Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua

14/05/2010

Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua


Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua

DẪN NHẬP

Truyền thông càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong cuộc sống con người và ngay cả trong đời sống của Giáo Hội. Trên quê hương Việt Nam, do rất nhiều yếu tố đặc thù, lãnh vực hoạt động truyền thông của Giáo Hội còn những giới hạn nếu không muốn nói là quá chậm chân và nhiều vấn đề… Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng đã có rất nhiều cố gắng của các thành phần dân Chúa, để góp phần làm cho sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô được truyền thông đến với con người hôm nay. Nhân dịp Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét chính yếu về các họat động truyền thông Công Giáo của Giáo Hội Việt Nam trong dòng lích sử, để có một định hướng tốt đẹp hơn cho tương lai...

Ngược dòng thời gian trở về với thời kỳ Giáo Hội Việt Nam mới hình thành, ai trong chúng ta cũng đều cảm động tri ân khi biết sứ điệp Tin Mừng và những câu chuyện về Đức Giêsu đã được các vị thừa sai nước ngoài đem đến kể lại cho những người dân Việt đơn sơ chất phác, giúp hình thành nơi họ niềm tin vào Thiên Chúa. Năm 1533, nhà truyền giáo nước ngoài đầu tiên được đề cập trong lịch sử của Việt Nam là I-Nê-Khu, đến loan truyền Tin Mừng Đức Kitô tại Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1550 đến 1615, các tu sĩ dòng Đa-minh và Phanxicô đặt chân đến những vùng đất khác nhau để khai mở các hoạt động truyền giáo. Đó là những họat động truyền thông công giáo đầu tiên trên quê hương. Ngày 18 tháng 01 năm 1615, ba linh mục Thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Cửa Hàn - Đà Nẵng, chính thức mở ra trang sử mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, trong đó có Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), là người đã góp phần làm nên bộ chữ quốc ngữ để chuyển tải đức tin vào nền văn hóa Việt Nam…[1]

Các vị thừa sai tiên khởi đã vượt qua bao rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán… để gầy dựng niềm tin mạnh mẽ trên quê hương thân yêu. Đó là bước đầu của công cuộc truyền thông ánh sáng Tin Mừng tại Việt Nam với những “phương tiện truyền thông truyền thống” như kể chuyện, rao giảng, chia sẻ, thăm viếng… giúp chuyển tải những kinh nghiệm cuộc sống và nhất là những kinh nghiệm niềm tin. Đó cũng là một chặng đường phong phú thành quả, với bóng mờ không tránh khỏi của biết bao khó khăn, chông gai, gian khổ; nhưng cũng tuyệt đẹp với nhiều chứng tá can đảm hào hùng, mà bằng chứng tuyệt vời là các vị Tử đạo Việt Nam đã được Giáo Hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh! Song hành với lịch sử dân tộc, các yếu tố của nền truyền thông công giáo rõ nét dần từ việc hình thành và phát triển những cách diễn đạt Tin Mừng phong phú qua ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc, vũ điệu, lối sống và rất nhiều những hình thức độc đáo khác mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đối với Giáo Hội toàn cầu, Sắc lệnh Inter Mirifica (1963) của Công Đồng Vatican II được xem là văn kiện tiên phong liên quan đến các hoạt động Truyền Thông, mở ra một cái nhìn mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Văn kiện này là nền tảng cho các văn kiện khác của Giáo Hội về Truyền Thông, khi mà các phương tiện truyền thông ngày càng trở nên một khả thể vạn năng như hiện nay. Sắc lệnh mời gọi: “Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện Truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc Tông Đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian…” (IM, 13). Giáo Hội cũng ý thức mình được thiết lập để tiếp tục việc truyền thông của Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói, việc làm và cách sống. Thông điệp mà Giáo Hội đang nắm giữ cần đến được với con người hôm nay bằng mọi phương cách. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975): “Giáo Hội sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không tận dụng các phương tiện truyền thông mạnh mẽ hôm nay mà tài năng con người đang làm cho ngày càng hoàn hảo hơn. Nhờ các phương tiện này, Giáo Hội rao giảng thông điệp mà mình nắm giữ trên các mái nhà...”[2]

Dưới ánh sáng những hướng dẫn của Giáo Hội toàn cầu và Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong lãnh vực Truyền thông xã hội, Giáo Hội tại Việt Nam đã cổ võ những hoạt động khác nhau trong lãnh vực này, cho dù còn đó những hạn chế nhất định do hoàn cảnh xã hội. Nhìn lại quá trình hình thành, tầm quan trọng và những thành quả của Truyền thông công giáo tại Việt Nam, đặc biệt trong 50 năm qua, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm quý giá, những ưu khuyết điểm từ các bài học lịch sử, để tìm ra những phương cách thích hợp cho hiện tại và hoạch định cách hữu hiệu trong tương lai. Nhờ đó, Giáo Hội có thể sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại cách hiệu quả để công bố sứ điệp cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô trong bối cảnh đa văn hoá và đa tôn giáo, toàn cầu hoá và kinh tế thị trường tự do, khủng hoảng đạo đức và niềm tin hôm nay.


Xin tải về toàn bài (22 trang A4)

LỊCH PHỤNG VỤ