Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 29. Mười điều răn

08/06/2015

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 29. Mười điều răn


TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

Bài 29. MƯỜI ĐIỀU RĂN

Sách Giáo Lý lấy Mười Điều Răn như cái khung để trình bày luân lý Kitô giáo. Một vài người chống đối điều này, cho rằng chúng ta sống trong thời Tân Ước, không còn bị bó buộc bởi Mười Điều Răn là luật của Cựu Ước nữa, nhưng chỉ cần sống theo “điều răn mới” là điều răn yêu thương thôi. Những người khác lại cho rằng trong Kitô giáo, chúng ta nên chọn Đức Tin, Cậy, Mến, làm nền tảng cho đời sống Kitô hữu. Thế nhưng, Mười Điều Răn (mười lời) dứt khoát được chọn để trình bày những đòi hỏi cụ thể cho đời sống làm người và làm Kitô hữu đúng đắn.

Có những lý do chính đáng cho việc chọn lựa này. Chính Chúa Giêsu thường xuyên quy chiếu về Mười Điều Răn: “Nếu con muốn có sự sống, hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17). Mười Điều Răn là những huấn thị dẫn đến sự sống, và thật sai lầm khi dựa vào công thức “Ngươi không được làm thế này, làm thế kia” để kết luận rằng đây chỉ là danh sách liệt kê những cấm đoán. Không phải thế, Mười Điều Răn chỉ cho chúng ta đường sự sống và giữ chúng ta xa tránh đường dẫn đến sự chết. Trên nguyên tắc, những gì Mười Điều Răn đòi hỏi cũng như cảnh giác chúng ta đều là những điều mà mọi người hiểu được bằng ánh sáng của lý trí.

C.S. Lewis, trong cuốn Sự Hủy Diệt Con Người, đã đóng vai một ngôn sứ khi tiên báo những hậu quả phát xuất từ sự chối từ những chuẩn mực khách quan và vững chắc về chân lý và luân lý. Khi chối từ như thế, cách nào đó, con người hủy diệt chính mình. Khi cái thiện và cái ác, cái thật và cái giả, chỉ còn là vấn đề sở thích cá nhân, tùy theo khẩu vị mỗi người, thì không những nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt cộng đoàn mà còn hủy diệt chính nhân tính. Để khẳng định sự vững chắc phổ quát của Mười Điều Răn, C.S. Lewis đã liệt kê rất nhiều ví dụ cụ thể từ nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, cho thấy sự nhìn nhận chung đối với luật tự nhiên. Ông cũng giải thích rằng trật tự nền tảng được diễn tả trong Mười Điều Răn là một trật tự vững chắc, không phải vì khắp nơi trên thế giới nhìn nhận như thế, nhưng trước hết là vì nó đúng và thật. Chính vì thế Mười Điều Răn là sự bó buộc đối với mọi người ở mọi nơi và mọi thời (GLHTCG số 2072).

Nếu Mười Điều Răn đã được viết sẵn trong trái tim con người và là điều hiển nhiên đối với lý trí, vậy tại sao Thiên Chúa lại phải mặc khải Mười Điều Răn long trọng như thế? Thưa, “giữ các điều răn” như con đường sự sống, điều này không chỉ là “sống cho hợp lý”. Trước hết, đây là sự sống trong giao ước, trong mối hiệp thông với Thiên Chúa. Những điều răn của Chúa thường được bắt đầu bằng câu: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi…” rồi sau đó mới nêu ra mệnh lệnh: “Ngươi phải…”. Giữ Mười Điều Răn chính là đáp lại sự thánh thiện của Thiên Chúa (số 2062). Vì chúng ta đã được đón nhận vào giao ước, nên toàn bộ cuộc sống chúng ta phải được đóng dấu bằng sự trung thành với Thiên Chúa. Giữ các điều răn chính là gắn bó với Chúa bằng tất cả tâm hồn. Chính vì thế sống điều răn yêu thương (với Chúa và với tha nhân) là sự chu toàn lề luật (số 2055).

Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có: “Nếu con muốn nên hoàn thiện… hãy theo Thầy” (Mt 19,21). Sống phù hợp với Mười Điều Răn là tốt, đó là nẻo đường dẫn đến sự sống. Nhưng Đức Kitô còn muốn hơn thế nữa. Tám Mối Phúc dẫn ta đi xa hơn. Bài Giảng Trên Núi đòi hỏi nhiều hơn, không chỉ là đừng giết người nhưng còn là yêu thương cả kẻ thù (số 2054). Khi chúng ta bước theo Chúa Giêsu, chính Ngài trở thành bản hướng dẫn cách ứng xử của chúng ta; chính Ngài sống và yêu thương trong chúng ta (số 2074).

LỊCH PHỤNG VỤ