Tòa Tổng Giám mục Hà Nội

40 Nhà Chung, Hà Nội

Kính gửi:  quý Cha,

                  quý nam nữ tu sĩ,

                  các chủng sinh và giáo dân,

                  đặc biệt các anh chị em dự tòng trong Tổng Giáo phận Hà Nội,

Anh chị em thân mến,

Ai trong chúng ta cũng biết 40 ngày Mùa Chay, bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro sắp tới (ngày 9/3/2011), là thời gian chuẩn bị cho chúng ta mừng lễ Chúa Phục Sinh. Chính nhờ biến cố đó mà chúng ta được phục sinh trong bí tích Rửa Tội, được tiến xa hơn vào sự sống mới mỗi ngày, cho tới khi được thấy không chỉ riêng mình mà cả toàn thể vũ trụ được hoàn toàn đổi mới. Chúng ta có thói quen tốt lành thực hành các việc đạo đức truyền thống là ăn chay, bố thí và cầu nguyện, để chuẩn bị đón mừng ngày lễ trọng đại ấy và để ngày càng trở nên xứng đáng hơn cho tới ngày cuối cùng của đời mình. Đây là thời điểm ân phúc con người sống theo ba chiều kích: một là nhìn lại đời sống cá nhân qua việc sám hối và ăn chay; hai là mở rộng đôi tay ra với anh chị em qua việc làm phúc và bố thí; ba là hướng con người đi vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội Thánh qua việc cầu nguyện.

Hiệp thông và sống Lời Chúa

Trong tinh thần hiệp thông với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay thánh, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong thông điệp Mùa Chay, ban hành ngày 4 tháng 11 năm 2010, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy chuẩn bị sống Lời Chúa qua 5 Chúa nhật Mùa Chay này, để khám phá và khám phá lại vẻ cao cả của sự sống mới và sức mạnh nơi Lời Thiên Chúa.

Thật vậy, khi tưởng niệm Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa vào Chúa nhật 1 Mùa Chay, chúng ta được dịp nhớ lại thân phận yếu hèn của loài người chúng ta để thêm lòng khiêm tốn ăn năn. Nhưng khi tưởng niệm Chúa Giêsu tỏ lộ dung nhan vinh hiển của một Con Thiên Chúa vào Chúa nhật 2 Mùa Chay, chúng ta lấy lại hy vọng và vui tươi vì biết rằng mình cũng được tiền định để trở nên giống Con Thiên Chúa như thế. Từ đây cho tới ngày ấy, chúng ta được mời gọi hãy không ngừng nỗ lực sống kết hiệp mật thiết với Con Thiên Chúa bằng cách vượt qua mọi ước vọng thấp hèn và trần tục, như người phụ nữ xứ Samari đã được Chúa chỉ cho biết qua bài Tin Mừng Chúa nhật 3 Mùa Chay. Thật ra, chẳng phải là chúng ta không phấn đấu nên thánh, nhưng vì đã nhiều lần bị che mắt không nhìn ra sự thật của thế gian, sự thật của mình, sự thật của Chúa, nên đã mất công vô ích. Đó là kinh nghiệm của anh mù bẩm sinh được Chúa chữa cho sáng mắt trong Tin Mừng Chúa nhật 4 Mùa Chay. Hay nếu có bao giờ chúng ta cảm thấy mình hầu như không thể nào làm được một điều tốt, càng không thể ăn năn quay về với Chúa thì cũng đừng tuyệt vọng, vì Chúa luôn có thể phục sinh chúng ta lại, như Ngài đã từng làm cho Ladarô đã chết ba ngày rồi mà vẫn có thể sống lại, mà bài Tin Mừng Chúa nhật 5 Mùa Chay đã tường thuật.

Mở ra với Chúa và anh chị em

Nhờ Lời Chúa có sức mạnh biến đổi làm cho con người chúng ta lãnh nhận sự sống mới. Chính sự sống mới nơi Chúa Kitô đã được thông truyền cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa, khi “được tham dự vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô”, đặc biệt đối với anh chị em dự tòng sẽ lãnh nhận vào Đêm Vọng Phục Sinh sắp tới.

Như vậy, Mùa Chay không phải là mùa chúng ta khép mình lại trong chay tịnh, khổ chế, u buồn, nhưng là mùa đón nhận sự sống mới, qua việc làm chủ con người đổi mới toàn diện đời sống mình, từ hành động cho tới nội tâm, từ cung cách cư xử cho tới cách suy nghĩ, từ cách thể hiện đức tin cho tới việc hòa nhập vào xã hội để sống chứng tá.

Ước chi trong Mùa Chay năm nay khi ý thức được giá trị của việc ăn chay, bố thí và cầu nguyện, chúng ta chứng tỏ rằng sự sống mới mà Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta từ ngày chịu Phép Rửa quý giá tới mức có dù có phải chay tịnh, kiêng khem, hy sinh hay có phải cầu xin đêm ngày, chúng ta vẫn sẵn sàng chấp nhận.

Để đi vào thực hành cụ thể, anh chị em hãy sốt sáng đến với các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa giải; năng đọc kinh chung với nhau, nhất là các giờ Kinh phụng vụ; thực hành các việc đạo đức như Chầu Thánh Thể, đi đàng Thánh Giá, lần hạt Mân côi và chuyên chăm suy ngắm Lời Chúa và học hỏi giáo lý.

Thiết thực hơn là việc chia sẻ tinh thần hay vật chất cho người già cả, nghèo khổ, cô đơn. Chay tịnh không chỉ là nhịn ăn bớt uống để tập chế ngự bản thân mà trọng tâm là thực thi bác ái kitô giáo bằng cách lấy chính phần chi dùng của mình mà giúp cho người khác. Như hằng năm, số tiền dâng trong chiều thứ Năm Tuần Thánh để giúp vào việc bác ái trong giáo xứ, tiền dâng cúng ngày hôn chân Chúa chiều thứ Sáu Tuần Thánh gửi về quĩ Bác ái của Hội đồng Giám mục.

Hy vọng một lần nữa mọi người lại trông thấy tinh thần hiệp thông và truyền giáo, mà Giáo Hội Việt Nam đã phát động nhân dịp Năm Thánh 2010 vừa qua, được thể hiện ra nơi tất cả các việc đạo đức của chúng ta trong Mùa Chay này. Thực thi những việc đó cũng là để bày tỏ sự liên đới với mọi người nghèo khổ và tội lỗi trong gia đình, phố phường, làng xóm, xã hội và Giáo Hội của chúng ta. Chúng ta ăn chay, bố thí và cầu nguyện cũng là để mời gọi thêm những người chung quanh đến chia sẻ đức tin với mình để có được sự sống mới như mình.

Được như vậy, chúng tôi tin chắc rằng Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh của chúng ta năm nay sẽ tràn trề ý nghĩa và chứa chan hạnh phúc.

Thân chào anh chị em trong Chúa Kitô.

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2011

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tổng Giám Mục Hà Nội

+ Laurensô Chu Văn Minh

Giám mục Phụ tá Hà Nội