Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 4/2010, Tuần 3

12/04/2010

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 4/2010, Tuần 3

Tháng 4/2010

 

Tuần 3: Đối thoại và hợp tác trong việc chống lại trào lưu tục hóa cũng như chủ nghĩa cục bộ và vô tín



4.2 GIÁO HỘI CHỐNG LẠI TRÀO LƯU TỤC HOÁ VÀ CHỦ NGHĨA VÔ TÍN

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Hiến chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay khẳng định: “Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, tiếp tục công cuộc của chính Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ”(LG 3). Sứ mệnh và trách nhiệm này thúc đẩy Giáo Hội cương quyết chống lại mọi trào lưu tục hoá cũng như chủ nghĩa vô tín. [1]

Trào lưu tục hoá chủ trương Giáo Hội chỉ có một mục đích là phụng sự thế giới, không phải để thế giới được cứu rỗi, nhưng để thế giới hoàn tất mỹ mãn những công trình chân thiện nằm trong tầm tay và sức mạnh của nó.

Chủ nghĩa vô tín thì có nhiều hình thức khác nhau. Theo Công Đồng, “có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa. Có người cứu xét vấn đề Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên như vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên Chúa của Phúc âm. Cả vấn đề Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh hoặc do sự phản kháng mãnh liệt chống lại sự dữ trong thế gian hoặc do nhận định sai lầm cho một số giá trị của con người là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho chính Thiên Chúa. Ngay cả nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho người ta khó đến với Thiên Chúa hơn, không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian … Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (LG 19).

Vì vậy, Công Đồng kêu gọi các tín hữu tiến tới một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin được huấn luyện để có thể sáng suốt nhận định và vượt thắng những khó khăn, một đức tin thấm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục, và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ (x. LG 21).

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1- H. Công Đồng khẳng định thế nào về sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới?

T. Công Đồng khẳng định: “Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, tiếp tục công cuộc của chính Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ”(LG 3).

2- H. Động lực nào thúc đẩy Giáo Hội cương quyết chống lại mọi trào lưu tục hoá, chủ nghĩa chiều ngang, chủ nghĩa cục bộ và vô tín?

T. Chính sứ mệnh làm chứng cho chân lý thúc đẩy Giáo Hội cương quyết chống lại mọi trào lưu tục hoá cũng như chủ nghĩa cục bộ và vô tín.

3- H. Theo Công Đồng, người ta phủ nhận Thiên Chúa vì những lý do nào?

T. Người ta thường phủ nhận Thiên Chúa vì những lý do này:

- một là quan niệm con người không thể biết gì về Thiên Chúa;

- hai là quá đề cao khoa học;

- ba là quá đề cao con người;

- bốn là quan niệm sai lầm về Thiên Chúa;

- năm là vấn nạn về sự dữ,

- sáu là quá bám víu vào những thực tại trần gian.

4- H. Người tín hữu có trách nhiệm thế nào trong việc khai sinh vô thần?

T. Người tín hữu có trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội.

5- H. Trong hoàn cảnh này, người tín hữu phải làm gì?

T. Người tín hữu phải có một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin được huấn luyện để có thể sáng suốt nhận định và vượt thắng những khó khăn, một đức tin thấm nhập vào toàn thể đời sống và thúc đẩy thực thi công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ (x. LG 21).

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều tín hữu mất đức tin là kiến thức khoa học của họ rất cao trong khi kiến thức đức tin thì quá thấp. So với kiến thức khoa học, kiến thức đức tin của bạn thế nào?

2. Nhiều người không tin vào Thiên Chúa vì lối sống đạo của nhiều tín hữu: mê tín và dị đoan, bảo thủ và cố chấp, bất hoà và chia rẽ, thiếu quan tâm và dấn thân trong những vấn đề xã hội vv… Trong lối sống đạo của bạn hoặc nhóm của bạn, cần sửa lại những gì để bạn và nhóm của bạn có thể bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa?

3. Quá bám vào của cải vật chất và tìm hưởng thụ tối đa cũng là nguyên nhân khiến nhiều người khó đến với Thiên Chúa. Lối sống này tác động vào đời sống của người tín hữu, đặc biệt là những tín hữu trẻ, như thế nào?



[1] Đức Phaolô VI, The Teachings of Pope Paul VI, 1970, 5.

LỊCH PHỤNG VỤ