12.3 GIÁO HỘI VIỆT NAM QUAN TÂM

ĐẾN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ DI DÂN

A. TRÌNH BÀY

Do những điều kiện khách quan và chủ quan, lãnh vực truyền thông còn khá mới mẻ đối với Giáo Hội Việt Nam. Dù thế, chúng ta cần đặc biệt quan tâm vì một đàng các phương tiện truyền thông hiện đại có thể góp phần không nhỏ cho việc loan báo Tin Mừng, phổ biến những mẫu sống tốt lành, có tầm mức giáo dục đại chúng cao. Đàng khác, nhiều lạm dụng và những khai thác vô luân đã để lại nhiều tác hại trên tâm hồn nhiều người, cách riêng là giới trẻ.

Giáo Hội Việt Nam thấy cần phải có chương trình giáo dục dành cho giới trẻ để có thể sử dụng cách hữu hiệu các phương tiện truyền thông tân tiến để phát triển thành người hơn; cần khuyến khích những ai chuyên môn sử dụng những tiến bộ trong truyền thông để loan báo Tin Mừng và nâng cao nền luân lý; cần phối hợp các nỗ lực trong lãnh vực này của giáo dân, các dòng tu và giáo phận.

Ngoài lãnh vực truyền thông, Giáo Hội Việt Nam còn quan tâm các riêng đến di dân. Làn sóng di dân tại Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đang làm thay đổi bộ mặt đất nước, tại cả nơi đi lẫn nơi đến.

Một đàng chính những biến động xã hội đã tạo nên làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị hoặc đi lao động tại nước ngoài; đàng khác, tình trạng di dân lại tạo nên nhiều phức tạp về môi trường, xã hội, văn hoá. Dù thế nào chăng nữa, trong tiến trình hội nhập, anh chị em di dân luôn chịu nhiều áp lực về tâm lý, tình cảm, kinh tế, xã hội và cả trong đời sống luân lý đức tin. Họ thật sự cần đến tình thương hiền mẫu của Giáo Hội. Để làm dịu đi những cơ cực của họ và để giúp họ sớm hội nhập vào xã hội cũng như cộng đoàn Giáo Hội địa phương, Hội đồng Giám mục Việt Nam nên đi đến sự thống nhất về một số nguyên tắc và tiêu chuẩn trong phương sách mục vụ, nhất là mục vụ hôn nhân và dự tòng. Đồng thời các Giáo Hội địa phương tiếp nhận anh chị em di dân cũng cần đề ra một kế hoạch để hội nhập họ vào trong sinh hoạt đức tin. Nhờ đó, họ cảm nghiệm thật sự Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông, là mẹ hiền nâng đỡ, yêu thương và là vị thầy hướng dẫn khôn ngoan.

Đàng khác, lịch sử làm chứng rằng việc di dân cũng mang theo nhiều cơ hội cho việc loan báo Tin Mừng. Được chuẩn bị cách thích đáng, chính anh chị em di dân trở thành những nhà truyền giáo tại nơi họ đến và làm cho cộng đoàn Giáo Hội đón tiếp có khuôn mặt mới mẻ hơn. Vì thế, chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân là trách vụ gắn liền với sứ mạng truyền giáo, và cần được lưu tâm đặc biệt trong bối cảnh ngày nay (Đề Cương 42.43).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Vì sao Giáo Hội tại Việt Nam quan tâm cách riêng đến truyền thông xã hội?

T. Giáo Hội tại Việt Nam quan tâm cách riêng đến truyền thông xã hội vì một đàng các phương tiện truyền thông có thể góp phần lớn lao cho việc loan báo Tin Mừng, phổ biến những mẫu gương tốt lành, có tầm mức giáo dục đại chúng cao; nhưng đàng khác, nhiều lạm dụng và khai thác vô luân đã tác hại sâu xa trên tâm hồn nhiều người, cách riêng là giới trẻ.

2- H. Giáo Hội Việt Nam cần phải làm gì trong vấn đề truyền thông xã hội?

T. Giáo Hội Việt Nam phải có chương trình giáo dục về mục vụ truyền thông cho các tín hữu, cách riêng là giới trẻ; đồng thời khuyến khích những người thành thạo truyền thông dùng phương tiện truyền thông mà loan báo Tin Mừng.

3- H. Làn sóng di dân tại Việt Nam tạo ra những khó khăn và đem lại những thuận lợi nào?

T. Làn sóng di dân tại Việt Nam làm thay đổi bộ mặt đất nước, tại cả nơi đi lẫn nơi đến, và tạo nên nhiều phức tạp về môi trường, xã hội cũng như văn hóa, nhưng cũng mang theo nhiều cơ hội cho việc loan báo Tin Mừng.

4- H. Anh chị em di dân thường gặp những khó khăn nào?

T. Anh chị em di dân luôn chịu nhiều áp lực về tâm lý, tình cảm, kinh tế, xã hội và cả trong đời sống luân lý đức tin.

5- H. Hội đồng Giám mục Việt Nam cần có phương sách nào để giúp anh chị em di dân hội nhập vào xã hội cũng như vào cộng đoàn Giáo Hội địa phương?

T. Hội đồng Giám mục Việt Nam cần thống nhất về một số nguyên tắc và tiêu chuẩn trong phương sách mục vụ, nhất là mục vụ hôn nhân và dự tòng, đồng thời có kế hoạch cụ thể giúp anh chị em di dân hội nhập vào xã hội cũng như vào cộng đoàn Giáo Hội địa phương.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Giáo xứ của bạn nghĩ gì về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông tân tiến trên đời sống của các thành viên? Giáo xứ có kinh nghiệm gì về việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong công việc loan báo Tin Mừng và truyền bá những mẫu sống tốt lành?

2. Theo bạn, làm thế nào để giúp giới trẻ biết sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến một cách lành mạnh và đem lại nhiều ích lợi cho bản thân?

3. Mục vụ di dân có phải là vấn đề lớn trong giáo xứ của bạn không? Nếu có, thì giáo xứ đã làm gì để nâng đỡ và giúp anh chị em di dân hội nhập vào cộng đoàn cũng như vào xã hội địa phương?