Suy tư mục vụ năm MVGĐ 11/2018: Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái

02/10/2018

Suy tư mục vụ năm MVGĐ 11/2018: Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái

Tình yêu phong nhiêu sẵn sàng đón nhận sự sống

Yêu thương đích thực không khép kín vào bản thân, mà mở lòng ra trước Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu vợ chồng và sự phong nhiêu của tình yêu ấy diễn tả phần quan trọng của nó ở việc sẵn sàng sinh con cái và ước muốn nuôi dạy chúng nên người và nên con Chúa. Đây là vấn đề căn bản của hôn nhân Kitô giáo. Sinh sản và nuôi dạy con cái, đôi bạn cởi mở với tương lai và thành người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình Tạo dựng. Đôi bạn sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa muốn ban cho họ vì chính chúng. Họ đón nhận con cái như một quà tặng của Thiên Chúa với ý thức rằng Chúa đã đón nhận chúng trước và yêu thương chúng từ thuở đời đời. Đứa con chính là hoa trái tuyệt diệu của tình yêu, sự kết hợp vợ chồng, và trao hiến cho nhau.

Về chuyện con cái có hai thái độ cực đoan cần phải tránh: Một là, xem con cái như một “của nợ”, một cản trở sự hoàn thành bản thân của ta và từ đó loại trừ khả năng có con ngay từ đầu; Đàng khác, đó là thái độ muốn có con “bằng mọi giá” như để thỏa mãn nhu cầu riêng của mình, mà không vì chính chúng. Vì:

Ước muốn làm cha làm mẹ không có nghĩa là được “quyền có con” bằng bất cứ cách nào, vì con cái chưa sinh ra cũng có quyền của mình. Đứa trẻ chưa sinh ra phải được bảo đảm cho có những điều kiện tốt nhất để tồn tại, nhờ sự ổn định của một gia đình được xây dựng trên hôn nhân, nhờ những sự bổ sung của hai người, là cha và mẹ. (HTXHCG 235).

Thái độ thứ nhất có thể dẫn đến tình trạng phá thai, hoặc phòng ngừa thụ thai, chỉ muốn đón nhận giới hạn con mạnh khỏe, thông minh. Đức chân phước Giáo hoàng Phaolô VI nhận thấy từ thập niên 60 thế kỉ trước với sự phát triển công nghệ, con người bị dễ tha hóa, rời xa Thiên Chúa, vì chính con người trở thành đối tượng của sự thao túng của mình, khi con người cố đặt hành vi tình dục vợ chồng phụ thuộc vào kĩ thuật, điều đó sẽ gây tác hại cho mối quan hệ vợ chồng. Sự ngừa thai có thể dễ dàng trở thành một diễn tả cho não trạng này nếu như nó định hình trên ngôn ngữ diễn tả tình yêu. Khi ấy, sự yêu thương kết hợp vợ chồng bị tách biệt khỏi sự phong nhiêu, nghĩa là khía cạnh cốt yếu của sự trao hiến không còn nữa. Phá thai còn nghiêm trọng hơn nữa, không phải chỉ vì những di chứng để lại của sự việc ấy trên con người và cuộc sống của đôi bạn, mà còn vì đó là hành vi tội ác loại trừ sự sống một con người. Ngay từ những thế kỉ đầu Hội Thánh coi đó là những tội ác luân lí. Một người phá thai hay tham gia trực tiếp vào việc phá thai là đã tự đặt mình ra ngoài Hội Thánh, tức bị vạ tuyệt thông tiền kết (Giáo luật đ.1398). Trong xã hội ngày nay, tình trạng phá thai lan tràn và được đông đảo xem (thậm chỉ còn khuyến khích) phá thai như một phương tiện điều hòa sinh sản nếu không nói là truyền lan như một ‘quyền con người’. Những hình thức chẩn đoán tiền sản còn làm gia tăng hơn nữa áp lực xã hội lên đôi vợ chồng, tuy nhiên không nên xem thường những hậu quả của việc phá thai hay sử dụng thuốc phá hay ngừa thai. Phá thai không thể là một lựa chọn.

Thái độ thứ hai, muốn có con “bằng mọi giá”, thể hiện qua nhiều chọn lựa khác nhau, nô lệ cho tên bạo chúa kĩ thuật.  Ngày nay, nổi lên rất nhiều kiểu “bệnh viện chuyên giúp thụ thai” đáp ứng cho những người có nhu cầu có con mà chưa thành tựu. Nói chung đó là thực hành việc “thụ tinh nhân tạo”. Đó là một can thiệp ‘nhân tạo’ vào hành vi vợ chồng, không những cướp đi phẩm chất của hành vi ấy mà còn thay thế nó bằng kĩ thuật. Như thế, đứa trẻ không phát xuất từ nguồn yêu thương trao hiến cho nhau của cha mẹ nó, nhưng là sản phẩm của công việc của người thầy thuốc và các người làm việc trong phòng thí nghiệm của bệnh viện. Thụ tinh nhân tạo hầu như luôn liên hệ tới sự chọn lựa chất liệu di truyền hay các phôi thai, nhất là những nơi nào có liên hệ tới sự chẩn đoán Gen di truyền tiền cấy phôi. Hệ quả của việc này là phần đầu của cuộc sống mình đứa trẻ bị đối xử chỉ như là một chất liệu của phòng thí nghiệm. Không kể hậu quả của não trạng này ảnh hưởng trên cuộc sống của đôi vợ chồng, đó còn là một sự kì thị nghiêm trọng và xúc phạm phẩm giá nhân vị. Thụ thai nhân tạo, hơn nữa, còn có thể trở thành một thử thách tác hại đến cuộc hôn nhân hai người.

Chuẩn bị làm cha mẹ có trách nhiệm trong việc sinh-dưỡng-dục

Đôi bạn cần phải trao đổi và thỏa thuận với nhau vấn đề con cái trước khi cưới. Họ cần được chuẩn bị tư thế làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Điều này càng quan trọng hơn vì khi một đứa con chào đời luôn kèm theo những thách đố làm tràn ngập cuộc sống của họ. Sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban cho đôi vợ chồng là một hoa quả của sự phong nhiêu này. Công Đồng Vatican II dạy rằng đôi bạn

Sẽ chu toàn bổn phận với ý thức trách nhiệm, vừa của con người, vừa của những Kitô hữu, […] họ sẽ cùng đưa ra một phán đoán chính xác, trong khi vẫn quan tâm đến thiện ích của chính họ cũng như của con cái đã sinh ra hay dự định sẽ có, vẫn cân nhắc về những điều kiện vật chất cũng như tinh thần của hoàn cảnh sống theo từng thời điểm, và sau cùng vẫn lưu tâm đến thiện ích của cả gia đình, của cộng đồng xã hội và của Giáo Hội nữa.(Gaudium et Spes 50).

Tuy nhiên, sự phong nhiêu của hôn nhân còn hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ có nghĩa là có con cái, mà còn là những hoa trái của đời sống đạo đức, thiêng liêng và siêu nhiên mà cha mẹ được kêu gọi thông truyền cho con cái họ, và qua chúng cho Giáo hội và thế giới (Familiaris Consortio 28). Như vậy, sự phong nhiêu còn là dạy dỗ, hướng dẫn con cái đi trên nẻo đường dẫn đến cuộc sống viên mãn. Con cái là thiện ích lớn lao, và điều chính yếu, nhất là trong xã hội tục hóa ngày nay, là trao ban cho chúng một nền tảng vững chắc, để chúng có thể lội ngược dòng tinh thần thế tục (hay thói đời) mà sống tính mới mẻ của Tin Mừng một cách tròn đầy. Đây mới chính là mục tiêu thực sự của sự sống và sự phong nhiêu.

Nếu đôi bạn Kitô hữu hiếm muộn ngoài ý muốn, họ có thể tìm những phương cách khác làm cho tình yêu của họ trổ sinh hoa trái, chẳng hạn nhận con nuôi, được ủy thác nhận nuôi dạy con, liên đới giúp đỡ những người ở bên lề xã hội, hoặc nhiều cách khác nữa.

Trong lễ cưới, đôi bạn không chỉ được hỏi có sẵn sàng đón nhận con cái như tặng phẩm Chúa ban, mà còn có sẵn sàng ‘nuôi dạy con cái theo luật Chúa và Hội Thánh không’. Nhiệm vụ giáo dục này “bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một con người mới trong tình yêu và vì tình yêu, một con người mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, các cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho người ấy được sống một cuộc sống nhân bản trọn vẹn” (FC 36). Đối với các cha mẹ Kitô hữu, giáo dục con cái là một quyền và nghĩa vụ, không thể thay thế và không thể chuyển nhượng. Giáo dục là thành phần thiết yếu của vai trò làm cha mẹ. Vì tương quan giữa họ và con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và nghĩa vụ này là độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác.

Các cha mẹ tự do trong việc lựa chọn môi trường giáo dục và sinh hoạt (nhà trẻ, trường học,…) của con mình, để giúp họ hoàn thành nhiệm vụ giáo dục này, họ cần chọn nơi nào phù hợp nhất với mẫu mực giáo dục Kitô giáo. Nhưng trách nhiệm cuối cùng dù sao cũng là của họ.

Giáo dục Kitô là một giáo dục toàn diện và cơ bản: làm sao giúp cho trẻ phát triển các khả năng, năng khiếu về thể lí, tinh thần, và luân lí cách hài hòa. Mục đích của nền giáo dục này là đào tạo toàn diện hướng tới các chiều kích tâm lí – tâm thần – tinh thần và xã hội của nhân vị. Bởi thế, cha mẹ không thể dùng các phương tiện vật chất (đồ chơi và các thứ thiết bị kĩ thuật,…) bù trừ hoặc thay thế trách niệm phải dấn thân để hiện diện, tạo an sinh, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Giáo dục là một “quá trình trao đổi trong đó các cha mẹ – nhà giáo dục đến lượt mình ở mức nào đó cũng được giáo dục. Đang khi họ là thầy dạy nhân bản cho con cái thì họ cũng học nhân bản từ chúng” (Gioan Phaolô II, Thư gởi các Gia đình, 16).

Trong gia đình con trẻ không những có kinh nghiệm đầu tiên sống chung với người khác, mà còn có những kinh nghiệm đầu tiên sống đức tin, về Giáo hội, về Chúa. Bởi thế, giáo dục Kitô không những hướng tới giáo dục ý thức trách nhiệm và sử dụng đúng đắn tự do, mà còn về niềm tin, cầu nguyện, sống theo Lời Chúa và tiếng gọi của Chúa. Trong bối cảnh đó cả gia đình cùng cầu nguyện rất có ý nghĩa.

Câu hỏi suy tư hay để thảo luận

1.      Tôi có ước muốn trở thành cha hay thành mẹ không? Tôi có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái vì chính chúng như là một quà tặng của Chúa ban cho không?

2.      Tôi có sẵn sàng và đã chuẩn bị sẵn sàng nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái chưa?

3.      Hôn nhân phong nhiêu có nghĩa là gì và thế nào, đối với tôi?

4.      Tôi có thể đối diện, đương đầu với hoàn cảnh hiếm muộn có thể có của vợ chồng mình không?

Văn phòng HĐGMVN

LỊCH PHỤNG VỤ