I. LƯỢC SỬ HÌNH
THÀNH
Giáo phận Mỹ Tho được thành lập năm 1960, nhưng có quá trình hình
thành và phát triển từ hơn 200 năm trước.
1. Trước khi có các thừa sai đến
truyền giáo
Theo khẩu truyền của các tín hữu họ đạo Ba Giồng, được báo “Nam
Kỳ Địa Phận” ghi lại thì khoảng năm 1700, đời vua Minh Vương cai trị nước
Nam, có khoảng 30 gia đình Công giáo ở Phú Yên phải rời quê hương bằng 20 chiếc
ghe bầu để trốn cuộc bách hại đạo. Họ xuôi theo đường biển vào Nam kỳ. Cuối
cùng họ vào được sông Vàm Cỏ rồi men theo nhánh phía Tây của con sông đến một
vùng đồng hoang vắng vẻ và định cư nơi đó. Những người này chính là các tín hữu
đầu tiên của họ đạo Ba Giồng (x. Nam Kỳ Địa Phận, Năm 1918, trg.
487-490).
Lịch sử họ đạo Cái Mơn cũng ghi lại truyền khẩu cho rằng năm 1702
có ba gia đình Công giáo từ Ba Giồng sang Cái Mơn lập nghiệp và các vị này là
những người đầu tiên của họ đạo Cái Mơn (x. 75 Năm Giáo Phận Vĩnh Long
1938-2013, Nhà xuất bản Tôn Giáo, trg. 149).
Trải qua những cuộc bách hại thời vua Minh Mạng và vua Tự Đức, các
tín hữu họ đạo Ba Giồng đã phải tản lạc đến nhiều nơi để sinh sống. Một biên khảo
về Tỉnh Mỹ Tho do Hội Nghiên Cứu Đông Dương xuất bản năm 1902 đã ghi nhận rằng:
“Có một số gia đình thế giá nơi nhiều cộng đoàn khác nhau, thậm chí có cả những
cộng đoàn, nhìn nhận gốc gác của mình là Ba Giồng” (Publications de la
Société des Etudes Indochinoises, “Monographie de la province de My Tho”,
Saigon 1902, pp. 93-94).
2. Các thừa sai Phan Sinh đến
truyền giáo
Thời Đức Giám mục Francois Pérez coi sóc Đàng Trong (1691-1728),
ngài đã mời các thừa sai Phan Sinh từ Manila đến truyền giáo. Một trong những
vùng được ngài trao cho các thừa sai Phan Sinh là vùng địa giới mà sau này gọi
là Lục tỉnh Nam Kỳ. Năm 1722 cha José Garcia là thừa sai Phan Sinh được cử xuống
vùng này. Từ địa điểm ban đầu là Chợ Quán, cha mở rộng vùng truyền giáo xuống
miền Tây. Cha đón tiếp các tín hữu từ miền Trung di tản vào, rồi hướng dẫn họ tới
những nơi định cư. Ngoài ra, cha lặn lội đến những xóm nhà xa xôi hẻo lánh để
tìm người có đạo rồi quy tụ họ thành từng nhóm (x. Dấu Ấn Mọn Hèn –
Kỷ Niệm 75 Năm Thành Lập Dòng Anh Em Hèn Mọn Tại Việt Nam 1929-2004, trg.
37).
Dựa theo cuốn “Dòng Phanxicô Trên Đất Việt” của linh mục Trần
Phổ (OFM), tác giả Trần Hữu Hợp ghi nhận ngay từ thập niên 1730 đã có sự
hiện diện của khá nhiều cộng đoàn giáo dân và một số nhà nguyện trong vùng ranh
giới thuộc Giáo phận Mỹ Tho ngày nay: “Gần Sài Gòn có các nhóm giáo dân ở Nhà Rầm,
Cần Đước, Gò Đen; Trong vùng tam giác Tân An, Mỹ Tho và Cái Bè có nhóm Vũng Ngữ
(Tân An) với hơn 100 giáo dân, Thân Trong, Bến Tranh, Mỹ Tho, tại Rạch Nam và
Cái Bè thì có cả nhà nguyện, Xoài Múc có nhà thờ; Dọc theo Kênh Chợ Gạo nối giữa
sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây có nhóm giáo dân ở Cà Hon (Thủ Ngữ) với hơn 300
giáo dân và một nhóm ở Rạch Lá” (x. TS. Trần Hữu Hợp, Cộng Đồng Người
Việt Công Giáo Đồng Bằng Sông Cửu Long – Lịch Sử Hình Thành và Quá
Trình Hội Nhập Văn Hóa, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2012, trg. 30-31). Công cuộc
truyền giáo của các thừa sai Phan Sinh được tiếp nối bởi các Cha của Hội Thừa
Sai Paris.
3. Các vị tử đạo tại vùng Mỹ
Tho
Đất Mỹ Tho đã thấm máu nhiều vị anh hùng tử đạo, như các tín hữu ở
Ba Giồng, ở Mỹ Quí Đông (gần Cai Lậy), đặc biệt là thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu
(linh mục) bị trảm quyết năm 1861 và thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (giáo dân) chết
vì bị hành hạ kiệt sức năm 1855.
4. Thời gian và sự kiện chính
thức hình thành Giáo phận
Ngày 27/11/1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban sắc chỉ Quod
Venerabilis Fratres, chính thức phân chia Giáo phận Sài Gòn thành 3 giáo phận:
Sài Gòn, Đà Lạt và Mỹ Tho. Sắc chỉ được công bố vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
08.12.1960.
II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
1. Địa lý: Trước
năm 1975, địa giới giáo phận Mỹ Tho trải rộng 4 tỉnh: Định Tường, Long An, Kiến
Tường (Mộc Hoá) và 2/3 tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Địa giới hiện nay gồm các tỉnh:
Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp.
2. Dân số (năm 2017): Dân số trên địa bàn là 4.194.184 người. Dân số Công giáo là 137.260 người.
3. Giáo hạt: Giáo phận có 6 hạt. Tỉnh Tiền Giang có hạt Mỹ Tho và Cái Bè. Tỉnh Long An có hạt Tân An và Đức Hòa. Tỉnh Đồng Tháp có hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây. Tổng số giáo xứ trong Giáo phận là 94.
4. Các dòng tu có trụ sở chính
trong giáo phận Mỹ Tho:
- Hội dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho (Dòng Giáo phận)
- Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, tỉnh dòng Mỹ
Tho
5. Đôi nét chính yếu về đời sống
giáo dân: Hầu hết giáo dân sinh sống ở vùng nông thôn và làm nghề ruộng vườn.
Từ cuối thập niên 1990, những người trẻ bắt đầu đi tìm việc làm ở thành thị, chủ
yếu là ở Sài Gòn và Bình Dương. Hiện tại, đa số người trẻ rời quê hương để học
hành hoặc tìm việc làm. Các giáo xứ chỉ còn lại người già và trẻ em, tình trạng
này ảnh hưởng nhiều đến các sinh hoạt của các giáo xứ.
III. NHÂN SỰ
1. Giám mục đương nhiệm: Đức
cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (2014 – nay).
2. Các vị Giám mục tiền nhiệm
- Đức cha Giuse Trần Văn Thiện (1960 – 1989)
- Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam (1989 – 1999)
- Đức Giám mục Phó Gioan Baotixita Phạm
Minh Mẫn (1993 – 1998)
- Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc (1999 – 2014)
3. Linh mục và chủng sinh: Thời
điểm năm 2017, Giáo phận có 141 linh mục (triều: 137; dòng: 4), 64 chủng sinh, và 24 chủng sinh dự bị.
Ngoài ra, có một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc giáo xứ Xoài Mút.
4. Tu sĩ: Dòng nữ: 211
Dòng
Mến Thánh Giá Mỹ Tho có 61 nữ tu khấn trọn và 27 nữ tu khấn tạm. Dòng thánh
Phaolô tỉnh dòng Mỹ Tho có 150 nữ tu khấn trọn và 61 nữ tu khấn tạm. Ngoài ra,
Giáo phận còn có các nữ tu thuộc các dòng sau đây đến phục vụ trong giáo phận Mỹ
Tho:
1/ Dòng Mến Thánh Giá
Thủ Thiêm
2/ Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum
3/ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán
4/ Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
5/ Dòng Chúa Quan Phòng
IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG
GIÁO PHẬN
- Giám mục: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
- Tổng đại diện: Lm. Phaolô Trần Kỳ Minh
- Toà Án Hôn phối : Phaolô Phạm Đăng Thiện
- Ban tư vấn: 10 linh mục
- Hội đồng Linh mục Giáo phận: 33 linh mục
- Hội đồng Mục vụ Giáo phận: 17 linh mục, 2 nữ
tu, 10 giáo dân.
- Các Ủy ban
V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
1. Nhà thờ chính tòa và Tòa
Giám mục: 32 Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.
2. Trung tâm mục vụ: 23
Lý Thường Kiệt, phường 6, thành phố Mỹ tho, Tiền Giang.
3. Chủng Viện Dự Bị Thánh
Gioan XXIII: 23 Lý Thường Kiệt, phường 6, thành phố Mỹ tho, Tiền Giang.
4. Trung tâm hành hương
- Trung tâm hành hương Lòng Chúa Thương
Xót: 23 Lý Thường Kiệt, phường 6, thành phố Mỹ tho, Tiền Giang.
- Trung tâm hành hương Cha Thánh Phêrô Nguyễn
Văn Lựu: Ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang.
VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ,
LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI
Ngoài các việc mục vụ thông thường ở các giáo xứ và sinh hoạt của
các hội đoàn, Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận có các khóa huấn luyện hằng năm
dành cho các thành viên Ban mục vụ của các giáo xứ và các ban khác của Giáo phận.
Tại Trung tâm hành hương Lòng Chúa Thương Xót, giáo dân quy tụ đông đảo vào mỗi
thứ sáu đầu tháng để dự Thánh lễ tôn kính Lòng Chúa Thương Xót. Ngày
24.11.2017, Giáo phận đã khánh thành Trung Tâm hành hương Cha Thánh Phêrô Nguyễn
Văn Lựu, và chọn ngày 07 tháng 4 hằng năm làm ngày hành hương chính thức
của giáo phận đến nơi này.
Về việc loan báo Tin Mừng, nhìn chung ý thức truyền giáo của giáo
dân còn rất mờ nhạt. Tuy nhiên, cũng có những giáo dân quan tâm cộng tác với
các linh mục, đặc biệt là hội Légio Mariae và một vài nhóm truyền giáo. Nơi đạt
hiệu quả truyền giáo khả quan hơn hết là giáo xứ Mỹ Trung, hạt Cái Bè.
Bác ái xã hội được đảm trách bởi Caritas của giáo phận. Các việc
đã thực hiện bao gồm giúp học bổng, xây nhà tình thương, mua bảo hiểm cho người
nghèo, xây cầu cho vùng thôn quê, và cứu trợ nạn nhân thiên tai.
VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
- Địa chỉ
e-mail: vptgmmt@gmail.com
- Số điện thoại Văn phòng TGM: 0273 3873 299
- Website của giáo phận: http://giaophanmytho.net
Văn phòng TGM Giáo phận Mỹ Tho
Cập nhật ngày 31/12/2017