danh tiếng của nhiều cá nhân bị
lâm nguy qua những bài viết xét đoán nông cạn trên mạng. Giáo Hội và các vị mục
tử cũng không thoát khỏi hiện tượng này” (89).
Trong một tài liệu soạn thảo
bởi 300 người trẻ từ khắp nơi trên thế giới trước Thượng Hội Đồng, đã có lập
trường nêu rõ rằng “những tương quan trên mạng có thể trở nên không có tính
nhân văn”, và sự đắm mình vào trong thế giới ảo đã mở đường cho “một loại ‘di
dân kỹ thuật số’, hậu quả là lôi kéo con người thoát ly khỏi gia đình, cũng như
những giá trị văn hóa và tôn giáo để giam mình vào trong thế giới của cô đơn”
(90).
Đức Thánh Cha tiếp tục đề cập
đến “di dân như là hình ảnh đặc trưng của thời đại chúng ta”, và nhắc đến đa phần
những người trẻ đang trong tình trạng di dân. “Giáo hội đặc biệt quan tâm đến
những người đang trốn chạy vì chiến tranh, bạo lực, bách hại chính trị hoặc tôn
giáo, và các thiên tai do biến đổi khí hậu và vì nghèo đói” (91): họ đi tìm một
cơ hội, một giấc mơ về tương lai tốt đẹp hơn. Những người di dân khác thì “bị
quyến rũ bởi nền văn hóa Tây phương, nhiều khi với những ảo vọng đưa đến thất vọng
nặng nề. Những kẻ buôn người vô lương tâm, đa số dính líu với những tổ chức
buôn ma túy hay vũ khí, đang khai thác yếu điểm của di dân … Đặc biệt phải lưu
ý đến những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của di dân là các trẻ vị thành niên
không có người lớn đi kèm… Tại một số quốc gia là điểm đến, di dân đã gây nên sợ
hãi và báo động, nhiều khi bị kích động và khai thác vì những mục đích chính trị.
Điều này có thể đưa đến não trạng bài ngoại khi dân chúng co cụm lại và hiện tuợng
này phải được giải quyết dứt khoát” (92). Di dân trẻ thường phải trải qua tình
trạng bị mất gốc về văn hóa và tôn giáo (93). Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu
giới trẻ “đừng để bị người khác lợi dụng làm công cụ chống lại những người trẻ
khác vừa mới chân ướt chân ráo đến quốc gia của họ, và cổ súy họ xem những người
trẻ này như là một đe dọa” (94).
Ngài cũng nhắc đến tình trạng
lạm dụng trẻ em, sự cô lập những cam kết của Thượng Hội Đồng trong việc thực
thi các biện pháp phòng ngừa khắt khe, và bày tỏ lòng tri ân đối với “những cá
nhân đã can đảm báo cáo sự dữ mà họ đã trải qua” (99). Ngài đã nhắc lại, “tạ ơn
Chúa”, vì những người đã phạm những tội ác ghê tởm đó không phải là đa số các
linh mục, những ai đang thi hành sứ vụ của mình với lòng trung thành và quảng đại”.
Ngài đề nghị giới trẻ, nếu thấy một linh mục đang gặp nguy hiểm vì đi sai đường,
hãy can đảm nhắc nhở ngài về những gì đã cam kết với Thiên Chúa và Dân của Người
(100).
Tuy nhiên, lạm dụng không phải
là tội duy nhất trong Giáo Hội. “Tội của chúng ta phạm rõ ràng ngay trước mắt mọi
người; chúng xuất hiện quá rõ ràng trên khuôn mặt già cỗi của Giáo Hội, Mẹ và
Thầy của chúng ta”, nhưng Giáo Hội không dùng đến bất cứ phẩu thuật thẩm mỹ
nào, “Giáo Hội không ngại phải tiết lộ tội lỗi của các chi thể của mình”. “Đừng
bao giờ quên rằng chúng ta không được bỏ rơi Mẹ Thánh của chúng ta khi Mẹ bị tổn
thương” (101), nhưng hãy đứng bên cạnh Giáo Hội để Mẹ Thánh của chúng ta gom hết
sức mạnh và khả năng để bắt đầu một lần nữa. Khoảnh khắc đen tối này, với sự trợ
giúp của người trẻ, “có thể thật sự là một cơ hội cải cách có ý nghĩa trọng đại”,
mở ra cho chúng ta một lễ Ngũ Tuần mới (102).
Đức Thánh Cha nhắc nhở người
trẻ rằng “có một lối thoát” trong tất cả các tình huống đen tối và đau đớn.
Ngài lập lại đoạn Tin Mừng về buổi sáng ngày Phục Sinh. Ngài giải thích rằng dù
cho thế giới số hóa có thể đem đến cho chúng ta nhiều nguy cơ, nhưng cũng có những
người trẻ có khả năng sáng tạo và tài giỏi trong những lãnh vực đó. Như Đấng
Đáng Kính Carlo Acutis là người biết cách xử dụng những kỹ thuật truyền thông mới
để quảng bá Tin Mừng” (105), ngài không để mình rơi vào cạm bẫy khi nói: “Mỗi một
người sinh ra là bản chính, nhưng nhiều người đã chết như những bản sao”. “Đừng
để điều đó xảy đến cho các con” (106), Đức Thánh Cha cảnh báo như thế. “Đừng để
họ cướp đi hy vọng và niềm vui, hoặc chuốc thuốc làm cho các con trở thành nô lệ
cho những lợi ích của họ” (107), hãy tìm kiếm mục tiêu cao cả của sự thánh thiện.
“Làm người trẻ có nghĩa là không chỉ theo đuổi những lạc thú mau qua và những
thành tựu nông cạn. Nếu sống trọn mục đích cuộc sống trong những năm tháng của
tuổi trẻ thì thời gian đó phải là thời gian của sự dấn thân quảng đại và hiến
thân hết lòng” (108). “Nếu tuổi còn trẻ nhưng lại thấy mình yếu đuối, mệt mỏi
hay vỡ mộng thì con hãy cầu xin Chúa Giêsu đổi mới các con” (109). Nhưng hãy luôn
nhớ rằng “rất khó để chiến đấu chống lại … những cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ,
và tính ích kỷ của thế gian … nếu chúng ta trở nên quá cô lập” (110). Đó chính
là lúc chúng ta cần có một đời sống cộng đoàn.
Chương bốn: “Một sứ điệp vĩ đại cho tất
cả người trẻ”
Cùng tất cả giới trẻ, Đức
Thánh Cha loan báo ba sự thật quan trọng. “Thiên Chúa là tình yêu”. “Thiên Chúa
yêu các con, đừng bao giờ nghi ngờ điều đó” (112). Con có thể “tìm được bình yên
trong vòng tay của Cha trên trời” (113). Đức Thánh Cha xác quyết rằng trí nhớ của
Chúa Cha “không phải là một ‘đĩa cứng’ ‘lưu” và ‘trữ’ mọi dữ liệu của chúng ta.
Trí nhớ của Người là một con tim đầy lòng xót thương, một con tim tìm được niềm
vui khi ‘xóa’ sạch khỏi con người chúng ta mọi dấu vết sự dữ … Bởi vì Người yêu
thương chúng ta. Cố gắng lắng lòng xuống một chút và hãy để chính mình cảm thấy
tình yêu của Người” (115). Tình yêu của Người là một tình yêu “nâng dậy hơn là quật
ngã, hòa giải hơn là cấm chế, ban những cơ hội để thay đổi hơn là lên án, nhìn đến
tương lai hơn là nhìn lại quá khứ” (116).
Sự thật thứ hai là “Đức Kitô
cứu thoát các con”. Đừng bao giờ quên rằng “Người tha thứ cho chúng ta bảy mươi
lần bảy. Không biết bao nhiêu lần Người đã vác chúng ta trên vai của Người”
(119). Chúa Giêsu yêu các con và cứu các con bởi vì chỉ khi được yêu mới có thể
được cứu. Chỉ khi được ấp ủ mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn
mọi vấn đề, mọi yếu đuối và mọi sai lầm của chúng ta” (120). Và “sự tha thứ và
ơn cứu rỗi của Người là những gì chúng ta không thể mua được, hoặc đạt được qua
việc làm hay cố gắng riêng của mình. Người tha thứ chúng ta và giải thoát chúng
ta một cách nhưng không” (121).
Sự thật thứ ba là “Ngài đang
sống!”. Chúng ta hãy luôn nhắc nhở mình về điều đó … bởi lẽ chúng ta có nguy cơ
nhìn thấy Chúa Giêsu chỉ là một mẫu gương đẹp xa xôi trong quá khứ, một hoài niệm,
một nhân vật đã đến cứu thoát chúng ta cách đây hai ngàn năm. Nhưng điều đó
không có ích gì cho chúng ta: nó không
thay đổi gì nơi chúng ta và cũng không đem lại tự do cho chúng ta” (124). Nếu
Người sống, “thì chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn … và rồi chúng ta
sẽ ngưng than phiền và hướng đến tương lai, bởi vì với Người điều đó luôn luôn
có thể xảy ra” (127)
Trong những sự thật nầy,
Chúa Cha và Chúa Giêsu cùng xuất hiện. Và các Ngài ở đâu thì Chúa Thánh Thần
cũng ở đó. “Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày … Con không mất gì hết,
và Người có thể thay đổi, rọi sáng cuộc đời con và dẫn con trên nẻo đường tốt đẹp
hơn. Người không lấy mất một thứ gì của các con, trái lại, giúp các con tìm thấy
các con cần gì và trong một cách thế tốt nhất” (131).
Chương 5: Hành
trình người trẻ
“Tình yêu của Thiên Chúa và
tương quan của chúng ta với Đức Kitô đang sống không ngăn cản chúng ta có những
giấc mơ, cũng không đòi hỏi chúng ta thu hẹp tầm nhìn của mình. Trái lại, tình
yêu đó thăng hoa chúng ta và đưa chúng ta vươn đến một cuộc sống tốt hơn và tươi
đẹp hơn. Phần lớn những ước vọng trong con tim người trẻ có thể thu gọn
tronghai chữ ‘thao thức”” (138). Khi nghĩ đến một người trẻ, Đức Thánh Cha đã
nhìn thấy anh ấy hoặc cô ấy như là một người “đang ao ước được bay nhảy trên
đôi chân, luôn luôn với một chân đưa ra trước, sẵn sàng lao đi, sẵn sàng bật
tung lên. Không ngừng chạy nhanh về phía trước” (139). Tuổi trẻ không thể “giậm
chân tại chỗ”, bởi vì đó chính là “tuổi của chọn lựa” trong các phạm vi nghề
nghiệp, xã hội, chính trị, và cũng trong sự lựa chọn một người bạn đời hoặc
sinh những đứa con đầu tiên. “Sự lo âu có thể gây bất lợi cho chúng ta bằng
cách khiến chúng ta bỏ cuộc khi không thấy trước những kết quả tức thời. Giấc
mơ đẹp nhất của chúng ta chỉ đạt được bằng hy vọng, kiên nhẫn và quyết tâm, chứ
không phải trong vội vã. Đồng thời, đừng ngập ngừng, đừng sợ cơ hội hoặc sai lầm”
(142).
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi
người trẻ đừng nhìn cuộc đời từ trên cao, cũng không chỉ sống trước màn ảnh, đừng
như những chiếc xe phế thải và không nhìn đời như người du khách: “Hãy cuồng
nhiệt! Quẳng xa đi những nỗi sợ hãi làm tê liệt các con … hãy sống!” (143).
Ngài cũng mời gọi họ sống “giây phút hiện tại” thưởng thức với lòng tri ân từng
món quà nhỏ của cuộc sống nhưng đừng “tham lam” và “ham mê tìm kiếm những thú
vui mới lạ” (146). Thật vậy, sống giây phút hiện tại “không phải giống như kiểu
sống phóng đãng vô trách nhiệm vốn chỉ đưa đến tâm trạng trống rỗng và luôn bất
mãn” (147).
“Cho dù đã trải qua biết bao kinh nghiệm thời
tuổi trẻ, các con sẽ không bao giờ đạt đến sự hiểu biết ý nghĩa toàn vẹn và sâu
xa của những năm tháng đó nếu mỗi ngày các con không gặp gỡ người bạn tốt nhất
của mình, người bạn đó chính là Chúa Giêsu” (150). Tình bạn với Chúa Giêsu thì
bền vững vì Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta (154). “Với một người bạn, chúng
ta có thể nói chuyện và chia sẻ bí mật thầm kín nhất. Với Chúa Giêsu cũng vậy,
chúng ta luôn luôn có thể tâm sự”. Khi cầu nguyện, “chúng ta trải lòng hết những
việc chúng ta làm” với Ngài, và dành một chỗ cho Ngài “ngõ hầu Ngài có thể hành
động, bước vào và chiếm hữu” (155). “Đừng để tuổi trẻ của các con đánh mất tình
bạn này. Các con sẽ có thể cảm nhận được Ngài đang ở bên con”. Đó chính là trải
nghiệm của các môn đệ ở Emmau (156). Thánh Oscar Romero đã nói: “Kitô giáo
không phải là một sưu tập các chân lý phải tin, các luật lệ phải theo hay các cấm
chỉ. Nếu xét khía cạnh này thì nó làm chúng ta hụt hẫng. Kitô giáo là một nhân
vị đầy tình yêu đối với tôi và đòi tôi đáp lại bằng tình yêu. Kitô giáo chính là
Đức Kitô”.
Khi nói về giai đoạn phát
triển và trưởng thành, Đức Thánh Cha đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đi tìm một
sự “phát triển thiêng liêng”, của sự tìm kiếm Thiên Chúa và vâng giữ Lời của
Người”, của việc giữ vững mối giây liên kết “với Chúa Giêsu … bởi vì các con sẽ
không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện với sức riêng và trí thông minh của
mình” (158). Người lớn cũng phải đạt đến sự trưởng thành mà không đánh mất đi
những giá trị của tuổi trẻ: “Trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống, chúng ta
đều có thể phục hồi và làm sung mãn tuổi trẻ của chúng ta. Khi Cha bắt đầu sứ vụ
Giáo Hoàng, Chúa đã mở rộng tầm nhận thức của cha và ban tặng cho cha một tinh
thần tuổi trẻ mới mẻ. Cảm tính nầy cũng xảy ra cho một cặp vợ chồng lấy nhau đã
nhiều năm, hoặc cho một tu sĩ trong tu viện của mình” (160). Càng thêm tuổi có
nghĩa là “đang giữ gìn và trân trọng những điều quý giá nhất về tuổi trẻ của
mình, nhưng cũng có nghĩa là phải thanh lọc những điều không tốt” (161). “Nhưng
cha cũng phải nhắc nhở rằng các con sẽ không nên thánh và phát huy đầy đủ bằng
việc sao chép kẻ khác … Các con phải nhận ra các con là ai và phát huy cách thế
nên thánh riêng của mình” (162).
Đức Thánh Cha đề nghị “hành
trình huynh đệ” để sống niềm tin, luôn nhớ rằng “Chúa Thánh Thần muốn chúng ta
ra khỏi con người của mình, để ôm lấy kẻ khác … Đó là lý do tại sao nên sống đức
tin cùng với nhau và bày tỏ tình yêu của mình qua cuộc sống cộng đoàn” (164),
vượt qua được cám dỗ “chỉ dừng lại ở bản thân và các vấn đề của mình, các vết
thương bên trong và nỗi phẫn uất của mình” (166). “Thiên Chúa ưa thích niềm vui
của người trẻ. Đặc biệt, Người muốn họ cùng nhau chia sẻ niềm vui trong tình hiệp
thông huynh đệ” (167). Rồi Đức Thánh Cha nói đến tinh thần “trẻ và dấn thân”, nhấn
mạnh rằng nhiều khi người trẻ bị “cám dỗ rút lui vào những nhóm nhỏ … Họ có thể
cảm thấy mình đang trải nghiệm tình huynh đệ và tình yêu, nhưng thật ra, nhóm
nhỏ đó có thể chỉ là cái tôi nối dài của mình mà thôi. Điều này trở thành
nghiêm trọng hơn khi họ quan niệm ơn gọi giáo dân đơn thuần là một hình thức phục
vụ trong Giáo Hội … Họ quên rằng ơn gọi giáo dân trên hết nhắm đến bác ái trong
khuôn khổ gia đình và bác ái trong xã hội và chính trị” (168). Đức Thánh Cha khuyên
bảo người trẻ nên “vượt qua khỏi những nhóm nhỏ của mình để xây dựng tình huynh
đệ xã hội, nơi mọi người hoạt động cho công ích. Đàng khác, lòng thù nghịch
trong xã hội mang tính hủy diệt. Nhiều gia đình đang bị phá hủy vì sự thù nghịch.
Nhiều quốc gia cũng đang bị tàn phá vì sự thù nghịch. Thế giới đang bị tàn phá
vì sự thù nghịch. Và sự thù nghịch lớn nhất chính là chiến tranh. Ngày nay
chúng ta chứng kiến thế giới đang tự hủy diệt vì chiến tranh “bởi vì chúng ta
không thể ngồi xuống để đối thoại” (169). “Dấn thân xã hội và tiếp xúc trực tiếp
với người nghèo vẫn luôn là những phương thế cơ bản để tìm ra hoặc đào sâu đức
tin của mình cũng như nhận thức được ơn gọi cá nhân” (170). Đức Thánh Cha cũng
kể ra gương sáng của những người trẻ từ các giáo xứ, trường học và các phong
trào là những người “thường xuyên sinh hoạt với người già và kẻ liệt hoặc viếng
thăm những khu phố nghèo” (171). “Những bạn trẻ khác thì tham gia vào các
chương trình xã hội giúp xây nhà cho người vô gia cư, hoặc cải tạo những phần đất
ô nhiễm hay là góp phần giúp đỡ những người túng thiếu. Thật là hữu ích nếu những
nỗ lực chung tay góp sức này có thể được tập trung và tổ chức một cách ổn định”.
Các sinh viên đại học “có thể áp dụng kiến thức của mình theo hình thức liên
ngành, cùng với giới trẻ của các giáo xứ hay tôn giáo khác” (172). Đức Thánh
Cha khuyến khích người trẻ quyết tâm tham gia công tác này: “Cha đã theo dõi
các bài báo nói về những người trẻ trên khắp thế giới đã xuống đường để biểu
dương khát khao về một xã hội công bằng và đầy tình huynh đệ hơn … Người trẻ muốn
tiên phong trong sự đổi mới. Các con đừng để người khác phải dẫn đầu trong sự đổi
mới!” (174).
Những người trẻ được gọi là
“những nhà truyền giáo can đảm”, làm chứng khắp nơi cho Tin Mừng với cuộc sống
của mình, điều này không có nghĩa là “nói về sự thật, nhưng sống chính sự thật”
(175). Tuy vậy, lời nói cũng không được chìm vào im lặng: “Hãy học bơi ngược
dòng, học cách chia sẻ Chúa Giêsu và đức tin Ngài đã ban cho con” (176). Chúa
Giêsu sai chúng ta đi đâu? “Không có biên thùy, không có giới hạn: Ngài sai
chúng ta đi khắp mọi nơi. Tin Mừng là để cho mọi người, không chỉ cho một thiểu
số. Tin Mừng không chỉ dành cho những người xem ra gần gũi với chúng ta, dễ đón
nhận, dễ tiếp cận hơn. Tin Mừng là để cho mọi người” (177). Và chúng ta không
thể mong chờ “truyền giáo phải là công việc nhẹ nhàng và dễ dàng” (178).
Chương sáu: “Người trẻ với nguồn cội”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng
ngài đau lòng khi thấy “những người trẻ đôi khi được khuyến khích xây dựng một
tương lai không cội nguồn, như thể thế giới vừa mới được sinh ra” (179). “Nếu ai
đó bảo người trẻ phủ nhận lịch sử của mình, từ chối những kinh nghiệm của các bậc
tiền bối, xem thường quá khứ và nhìn về một tương lai mà người ấy đang nắm giữ,
thì liệu có dễ dàng lôi kéo họ làm theo đúng như người ấy nói không? Kẻ ấy đang
muốn biến người trẻ trở nên nông cạn, mất gốc và hoài nghi mọi sự, đến nỗi chỉ
tin vào các hứa hẹn của người ấy và làm theo những gì họ vạch ra. Đó là cách thức
hành động của nhiều ý thức hệ: chúng phá hủy (hoặc phá tung) tất cả những khác
biệt để không có gì đi ngược lại” (181).
Những kẻ thao túng cũng xử dụng
việc sùng bái tuổi trẻ: “Thân xác trẻ trung đã trở nên biểu tượng cho việc sùng
bái mới này; bất cứ cái gì liên quan đến thân thể này đều được biến thành thần
tượng và thèm khát, trong khi đó bất cứ cái gì không trẻ thì bị khinh dễ. Nhưng
loại sùng bái tuổi trẻ này chỉ là một thủ đoạn căn bản làm hạ giá người trẻ mà
thôi” (182). “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho họ khai thác tuổi trẻ của các con
để cổ vũ một lối sống nông cạn đánh lận cái đẹp với dáng vẻ bên ngoài” (183). Có
một vẻ đẹp nơi người lao động trở về nhà đầy bụi bặm và nhếch nhác, nơi người vợ
già nua đang chăm sóc người chồng bệnh hoạn của mình, nơi sự trung thành của
các cặp vợ chồng yêu nhau trong tuổi xế chiều.
Ngày nay, thay vào đó, chúng
ta lại cổ súy “một linh đạo không có Thiên Chúa, một cảm tính không có tinh thần
cộng đồng hay sự quan tâm đến người đau khổ, một thái độ sợ hãi người nghèo, được
xem là nguy hiểm và một loạt các chủ trương đưa ra một thiên đường tương lai mà
thật ra hình như càng ngày càng xa vời” (184). Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ
đừng để bị thống trị bởi loại ý thức hệ dẫn đến tình trạng “thực dân hóa văn
hóa” (185) là hiện tượng bứng người trẻ ra khỏi những quan hệ văn hóa và tôn
giáo vốn là cội nguồn của họ và mưu đồ đồng
nhất hóa họ bằng việc biến họ thành “một loạt sản phẩm dễ uốn nắn” (186).
Đức Thánh Cha nói thêm: “Điều
cơ bản là tương quan của các con với những người già, giúp cho các con khám phá
ra sự phong phú sống động của quá khứ. “Lời Chúa khuyến khích chúng ta luôn gần
gũi với người già, hầu hưởng được những lợi ích từ kinh nghiệm sống của họ”
(188). “Điều này không có nghĩa là phải đồng tình với tất cả những gì người lớn
nói hay tán thành mọi hành động của họ”.
“Thật sự đó là một hình thức sẵn sàng đón nhận sự khôn ngoan được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác”
(190). “Thế giới chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được hưởng lợi từ việc bẻ gãy
sự liên kết giữa các thế hệ … Đúng là dối trá khi làm cho các con tin rằng chỉ
có cái gì mới mới là tốt và đẹp” (191). Nói đến “giấc mơ và tầm nhìn”, Đức
Thánh Cha đã nhận xét: “Khi cả người trẻ lẫn người già mở lòng ra cho Chúa
Thánh Thần thì họ sẽ tạo nên được một sự phối hợp tuyệt vời. Người già mơ những
giấc mộng, người trẻ thấy tầm nhìn” (192). “Nếu người trẻ cắm rễ sâu vào trong
những giấc mơ đó thì họ sẽ có khả năng bật lên trong tương lai” (193). Đó là lý
do tại sao chúng ta cần “mạo hiểm với nhau”, cùng nhau bước đi, già cũng như trẻ.
“Gốc rễ không phải là những cái neo giữ chân chúng ta” mà là “một điểm cố định để
từ đó chúng ta lớn lên và đối diện với thách đố mới” (200).
Chương bảy: “Mục vụ giới trẻ”
Đức Thánh Cha giải thích rằng
mục vụ giới trẻ đã bị ảnh hưởng bởi những thay đổi xã hội và văn hóa và “người
trẻ thường không tìm ra trong các chương trình thường lệ của chúng ta một giải
đáp cho những bận tâm, nhu cầu, nan đề và vấn đề của họ” (202). Chính người trẻ
là “những tác nhân” của mục vụ giới trẻ.
Chắc chắn, họ cần được giúp
đỡ và hướng dẫn, nhưng đồng thời cũng phải được tự do khai triển những phương
thế mới, với sự sáng tạo và một chút liều lĩnh”. Chúng ta cần giúp người trẻ “dùng
sự sáng suốt, khéo léo và hiểu biết của mình để xử lý những vấn đề và quan ngại
của những bạn trẻ khác bằng ngôn ngữ riêng của họ” (203).
Mục vụ giới trẻ cần phải
linh động và điều cần thiết là mời “các bạn trẻ tham dự những sự kiện hay các dịp
giúp cho họ có cơ hội không chỉ học tập mà còn để đối thoại, cử hành, ca hát, lắng
nghe những câu chuyện có thực và trải nghiệm cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống”
(204) Mục vụ giới trẻ phải có tính hiệp đoàn (synodal), nghĩa là, có khả năng sắp xếp một “hành trình chung” và
điều này bao gồm hai lộ trình thênh thang để thực hiện: thứ nhất là vươn ra, thứ
hai là tăng trưởng. Đối với con đường thứ nhất, Đức Thánh Cha tin tưởng rằng
chính người trẻ có khả năng “tìm ra những phương pháp hấp dẫn để đến với nhau”.
“Họ chỉ cần được khuyến lệ và tự do hang say”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất
là “mỗi người trẻ có thể đủ táo bạo để gieo hạt giống sứ điệp trên mảnh đất màu
mỡ nơi con tim của một người trẻ khác” (210). Ưu tiên phải được dành cho “ngôn
ngữ của sự gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, tương quan và tôn trọng
nhân vị có khả năng đánh động con tim”. Người trẻ cần được tiếp cận với “ngữ
pháp của tình yêu, chứ không phải là bằng thái độ nghe giảng” (211).
Còn về con đường tăng trưởng,
Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại việc đề xuất cho người trẻ đang cách cảm nghiệm
Thiên Chúa qua “những buổi họp ‘đào tạo’ chỉ bàn đến những vấn nạn tín lý và
luân lý … Hậu quả là nhiều bạn trẻ cảm thấy nhàm chán và đánh mất đi hứng khởi
gặp gỡ Đức Kitô và niềm vui bước theo Ngài” (212).
Bất kỳ một chương trình giáo
dục hay lộ trình tăng trưởng cho người trẻ nào cũng “chắc chắn phải bao gồm việc
đào tạo trong tín lý và luân lý Kitô giáo, đặt trọng tâm trên giáo lý căn bản, “là
kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua sự chết và phục sinh của
Chúa Giêsu”, và trên “sự tang trưởng trong tình yêu huynh đệ, nếp sống cộng đồng
và phục vụ” (213). Do đó, “mục vụ giới trẻ phải luôn luôn bao gồm những cơ hội
canh tân và đào sâu kinh nghiệm cá nhân với tình yêu của Thiên Chúa và Đức Kitô
đang sống” (214). Điều đó sẽ giúp cho người trẻ “sống như anh chị em với nhau,
giúp đỡ nhau, xây dựng tinh thần cộng đồng, phục vụ nhau và gần gũi với người
nghèo” (215).
Các cơ sở của Giáo Hội phải
cung cấp “những môi trường thích hợp”, “những địa điểm mà người trẻ có thể coi
như địa chỉ của riêng mình để tự do đến và đi, được chào đón và sẵn sàng gặp gỡ
các bạn trẻ khác, dù trong lúc khó khăn và thất vọng hoặc để vui mừng và cử
hành” (281).
Rồi Đức Thánh Cha viết “Mục
vụ giới trẻ trong những cơ sở giáo dục”, xác định rằng các trường học đang “rất
cần tự phê bình”. Ngài nhắc đến sự kiện rằng “một vài trường học Công giáo có vẻ
như được cơ cấu chỉ để tự sinh tồn … Một trường học trở nên một ‘hầm trú’, bảo
vệ học sinh khỏi những sai lầm ‘từ bên ngoài đưa đến’ thật là một biếm họa của
loại khuynh hướng này”. Khi người trẻ ra trường, họ cảm thấy “không thể kết nối
giữa điều học được và thế giới mình đang sống”, trong khi “một trong những niềm
vui lớn nhất mà bất cứ nhà giáo dục nào cũng có thể có là thấy một học trò lớn
lên thành một con người mạnh mẽ và hội nhập tốt” (221).
Chúng ta không thể tách rời
việc đào tạo thiêng liêng khỏi việc đào tạo văn hóa … “Đây là thách đố lớn cho
các con: đối phó với những điệp khúc khập khiễng của văn hóa tiêu thụ bằng những
quyết định chin chắn và vững vàng, bằng nghiên cứu, kiến thức và chia sẻ”
(223). Trong các lãnh vực của “phát triển mục vụ”, Đức Thánh Cha đã chỉ ra “tầm
quan trọng của văn chương” (226), “tiềm năng của thể thao” (227), và “chăm sóc
môi trường” (228). Cần có một “mục vụ giới trẻ bình dân”, “rộng rãi hơn và linh
động hơn, có khả năng khuyến khích những hướng dẫn tự nhiên và đặc sủng mà Chúa
Thánh Thần đã gieo nơi những người trẻ, ở những nơi khác biệt mà người trẻ hoạt
động cách cụ thể. Mục vụ đó cố gắng tránh áp đặt các chướng ngại, luật lệ và những
cơ cấu có tính bắt buộc trên các tín hữu trẻ là những lãnh đạo bẩm sinh trong
khu xóm và trong những môi trường khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khuyến
khích họ” (230).
Khi tập trung vào một “mục vụ
giới trẻ thuần túy và hoàn chỉnh, có đặc trưng là những ý tưởng trừu tượng, tách
rời khỏi thế giới và không có tì vết, thì chúng ta có thể biến Tin Mừng thành một
đề xuất trì trệ, vô nghĩa và không hấp dẫn. Loại mục vụ giới trẻ như thế cuối
cùng cũng bị đào thải hoàn toàn khỏi thế giới người trẻ và chỉ phù hợp cho một
số giới trẻ ưu tuyển coi mình là khác biệt, trong khi đó vẫn sống trong tình trạng
cách ly trống rỗng và không hiệu quả” (232).
Đức Thánh Cha mời gọi chúng
ta trở thành một “Giáo Hội với cánh cửa mở rộng. Người ta cũng không phải chấp
nhận đầy đủ mọi giáo huấn của Giáo hội để được tham gia vào một số hoạt động của
chúng ta dành cho giới trẻ (234). Cũng nên dành chỗ cho “những ai có tầm nhìn
khác về cuộc sống, hoặc thuộc về những tôn giáo khác hoặc những người tự tách
mình ra khỏi tôn giáo” (235). Biểu tượng cho cách tiếp cận này đã được trình
bày qua đoạn Phúc Âm về các môn đệ ở Emmau: Chúa Giêsu hỏi họ, kiên nhẫn lắng
nghe họ, giúp họ nhận ra những gì họ đang sống, giải thích dưới ánh sáng Kinh
Thánh điều họ đã trải qua, đồng ý ở lại với họ và bước vào đêm tối cuộc sống của
họ. Và chính họ đã lập tức chọn lựa quay ngược lại (237). “Luôn luôn là những
nhà truyền giáo”. Đối với người trẻ, để trở thành một nhà truyền giáo, không cần
phải “đi xa”. “Một người trẻ, khi đi hành hương xin Mẹ Maria giúp đỡ và rủ một
người bạn hay một người đồng hành cùng đi thì qua cử chỉ đơn giản này đã là một
nhà truyền giáo tốt rồi” (239). “Mục vụ giới trẻ luôn mang tính truyền giáo”
(240). Tự do của người trẻ cần được tôn trọng, “nhưng họ cũng cần có người đồng
hành”. Gia đình phải là điểm đầu của sự đồng hành (242), và sau đó là cộng đồng.
“Mọi người đều phải đối xử với người trẻ bằng sự hiểu biết, nhận chân giá trị
và yêu thương, cũng như luôn tránh phán đoán họ hoặc đòi hỏi phải hoàn hảo vượt
quá tuổi đời của họ” (243). Hiện nay đang thiếu những người có kinh nghiệm
chuyên lo việc đồng hành (244) và “một số thiếu nữ cảm thấy tình trạng thiếu hút
những lãnh đạo nữ gương mẫu trong Giáo Hội” (245). Cũng những người ấy “đã vạch
ra cho chúng ta” những đức tính mà họ hy vọng tìm thấy nơi một người dìu dắt: “là
một Kitô hữu sùng đạo dấn thân cho Giáo Hội và xã hội; một người không ngừng cố
gắng sống thánh thiện; một người bạn tâm giao nhưng không xét đoán. Tương tự
như thế, đó là người luôn tích cực lắng nghe các nhu cầu của người trẻ và đáp lại
cũng với thái độ tích cực; là người có tình yêu sâu sắc và hiểu biết chính
mình; một người ý thức được giới hạn bản thân và kinh nghiệm được những vui buồn
trong hành trình thiêng liêng. Một đức tính đặc biệt quan trọng nơi những người
dìu dắt là hiểu biết căn tính nhân loại của bản thân – với sự thật là họ cũng
có những sai lầm của con người: không phải là hoàn thiện nhưng là những tội
nhân đã được tha thứ” (246). Họ biết cách “cùng đi bên cạnh người trẻ”, tôn trọng
tự do của họ.
Chương tám: “Ơn gọi”
“Đây là việc đầu tiên chúng ta cần nhận định và khám phá: Chúa Giêsu ao ước được làm bạn với mỗi một người trẻ” (250). Ơn gọi là một lời mời gọi phục vụ truyền giáo cho những người khác, “bởi lẽ cuộc sống của chúng ta trên trái đất này đạt đến tầm vóc viên mãn khi nó là một sự dâng hiến” (254). “Để đáp lại ơn gọi của mình, chúng ta cần nuôi dưỡng và phát triển căn tính con người của chúng ta. Điều này không liên quan gì đến việc phát minh bản thân hoặc tự tạo dựng ra chính mình từ hư vô. Nó liên quan đến việc tìm ra được bản ngã của mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa và để cho cuộc sống triển nở và mang lại hoa trái” (257). “Việc ‘luôn hiện diện với kẻ khác’ thường liên quan đến hai khía cạnh căn bản: lập nên một gia đình mới và làm việc” (258).
Về chủ đề “tình yêu và gia
đình”, Đức Thánh Cha viết: “Các người trẻ cảm nhận một cách mạnh mẽ tiếng gọi của
tình yêu; họ mơ ước gặp được đúng người mà họ có thể xây dựng thành một gia
đình” (259). Bí tích Hôn nhân “gói trọn tình yêu này trong ân sủng của Thiên
Chúa; ân sủng đó cắm rễ tình yêu này ngay trong chính Thiên Chúa” (260). Thiên
Chúa đã dựng nên ta có giới tính. Chính Ngài đã dựng nên tính dục, là một món
quà tuyệt diệu. “Đó không phải là một điều cấm kỵ”. Đó là một món quà Thiên
Chúa trao tặng cho chúng ta. Nó có “hai mục đích: yêu và sinh sản. Đó cũng là nồng
nàn tình cảm … Tình yêu chân thật thì nồng nhiệt” (262).
Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận
“hiện tượng càng ngày càng có những cuộc ly hôn, ly dị … có khả năng gây nên
đau khổ lớn lao và một khủng hoảng căn tính nơi người trẻ. Đôi khi họ phải chịu
gánh lấy những trách nhiệm không tương xứng với tuổi đời của mình” (262). Cho dẫu
có nhiều khó khăn “nhưng mỗi một cố gắng của các con thật xứng đáng để đầu tư
vào một gia đình; ở đó con sẽ tìm được những khích lệ tốt nhất để trưởng thành
và những niềm vui lớn nhất để trải nghiệm và chia sẻ. Đừng để cho mình bị tước
mất đi một tình yêu cao quý như thế” (263).
“Nghĩ rằng không gì có thể
mang tính quyết định là một sự lừa dối … Thay vào đó, cha yêu cầu các con hãy
trở nên những người cách mạng, cha xin các con hãy bơi ngược dòng” (264).
Về chủ đề làm việc, Đức
Thánh Cha viết: “Cha xin các người trẻ đừng mong sống mà không làm việc, lệ thuộc
vào sự giúp đỡ của kẻ khác. Điều này không tốt bởi vì việc làm là một điều cần
thiết, là một phần trong định nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, một con đường
để lớn lên, là sự phát triển của nhân loại và hoàn thiện bản thân. Theo nghĩa
này, đứng trước những nhu cầu cấp bách, việc giúp đỡ những người nghèo về kinh
tế phải luôn luôn là một giải pháp tạm thời” (269).
Sau khi ghi nhận thực trạng của
người trẻ trong môi trường việc làm đang phải trải qua những hình thức loại trừ
và gạt ra bên ngoài (270), liên quan đến nạn thất nghiệp của người trẻ, Đức
Thánh Cha đã xác quyết như sau: “Đây là một vấn đề rất phức tạp và tế nhị mà
các thể chế chính trị phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt là lúc này, khi mà tốc độ
tiến bộ kỹ thuật và mối quan tâm giảm bớt chi phí lao động có thể nhanh chóng
đưa đến việc thay thế nhiều công việc bằng máy móc” (271). Cùng các người trẻ,
ngài nói: “Sự thật là các con không thể sống mà không làm việc, và đôi khi các
con phải chấp nhận bất cứ việc gì sẵn có, nhưng cha xin các con đừng bao giờ từ
bỏ giấc mơ của mình, đừng bao giờ hoàn toàn chôn vùi một ơn gọi, và đừng bao giờ
chấp nhận thất bại” (272)
Đức Thánh Cha kết thúc
chương này khi nói về “ơn gọi đời tận hiến đặc biệt”. “Khi phân định ơn gọi của
mình, đừng bỏ qua khả năng tận hiến đời mình cho Thiên Chúa … Tại sao
không? Các con có thể chắc chắn rằng, nếu
nhận ra và vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa, thì các con sẽ tìm ra được sự trọn
vẹn cho đời mình” (276).
Chương chín: “Biện phân”
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng:
“Không có sự khôn ngoan của việc biện phân, chúng ta dễ trở thành nạn nhân của
mọi xu hướng mau qua” (279). “Một hình thức đặc biệt của biện phân bao gồm cố gắng
khám phá ra ơn gọi của mình. Vì đây là một quyết định rất riêng tư mà không ai
khác có thể làm cho mình, nó đòi hỏi một bầu khí tương đối tĩnh mịch và thinh lặng”
(238).
“ Một ơn gọi, tuy là một món
quà, chắc chắn cũng đòi hỏi rất nhiều. Ơn huệ của Thiên Chúa mang tính tương
tác; để hưởng được ân huệ đó, chúng ta cần sẵn sàng để chấp nhận rủi ro” (289).
Ba loại nhạy cảm cần phải có
nơi những ai giúp người trẻ trong tiến trình biện phân. “Loại nhạy cảm thứ nhất
hướng về cá nhân. Đó là việc lắng nghe một người chia sẻ về bản thân họ trong
những lời người ấy nói” (292). “Loại thứ hai mang đặc tính phân biện. Điều này
giúp nắm bắt chính xác đó là ân sủng hay là cám dỗ” (293). “Loại nhạy cảm thứ
ba là khả năng thấy được động cơ nào đang đưa lối cho người kia”, phân biện “hướng
đi mà người đó đang muốn đến” (294). “Khi lắng nghe kẻ khác theo kiểu này, một
lúc nào đó, chính chúng ta sẽ phải lui đi nhường chỗ cho đương sự bước theo con
đường đã khám phá ra. Chúng ta sẽ phải biến đi như Chúa đã rời khỏi mắt của các
môn đệ Emmaus” (296). Chúng ta cần “khuyến khích và đồng hành với những tiến
trình, mà không áp đặt lộ trình riêng của mình. Bởi vì những tiến trình đó liên
quan đến những người có cá tính và tự do cá nhân. Không hề có những công thức dễ
dàng” (297).
Tông huấn kết thúc với “một điều ước” từ Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hỡi các người trẻ yêu dấu, hy vọng tràn đầy niềm vui của cha là thấy các con kiên trì trong cuộc chạy đua phía trước, bỏ xa những kẻ chạy chậm và sợ hãi. Hãy tiếp tục chạy, “được lôi cuốn bởi khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng mà chúng ta yêu mến, Đấng mà chúng ta tôn thờ trong Thánh Thể và nhận ra nôi thân xác đang đau khổ của anh chị em mình. Giáo Hội cần tính năng động, trực giác, đức tin của các con … Và khi chúng con đến đích trước, hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi”.
Ban
hành tại Loreto, trong Đền Nhà Thánh,
ngày 25 tháng 3, Lễ Truyền Tin, năm 2019,
năm thứ VII triều đại giáo hoàng Phanxicô
Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Quang Vinh