THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ MÙA PHỤC SINH 2013
“Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa chịu chết
 và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến
Kính gởi: Quý Cha, quý Tu Sĩ, Chủng sinh
và Anh Chị Em Giáo dân giáo phận Mỹ Tho,
1. Anh Chị Em thân mến,
Thư mục vụ mùa Chay của tôi năm nay gởi đến anh chị em muộn hơn mọi khi, nhưng hy vọng vẫn có lợi cho anh chị em trong mùa Chay thánh, và đặc biệt trong mùa Phục sinh. Vì năm nay là Năm Đức Tin, ngoài một số ý tưởng cơ bản về ý nghĩa mùa Chay, tôi muốn hướng anh chị em đến mầu nhiệm trọng tâm và chóp đỉnh của lịch sử cứu độ: Mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu là nội dung đức tin mà Giáo hội không ngừng loan truyền trải qua hai ngàn năm. Chắc chắn mọi người trong anh chị em đều biết rằng: sau lời Truyền phép trong Thánh lễ, vị chủ sự xướng: “Đây là mầu nhiệm Đức tin”, và mọi người đáp: “Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến!
2. Về ý nghĩa mùa Chay thánh, tôi chủ yếu dựa trên phụng vụ Lời Chúa ngày Lễ Tro, để nhắc nhớ anh chị em một số điều cần thiết cho đời sống Kitô hữu, đặc biệt trong mùa chay. Trước hết dựa vào thư 2 Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô, tôi nhân danh Đức Kitô, nài xin anh chị em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, Đấng không hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người (x. 2 Cr 5, 20-21).
Tôi ước mong rằng tất cả anh chị em đều đi xưng tội trong mùa Chay thánh này, để được giao hoà lại với Thiên Chúa nhờ bí tích hoà giải. Đó là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu biểu lộ “Lòng Thương xót của Thiên Chúa”, “Đấng đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Chúa, mà giao hoà thế gian về với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội”. Xin các linh mục chịu khó ngồi toà giải tội, để mọi người có thể hưởng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa và được ơn tha tội. Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa Cứu độ” (2 Cr 6, 2).
Điều thứ hai cần nhắc anh chị em là hãy cố gắng làm việc phúc đức nhiều hơn trong mùa Chay thánh, vì như thế là tập luyện sống đức tin cách cụ thể bằng các việc làm bác ái. Đức tin sống động nhờ đức ái (x. Gl 5,6) ; thiếu những hành vi yêu thương, đức tin sẽ khô chồi và trở nên không hồn như “xác chết” (x. 1 Cr 16, 14 ; Rm 13, 8.10 ; 1 Cr 13, 1-3). Hãy làm những việc từ thiện bác ái một cách kín đáo, đừng phô trương, hãy noi gương khiêm nhường kín đáo của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. Mt 6,1-4).
Điều thứ ba là cầu nguyện thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Một số Kitô hữu không còn biết cầu nguyện, giống như những cành nho khô héo tách lìa với thân nho là chính Chúa Giêsu, và đức tin không còn sống động, không còn tương quan bằng hữu giữa người môn đệ với Chúa (x. Ga 15,1-4). Chúng ta cầu nguyện để được Thiên Chúa thi ân, vì tất cả chúng ta chỉ được công chính hoá nhờ ân huệ của Thiên Chúa (x. Ga 1, 12-18 ; Rm 3, 22-26). Chúng ta cầu nguyện để được Thiên Chúa phù trợ, che chở và giữ gìn trong một thế giới đầy những khó khăn và cạm bẫy. Trong mùa Chay thánh, chúng ta không những cầu nguyện chung, công khai bằng cử hành phụng vụ, mà còn cầu nguyện riêng, nơi kín đáo, trong tâm hồn của mình. Không những cầu nguyện lớn tiếng bằng lời ca tiếng hát, nhưng bằng cả những lời tâm sự thì thầm với Chúa, bằng những tiếng rên rỉ khôn tả phát xuất từ tận đáy lòng chúng ta (x. Rm 8, 26).
Anh chị em hãy cầu nguyện một cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất yêu quý của chúng ta, vì tuổi cao sức khỏe giảm sút nên ngài mới từ nhiệm, và cũng hãy cầu nguyện cho việc bầu chọn Đức Giáo hoàng mới được tốt đẹp.
3. Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để có thể thông phần một cách trọn vẹn vào mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Chúa, là trọng tâm và chóp đỉnh của lịch sử cứu độ và cũng là trọng tâm của Đức tin Kitô giáo. Đạo của chúng ta không là “đạo binh Thánh giá”, mà là Con đường Khổ nạn và Phục sinh của Chúa, là Đạo của Đức Chúa bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Niềm tin Kitô giáo của chúng ta phải luôn giữ chặt Thập giá và Phục sinh với nhau, nếu muốn nhận ra “khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu”. Khổ nạn và Phục sinh là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất, cũng là “nội dung của lời rao giảng của các Thánh Tông đồ”. Việc loan báo cuộc Khổ nạn kết thúc bằng niềm tin Phục sinh của toàn thể Giáo hội. Không có Phục sinh, Thập giá hoàn toàn vô nghĩa. Không có Phục sinh, Thập giá chỉ là thú nhận cách bi thảm sự thất bại của loài người. Dưới ánh sáng Phục sinh, Thập giá là Thánh giá, Con Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết thay cho chúng ta, vì chúng ta, kết hợp mật thiết với mọi đau khổ của loài người. Không có Thập giá, Phục Sinh trống rỗng, không có nội dung, không cội rễ, không có quá khứ, không có lịch sử. Kinh Tin kính nhắc chúng ta, Chúa Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh vào Thập giá vì loài người chúng ta, dưới thời Phongxiô Philatô quan toàn quyền của đế quốc Rôma.
4. Con người Kitô hữu là con người của Thứ Sáu Tuần thánh và Chúa nhật Phục sinh. Con đường của Hội Thánh không phải là một giấc mơ về Đấng Mêsia trần thế. Thập giá đảo lộn các mơ ước của con người, những mơ ước bắt đầu bằng tội của Eva. Thập giá là nơi Thiên Chúa nói bằng thinh lặng. Nơi thập giá, khổ đau và tình yêu là một: Thiên Chúa đau khổ vì Ngài yêu thương. Nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi chính mình trong sự tha hoá của cái chết, để đón chúng ta vào trong Tình Yêu và Sự Sống. Qua cái chết Thập giá, Chúa Giêsu đã chia sẻ đến cùng thân phận làm người của chúng ta: sự nghèo nàn, cô đơn và phiền muộn của con người. Không chỉ một mình Chúa Giêsu, mà chính Chúa Cha cũng chịu đau khổ. Chúa Cha đi vào lịch sử loài người nơi cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Ngài đau khổ vì Người Con hoàn toàn vô tội đã bị kết án cách bất công, nhưng Ngài chấp nhận hy sinh để Tình Yêu được biểu lộ trong đau khổ của Thập giá.
5. Sự Phục sinh của Đức Giêsu biểu lộ sự đúng đắn của con đường mà Ngài đã chọn, con đường nhỏ bé, thấp hèn, con đường đi với những người nghèo, những người bị thế gian loại trừ, là “Con đường Lòng Thương xót của Chúa Cha”, là con đường của “lòng nhân đạo tuyệt vời nhất”. Thập giá của Chúa đã chiến thắng tội lỗi, trở thành Thánh Giá Cứu độ, chiến thắng hận thù và bất công, chiến thắng cả sự chết bằng sự phục sinh. Chính “Đấng chịu đóng đinh đã sống lại”, và khi hiện ra đã cho các môn đệ xem “tay và cạnh sườn” Người (x. Ga 20, 27). Phục sinh là chiến thắng của tự do, của ân sủng và tình yêu. Phục Sinh là công trình kỳ diệu nhất của Thiên Chúa, là dấu chỉ Tiếng nói cuối cùng thuộc về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho loài người, là tiếng nói của hạnh phúc, của tương lai. Tin vào Chúa Phục sinh là tin vào hạnh phúc viên mãn của nhân loại và mời mọi người hãy vui lên!
6. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu hiệp thông mà Chúa Cha trao lại cho Chúa Giêsu trong biến cố Phục Sinh, để nối kết Chúa Giêsu lại với Chúa Cha, làm cho Chúa Giêsu nên một với Chúa Cha, cũng được ban cho nhân loại chúng ta, để chúng ta được nối kết lại với Thiên Chúa và với nhau, làm thành “Gia đình của Thiên Chúa” tại trần gian, trong đó mọi người được quyền gọi Thiên Chúa là Cha, trở nên “anh chị em đích thực” của nhau (x. Gl 4,6-7 ; Rm 8,15).
Mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh còn được gọi là Mầu nhiệm Vượt qua, vì Chúa Kitô là Chiên Vượt qua của chúng ta, là Chiên Con đã chịu sát tế vì chúng ta, cho chúng ta được cứu thoát (x. Is 53, 7-8 ; Kh 5, 11-13 ; Ga 1,29). Đó là mầu nhiệm mà Giáo hội cử hành mỗi ngày, một cách đặc biệt vào ngày Chúa nhật, là ngày của Chúa Phục sinh.
Đối với chúng ta, sống mầu nhiệm Vượt qua, trước hết là để cho Chúa Thánh Thần tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô Khổ nạn và Phục sinh, để chúng ta cùng chết với Chúa và sống lại với Người. Được tháp nhập vào với Chúa, chúng ta cùng vượt qua với Chúa. Chúng ta đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Cuộc đời Kitô hữu chúng ta là một cuộc hành trình đi về nhà Cha. Nhưng đến với Cha cũng là đến với anh chị em, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu tại trần gian, nơi chúng ta sống và được được sai đến.
Thân mến chào Anh Chị Em
Mỹ Tho, ngày 20 tháng 2 năm 2013
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
 Giám mục Mỹ Tho