Tháng 7/2010

Tuần 4: Xây dựng Giáo Hội tham gia bằng cách tạo cơ hội cho mọi Kitô hữu phát huy khả năng và góp phần xây dựng xã hội



–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––


7.3 XÂY DỰNG GIÁO HỘI THAM GIA

BẰNG CÁCH TẠO CƠ HỘI CHO MỌI KITÔ HỮU

PHÁT HUY KHẢ NĂNG VÀ GÓP PHẦN XÂY DỰNG XÃ HỘI

A. TRÌNH BÀY

 

Giáo Hội Tham Gia không đơn thuần là một cộng đoàn được tổ chức và phân công tốt với nhiều ban ngành đoàn thể phụ trách nhiều công tác mục vụ khác nhau, trong khi đó đa số thành viên vẫn chỉ thụ động hoặc dửng dưng quan sát. Thực tế là những ban ngành đoàn thể trong một giáo xứ giỏi lắm cũng chỉ vận dụng được 10% tài năng của cộng đòan. Số còn lại vẫn thụ động và bất hợp tác. Còn trong tầm nhìn của Giáo Hội Tham Gia thì giáo xứ là nơi mà đặc sủng của mỗi người đều được nhìn nhận và mời gọi góp phần, nơi mà mỗi người có thể phát triển khả năng của mình hầu sinh ích cho công việc chung. Vấn đề là tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để những đặc sủng và tài năng đó được nhìn nhận và phát triển.

Giáo Hội Tham Gia còn là cộng đoàn tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng loan báo ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa, và giải thoát những người bị áp bức (Lc 4,18). Điều đó có nghĩa là tầm nhìn của cộng đòan phải vượt xa hơn bốn bức tường của ngôi nhà Giáo Hội để đồng cảm và chia sẻ những âu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng của con người hôm nay. Điều đó cũng có nghĩa là người Kitô hữu không thể hành động đơn độc nhưng phải đồng hành và cộng tác với những anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và mọi người thành tâm thiện chí trong nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Giáo Hội hoàn toàn liên đới với định mệnh của nhân loại trong tinh thần hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu để Nước Thiên Chúa, Nước của Bình an và Hy vọng, được lớn lên. Giáo Hội Việt Nam xác tín rằng mình không thể tỏ lộ một Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã công bố và khai mở, nếu không thể đi cùng với anh chị em của mình, tuy nghèo khổ nhưng giàu tâm tình tôn giáo, trên đất nước nhỏ bé và đau thương này.

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Trong tầm nhìn của Giáo Hội Tham Gia, giáo xứ có trách nhiệm nào trong việc phát huy tài năng của cộng đoàn?

T. Trong tầm nhìn của Giáo Hội Tham Gia, giáo xứ phải là nơi mà đặc sủng của mỗi người đều được nhìn nhận và mời gọi góp phần, nơi mà mỗi người có thể phát triển khả năng của mình hầu sinh ích cho công việc chung.

2- H. Giáo xứ phải làm gì để mọi Kitô hữu có khả năng tham gia vào sinh hoạt chung?

T. Giáo xứ phải tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để những đặc sủng và tài năng của mọi Kitô hữu được nhìn nhận và phát triển.

3- H. Xây dựng giáo xứ theo mô hình Giáo Hội Tham Gia có giới hạn tầm nhìn và hoạt động của Giáo Hội trong phạm vi cộng đoàn không?

T. Không, tầm nhìn của cộng-đoàn-tham-gia vượt xa hơn bốn bức tường của ngôi nhà giáo xứ, để đồng cảm và chia sẻ những âu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng của con người hôm nay.

4- H. Để có thể đồng cảm và chia sẻ những âu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng của con người hôm nay, giáo xứ phải làm thế nào?

T. Giáo xứ phải đồng hành và cộng tác với những anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và mọi người thành tâm thiện chí trong nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

5- H. Khi đồng cảm và chia sẻ những âu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng của đồng bào, Giáo Hội Việt Nam xác tín điều gì?

T. Giáo Hội Việt Nam xác tín rằng mình không thể tỏ lộ một Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã công bố và khai mở, nếu không thể đi cùng với anh chị em của mình, tuy nghèo khổ nhưng giàu tâm tình tôn giáo, trên đất nước nhỏ bé và đau thương này.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Có bao nhiêu người tham gia vào các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ của bạn? Trong số này, có bao nhiêu người đã tham gia các khoá huấn luyện do giáo xứ hay giáo phận tổ chức? Con số ít ỏi ấy nói lên điều gì?

2. Các Kitô hữu trong giáo xứ của bạn đã thực sự chia vui sẻ buồn và chung nỗi lắng lo của nhau như thế nào?

3. Giáo xứ của bạn đồng hành và cộng tác thế nào với những anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và mọi người thành tâm thiện chí trong việc xây dựng xã hội?