27
TÍN HỮU TỬ ĐẠO THẾ KỶ XIX
TẠI
HỌ ĐẠO BA GIỒNG [1]
Cuộc tử đạo
Họ đạo Ba Giồng thuộc làng
Tân Lý Đông, gần chợ Củ Chi, nằm về mạn Đông Bắc Sài Gòn, trong tỉnh Mỹ Tho.
Không ai biết rõ nguồn gốc, lịch sử xóm đạo Ba Giồng được hình thành từ bao
giờ. Rất có thể, dân cư đã trở lại đạo vào một thời rất xa xưa. Hiện nay tại
đất thánh họ đạo còn có những ngôi mộ cổ (1664) chôn cất tổ phụ giáo hữu.
Dưới triều Tự Đức (1848 –
1883), xóm đạo Ba Giồng được linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu coi sóc trong 8 năm
(1812 – 1861). Một hôm đi thăm những người đầu trong họ đạo đang bị giam tù,
khi ra khỏi cổng thành, cha bị bắt giam cùng các bô lão Ba Giồng trong ngục Mỹ
Tho… Quan tuyên án trảm quyết cha và án lệnh thi hành ngày 18 tháng 3 năm 1861.
Một tháng sau khi cha Lựu
bị giết, quân Pháp tiến đánh thành Mỹ Tho và bao vây thành. Quan quân Việt Nam
phải rút quân. Trước khi lui quân, họ đốt các trại giam. Một số đông người có
đạo bị giam, trong số đó có khoảng 100 người họ đạo Ba Giồng có nguy cơ bị chết
thiêu, được quân Pháp kịp thời cứu thoát.
Khi quân Pháp chiếm thành
Mỹ Tho, quan quân Việt Nam không đánh trả nổi, họ quyết định báo thù bằng việc
bao vây tiêu diệt dân có đạo Ba Giồng. Cuộc âm mưu được thực hiện vào đêm sau,
kế hoạch này được giữ kín triệt để. Nhưng có một đội trưởng trong quân đội địa
phương, người lương dân, có thiện cảm với người công giáo muốn cứu người Công
giáo Ba Giồng thoát khỏi tai họa to lớn này. Ông đã báo cho những người đứng
đầu họ đạo và đề nghị nhanh chân chạy trốn.
Ông đội trưởng dẫn cả gia
đình ông và 2 gia đình giáo dân cùng chạy chốn. Men theo lũy tre, nhờ bóng tối
ban đêm, một số thoát được chốt canh. Chẳng may có hai người phát hiện và bị
bắt. Một cụ già bị bắt cách xóm đạo không xa và bị chặt đầu lập tức. Người thứ
hai đi khá xa, nhưng lính đuổi kịp đưa về phủ Kiến An rồi bị giết gần quốc lộ.
Một số đông giáo dân quyết
định vượt qua cánh đồng cỏ lát ngập nước để thoát thân. Cuộc vượt qua thực hiện
vào cuối canh một (khoảng 8 giờ tối), xuất phát từ nhà thờ. Đêm tối đen, đám
đàn ông, đàn bà, trẻ em, cụ già bước cực nhọc qua cánh đồng sình lầy, nước ngập
tới thắt lưng. Tất cả dìu nhau đi xa làng. Khốn thay trăng đã lên, chiếu sáng
cánh đồng. Lính canh phát hiện, chúng kêu lớn: “Bọn có đạo trốn hết rồi”. Tiếng
trống báo động dồn dập. Quân lính rượt theo với 30 chiếc thuyền bủa vây, chặn đường.
Nỗi kinh hoàng tràn ngập, mạnh ai nấy chạy thoát thân. Các cụ già, trẻ em và 25
người đàn ông bị tóm bắt dẫn về chợ Củ Chi giữa tiếng rên siết, quát tháo, đánh
đập và tiếng rên siết của nạn nhân.
Buổi xử án diễn ra trên chợ
Củ Chi. Đàn bà, trẻ con được xếp vòng tròn, ở giữa và trước quan tòa là 25
người đàn ông, đa số là các cụ già, có một chàng trai 16 tuổi.
Quan tòa là một sĩ quan,
chỉ cây thập tự gỗ để dưới đất và bảo 25 tội nhân có đạo đạp lên cây thập tự để
được tha, nếu không sẽ bị chém đầu.
Tất cả 25 người đồng thanh
kêu lên: “Không bao giờ chúng tôi đạp Thánh giá, dấu cứu rỗi chúng tôi. Chúng
tôi thà chịu chết”.
Tức thì quan ra lệnh. Lý
hình múa đao, trống nổi lên. Tiếng đàn bà, trẻ con thét lên kinh hãi, 25 cái
đầu lăn lóc, máu vọt tung tóe, xác không đầu nằm ngổn ngang.
Viên quan quay sang chỉ vào
đám phụ nữ: Chúng bay đạp lên thập tự hoặc sẽ cùng chung số phận như vậy?
Họ đồng thanh đáp: “Chúng
tôi chịu chết như họ”.
Những trẻ con cũng hô theo
mẹ: “Chết!”
Một cô gái quỳ xuống trên
vũng máu ôm lấy cây thập tự hôn. Những người có đạo cũng quỳ xuống lạy cây thập
tự.
Phần vì sợ, phần vì xúc
động, viên sĩ quan ra lệnh tha cho đám đàn bà và trẻ con.
Cung nghinh hài cốt các vị
tử đạo
Sau cuộc tử đạo đó ít lâu,
cha thừa sai M.Hamon làm cha sở Ba Giồng từ 1866-1875 đã được Đức cha Miche,
Đại Diện Tông Tòa Tây Đàng Trong chấp thuận cho đi dò hỏi để biết chính xác nơi
chôn cất các nạn nhân Ba Giồng bị hành quyết. Tất cả 24 thi hài được tìm thấy,
còn xác 6 vị nữa do chôn lấp sơ sài bị đàn chó bơi lên ăn thịt.
Cha M.Hamon đã ghi lại cuộc
tìm kiếm này và cuộc cung nghinh trọng thể 21 hài cốt các chứng nhân anh hùng
vào nhà thờ để cử hành Thánh lễ cầu hồn vào ngày 18 tháng 6 năm 1872 tại họ đạo
Ba Giồng như sau:
“Nhận trách nhiệm điều hành
họ đạo Ba Giồng, ngay khi biết được chi tiết của cuộc tử đạo, tôi bèn quyết
định trả lại cho thi hài các vị tuyên xưng đức tin những vinh dự mà các ngài
đáng hưởng. Được chấp thuận của vị Giám mục Giám Quản Tông Tòa khả kính của tôi
là Đức cha Miche, Giám mục hiệu tòa Bansara, tôi bắt đầu các cuộc dò hỏi cần
thiết để biết chính xác nơi các thi hài an nghỉ, lương dân các làng bên cạnh,
những người thân hữu của giáo dân sẵn sàng giúp đỡ những gì tôi yêu cầu và cho
tôi những chỉ dẫn quý báu, một số đông từng là nhân chứng các sự việc tôi kể
trên; nhiều người đã từng chôn xác các vị tử đạo và hiện vẫn còn sống, họ chỉ
cho chúng tôi chỗ nằm của từng vị trong các mồ chôn, nơi họ đã đặt xác các vị
cạnh nhau.
Mặc dù không có gì phân
biệt được nơi đã chôn các thi hài với con đường hoặc đám đất bên cạnh, các chỉ
dẫn vẫn chính xác đến độ chúng tôi có thể tìm ra các thi hài ở đúng độ sâu và
đúng theo cách thức họ biết trước. Chỗ này tìm thấy 7 vị, chỗ kia 5 vị, 7 vị
nữa ngay lề đường; còn vị bị giết ở Kiến An và sọ của cụ già bị giết ở Ba Giồng
thì được tìm thấy ở chính nơi các cụ ấy bị giết. Tất cả là 21 vị đã được tìm
thấy, còn xác của 6 vị nữa thì sao? Chúng tôi đã tìm tòi, đào xới khắp nơi vẫn
không tìm ra, cuối cùng có một lương dân tốt giải thích cho chúng tôi như vầy:
những người trong làng đã giao việc chôn cất 6 vị còn thiếu ấy cho một tay làm
biếng, tên này muốn chóng xong việc nên đã chỉ vùi sơ một lớp cát mỏng, đêm
đến, đàn chó trong làng đã bới lên ăn thịt. Người ta đã nghe chúng giành nhau
món mồi thịt người ấy và ngày hôm sau, mảnh đất chợ vương vãi những mẩu thịt ăn
dở và những khúc xương bị gặm, những con heo hoàn tất công việc kinh tởm ấy!
Hình như mãi về sau, người ta còn thấy những mẩu xương vụn rơi vãi đó đây, và
cuối cùng chúng hoàn toàn biến mất. Vì thế mọi vật tìm kiếm đều không có kết
quả. Thiên Chúa, khi cho phép các mảnh vụn quý báu của các chứng nhân của Đức
Kitô không được hưởng vinh dự đáng lẽ phải được, chắc hẳn Ngài đã dành cho các
vị ấy một vinh quang lớn lao hơn trong ngày sống lại.
Mỗi gia đình kính cẩn thu
lượm những mảnh vụn người thân đã được vinh hạnh chết cho đức tin chỉ còn thấy
những khúc xương bọc một lớp đất đen nằm trên mặt cát vàng nhưng tất cả đều còn
nguyên vẹn, người ta đặt những hài cốt đó vào trong những cái tiểu và ấn định
ngày cung nghinh trọng thể.
Ngày 18 tháng 6 năm 1872,
toàn họ đạo Ba Giồng đã sẵn sàng, nhà thờ được trang trí như ngày đại lễ; tiếc
thay nhà thờ quá nhỏ, không đủ chỗ cho giáo hữu khắp nơi tuôn về dự lễ. Hài cốt
các vị được cung nghinh trọng thể về đây. Thánh Giá dẫn đầu đoàn kiệu, theo sau
là ba vị thừa sai, rồi tới các quan tài, mỗi cái tiểu, được 4 người khiêng; một
em bé đi trước, tay cầm Thánh Giá gỗ có ghi tên người chết, ngày tháng và lý do
chết, gia đình theo sau mặc tang phục; cũng có những bảng tên của các vị không
tìm thấy xác và gia đình họ cũng đi theo sau. Dọc đường, đông đảo lương dân
nghiêm trang đứng nhìn và qua thái độ họ tỏ lòng cảm phục những người thà chết
còn hơn chối đạo.
Tại nhà thờ, Thánh lễ cầu hồn được cử hành với tất cả sự long trọng. Sau Thánh lễ đoàn rước theo thứ tự tiến về đất thánh. Ngày nay, các vị tử đạo Ba Giồng an nghỉ giữa ngôi làng mà họ đã làm rạng rỡ qua cái chết vinh quang của mình, đợi chờ ngày hài cốt tan nát ra khỏi mồ để tái hợp với linh hồn hạnh phúc của mình”.
Nguồn: Giáo phận Mỹ Tho
[1] Nguồn: Kỷ yếu 50 năm Giáo phận Mỹ Tho (1960-2010). Biên soạn theo Nhân Vật Công Giáo, tập 4: Các Vị Giám Mục một thời đã qua của Lê Ngọc Bích và tài liệu của cha M.Hamon trong “Les Missions Catholiques năm 1882” còn lưu trữ tại văn khố Tòa Giám mục Sài Gòn do ông Lêô Nguyễn Văn Quý dịch.