THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
Mùa Chay 2012
 
 
 
Kính gửi Đức Ông, các Cha, các Tu sĩ, Chủng sinh
Các Ban Hành giáo và Anh Chị Em giáo hữu, 
Mỗi năm, khi Mùa Chay về, chúng ta lại được nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Khiêm tốn nhìn nhận mình là tội nhân và nhiệt thành đón nhận lời dạy của Chúa sẽ giúp chúng ta sống tinh thần Mùa Chay một cách có hiệu quả, nhờ đó chúng ta có thể trở nên môn đệ chân chính của Đức Giêsu.
Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các tín hữu hãy “quan tâm đến nhau để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24). Lời mời gọi này trở nên cấp thiết trong một xã hội mà con người ngày càng dửng dưng đối với Chúa và đối với nhau, dẫn tới hậu quả là những xung đột và đổ vỡ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta hãy thực thi lời mời gọi của vị Cha Chung Giáo Hội, quan tâm đến nhau, giúp nhau nên hoàn thiện như ý Chúa muốn.
– Trước hết là mối quan tâm đến cộng đoàn Giáo Hội địa phương. “Giáo Hội là một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và một trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau” (Trích Sứ điệp Đại hội Dân Chúa, số 5). Quan niệm Giáo Hội là một gia đình sẽ giúp cho mọi người quan tâm đến nhau hơn, đồng thời tạo cơ hội để mọi người cùng nhiệt thành tham gia xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Giáo xứ là gia đình của Thiên Chúa, là cộng đoàn huynh đệ chỉ có một tâm hồn. Giáo xứ là mái ấm gia đình, huynh đệ và niềm nở” (Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 26). Cũng như một gia đình trong xã hội, giáo xứ muốn thăng tiến cần có sự tham gia cộng tác của mọi người trong tinh thần đức tin. Giáo xứ cũng được gọi là “cộng đoàn Thánh Thể”, vì Thánh Thể là nguồn gốc sống động cho sự phát triển của giáo xứ, và là mối dây bí tích để đưa giáo xứ đến hiệp thông hoàn toàn với toàn thể Giáo Hội. Sự khác biệt về tuổi tác, về trình độ chuyên môn hay khả năng kinh tế giữa các tín hữu trong giáo xứ không dẫn tới mâu thuẫn kỳ thị, nhưng bổ túc và nâng đỡ lẫn nhau. Trong giáo xứ, mỗi người có một phần việc tùy theo khả năng của mình, nhưng đều nhằm phục vụ lợi ích chung. Đức Thánh Cha đã viết: “Lời Chúa kêu gọi mọi người chúng ta quan tâm đến nhau… xây dựng những tương quan ân cần đối với nhau, quan tâm đến hạnh phúc và hạnh phúc trọn vẹn của tha nhân” (Sứ điệp Mùa chay 2012). Cộng tác xây dựng giáo xứ, phát triển các hội đoàn đạo đức, chuyên cần tham dự các nghi thức phụng vụ và nhiệt thành tham dự các khóa học hỏi chính là thể hiện sự quan tâm đối với cộng đoàn Giáo Hội địa phương.
– Quan tâm thực thi đức bác ái đối với tha nhân. Trong truyền thống Giáo Hội, bác ái, chay tịnh và cầu nguyện là ba thực hành quan trọng của Mùa Chay. Tuy vậy, việc chay tịnh và cầu nguyện chỉ có giá trị đích thực khi được đặt nền trên đức bác ái, là nhân đức được coi là quan trọng nhất: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Trong xã hội Việt Nam còn tồn tại hố ngăn cách giữa những người giàu và những người nghèo, việc thực thi tình bác ái càng trở nên khẩn thiết. Đức Thánh Cha đã viết: “Không bao giờ chúng ta được để cho con tim bị những quyền lợi và những mối bận tâm của mình phủ lấp đến độ không nghe được tiếng kêu của người nghèo” (Sứ điệp Mùa chay 2012). “Không có một hoàn cảnh nào mà bác ái của mỗi cá nhân Kitô hữu là không cần thiết” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 20). Trong Mùa Chay, chúng ta cùng nhìn lên Đức Kitô trên thập giá. Từ địa vị Thiên Chúa cao sang, Người đã trở nên nghèo giữa những người nghèo để cứu độ chúng ta. Thập giá là biểu tượng của hy sinh, đồng thời cũng là dấu chỉ của hy vọng. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm thập giá, chúng ta học được bài học sâu sắc: cho đi là được nhận lãnh; tha thứ là được thứ tha. Đời người tín hữu sẽ sinh hoa kết trái, nếu mỗi chúng ta sống tinh thần của thập giá là tình bác ái.
– Quan tâm chia sẻ niềm vui đức tin cho mọi người. Đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa. Một khi đã được nhận lãnh, chúng ta được kêu gọi tiếp tục trao tặng đức tin cho anh chị em mình. Đức Thánh Cha đã nói: “Anh chị em đừng giữ Đức Kitô cho riêng mình. Hãy loan báo cho mọi người niềm vui đức tin của anh chị em. Thế giới rất cần những chứng từ đức tin của anh chị em. Thực sự, thế giới này rất cần đến Thiên Chúa” (Bài giảng lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ tại Tây Ban Nha, tháng 8-2011). Tin Mừng đã nói đến những người, sau khi đã được Chúa tha thứ hoặc chữa lành, mau mắn lên đường để tôn vinh Chúa và kể lại cho mọi người về những điều tốt lành Chúa đã thực hiện cho mình. Chia sẻ niềm vui đức tin đối với chúng ta hôm nay là tỏ cho người khác thấy một đời sống lạc quan, trung thực và nhân ái. Tuy vậy, chúng ta chỉ có thể chia sẻ đức tin cho anh chị em mình, khi chúng ta có một đức tin trưởng thành. Chăm lo học giáo lý, chuyên tâm cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa là những việc làm không thể thiếu để chúng ta có một đức tin vững vàng.
Kính thưa Đức Ông, các Cha và Anh Chị Em,
Mùa Chay là mùa của ơn thánh, nhờ đó chúng ta được đến gần Chúa và gần anh chị em mình hơn. Cùng với những thực hành đạo đức truyền thống như tĩnh tâm dành cho các giới, suy ngắm sự thương khó Chúa và cử hành Tuần Thánh, chúng ta hãy thực thi lời mời gọi của Đức Thánh Cha, quan tâm tới việc xây dựng và làm cho cộng đoàn đức tin tại mỗi Giáo xứ thực sự trở thành gia đình của Thiên Chúa. Kính chúc Đức Ông, các Cha và Anh Chị Em một Mùa Chay thánh thiện, được nâng đỡ nhờ sức mạnh từ mầu nhiệm thập giá và hân hoan hưởng niềm vui của Đấng Phục sinh.
Hải Phòng, ngày 15 tháng 2 năm 2012
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng