9.3 THĂNG TIẾN SỨ VỤ MỤC TỬ

A. TRÌNH BÀY

Giáo Hội Việt Nam muốn chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ theo gương Đức Kitô, Đấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mc 10, 45). Phục vụ và yêu thương theo gương Đức Kitô là một bài học mà Giáo Hội phải học mỗi ngày trong mọi nơi mọi lúc.

Giáo Hội không có sứ vụ điều khiển và tổ chức xã hội trần thế. Giáo Hội không thể và không bao giờ muốn thế chỗ chính quyền. Có được một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, chứ không phải của Giáo Hội. Nhưng, cổ võ cho công bằng, làm cho tâm trí rộng mở theo đuổi công ích, là điều can hệ đến Giáo Hội cách sâu xa. Giáo Hội không thể và không được ở bên lề trong cuộc tìm kiếm công lý hòa bình.

Quả thế, như những tôi tớ của Chúa và của nhân loại, người Kitô hữu Việt Nam chia sẻ cùng một hành trình với dân tộc mình. Giáo Hội không được sai tới để quan sát nhưng để phục vụ anh chị em mình trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa và vươn tới một đời sống nhân bản tốt đẹp hơn; để phân định những công việc mà Chúa muốn thực hiện; và để qui tụ mọi người trong gia đình của Ngài. Như tôi tớ của Thiên Chúa và nhân loại, Giáo Hội trên hết tìm cách trung thành với Thiên Chúa và với dân tộc mình.

Chính vì thế, Giáo Hội không đòi cho mình một đặc quyền nào hơn là quyền được phục vụ con người. Giáo Hội tại Việt Nam thâm tín rằng “bác ái trước hết và trên hết là một nhiệm vụ của mỗi cá nhân người tín hữu và cũng là nhiệm vụ của toàn Giáo Hội”. Có quan điểm cho rằng chỉ cần xây dựng cơ cấu xã hội công bằng là đủ, không cần đến tình thương và bác ái. Thực ra, luận điệu đó chỉ che giấu một quan niệm quá giản lược về con người: khái niệm cho rằng con người có thể sống chỉ “bằng cơm bánh” (Mt 4, 4; x. Đnl 8, 3), một xác tín làm hạ giá con người và cuối cùng coi thường tất cả những gì là nhân tính (Đề Cương 29).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Giáo Hội thi hành sứ vụ mục tử của mình như thế nào?

T. Giáo Hội chia sẻ cùng một hành trình với dân tộc và phục vụ anh chị em mình trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và vươn tới một đời sống nhân bản tốt đẹp hơn, trong việc phân định những điều Chúa muốn thực hiện cũng như qui tụ mọi người trong gia đình của Ngài.

2- H. Giáo Hội có sứ vụ điều khiển và tổ chức xã hội trần thế không?

T. Giáo Hội không có sứ vụ điều khiển và tổ chức xã hội trần thế, nhưng Giáo Hội có nhiệm vụ cổ võ cho công bằng, giúp mọi người theo đuổi công ích, tìm kiếm công lý và hòa bình.

3- H. Người giáo dân thực thi sứ vụ mục tử của mình như thế nào?

T. Người giáo dân tham gia phục vụ con người và xã hội của Giáo Hội, qua nỗ lực thăng tiến phẩm giá con người và biến đổi gia đình nhân loại nên nhân đạo hơn. Trong trách nhiệm này, người giáo dân có một vị trí đặc biệt, do tính cách trần thế, là tính cách đòi họ phải canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo với cách thức riêng và không thể thay thế được (x. KTHGD 36).

4- H. Khi đòi cho mình đặc quyền phục vụ con người, Giáo Hội sẽ làm những gì để phục vụ con người?

T. Giáo Hội luôn bảo vệ, cổ xúy và phát triển phẩm giá và nhân quyền cũng như cương quyết chống lại những gì nghịch với những quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người.

5- H. Vì sao Giáo Hội đòi cho mình đặc quyền được phục vụ con người?

T. Vì con người và từng người là con đường căn bản và đầu tiên Giáo Hội phải theo để hoàn tất sứ vụ của mình, con đường đã được Đức Kitô vạch ra, con đường đi qua mầu nhiệm Nhập Thể và cứu chuộc (x. Thông điệp Đấng Cứu chuộc Nhân loại 14).

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Giáo xứ của bạn quan tâm đến sứ mạng phục vụ của mình như thế nào? Bạn đã thu góp được những kinh nghiệm nào để chia sẻ và đóng góp cho cộng đoàn?

2. Giáo xứ của bạn có quan tâm đến khía cạnh thăng tiến con người và xây dựng công bằng xã hội không? Cần làm gì để thăng tiến hơn khía cạnh này?

3. Khi nhìn vào nếp sống đạo hiện nay của người Công giáo, những khía cạnh nào khiến anh chị em lương dân có thiện cảm với Giáo Hội, những khía cạnh nào khiến họ có thái độ ngược lại?