Tin và trung thành với đức tin

24/08/2018

Tin và trung thành với đức tin

Đức tin phải đi đôi với lòng trung thành và sự tín thác. Nên thánh chính là trung thành với đức tin đã lãnh nhận, và cố gắng mỗi ngày để đức tin ấy được trọn vẹn tinh tuyền nơi cuộc đời chúng ta.

Tin là chấp nhận một chuỗi những điều xem ra “vô lý” đối với lý trí con người. Chấp nhận sống theo đức tin là giống như người đứng bên này đỉnh đồi lao mình vào vòng tay Thiên Chúa, khi Ngài đứng đỉnh đồi bên kia. Chính vì thế, đức tin phải đi đôi với lòng trung thành và sự tín thác. Nên thánh chính là trung thành với đức tin đã lãnh nhận, và cố gắng mỗi ngày để đức tin ấy được trọn vẹn tinh tuyền nơi cuộc đời chúng ta.

Theo giáo lý của Giáo Hội, “Tín điều” là những điều buộc người tín hữu phải tin. Ai không tin những tín điều đã được Giáo Hội tuyên tín, thì người đó được kể như người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Trong năm Chúa nhật kế tiếp, Phụng vụ giáo huấn chúng ta về Thánh Thể, khẳng định nơi Hình Bánh và Hình Rượu, có sự hiện diện trọn vẹn của Đức Giêsu. Công đồng Tridentinô ở thế kỷ thứ 16 đã khẳng định sự hiện diện này bằng ba trạng từ: đích thực (vraiment), thật sự (réellement) và theo bản thể (substantiellement). Trong Bí tích Thánh Thể, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô hiện diện. Sự hiện diện này không thể giải thích bằng lý trí.

Trong lịch sử, đã có những phép lạ Thánh Thể cho thấy sau khi truyền phép, Bánh trở nên thịt thật, và những phân tích khoa học cho thấy phần thịt này có những tế bào như thịt người. Tuy vậy, không chỉ có những trường hợp vừa nêu mới là phép lạ, nhưng mỗi khi linh mục cử hành Thánh lễ, đọc lời “truyền phép”, thì phép lạ xảy ra, đó là sự “biến đổi bản thể” của bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Đức tin khẳng định với chúng ta điều ấy.

Cũng trong lịch sử, đã có những ý kiến bất đồng về Thánh Thể và làm cho Bí tích này trở nên một trong những nguyên nhân gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các Kitô hữu. Vì Bí tích Thánh Thể là “Mầu nhiệm của đức tin”, nên chỉ có đức tin và sự tuân phục mới giúp ta nhận ra sự cao quý của Bí tích này. Ngay khi Chúa Giêsu nói về Bánh hằng sống, người Do Thái, và ngay cả các môn đệ cũng đã có phản ứng rồi. Vì vậy, thời nào cũng có những người tin và những người không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích này.

Đoạn Tin Mừng được đọc trong thánh lễ hôm nay là phần kết thúc cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh hằng sống. Trước những lời tuyên bố của Chúa Giêsu, một số người thấy chói tai và dần dần bỏ đi. Phần lớn những người này đến với Chúa với ước mong được nhận lãnh bánh nuôi sống thể xác, giống như phép lạ ngoạn mục Người mới làm cách đó vài ngày. Ở đây, Chúa lại nói về một thứ bánh thiêng liêng. Ai lãnh nhận Bánh này sẽ được sự sống đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau. Khá nhiều người bỏ đi vì họ coi những điều Chúa Giêsu đang nói là ảo tưởng, phi thực tế. Niềm tin vào Bánh hằng sống cũng vấp phải phản ứng của chính một số môn đệ. Thánh Gioan đã viết một cách buồn bã: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Họ đã ra đi trong thất vọng, vì hình ảnh của họ vốn có về Đấng Thiên sai hoàn toàn khác biệt với sứ mạng và giáo huấn thực sự của Chúa Giêsu. Khi đối diện với những thử thách gian truân, người tín hữu được mời gọi bày tỏ lòng trung thành với Người. Lòng trung thành cần phải có để đón nhận những chân lý cao siêu mặc dù chưa lý giải thỏa đáng.

Thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, đã chứng tỏ lòng trung thành ấy trong bối cảnh có nhiều người bỏ đi. Người ta thường nói ở đời “phù thịnh chứ không ai phù suy”. Phêrô là một người can đảm. Ông đã “phù suy” khi tuyên thệ theo Chúa vào lúc dường như mọi người đã bỏ Người. Ông đã tìm được sự chọn lựa tốt nhất cho đời mình. Theo Chúa là lý tưởng và là sự sống còn của ông, như lời ông nói: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Có lẽ ông cũng đã đắn đo cân nhắc xem theo Chúa thì được những gì và mất những gì, như có lần ông đã đặt câu hỏi với Thầy mình. Giờ đây, Phêrô như một người từng trải kinh nghiệm chắc chắn trong cuộc đời. Ông khẳng khái tuyên xưng Đức tin vào Chúa, dù mọi người rút lui. Sau này, chúng ta còn được nghe lời tuyên bố của Phêrô trong bữa tiêc ly: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng!” (Lc 22,34). Lời tuyên bố này về sau không được tuân giữ, do việc Phêrô chối thày mình ba lần, nhưng không vì thế mà làm giảm lòng nhiệt thành, hăng say và tâm huyết của vị Tông đồ trưởng.

Đời sống Kitô hữu là một lựa chọn. Chúng ta chọn Chúa là lý tưởng của đời sống chúng ta. Trước những cám dỗ và bon chen vì cơm áo gạo tiền, có những lúc chúng ta quên mất sự lựa chọn ấy. Bài đọc I kể với chúng ta, sau khi vào Đất hứa, ông Giôsuê đã tập hợp dân Do Thái ở một nơi gọi là Sikhem để cùng nhau nhìn lại hành trình sa mạc kéo dài 40 năm. Trong hành trình này, người Do Thái gặp nhiều gian nan thử thách. Có nhiều người phạm lỗi với Chúa do kiêu ngạo, ích kỷ và phạm các giới răn. Họ còn thờ lạy  thần linh của các dân ngoại. Tại Sikhem, ông Giôsuê kêu gọi một cuộc thanh tẩy toàn dân, để dứt bỏ quá khứ, bước sang một trang sử mới. Vị thủ lãnh mời gọi dân hãy chọn lựa Chúa và sống theo giới luật Ngài đã truyền ban cho các bậc tổ tiên. “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác”. Lời tuyên xưng của dân chúng thật mạnh mẽ quyết liệt, thể hiện sự gắn bó trung thành với Đấng đã cứu họ khỏi Ai Cập và dẫn đưa họ vào Đất hứa.

Có thể vào những lúc đen tối của cuộc đời, Chúa hỏi chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phêrô: ““Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

LỊCH PHỤNG VỤ