Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Cần Thơ

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN CẦN THƠ

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Năm 1850, Toà Thánh chia Giáo phận Tông tòa Tây Đàng Trong, Việt Nam, thành Giáo phận Tông tòa Nam Vang (Cambodia) và Giáo phận Tông tòa Tây (Sài Gòn). Giáo phận Nam Vang gồm cả phần đất thuộc Giáo phận Cần Thơ và Long Xuyên và một phần Giáo phận Vĩnh Long và Mỹ Tho hiện nay.

Ngày 20/9/1955, Đức Thánh Cha Piô XII ký sắc chỉ Quod Christus thành lập Giáo phận Tông tòa Cần Thơ, Việt Nam; và bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Bình làm giám mục coi sóc Giáo phận Cần Thơ (1955-1960), hiệu toà Agnusiensi. Tách ra từ Giáo phận mẹ Nam Vang, lúc đó, Giáo phận Cần Thơ gồm 10 tỉnh thuộc phần đất của Việt Nam là Hà Tiên, Kiên Giang, Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, và An Xuyên. Khi được thành lập, Giáo phận Cần Thơ có 148.610 giáo dân, 110 linh mục, 300 nữ tu dòng Chúa Quan Phòng, 10 nữ tu dòng Con Đức Mẹ, 3 nữ tu Tu hội Bác Ái Vinh Sơn, 11 sư huynh dòng La San và 9 đại chủng sinh. 

Về nhận Giáo phận Cần Thơ năm 1955, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình tạm ở nhà xứ của giáo xứ Chính toà Cần Thơ. Đức cha thiết lập những cơ sở đầu tiên của Giáo phận sau đây:

- Năm 1956, Đức cha cất tạm Tiểu chủng viện Á Thánh Quí tại tỉnh Sóc Trăng.

- Năm 1957, Đức cha mua nhà đất để làm Toà Giám mục Cần Thơ, tại địa chỉ hiện nay là số 12, đường Nguyễn Trãi, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; mua đất tại Cái Răng để làm Tiểu chủng viện; mua đất tại Bình Thuỷ, sau này làm cơ sở của hội dòng Con Đức Mẹ Cần Thơ. 

Ngày 24/11/1960, Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Giáo phận Tông toà Cần Thơ được nâng lên hàng Giáo phận Chính toà Cần Thơ, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. 

Ngày 27/11/1960, Toà Thánh thành lập Giáo phận Long Xuyên gồm bốn (4) tỉnh An Giang, Kiên Giang, Châu Đốc và Hà Tiên. Một phần tỉnh An Giang (Cù Lao Tây và Hồng Ngự) được sát nhập vào Giáo phận Mỹ Tho. Tỉnh Sa Đéc được sát nhập vào Giáo phận Vĩnh Long. 

Sau khi phân chia năm 1960, Giáo phận Cần Thơ chỉ còn năm tỉnh là Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, và An Xuyên, với tổng diện tích là13.400 km2, 67 linh mục, và 56.200 giáo dân trên tổng số dân là 1.410.000 người. Năm 1960, Toà Thánh bổ nhiệm Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và bổ nhiệm Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền làm Giám mục Chính toà đầu tiên của Giáo phận Cần Thơ (1960-1965).

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ 

1. Địa lý

Hiện nay, Giáo phận Cần thơ bao gồm: thành phố Cần Thơ (ngoại trừ quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh thuộc giáo phận Long Xuyên), tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu, và tỉnh Cà Mau. Tổng diện tích là 14.026.90 km2.

Địa giới: Phía Đông và Đông Bắc giáp Giáo phận Vĩnh Long; Tây và Tây Bắc giáp Giáo phận Long Xuyên, Nam giáp Biển Đông.

2. Dân số: Tổng dân số là 5.580.701 người; trong đó, số dân Công giáo là 191.462 tín hữu. 

3. Giáo hạt và giáo xứ

a. Giáo hạt: Giáo phận có 7 giáo hạt gồm: Cần Thơ, Vị Thanh, Trà Lồng, Đại Hải, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau.

b. Giáo xứ và giáo họ: Giáo phận có 139 giáo xứ có linh mục thường trú, 5 giáo họ có linh mục đến chăm sóc mục vụ thường xuyên và 19 giáo điểm.

4. Dòng Tu

a. 3 Dòng Tu có nhà chính tại Giáo Phận: Dòng Con Đức mẹ Cần Thơ (80 nữ tu); Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ (142 nữ tu); Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, Tỉnh dòng 3 – Việt Nam (233 nữ tu)

b. 12 Hội Dòng khác có Cộng đoàn hiện diện tại Giáo Phận: Dòng Thánh Gia Long xuyên (2 cộng đoàn); Dòng Đồng Công (1 cộng đoàn); Dòng Phanxicô (2 cộng đoàn); Dòng Tên (1 cộng đoàn); Dòng Đa Minh (1 nhà dòng và 1 cộng đoàn); Dòng Chúa Chiên Lành (1 nhà dòng); Dòng Phao-lô Mỹ Tho (6 cộng đoàn); Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm (2 cộng đoàn); Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức (3 cộng đoàn); Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (1 cộng đoàn); Dòng Mân Côi Chí Hoà (2 cộng đoàn); Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục (1 cộng đoàn).

c. 2 Tu Đoàn Tông Đồ có cộng đoàn hiện diện tại Giáo Phận: Tu Đoàn Nữ Tử Bác Ai Vinh Sơn (1 nhà và 10 cộng đoàn); Tu Đoàn Tận Hiến (1 cộng đoàn)

d. 1 Tu Hội Đời có Cộng đoàn hiện diện tại Giáo Phận: Tu Hội Điểm Tim (1 cộng đoàn)

5. Đôi nét chính yếu về đời sống giáo dân

a. Đời sống đức tin: Đại đa số còn đi dự thánh lễ và lãnh các bí tích thường xuyên, lòng tin mạnh mẽ, sống hiệp nhất và liên đới.

b. Đời sống chứng nhân: Nhiệt tình cộng tác vào công việc mục vụ giáo xứ và loan báo TM.

c. Đời sống kinh tế: Đại đa số sống bằng nông nghiệp, một số lớn di dân lên thành phố lớn.

d. Đời sống văn hóa, xã hội: Trình độ văn hóa ở nông thôn được nâng cao, nhiệt tình tham gia các công tác xã hội, sống hiền hòa, hiếu khách.

III. NHÂN SỰ

1. Giám mục Chính tòa đương nhiệm: Đức cha Stephano Tri Bửu Thiên 

Ngày 18/2/2003, Đức cha Stephanô Tri Bửu Thiên được Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận tấn phong Giám mục với khẩu hiệu “Ad Gentes – Đến với muôn dân.” Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ với quyền kế vị.

Ngày 17/10/2010 Đức cha Stephanô Tri Bửu Thiên nhận giáo vụ Giám mục Chính toà Giáo phận Cần Thơ sau khi Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận qua đời.

2. Giám mục Phó: Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi

Ngày 25 tháng 03 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Phêrô Lê Tấn Lợi làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.

3. Các Giám mục tiền nhiệm 

- Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình (1955-1960)

- Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền (1960-1965)

- Đức cha Giacobê Nguyễn Ngọc Quang (1965-1990)

- Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận (1990-2010)

3. Số Linh mục, chủng sinh, và tu sĩ (năm 2017)

- Tổng số Linh mục: 240 (triều: 223; dòng: 17)

- Tổng số Đại chủng sinh là 101 thầy: Lớp Tu đức có12 thầy, Khoa Triết học có 25 thầy, Năm đi thử có 14 thầy, Khoa Thần học có 44 thầy, và Năm Mục vụ có 6 thầy.

- Tổng số Dự tu là 66 em

- Tổng số tu sĩ nam nữ hiện diện trong Giáo phận là 566 (nam: 10; nữ: 556) 

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

1. Giám mục Giáo phận: Đức cha Stephano Tri Bửu Thiên

2. Tổng Đại diện + Giám đốc Đại chủng viện: Linh mục Carolo Hồ Bặc Xái

3. Đại diện Tư pháp + Tòa án hôn phối: Linh mục Gioan Trần Trọng Dung

4. Ban cố vấn Giám mục: Tổng Đại diện, 7 quản hạt, Giám đốc Trung tâm Mục vụ

5. Hội Đồng Linh mục: 28 thành viên

6. Hội đồng Mục vụ Giáo phận: 35 thành viên

7. Ban Tài chánh giáo phận: 03 thành viên

8. Ban Xây dựng giáo phận: 03 thành viên

9. Các ban ngành trong Giáo phận theo cơ cấu của Hội đồng Giám Mục Việt Nam

V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN

1. Nhà Thờ Chính tòa: Địa chỉ số 14, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đt: 0292. 382-1557.

2. Tòa Giám Mục Cần Thơ: Địa chỉ số 12, đường Nguyễn Trãi, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đt: 0292.3813.655 Email: tgmcantho@gmail.com.

3. Trung Tâm Mục vụ Giáo phận: Địa chỉ 480A, CMT8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình thủy, thành phố Cần Thơ. Đt: 0909.604.431.

4. Đại Chủng Viện Thánh Quý: Địa chỉ số 87/1, đường Võ Tánh, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đt: 0292.3846.617.

5. Nhà Hưu Dưỡng Linh mục: Địa chỉ số 25/5, đường Trần Ngọc Quế, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đt: 0292.3781.977.

6. Trung tâm hành hương cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp: Địa chỉ: Nhà thờ Tắc Sậy, ấp 2, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Đt: 0291.3850.418.

VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI

1. Hoạt động mục vụ: Các ban ngành và giáo dân hăng say hoạt động mục vụ và được đào tạo thường xuyên tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Số giáo lý viên: 1.254

2. Công việc loan báo Tin Mừng: Được Đức Giám mục và các Linh mục quan tâm, có tổ chức, kế hoạch cụ thể, tu sĩ và giáo dân ý thức và nhiệt tình cộng tác. Có kết quả cụ thể.

3. Bác ái xã hội: Các giáo xứ có kế hoạch và hoạt động bác ái xã hội đa dạng và cụ thể.

VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

1. Địa chỉ email: tgmcantho@gmail.com 

2. Số điện thoại văn phòng: 0292. 3813.655

3. Website của giáo phận: https://gpcantho.com/

Văn phòng TGM Giáo phận Cần Thơ

Cập nhật ngày 31/12/2017