ROMA -- 24.04.2009: “ Vatican vừa là một cuốn sách vừa là một nhật báo người ta không ngừng giở đọc”. Dominique Chivot, đặc phái viên thường trực của tờ La Croix tại Roma vừa xuất bản cuốn sách mới của ông: “ Vatican”. Tác giả đã giới thiệu tác phẩm mới của mình tại Trung tâm Văn hóa Saint-Louis của Pháp ngày 21 tháng tư vừa qua. Sau đây là bài phỏng vấn đầu tiên về cuốn sách tác giả dành cho độc giả của Zenit.  

Zenit: Thưa ông Dominique Chivot, ông vừa có tham luận tại Roma trong khuôn khổ của một cuộc thuyết trình-thảo luận với Giám mục Renato Boccardo, thư ký của Bộ phận cai quản nước Vatican, về “Quốc gia Vatican, để làm gì?” Trong trường hợp nào?

Dominique Chivot: Giám đốc trung tâm là ông Jean-Luc Pouthier đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ này nhân kỷ niệm 80 năm các hiệp ước Latran và cũng nhân việc nhà xuất bản Assouline xuất bản cuốn sách mới đây của tôi về Vatican.

Zenit: Là thông tín viên của báo La Croix trong suốt năm năm, ông có cái nhìn nào về 80 năm này?

Dominique Chivot: Năm năm tôi sống ở Roma đã giúp tôi khám phá ra cái thế giới rất đặc biệt này là Vatican. Ở đây có cái không chỉ thỏa mãn óc tò mò tự nhiên của  một người làm báo mà còn cho tôi ước muốn tiếp tục quan tâm một khi tôi trở về Paris. Thực vậy, tính thời sự của Vatican luôn được soi sáng bởi lịch sử của Vatican: 80 năm lịch sử, và cả những gì xa hơn nữa người ta có thể tìm thấy được về thời kỳ Các lãnh thổ dưới quyền cai trị của Giáo hoàng. Tôi hiểu rõ hơn tại sao hoạt động của Bộ phận quản trị trung ương của Giáo hội công giáo chỉ có thể hiểu được qua việc nhắc lại đều đặn quá khứ, như thể người ta hiểu rõ hơn điều diễn ra ở Roma, khi người ta biết được là Vatican “chỉ là” trung tâm của một Giáo hội toàn cầu.

Zenit: Ông vừa cho xuất bản cuốn sách hay với tựa đề đơn giản “Vatican” (Nhà xuất bản Assouline) cũng sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh: phải chăng để mừng kỷ niệm 80 năm lịch sử của Quốc gia trẻ này?

Dominique Chivot: Quả thực, chúng tôi đã có trao đổi với nhà xuất bản Assouline là điều nên làm hiện nay không phải là viết thêm một cuốn hướng dẫn mới, cũng không phải viết lại một cuốn lịch sử, mà là chi tiết hóa bằng bản văn và hình ảnh các khía cạnh khác nhau của Vatican: lịch sử, văn hóa và tinh thần. Chính sự tập hợp liên tục các chiều kích này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tính trường tồn của quốc gia nhỏ bé này cũng như trong việc làm cho nó được mọi người biết đến.

Zenit: Ông không ngại phải thêm một cuốn sách vào thư mục đã phong phú trong lĩnh vực này?

Dominique Chivot: Trong các cuộc di chuyển nghề nghiệp của tôi, tôi thường nhận thấy là cái quốc gia nhỏ bé nhưng nổi tiếng này vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Dĩ nhiên, Vatican ngày nay là một điểm tới không thể bỏ qua đối với số đông nhà du lịch và là một thánh địa đối với nhiều đoàn hành hương. Nhưng ngoài các bảo tàng và Đền thờ thánh Phêrô và ngoài phép lành trong và ngoài Roma của Đức Giáo hoàng vào dịp Noel hay Phục Sinh, người ta còn biết rõ thêm điều gì nữa?

Zenit: Dĩ nhiên, đây là cuốn sách nghiêm túc và phong phú về mặt tư liệu, nhưng cũng cực kỳ hấp dẫn: đâu là những điểm cần lưu ý đối với cuộc hành trình qua lịch sử và địa hình trong 44 mẫu của Thành quốc Vatican?

Dominique Chivot: Thực ra, chúng tôi đã muốn tránh hai khối đá ngầm thường gặp khi phải viết để xuất bản về Vatican hay về những vấn đề gắn với Giáo hội. Trườc hết, tránh cái khuynh hướng kinh viện chán ngắt. Mọi người ít nhiều đều đã biết những tác phẩm lớn đặt tại các bảo tàng ở Vatican cũng như đền thánh Phêrô. Như vậy, vấn đề là phải đi xa hơn nữa để giới thiệu, qua sự sống của Vatican và lịch sử thường ngày của nó, một thế giới quá nhiều khi không được biết đến một cách cặn kẽ.

Kế đó, tránh kiểu trình bày biếm họa. Tiếc thay, chúng ta cũng đã có một ví dụ kiểu này qua cuốn sách “Thiên thần và ác quỷ” của Dan Brown. Được biết tiểu thuyết này cũng đã được dựng thành phim và được chiếu hiện nay. Ngay cả khi người ta lao vào thứ “tiểu thuyết ly kỳ” mang chủ đề tôn giáo, Vatican vẫn có cái đáng kể hơn. Kể một cách chính xác các nơi này là điều quan trọng, nhưng cũng cần phải mô tả cả những con người đã làm nên cái lịch sử hôm qua và hôm nay này.

Zenit: Ông có thể nêu lên ví dụ cho thấy rõ bộ phim đã rơi vào kiểu viết “biếm họa” này như thế nào?

Dominique Chivot: Thực ra đây là một tác phẩm không mấy quan tâm tới sự chính xác về mặt địa hình hay lịch sử. Đây là mấy ví dụ. Trên piazza Navona, đài nước Bốn con sông được Dan Brown tả là sâu như một bể bơi và từ đỉnh của nó, người ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố. Trên quảng trường thánh Phêrô, có một sân bay trực thăng và ở mặt trước của vương cung thánh đường, chễm chệ hai cái tháp có vẻ như muốn làm sống lại dự án khởi thủy của Maderno. Trong chỗ tuyên tín của Phêrô, bạn sẽ ngưỡng mộ các dây pallium được trao cho các hồng y mới được bầu (tôi vẫn đang trích dẫn Dan Brown). Đi qua các hang vatican vốn có dáng dấp của các hang toại đạo, bạn sẽ tới trước quan tài của Phêrô bằng đất nung, đã bị nứt (tôi vẫn trích của tác giả). Khi đi ra, bạn sẽ tới thẳng cung điện Tòa án, bạn hãy tưởng tượng xem, đây là nơi ở của giáo hoàng mà “chỉ có Versailles mới có thể sánh kịp”. Bạn đi tới, một cách lỳ lạ, khu Lưu trữ bí mật nằm ở cuối vườn, trên đỉnh quả đồi, bằng cửa Thánh Anna. Và bạn được hướng dẫn bới một linh mục trẻ vốn được cái kỳ tích là thư ký riêng của giáo hoàng đồng thời cũng là camerlingue [camerlengo luôn luôn là một hồng y có nhiệm vụ quản lý tài sản Tòa thánh], dù không phải hồng y cũng chẳng phải giám mục. Bởi vậy, người ta sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên khi được biết qua tác phẩm này là Galilê đã bị Giáo hội “hành quyết” (tôi vẫn luôn trích tác giả)...

Dĩ nhiên, khi hư cấu, người ta được đủ thứ tự do. Hư cấu cho phép tạo nên sự khác biệt với lịch sử. Nhưng một hư cấu tồi tệ cũng giúp người ta tránh được sự lẫn lộn với các tác giả hay…

Zenit: Theo ông, đâu là những lý do của sự trường tồn của cái quốc gia nhỏ bé là Thành quốc Vatican này ?

Dominiue Chivot: Vatican đáng chú ý trước tiên ở vết tích liên tục của nó trong lịch sử. Là sự biến đổi gần đây nhất của các lãnh thổ giáo hoàng ra đời vào thế kỷ thứ VIII, quốc gia Vatican, ở tuổi tám mươi, là một sáng kiến độc đáo trên hành tinh đến độ nó còn được dùng làm điểm quy chiếu trong thế giới ngoại giao và thậm chí cả mô hình cho một số nhà tìm kiếm hòa bình trên hồ sơ của Giêrusalem.

Trong hơn 11 thế kỷ, các lãnh thổ thuộc Giáo hoàng là hiện thân của quyền đời của ngôi vị giáo hoàng. Vào thế kỷ thứ VI, trong khi đế quốc phương Tây đã sụp đổ từ hơn một thế kỷ trước và đế quốc phương Đông lại không có khả năng đương đầu, Grégoire le Grand đã đảm nhận việc cai quản và bảo vệ Roma. Giáo hội khi ấy chấp nhận một hệ thống quân chủ, với một vị giáo hoàng sẽ dựa vào các vua của người francs, kế đó các hoàng đế Đức. Các lãnh thổ của Giáo hoàng ra đời từ hiệp ước đầu tiên này: năm 754, Étienne II thừa nhận quyền của dòng họ Carolingien và đổi lại, Pépin le Bref đánh đuổi người Lombards ra khỏi Roma. Các lãnh thổ chinh phục được của người Lombards xung quanh Roma được ban lại cho giáo hoàng. Từ khi ấy, dưới con mắt của Giáo hội, việc nắm giữ một quốc gia sẽ cho phép Giáo hội bảo đảm được sự độc lập của mình.

Mô hình này kéo dài cho tới thế kỷ XIX nhưng sự suy thoái bắt đầu với cuộc tấn công của người Pháp. Giai đoạn này được nhiều người biết đến: Các đạo quân của Bonaparte bắt đầu xẻ nhỏ các lãnh thổ của giáo hoàng và Cộng hòa Roma được công bố năm 1789. Napoléon lại thu tóm các lãnh thổ này vào năm 1809, nhưng sự sụp đổ của hoàng đế đã khiến giáo hoàng Piô VII có thể khải hoàn tiến về lại Roma năm 1814. Phát đạn ân huệ lại do chính người Italia. Làn sóng cách mạng năm 1848 và phong trào thống nhất liên minh với nhau để xóa sổ Quốc gia giáo hoàng. Tị nạn tại Naples năm 1849, Đức Giáo hoàng Piô IX trở lại Vatican với sự trợ giúp của các đạo quân Pháp, nhưng sau thất bại tại Sedan, nước Pháp kéo quân về. Người Italia, dưới sự lãnh đạo của Victor-Emmanuel, tiến vào Roma năm 1870. Các lãnh thổ giáo hoàng chấm dứt.

Đức Giáo hoàng Piô IX tuyên bố mình là tù nhân của Vatican. Những người kế vị ngài, Giáo hoàng Lêô XIII, Piô X hay Bênêđictô XV, cũng có thái độ không khoan nhượng như vậy. Đức Giáo hoàng Piô XI có thái độ mềm dẻo hơn. Ngài quan tâm tới chính sách cởi mở của lãnh tụ mới của Italia, Benito Mussolini. Các cuộc trao đổi được tiến hành trong bí mật từ năm 1926 dẫn đến các hiệp ước Latran, được ký kết ngày 11/2/1929 giữa Duce và Hồng y quốc vụ khanh Gasparri.

Các hiệp ước tiếp tục tồn tại với một số sửa đổi sau khi chủ nghĩa phát xít sụp đổ. Một sự cập nhật hóa được ký kết vào năm 1984 với chính phủ của nhà xã hội chủ nghĩa Bettino Craxi: Giáo hội công giáo không còn quy chế của tôn giáo Quốc gia, đặc biệt bởi vì hiệp ước được mở rộng tới các tôn giáo khác, như các giáo hội Tin lành.

Zenit: Tại sao Giáo hoàng Piô XI lại chọn một quốc gia “nhỏ nhất” ?

Dominique Chivot: Với lãnh thổ trung lập và bất khả xâm phạm này, Giáo hội muốn tập trung vào quyền bính thiêng liêng, trong khi vẫn duy trì được sự độc lập của mình đối với các cường quốc châu Âu.  Quốc gia này ngày nay là một cơ sở lãnh thổ cho Giáo hội và, như bạn thấy, một số cơ sở trung ương của Curia Roma được đặt tại đây. Vatican là quốc gia có quyền lực tối cao nhỏ nhất thế giời: 44 ha, nghĩa là một diện tích bốn lần rưỡi nhỏ hơn công quốc Monaco. Quốc gia này bao gồm Thành quốc, và các vương cung thánh đường Roma, một số dinh thự bên ngoài và nơi ở mùa hè Castel Gandolfo.

Zenit: Tại sao lại dành một không gian lớn như vậy cho văn hóa?

Dominique Chivot: Người ta nói nhiều đến hội nhập văn hóa trên các lục địa châu Phi và châu Á chẳng hạn. Còn tôi, tôi thấy Vatican quả là một bản tóm lược rất đẹp của hội nhập văn hóa: các nơi này cho thấy rất rõ làm sao Công giáo đã cắm rễ sâu trong lịch sử của châu Âu và nó đã tác động một cách sâu sắc như thế nào trên văn hóa và các trào lưu tư tưởng của lục địa này. Các triều đại Giáo hoàng của thời Phục hưng, qua ánh sáng và cả những bóng tối của mình, đã cho thấy chẳng hạn tầm quan trọng của sự bảo trợ trong nghệ thuật của thời này, nghĩa là của mối quan hệ tự nhiên được nối kết giữa đức tin và nghệ thuật.

Giữa các lãnh thổ giáo hoàng rạng rỡ, Vatican trong nhiều thế kỷ đã là một trung tâm tỏa sáng trong lĩnh vực chính trị và văn hóa. Như vậy, Vatican đáng chú ý bởi vị trí địa hình và di sản văn hóa toàn cầu của mình. Và toàn bộ thành quốc với các bảo tàng đã được tổ chức UNESCO xếp vào di sản thế giới của nhân loại. Đây cũng là một nguồn vô tận cho các nghệ sĩ ngoài những nghệ sĩ đã nổi tiếng ở chính bên trong của các cung điện.

Zenit: Phải đọc cuốn sách này như thế nào: trước khi đi Roma, sau khi từ Roma về (người ta không mấy thỏa mãn là đã không thấy được hết mọi sự?), hay đọc vì một cuộc hành trình nội tâm?

Dominique Chivot: Các bạn có quyền chọn lựa. Vatican tự nó là một cuốn sách vừa là một nhật báo người ta không ngừng giở đọc. Có người sẽ chọn đọc trước khi đi để có trước một số điểm mốc trong lịch sử và trong không gian, nhờ đó có một số chọn lựa tiên khởi; một số khác ngược lại, thích giở đọc sau khi đi tham quan hay hành hương về để kiểm tra lại bằng bản văn và hình ảnh các giai đoạn của cuộc khám phá hay cảm xúc họ có được và như vậy giúp họ hiểu rõ hơn những gì đã đánh động họ.

Zenit: Những trang đánh động ông nhất trong khi viết là những trang nào?

Dominique Chivot: Tôi thấy có ít là ba: những trang về Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, vì tôi có cơ hội theo sát công việc của ngài, chẳng hạn tôi đã được tháp tùng ngài trong các cuộc viếng thăm của ngài ngoài Italia trên mười hai lần. Những trang về thời Phục Hưng cũng là những trang, như tôi đã nói, đã gây cho tôi ấn tượng bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa, nghệ thuật và lòng tin và cho thấy lý do tại sao Vatican lại được xếp vào di sản thế giới của nhân loại. Cuối cùng, các trang đầu về nguồn gốc của Vatican, đặc biệt cảm động, bởi vì bạn sẽ khám phá ra tại sao một hoàng đế Constantinô đã có cái ý tưởng bề ngoài xem ra sống sượng này là xây dựng một nơi thờ tự trên hông một quả đồi chẳng mấy đẹp đẽ vào thời đó. Nhưng mọi sự lại bắt đầu từ đây.

Anita S. Bourdin ghi