Hội thảo
Đào tạo Thần học cho các chủng sinh
do
Ủy ban Thần học Á Châu (FABC) tổ chức
08-10/05/2018 tại Bangkok, Thailand
Trong
bối cảnh Giáo hội tại Châu Á đang chịu tác động và ảnh hưởng bởi những yếu tố
mới mẻ, Ủy ban Thần học thuộc Hội đồng Giám mục Châu Á đã tổ chức khóa hội thảo quốc tế từ ngày 08 đến
ngày 10 tháng 5 năm 2018 tại Trung tâm Mục vụ Camillian, Bangkok, Thailand với
chủ đề: “Thần học Châu Á trong việc đối thoại với Sắc lệnh Nguyên tắc Căn bản về Đào tạo Linh mục - Doing
Asian Theology in Dialoque with the Ratio
Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis.”
Cuộc hội
thảo này có sự hiện diện của Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Ủy ban
Thần học Châu Á, 4 tổng giám mục, 7 giám mục, 43 linh mục và 2 nữ tu và 1 giáo
dân. Hầu hết các tham dự viên đến từ các nước Châu Á. Ða số đến từ Ấn Ðộ,
Indonesia, Philippines, Singapore, South Korea, Thailand, Malaysia, Taiwan,
Hong Kong, Bangladesh và Việt Nam. Riêng những đại diện đến từ Việt Nam có Đức
Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Sài Gòn), cha Gioakim Nguyễn Thái Hòa (Nha Trang), cha
Phêrô Nguyễn Văn Hương (Vinh), và cha Giuse Vũ Đình Lâm (Bùi Chu).
Mục đích của cuộc hội thảo là giúp các nhà đào tạo có cơ hội để suy tư, chia sẻ những kinh nghiệm và thách đố mà họ đang đối diện, nhằm tìm kiếm những giải đáp mới để xây dựng Giáo hội ở Châu Á trong khi cố gắng áp dụng Sắc lệnh mới về Những nguyên tắc đào tạo linh mục của Bộ Giáo sĩ. Theo định hướng đó, chương trình của hội nghị đã được khai triển dựa trên 6 đề tài thuyết trình:
Đề tài I: Định hướng chung của cuộc hội thảo
(Đức cha Thomas Dabre,
India thuyết trình)
Văn kiện mới đây về những “Nguyên
tắc Cơ bản Đào tạo Linh mục” nghiêm túc xem xét “việc dạy thần học” trong tiến
trình đào tạo linh mục. Theo đó, đào tạo trí thức là 1 trong 4 chiều kích của
việc đào tạo linh mục: Nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ. Bốn chiều kích
này phải hài hòa với nhau để tạo nên một tổng thể duy nhất, không được nhấn
mạnh đến chiều kích này, mà quên đi những chiều kích còn lại.
Chúa Giêsu là trung tâm điểm và là nguyên lý nền tảng
của sự thống nhất của toàn bộ chương trình đào tạo. Vì vậy, việc dạy thần học là giúp các chủng sinh có một cái
nhìn đầy đủ và thống nhất về những chân lý mạc khải trong Chúa Giêsu và kinh
nghiệm đức tin của Giáo hội. Theo Ratio, giai đoạn thần học được gọi là “giai
đoạn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.”
Một cách
tiệm tiến, việc đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là có những tâm tình và thái
độ của Chúa Giêsu, đó là “người của lòng thương xót” (man of mercy), biết “chạnh
lòng thương” trước những đau khổ con người; Thái độ nền tảng của Chúa Giêsu là “luôn
tuân theo thánh ý Chúa Cha.” Linh mục phải là “người có khả năng phân định”
(man of discernment), biết nhận ra ý Chúa để chọn lựa, quyết định và hành động
theo ý Chúa. Việc học thần học giúp chủng sinh có được những tiêu chuẩn để nhận
ra ý Chúa, giúp họ gắn bó với Chúa Giêsu là Đầu và phải gắn bó với Giáo hội là “Thân
thể của Chúa Giêsu;” đặc biệt giúp họ yêu mến và thực hành lòng đạo đức bình
dân vốn là nét nổi bật của người tín hữu Châu Á.
Hơn nữa, việc
dạy thần học còn giúp mở ra, đón nhận “những mảnh chân lý” nơi các tôn giáo
khác, cũng như “những vẻ đẹp tốt lành” nơi những nền văn hóa. Vì thế, việc học thần
học giúp người linh mục sống và thi hành tác vụ mục tử trong bối cảnh Châu Á
với ba cuộc đối thoại: với các tôn giáo, với các nền văn hóa và với người
nghèo.
Thần học còn
giúp chủng sinh nhận ra được giá trị cao đẹp nơi con người, giá trị của giới
tính và tính dục để họ sống một cách tích cực “đời sống độc thân;” đồng thời
cũng biết quan tâm “bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương” trước những
lạm dụng tình dục.
Cuối cùng, trong tương quan đối với vũ trụ vào con người: (1) Thần học về sáng tạo giúp người linh mục yêu mến và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại. (2) Và để loan báo Chúa Giêsu cho con người hôm nay, thần học về truyền thông giúp người linh mục biết trân trọng và sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong đời sống tông đồ.
Đề tài II: Những báo cáo của ba vùng về việc huấn luyện thần
học
Đây là những
báo cáo của ba vùng: Nam Á (Ấn Độ), Đông Nam Á (Indonesia) và Đông Á (Korea)
về: (1) phương pháp, (2) những cố gắng và (3) những thách đố trong việc dạy thần
học trong bối cảnh Châu Á. Có thể tổng kết trong 3 bước sau đây:
- Bài dạy
(Lesson): các giáo sư phần lớn được đào tạo tại Phương Tây, cố gắng chuyển tại
những kiến thức thần học chính thống của Giáo hội cho chủng sinh;
- Suy tư
(Reflexion): các giáo sư giúp chủng sinh suy tư, liên kết các môn học
(inter-disciplinary) thành hệ thống;
- Hành động
(Action): các giáo sư còn hướng dẫn giúp chủng sinh liên kết được những kiến
thức vào cuộc sống (trans-disciplinary) hỗ trợ 3 chiều kích khách trong đào tạo:
trưởng thành nhân bản, đời sống thiêng liêng, hoạt động mục vụ.
Đề tài
III: Viễn
tượng và lối tiếp cận liên nghành cho việc dạy thần học ở Châu Á
(Linh mục Daniel Frankin Pilario, CM., thuyết trình)
Trước hết, theo
ngài, lối tiếp cận liên nghành mang lại những lợi thế như giúp giải quyết một
vấn đề riêng biệt trong phạm vi của nó; giúp đạt tới sự toàn vẹn để hình thành
những quan niệm, phương pháp, tiến trình, công thức, từ ngữ, dữ liệu và đạt
được nghiên cứu mang tính khoa học và giáo dục; đồng thời nó giúp biến đổi các
chiều kích nhờ lối nhìn đa dạng.
Tiếp
theo, ngài đề cập đến những nguyên tắc căn bản: 1) trước hết, văn hóa đối thoại
là nét đặc trưng của các truyền thống, triết học và văn hóa ở Châu Á. Các nền
văn hóa Châu Á và các tôn giáo có thể đối thoại với nhau. Kitô giáo đến với Châu
Á như là một tôn giáo có khả năng đối thoại với thực tại này của Châu Á. Lối
tiếp cận đối thoại mở ra sự đa nguyên và nhận biết về thực tại cách phong và và
đầy đủ hơn.
Về vấn đề
này, tài liệu FABC nói đến việc xây dựng nền thần học ở Châu Á với hai lĩnh
vực: một đàng, đối thoại với các nền tôn giáo và triết học Châu Á; đàng khác,
đối thoại với những phong trào xã hội. Thật vậy, để loan báo Tin mừng ở Châu Á
hôm nay, chúng ta cần phải đối thoại với những truyền thống tôn giáo vĩ đại, đó
là những người theo Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Khổng Giáo, Đạo Giáo... Kinh
Thánh và những quan niệm triết học của họ trở thành những nguồn thần học cho
suy tư thần học và cho sứ vụ của chúng ta. Ngoài ra, thần học phải đối thoại với
những phong trào xã hội đấu tranh cho quyền con người, công bình và bình đẳng,
về môi trường và giới tính... những phong trào xã hội này trở thành một đối tác
đối thoại hiệu quả trong sư tư thần học Kitô giáo ở Châu Á.
Thế giới hôm nay đã thay đổi, chúng ta cần phải thay đổi lối tiếp cận, cách trình bày, phương pháp mới và ngôn ngữ mới để trình bày chân lý Đức Kitô cho người Châu Á hôm nay. Bởi thế, cần có những trợ giúp liên nghành như nhân học, tâm lý học, xã hội, kỷ thuật và những lãnh vực khoa học khác. Lối tiếp cận đa diện và đa chiều mới giúp chúng ta hiểu chân lý và vấn đề một cách đầy đủ và đúng đắn nhất.
Đề tài IV: Áp dụng phương pháp luận của FABC vào việc dạy thần học
Trước hết, tài liệu FABC (số 108) đã đề nghị một phương pháp với 5 bước sau: (1) Cam kết phục vụ sự sống; (2) Phân tích tình hình xã hội; (3) Tầm quan trọng của đời sống nội tâm; (4) Đối thoại; (5) Tìm kiếm sự hài hòa trong lãnh vực thần học. Trong bối cảnh Á Châu, việc đối thoại cần lưu tâm đến ba đối tượng: Đối thoại với các tôn giáo, đối thoại với các nền văn hóa và đối thoại với người nghèo. Điều này có thể áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể sau: Nghiên cứu Kinh Thánh, Đối thoại liên tôn và Giáo Hội học.
1. Việc nghiên cứu Kinh thánh
Việc áp dụng phương pháp FABC trong các nghiên
cứu trong Kinh thánh đòi hỏi sự thích hợp của cái nhìn của FABC cho Giáo hội ở
Á Châu, trong đó duy trì một cuộc đối thoại ba - đối thoại với người nghèo, với
văn hóa và tôn giáo. Một vài nguyên tắc của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng cũng
như các phương pháp và mối quan tâm của FABC như các chìa khóa diễn giải cho việc
giải thích Kinh Thánh tại Á Châu. Sáu từ khoá giải thích sau đây như là bắt buộc
đối với việc giải thích Kinh Thánh Á Châu: (1) Bắt nguồn từ truyền thống trong
Kinh thánh. (2) Tính trung thực với văn bản Kinh thánh. (3) Cảm thức với thực tế
Á Châu và tâm linh Á Châu. (4) Mức độ liên quan của độc giả Á Châu trong thế kỷ
21. (5) Biến đổi cá nhân. (6) Cam kết xã hội.
2. Về đối thoại liên tôn
Á Châu là một vùng
đất đa tôn giáo và văn hóa lớn, nhưng luôn có cái nhìn khoan dung. Chính
trong sự đa dạng này cũng là cơ hội rất dễ gây ra nhiều căng thẳng và
xung đột trong bối cảnh đấu tranh vì quyền lực kinh tế và chính trị
giữa các bên. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng ghi nhận một ước vọng phát triển về
hoà bình và tự do, công lý và cộng đồng giữa mọi người qua việc thúc đẩy sự
phát triển toàn vẹn là đối thoại liên tôn giáo giữa một số quốc gia ở Á
Châu.
“Đối thoại liên tôn giáo” trước tiên phải nhấn
mạnh rằng, đối thoại là không phân biệt thứ bậc địa vị, định kiến, những thôi
thúc ấn giấu bên trong hay những buộc tội kết án đôi bên. Đối thoại phải vượt
lên trên những định kiến và những mục đích mỗi bên nhằm tạo ra. Đối thoại
nguyên nghĩa không phải là nghiên cứu, tham khảo, kiểm tra, thuyết giáo, công bố
hay học hỏi thông thường. Đối thoại cũng không chỉ là lắng nghe và quan sát
nhưng còn là trao đổi, sửa đổi và điều chỉnh, trên hết nó nhắm hiểu biết lẫn
nhau. Từ quan điểm này, đào tạo theo Ratio
Nationalis phải bao hàm trong viễn cảnh của đối thoại liên tôn như là vấn đề
có liên quan đến mỗi quốc gia, mỗi khu vực ở Á Châu. Để bốn chiều kích toàn vẹn
trong đào tạo sinh hoa trái trong khu vực Á Châu, những suy tư sau đây cần được
xem như là điểm nhấn trong Ratio
Nationalis: chiều kích thiêng liêng, nhân bản, tri thức và mục vụ.
3. Giáo Hội học
Dùng các “dấu hiệu” và
“biểu tượng” để diễn tả một thực tại vô hình (thiêng liêng): Thiên
Chúa bày tỏ chính mình trong con người của Chúa
Giêsu (Thiên Chúa và con người); Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô là Đầu. Giáo hội “là bí tích của ơn cứu độ”. Người Á Châu vốn có trực
giác mạnh, thích dùng hình ảnh và biểu tưởng để diễn tả chân lý siêu hình.
Đề tài V: Xây dựng
thần học Châu Á trong đối thoại với Ratio Fundamentalis
(Đức Giám mục Gerry Alminaza, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về các Chủng viện ở Philipines trình bày)
Trước hết, đức cha Gerry nói
đến việc làm sao giúp Dân Chúa biết quý trọng “quà tặng
là ơn gọi linh mục” và cách thức đối thoại với Ratio mới trong bối cảnh một nền thần học của Châu Á.
Vì linh mục là một ân huệ
cao trọng
cho
suốt đời linh mục nên việc đào tạo phải liên tục từ thời gian huấn luyện
trong Chủng viện cho đến việc huấn luyện sau khi đã chịu chức linh mục. Huấn
quyền nhấn mạnh đến việc huấn luyện trường kỳ trong ơn gọi linh mục của Giáo hội.
Việc đào tạo không phải dừng lại sau khi chịu chức, nhưng phải tiếp tục trong
suốt đời linh mục. Việc đào tạo phải duy nhất, toàn vẹn và gắn kết vào cộng
đoàn đức tin cùng với một tinh thần truyền giáo để giúp họ trở thành vị mục tử
nhân lành như Đức Kitô vị Mục tử nhân lành. Cộng đoàn đức tin ở đây bao gồm
giám mục, linh mục và giáo dân làm việc đào tạo, người thụ huấn, gia đình, linh
mục đoàn, giáo xứ, các cộng đoàn cơ bản và nhất là những người nghèo. Việc đào
tạo phải tiệm tiến theo thời gian để dần khám phá ra quà tặng ơn gọi linh mục.
Nhà đào tạo phải đồng hành sâu sát với người thụ huấn; giúp họ biện phân ơn gọi
trong thời gian đào tạo tại Chủng viện triều hay dòng; và sau khi chịu chức thì
sống tình huynh đệ trong linh mục đoàn. Hơn nữa, việc đào tạo phải hướng đến
truyền giáo, nghĩa là đào tạo những nhà truyền giáo “có mùi của chiên,” nên những
mục tử sẵn sàng và có khả năng chăm sóc và chữa lành các con chiên.
Đề tài VI: Những áp dụng thần học Châu Á cho việc huấn luyện toàn vẹn
(Cha
Claudio Bertuccio OMI, Sr. Maria Teresa Hu, và Cha Emmanuel Rozario thuyết
trình)
Châu Á là cái nôi của
nhiều tôn giáo và nền văn hoá lớn và số dân cư là những người nghèo, Giáo hội ở
Châu Á thực hiện ba cuộc đối thoại: (1) đối thoại đối với các tôn giáo khác (đối
thoại liên tôn); (2) đối thoại với các nền văn hoá (hội nhập văn hoá); (3) đối
thoại với người nghèo. Vì thế, các linh mục tương lai cũng phải được đào tạo có
khả năng để làm được ba cuộc đối thoại này.
Đối thoại với các tôn giáo
Việc đào tạo phải
giúp chủng sinh và linh mục việc đối thoại với người khác. Họ được huấn luyện để
hiểu rõ các tôn giáo, tôn trọng những giá trị đạo đức và tu đức nơi các tôn
giáo ngõ hầu đem ánh sáng Tin Mừng soi chiếu chúng.
Đối thoại với người nghèo
Châu Á là lục địa với
đa số là người nghèo. Giáo hội vừa là Giáo hội nghèo, “cho” và “với” người
nghèo. Chỉ như thế, Giáo hội mới là dấu hiệu đáng tin cậy cho những người mà
Giáo hội được sai đến phục vụ. Vì thế, việc đào tạo giúp chủng sinh có khả năng
sống nghèo và phục vụ người nghèo.
- Về nhân bản: người thụ huấn phải học sống một
đời sống giản đơn thể hiện qua lối sống gần gũi với mọi người nơi họ được gửi đến.
Phải tránh sở hữu nhà cửa, xe cộ, và quần áo xa hoa, đắt tiền để người nghèo cảm
thấy họ được đón tiếp và dễ gần. Người thụ huấn phải tập biết sống không lệ thuộc
vào của cải để dễ dàng sẻ chia cho người nghèo khi họ cần.
- Về tâm linh: phải giúp người thụ huấn đi theo
sự “tự huỷ” của Đức Giêsu Kitô để nhận ra Đức Kitô trong những người nghèo, Đấng
đã hiến mình để giải phóng người nghèo. Như thế, các chủng sinh và linh mục
không phải là những nhân viên thuộc hội từ thiện hay là những công chức mà họ
phải là những người có tâm hồn tràn đầy Thần Khí Chúa. Chính đức tin đơn sơ nơi
người nghèo sẽ dạy cho các chủng sinh và linh mục biết tín thác vào sự quan
phòng của Chúa, Đấng chẳng bao giờ bỏ rơi con cái Ngài.
- Về tri thức: Linh mục và chủng sinh không được
xem mình có học vấn như là thuộc về một đẳng cấp cao trong xã hội cũng như là
điều tự hào trước người nghèo. Họ phải biết dùng tri thức đó cho phục vụ người
nghèo.
- Về mục vụ: đào tạo mục vụ cho chủng sinh và
linh mục phải theo mẫu gương vị mục tử nhân lành là Đức Kitô để họ sẵn sàng đi
ra vùng ngoại biên để gặp gỡ, chăm sóc và chữa lành cho người nghèo.
Đối thoại với văn hoá
Châu Á là cái nôi của
nhiều nền văn hoá lớn và lâu đời. Hầu hết các nền văn hoá này đề cao sự hài hoà
và liên đới với nhau trong gia đình và xã hội. Các chủng sinh phải được giúp lớn
lên trong việc xây dựng sự tương quan hài hoà với mọi người kể cả những người
không cùng tôn giáo. Cụ thể, linh mục tương lai phải biết để đối thoại với nhiều
hình thức văn hoá mới nổi lên trong thời đại hôm nay như mạng xã hội, truyền
thông, và công nghệ kỹ thuật số. Chúng có thể là phương tiện giúp cho việc dạy
giáo lý, truyền giáo và chăm sóc mục vụ. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là nguyên
nhân gây ra hậu quả tiêu cực về tâm lý, luân lý và mục vụ (stress).
Sau cùng, bài trình
bày cũng xác định việc xây dựng Chủng viện như là một gia đình, nơi đó người thụ
huấn được lớn lên trong tình yêu và học biết về yêu thương hầu có thể là sứ giả
của tình thương Chúa cho thế giới.
Ngoài những giờ thuyết trình, mỗi ngày hội nghị còn tổ chức những giờ thảo luận chung, chia sẻ nhóm, thánh lễ và gặp gỡ cá nhận để trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết, thông tin về việc huấn luyện và việc dạy thần học từ các vùng miền khác nhau. Qua đó, mỗi người làm giàu thêm kinh nghiệm và củng cố cho xác tín riêng. Nhìn thấy những đại diện đến từ các miền khác nhau của một lục địa mênh mông, đa sắc tộc, màu da, văn hóa và tôn giáo, nhưng lại hiệp nhất trong một đức tin, một Giáo hội và một sứ vụ truyền giáo, chúng tôi sống và cảm nghiệm tính duy nhất và phổ quát của Giáo hội Châu Á tại cuộc hội thảo này.
Ban Thư ký