Thư mục vụ Mùa Chay 2011 của Đức giám mục giáo phận Phát Diệm

09/03/2011

Thư mục vụ Mùa Chay 2011 của Đức giám mục giáo phận Phát Diệm



Canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm

Thư mục vụ Mùa Chay 2011 của Đức giám mục giáo phận Phát Diệm

Kính gửi quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh,

và anh chị em tín hữu giáo phận Phát Diệm

Anh chị em thân mến,

Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta “tái khám phá ý nghĩa của bí tích Thánh tẩy”. Quả vậy, “bí tích Thánh tẩy không phải là nghi thức của thời đã qua, mà là cuộc gặp gỡ Đức Kitô”: một cuộc gặp gỡ thông ban sự sống thần linh cho chúng ta và mời gọi chúng ta không ngừng hoán cải để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Mùa Chay là mùa đón nhận ơn đổi mới cuộc sống nhờ thông hiệp vào mầu nhiệm thánh giá.

Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng bày tỏ ước nguyện canh tân Giáo Hội Việt Nam bằng cách mời gọi tất cả mọi thành phần Dân Chúa hãy đổi mới đời sống của mình. Chúng ta không thể thực sự canh tân Giáo Hội và góp phần đổi mới xã hội nếu chính bản thân của mình chưa thấm nhuần tư tưởng và lối sống của Chúa.

Trong ý hướng ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em về việc CANH TÂN ĐỜI SỐNG THEO TINH THẦN PHÚC ÂM.

1. Về việc canh tân đời sống, bất cứ thời nào chúng ta cũng phải thực hiện, nhưng bối cảnh xã hội hôm nay thúc bách các môn đệ Chúa Giêsu một cách mãnh liệt hơn.

Thực trạng đạo đức trong xã hội hôm nay thế nào, anh chị em cũng đã thấy. Tinh thần thế tục ngày càng lan rộng trên thế giới và xâm chiếm tâm hồn nhiều người, nhất là giới trẻ. Người ta gạt Thiên Chúa khỏi đời sống của mình. Có thể họ không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng sống như thể không có Thiên Chúa. Và một khi không còn qui chiếu về Thiên Chúa, họ lấy tự do của mình làm nguyên tắc sống và không muốn khép mình vào bất cứ một qui tắc đạo đức nào.

Con người của xã hội tục hóa chạy theo lạc thú, hưởng thụ, tiêu xài, coi trọng thân xác và vật chất hơn các giá trị tinh thần. Mối ưu tư hàng đầu của nhiều người là lo kiếm tiền, càng có nhiều tiền càng tốt. Người ta chạy theo lợi nhuận và muốn có tiền với bất cứ giá nào, thậm chí làm cả những điều phi pháp, bất công, bóc lột, giết người, đánh mất cả lương tri và xúc phạm phẩm giá con người. Có lẽ tội ác lớn nhất của một thế giới tục hóa là thảm trạng giết thai nhi ngày càng gia tăng một cách khủng khiếp.

2. Sống trong một bối cảnh như vậy, nhiều môn đệ Chúa Giêsu, ngay cả những người sống ơn gọi tận hiến, cũng chịu ảnh hưởng của tinh thần tục hóa và bị lôi cuốn vào kiểu sống thực dụng, coi thường đạo đức. Từ trong suy nghĩ, ước muốn, đến cách phản ứng, xử sự và hành động, nhiều tín hữu sống theo kiểu thế gian, chọn lựa theo tiêu chuẩn của thế gian, hoàn toàn khác với những điều họ tuyên xưng ngoài miệng.

Nơi các gia đình công giáo hôm nay, không phải là hiếm những người nghiện hút, chơi bời, cờ bạc rượu chè. Nhiều tín hữu cũng buôn bán lường gạt, bất công, bóc lột người khác. Tình yêu hôn nhân trở nên nhạt nhẽo nguội lạnh đưa đến cảnh ly dị ngày càng nhiều hơn. Tình trạng phá thai nơi các bà mẹ công giáo gia tăng, không thể thống kê chính xác. Cảnh đâm chém, đánh nhau, mối hận thù chia rẽ giữa các cá nhân hoặc giữa các gia đình trong giáo xứ cũng khá phổ biến. Nhiều người sống khép kín, ích kỷ, chỉ lo cho mình mà không nghĩ đến việc chia sẻ cho người nghèo.

Bức tranh trên đây xem ra ảm đạm, nhưng đó là một thực tế. Đa số anh chị em vẫn giữ được phẩm chất Kitô hữu và sống đức tin vững vàng giữa muôn ngàn cám dỗ của thế gian, nhưng số người chạy theo lối sống tục hóa không phải là ít và ngày càng gia tăng, đặc biệt nơi giới trẻ.

3. Chúng ta thử hỏi tại sao đời sống của nhiều Kitô hữu đã xuống cấp, thậm chí đã biến chất như vậy? Tại sao một số người giờ đây chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa mà thôi? Đó là vì đời sống chúng ta chưa thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, chưa biết sống Lời Chúa.

Trước đây anh chị em được khen ngợi là đã giữ đức tin vững vàng, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng vì thiếu linh mục, anh chị em ít có cơ hội được học hỏi Lời Chúa và đào sâu đức tin. Giờ đây, cuộc sống xã hội mở ra một giai đoạn mới và chúng ta phải đối diện với trào lưu tục hóa. Nếu bản thân mình không được trang bị ánh sáng của Lời Chúa và sức mạnh của ân sủng, chắc chắn chúng ta sẽ bị bão tố thế tục làm chao đảo và biết đâu có ngày sẽ quỵ ngã.

Anh chị em đọc nhiều kinh, tổ chức long trọng ngày chầu lượt cũng như nhiều sinh hoạt đạo đức như rước kiệu, dâng hoa, ngắm nguyện, vv… Các việc đạo đức ấy rất tốt và cao quí, tuy nhiên nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở bề ngoài mà thiếu chiều sâu của đức tin. Nếu không phát xuất từ lòng tin sâu xa, các việc ấy có thể ru ngủ lương tâm và làm chúng ta ảo tưởng rằng mình là một Kitô hữu tốt. Chắc hẳn anh chị em nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Không phải hễ cứ thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, là được vào Nước Trời! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Việc gắn bó với Lời Chúa hết sức quan trọng. Lề luật không đủ sức thay đổi lòng dạ chúng ta. Các điều khoản lề luật chỉ nhắc chúng ta những điều phải làm hay phải tránh. Chính việc suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa mới làm cho chúng ta được biến đổi trong tư tưởng và nhận thức, trong tâm tình và ước muốn. Một khi có những xác tín đúng, chúng ta sẽ có những phản ứng đúng và hành động đúng. Đại hội Dân Chúa 2010 nhấn mạnh đến việc giáo dục lương tâm để các Kitô hữu sống theo sự thật của Phúc Âm. Chính tâm hồn chúng ta phải thay đổi trước, từ đó mới có thể sống tốt. Việc suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa sẽ giúp thay đổi lòng dạ và điều chỉnh lương tâm chúng ta.

4. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần quyết tâm siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa, sống Lời Chúa, để có thể loan báo Lời Chúa.

Trong năm 2011 này, để kỷ niệm 110 năm ngày thành lập giáo phận Phát Diệm, tôi đã đề nghị với toàn thể mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận hãy tập trung vào việc cầu nguyện với Lời Chúa và sống Lời Chúa.

Các linh mục, tu sĩ và chủng sinh sẽ là những người tiên phong trong việc sống Lời Chúa. Đời sống của anh chị em phải hoạ lại đời sống của Chúa Giêsu, đặc biệt qua sự chuyên chăm cầu nguyện, qua cung cách hiền lành và khiêm nhường, tận tâm phục vụ vô vị lợi, đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày, tâm hồn thanh khiết, và tình yêu hoàn toàn dành cho một mình Chúa.

Anh chị em giáo dân khao khát được nhìn thấy Chúa Giêsu nơi các linh mục. Có một đời sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện và được biến đổi theo lối sống Phúc Âm, đó chính là chìa khoá của thành công trong hoạt động tông đồ.

Đối với các gia đình công giáo, anh chị em hãy theo sự hướng dẫn của các cha để cầu nguyện với Phúc Âm hằng ngày trong gia đình. Mong ước tất cả mọi gia đình đều có sách hướng dẫn để hằng ngày được lắng nghe Chúa dạy bảo trong tâm hồn. Giờ kinh tối trong gia đình nên ngắn gọn để giới trẻ có thể cùng tham dự mà không ngại, khoảng 10 phút là vừa, trong đó có ít phút cầu nguyện với Phúc Âm. Ai muốn đọc kinh thêm, sẽ đọc riêng. Nếu trung thành với việc cầu nguyện như thế, anh chị em sẽ dần dần được thấm nhuần lối sống của Chúa và sẽ không chạy theo lối sống thế tục. Chúa Giêsu nói: “Ai nghe và giữ những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25).

5. Gắn bó với Lời Chúa là việc đầu tiên phải làm nhưng chưa đủ để thay đổi con người tận gốc. Thánh Phaolô đã chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm của ngài: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Thân phận yếu hèn của con người cần ân sủng của Thiên Chúa. Chính bí tích rửa tội ban sự sống mới của Chúa cho chúng ta và biến đổi chúng ta thành con người mới. Sự sống ấy được nuôi dưỡng và làm mới lại nhờ các bí tích hoà giải và Thánh Thể. Nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể gìn giữ và làm phát triển sự sống thần linh đã lãnh nhận khi rửa tội.

Vì thế, anh chị em hãy thường xuyên xưng tội và rước lễ để Chúa sống trong ta và ta sống trong Chúa. Mùa Chay là dịp thuận tiện nhất, nhưng không phải chỉ giới hạn trong Mùa Chay, mà thường xuyên trong suốt năm. Xin các cha siêng năng giải tội cho giáo dân, hằng tuần, hằng tháng. Đó là dấu chỉ của lòng nhiệt thành mục vụ theo gương thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các linh mục. Siêng năng xưng tội rước lễ cũng là dấu hiệu cụ thể cho thấy một giáo xứ thăng tiến hay sa sút trong đời sống thiêng liêng.

Xin các cha xứ tổ chức tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo dân theo từng giới, từng lứa tuổi. Nhờ những ngày tĩnh tâm này, các tín hữu có cơ hội thuận tiện để đổi mới chính tâm hồn mình, đổi mới tương quan giữa bản thân với Chúa và với anh chị em.

6. Anh chị em thân mến,

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi: “Hãy để Chúa Thánh Thần tác động biến đổi chúng ta, như thánh Phaolô trên đường đi Damas; hãy kiên vững sống theo ý Chúa muốn; hãy thoát khỏi cái tôi ích kỷ bằng cách vượt qua bản năng muốn thống trị người khác và mở lòng đón nhận tình yêu của Đức Kitô” (Sứ điệp Mùa Chay 2011).

Ước gì Mùa Chay năm nay đem lại cho đời sống Kitô hữu chúng ta niềm vui được đổi mới. Anh chị em hãy hân hoan hạnh phúc vì được làm con Chúa. Hãy sống Lời Chúa cách quảng đại và vui tươi. Hãy hãnh diện vì được sống theo Lời Chúa là đường đưa đến hạnh phúc đích thực.

Cầu chúc anh chị em đầy tràn sự sống thần linh của Chúa Cha, nhờ ân sủng của Chúa Giêsu và trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Thân mến chào anh chị em.

 Phát Diệm, ngày 06 tháng 03 năm 2011

+ Giuse Nguyễn Năng

 Giám mục Phát Diệm

 

 


LỊCH PHỤNG VỤ