Tháng 12/2009

 

Tuần 3: Hân hoan và cảm tạ khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam: giai đoạn phát triển



NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG

LỊCH SỬ GIÁO HỘI PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Năm 1622 là khúc ngoặc quan trọng trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh. Trước những lạm dụng của các vị vua Bảo Trợ, Tòa Thánh lấy lại quyền điều hành việc truyền giáo, và thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin (1622), Thánh Bộ đã kiểm tra lại toàn bộ sinh hoạt truyền giáo trên thế giới, và cung cấp nhiều phương tiện truyền giáo như: mở nhà in đa ngữ, hỗ trợ tài chính, gửi các sách phụng vụ và giáo lý, lập chủng viện Urbano 1627, để đào tạo các chủng sinh ở các miền truyền giáo gửi về, lập ra chức Giám quản Tông Tòa cho các giám mục miền truyền giáo, trực thuộc Tòa Thánh. Phương pháp truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, dựa trên bản Huấn Thị 1659, với những chỉ thị tích cực: “Các thừa sai phải được huấn luyện theo luật bác ái Tin Mừng, biết thích nghi với phong tục và tính tình người khác... Công việc trước mắt của chư huynh là đưa những người địa phương, xứng đáng lên chức linh mục và cả giám mục nữa... Hãy rao giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với chính quyền... Ðừng đưa vào nước họ đất nước của mình, mà là Ðức Tin, Ðức Tin này không hề khai trừ hay làm tổn thương những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào cả...”

Cũng năm đó, ngày 9-9-1659. Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận trên đất Việt, và đặt hai Giám Quản Tông Tòa đầu tiên:

– Giáo phận Ðàng Trong: từ sông Gianh trở vào, với Ðức cha Lambert de la Motte.

– Giáo phận Ðàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra, với Ðức cha François Pallu.

Trải qua ba trăm năm (từ 1659-1960). Hội Thánh Việt Nam đã phát triển trong sự chăm sóc của nhiều đơn vị thừa sai; với sự đóng góp rất lớn lao của các linh mục và tu sĩ Việt Nam; đã đồng hành cùng dân tộc trong mọi biến cố, và đã tích cực làm chứng cho niềm Tin bằng nhiều hoạt động bác ái phục vụ, cũng như bằng chính cả mạng sống mình.

1. Những vòng tay thân ái

Nằm trong sự điều hành chung của Thánh Bộ Truyền Giáo, tuổi thơ của Hội Thánh Việt Nam đã được biết bao trái tim và bàn tay các tín hữu khắp bốn phương săn sóc và dưỡng nuôi: Các nhà truyền giáo tại Việt Nam, linh mục hoặc tu sĩ nam nữ, thuộc nhiều quốc tịch như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ðức, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Ðại, Hoa Kỳ, Trung Hoa... Các ngài đã sẵn sàng từ bỏ quê cha đất tổ, để đến hoạt động tại Việt Nam, và ước nguyện được phục vụ Tin Mừng trên giải đất này. Các ngài đã chấp nhận nếp sống thiếu thốn tiện nghi, cư ngụ trong các mái nhà tranh vách đất, chịu đựng khí hậu nóng bỏng của vùng nhiệt đới, chấp nhận cả những ngược đãi, hiểu lầm. Trong những tập thể đóng góp nhiều công sức nhất cho chúng ta có ngày hôm nay, phải kể đến Hội Thừa Sai Paris, Dòng Ðaminh, Dòng Tên, và Dòng Phanxicô.

Hàng ngàn thành viên Hội Thừa Sai Paris đã đảm nhiệm toàn bộ khu vực địa phận Tây Ðàng Ngoài (nay là các địa phận Hà Nội, Vinh, Hưng Hóa, Phát Diệm và Thanh Hóa), và khu vực địa phận Ðàng Trong (nay là 15 địa phận thuộc giáo tỉnh Huế và Sài Gòn) suốt 300 năm, trước khi giao lại cho hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Tương tự như thế là dòng Ða Minh với địa phận Ðông Ðàng Ngoài (nay là các địa phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình và Lạng Sơn), với 243 thừa sai Tây Ban Nha và 134 linh mục Dòng người Việt.

Ngoài ra Dòng Tên, sau 1659 vẫn còn một số thừa sai hoạt động tại Ðàng Trong đến năm 1783, và Ðàng Ngoài đến 1802. Riêng Dòng Phanxicô, với hơn một thế kỷ (từ 1719-1834), đã thiết lập thêm hàng trăm giáo xứ mới tại miền Trung và miền Nam. Từ năm 1862, khi vua Tự Ðức chấp thuận cho việc giảng đạo, số các Dòng Tu đến trên giải đất hình chữ “S” này ngày càng nhiều, và đảm nhiệm những sinh hoạt ngày càng đa dạng.

– Dòng Nữ có các Dòng: Phaolô thành Chartres (1860), Dòng kín Cát minh (1862), Chúa Quan Phòng (1876), Ðức Bà Truyền Giáo (1924), Vinh Sơn Phalô (1925), Nữ Tá Quốc Tế, Biển Ðức và Tiểu Muội (1954), Nữ tu Ðấng Chăn Chiên Lành (1958), Con Ðức Mẹ Phù Hộ Salêsian và Nữ Tỳ Đức Giêsu - Mẹ Maria (1961), tu hội Dâng Truyền (1964) và dòng Phalô Thiện Bản (1974).

– Dòng Nam có các Dòng: Lasan (1866), Ðaminh Lyon (1902), Chúa Cứu Thế (1925), Phanxicô (1928), Tu hội Xuân Bích (1933), Ðan viện Xi-tô Mỹ Ca (1933), Biển Ðức (1935), Gioan Thiên Chúa (1952), Don Bosco (1952), Tiểu Ðệ Ðức Giêsu (1953), Lagiariste (1954), Dòng Tên (1957), Ðức Mẹ Người nghèo (1970) và Dòng Thánh Thể (1971).

Ngoài ra chúng ta không thể quên những “đồng xu mỗi tuần” của hàng triệu tín hữu khắp nơi, tham gia vào các Hội Truyền Bá Ðức Tin ở Lyon (1822), Hội Thánh Nhi (1843) nhằm giúp trẻ em miền truyền giáo, và Hội Thánh Phêrô (1893) giúp các chủng viện truyền giáo. Cũng không thể quên, đàng sau các nhà truyền giáo là tập thể các Dòng tu quốc tế, sẵn sàng yểm trợ các chương trình từ thiện, tặng học bổng... Và cũng thế, làm sao quên được hàng triệu các thân hữu, và ân nhân khắp hoàn cầu, mỗi ngày dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam.

2. Ðảm nhận vận mệnh chính mình

Ðọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, người ta thấy ngoài vai trò của các thừa sai nước ngoài, việc phát triển của Hội Thánh đã nhờ vào chính những người Việt thiện chí và hăng say, dâng hiến trọn cuộc sống cho Nước Trời, đưa Tin Mừng đến khắp các hang cùng ngõ hẻm, và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho anh em mình, đó là các linh mục và tu sĩ Việt Nam.

a. Hàng giáo sĩ Việt Nam. Năm 1668, Đức cha Lambert đã đặt tay truyền chức cho bốn linh mục tiên khởi tại Juthia, Thái Lan là: Cha Giuse Trang, cha Luca Bền, (thuộc Ðàng Trong) cha Bênêđictô Hiền, Gioan Huệ (thuộc Ðàng Ngoài) và năm sau, thêm bảy tân linh mục khác thuộc Ðàng Ngoài. Chín linh mục Ðàng Ngoài đã cùng với Ðức Cha Lambert và ba thừa sai, họp Công Ðồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam tại phố Hiến, tháng 2-1670. Các vị đã cùng nhau đưa ra một chương trình hoạt động, chia giáo xứ, chọn thánh Giuse làm bổn mạng, và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức nhà Ðức Chúa Trời. Với tổ chức Nhà Ðức Chúa Trời, từ nay, mỗi giáo xứ ổn định đều trở thành một “tiểu chủng viện” ươm trồng ơn gọi. Những người có khả năng sẽ được chọn gởi vào chủng viện, hoặc vào trường Kẻ Giảng để trở thành linh mục hoặc thầy giảng. Chính nhờ đó, Hội Thánh Việt Nam không bao giờ thiếu linh mục, kể cả trong những giai đoạn bách hại gay go nhất, khi toàn bộ các thừa sai bị trục xuất. Không kể các chủng viện liên địa phận tại Juthia (1665), Pondichéry, Ấn Ðộ (1769-1782), và Pénang, Mã Lai Á (từ 1807), đã có biết bao linh mục xuất thân từ các chủng viện:

– Miền Nam tại Hà Tiên (1776) dời lên Tân Triều, Biên Hòa (1778), rồi Mỹ Tho (1783), và Lái Thiêu (1789-1832).

– Miền Trung tại Thợ Ðúc, Huế (1739-1750), rồi Bình Ðịnh, mới đầu ở Dinh Cát (1782), sau ở Hòa Ninh (1784) và An Ninh (1801-1820).

– Miền Bắc có chủng viện Nghệ An (1685). Kẻ Lô (1697). Kiên Lao (1683), Kẻ Cốc, Bắc Ninh (1684), Lục Thủy, Bùi Chu (1686) và Kẻ Bùi (1773).

Sau này, mỗi địa phận mới được thành lập, lại đi kèm với các chủng viện mới. Thống kê sau đây cho ta thấy mức phát triển của hàng giáo sĩ Việt Nam qua các giai đoạn: 43 linh mục năm 1700, 119 vị năm 1800, 385 vị năm 1900, 1158 vị năm 1933 và năm 1963 số linh mục Việt Nam đã lên đến 2018 (393 linh mục Dòng).

b. Các dòng tu Việt Nam (thế kỷ XVII - XIX). “Hội Thánh Việt Nam từ thuở khai nguyên, đã được Thiên Chúa ban cho một quà tặng quý báu là Dòng Mến Thánh Giá, như một cánh tay hữu hình của Chúa Kitô, để cộng tác với Hội Thầy Giảng, hàng giáo sĩ bản quốc, và các quý chức xây dựng nhiệm thể Chúa Cứu Thế...” Dòng Mến Thánh Giá là hội dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Châu và hướng hẳn về việc truyền giáo cho lương dân. Quả thực, ngay từ đầu năm 1670 (thứ tư Lễ Tro), Ðức Cha Lambert đã nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula, tại Kiên Lao; đã soạn thảo và ban hành hiến pháp Dòng. Năm sau, ngài thiết lập thêm một cộng đoàn tại Quảng Ngãi. Kể từ đó, dần dần nữ tu Mến Thánh Giá có mặt trên các miền đất nước, giữ ba lời khấn, sống cộng đoàn và liên kết với nhau: giáo dục giới trẻ về văn hóa và đức tin, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ và góp phần thăng tiến nữ giới bằng giáo dục và hướng nghiệp. Năm 1854, Ðức Cha Retord Liêu đã gửi tin về Châu Âu: “Dòng Mến Thánh Giá có 72 nhà, 1600 chị em; và đã rửa tội hơn 51.000 trẻ em hấp hối”.

Tại miền Truyền giáo thuộc dòng Ðaminh, ngoài các nữ tu Mến Thánh Giá, còn có đông đảo các chị em Ðaminh Dòng Ba Sống Chung. Kể từ thời cha chính Bustamante Hy, nhà phước Ðaminh đầu tiên được lập ở Trung Linh năm 1715. Về tinh thần, chị em học theo gương Thánh Phụ Ðaminh vác các Thánh Dòng; về tổ chức, chị em như một tu hội có lời khấn tư, còn về hoạt động thì tương tự các nữ tu Mến Thánh Giá. Thống kê của cha chính Alonso Phê năm 1780 cho biết trong khu vực Ðaminh có 5 nhà Mến Thánh Giá (48 dì) và 12 nhà nữ Ðaminh (178 dì). Ðến năm 1933, số nữ tu Ðaminh tại bốn địa phận Dòng là 780.

Cuối thế kỷ XIX nhiều Dòng tu mới đã được thành lập tại Việt Nam:

– Dòng Nam gồm có: Kitô Vua, Cái Nhum (1870), Sư huynh Thánh Tâm Huế (1925), Thánh Giuse Nha Trang (1926), Qui Nhơn (1928), Ðức Mẹ Ðồng Công (1953); các tu hội: Nhập Thể Tận Hiến (1969), Thánh Gia Long Xuyên (1970), Nhà Chúa (1971), Ðắc Lộ (1957), Gioan Tiền Sử (1974), Truyền Giáo Cần Thơ (1963), Gia đình Na-Gia (1964). Riêng Dòng Phước Sơn được lập năm 1920, đã gia nhập gia đình Xitô năm 1934, được nâng lên thành chi dòng Thánh Gia năm 1964 (gồm các Ðan viện Phước Sơn 1920, Châu Sơn 1936, Phước Lý 1952, Châu Sơn Ðà Lạt 1957 và Châu Thủy Bình Tuy 1972).

– Dòng Nữ gồm có: Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm (1920), Con Ðức Mẹ Thăm Viếng (1937), Con Ðức Mẹ Mân Côi (1946), Nữ Tu Ảnh Phép lạ Kontum (1947), Trinh Vương (1953), Khiết Tâm Nha Trang (1961), Tu hội Nữ Tỳ Đức Giêsu Linh Mục (1966, thành hội dòng 1987), Con Ðức Mẹ Bình Thủy Cần Thơ (1967), Nữ Vương Hòa Bình (1969, Ban Mê Thuộc), Tu hội Nhập Thể Tận Hiến (1969). Ngoài ra còn một số tu hội thử nghiệm như: Tôi Tá Thánh Linh, Nữ Thánh Tâm, Nữ Tá Truyền Giáo, Nữ Tu Lasan, Nô Tỳ Thiên Chúa, Nữ tu Thánh Thể, Chúa Hài Ðồng, và một số các Gia Ðình Bác Ái (Foyers de charité).

3. Dấn thân phục vụ con người

Với tỷ lệ nhỏ nhoi trong cộng đồng dân tộc, Hội Thánh thực ra chỉ tham gia một phần nào với sự nghiệp chung của đồng bào. Thế nhưng, Hội Thánh vẫn canh cánh bên lòng mối bận tâm phục vụ cho công cuộc con người ngày càng tươi sáng, tiến bộ và bình an, đã để lại những chứng tá tập thể đặc biệt về mặt an sinh, giáo dục và bác ái từ thiện.

Góp phần vào sự sống còn của quê hương, đã có không ít tín hữu tham gia quân đội của Tây Sơn, nhiều người còn giữ những vị trí chỉ huy. Trong phong trào yêu nước thời cận đại, sử sách ghi lại danh tính nhiều nhân vật, như linh mục Ðặng Ðức Tuấn, như Nguyễn Trường Tộ, linh mục Nguyễn Ðiều, Ðội Vũ, Lãnh Phiên, thầy già Mai, lão Bang, hoặc các linh mục Ðầu Quang Lĩnh, Nguyễn Tường, Nguyễn Thần Ðồng... Các vị đã đóng góp phần tim óc để “Hiến Bình Tây Sách” để “Tế cấp luận”, và đóng góp phần xương máu trên những chặng đường dài đầy chông gai, để dành độc lập cho dân tộc.

Trong hướng an sinh, các tín hữu cùng nhịp bước với mọi người trong bối cảnh kinh tế khó khăn: từ những đoàn người đông đảo theo chân cụ Nguyễn Công Trứ đến lập cư tại Tiền Hải, Kim Sơn, Thái Bình; cho tới những đoàn người theo kế hoạch của Chúa Nguyễn, đến an cư lập nghiệp ngay từ giai đoạn đầu Môi Xuy, Biên Hòa. Rồi qua những năm tháng lịch sử, tương tự những đan viện thời Trung Cổ làm nên những làng mạc Âu Châu, các linh mục đã dẫn dân đi “lập trại” biến những khu vực hoang vu thành khu dân cư đông đảo, sinh hoạt sầm uất.

Trong lãnh vực giáo dục và xã hội, hầu như bất cứ nhà thờ hay tu viện nào cũng kèm theo trường học và tổ chức bác ái từ thiện, như những lớp miễn phí, những bệnh viện hoặc trạm xá, xin đan cử một thống kê của các địa phần miền Trung và miền Nam vào năm 1969 (20). Các nhà thờ và dòng tu đã đảm nhiệm tất cả:

– 1030 trường tiểu học, với 345.756 học sinh (25% không công giáo).

– 226 trường trung học, 152.928 học sinh (46% không công giáo).

– 41 bệnh viện, với 7.000 giường.

– 239 trạm phát thuốc, 36 nhà hộ sinh, 29 nhà dưỡng lão.

– 9 trại phong, với 2.500 bệnh nhân.

– 82 cô-nhi-viện chăm sóc 11.000 em.

Dĩ nhiên những con số ấy cũng chưa nhiều, nhưng cũng đủ nhắc nhở người tín hữu hôm nay, theo cách thế của mình, nối tiếp vào truyền thống mục vụ ấy.

4. Lớn lên trong thử thách

Trước hiểm họa thực dân Pháp, triều đình Nhà Nguyễn phải chọn một trong hai con đường: hoặc là tiến hành cải cách trong nước, mở rộng bang giao để bảo toàn chủ quyền; hoặc là chìm đắm trong chính sách thủ cựu, tự cô lập, cố gắng duy trì chế độ quân chủ chuyên chế lạc hậu. Và triều đình đã chọn con đường thứ hai: dùng những điều luật hà khắc để trừng trị mọi hành vi bị coi như là chống đối, và thi hành những chính sách cấm đạo Giatô ngặt nghèo (21). Phân tích lý do việc cấm đạo là trách nhiệm của khoa lịch sử, trong khi đó, 14 chỉ dụ cấm đạo từ 1833-1862 là một thực tế lịch sử (22).

Và, chính giữa bối cảnh khó khăn đó, niềm tin của người Kitô hữu được thanh luyện. Khi mà việc giữ đạo chẳng đem lại cho họ một lợi tức nào cụ thể, số Kitô hữu vẫn tiếp tục gia tăng, từ 320.000 năm 1800, lên 426.000 năm 1855. Số địa phận từ 3 nâng lên thành 8 địa phận năm 1850, và 13 địa phận năm 1933.

Trong số những người đổ máu đào minh chứng cho niềm tin: 117 vị đã được suy tôn chân phước trong 4 đợt: Ðức Lêô XIII suy tôn 64 vị năm 1900; Ðức Piô X suy tôn 8 vị năm 1906, và 20 vị năm 1909; Ðức Piô XII suy tôn 25 vị năm 1951. Thành Phần gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 1 chủng sinh, 14 thày giảng và 44 giáo dân. Tất cả đã được Ðức Gioan Phaolô II suy tôn Hiển Thánh ngày 19-6-1988.

Các địa phận mới được thành lập trước 1933:

– Tại Ðàng Ngoài: Vinh (1864), Bùi Chu (1848), Bắc Ninh (1833), Hưng Hóa (1895), Phát Diệm (1901), Lạng Sơn (1913), Thanh Hóa (1932).

– Ðịa phận Ðàng Trong: năm 1844 được chia thành 2 địa phận Ðông (Qui Nhơn) và Tây (Sài Gòn) tách ra thêm các địa phận Huế (1950), Nam Vang (1950) và Kontum (1932). Năm 1933, Hội Thánh Việt Nam có Giám Mục tiên khởi là Ðức Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng, khởi sự cho giai đoạn mới, giai đoạn tiến triển đến trưởng thành.

(Trích “Lược Sử Hội Thánh Công Giáo Tại Việt Nam” trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, trang 107-114)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1- H. Các giáo phận đầu tiên tại Việt Nam được thiết lập khi nào?

T. Ngày 9.9.1659, Toà Thánh đã thiết lập 2 giáo phận đầu tiên trên đất Việt Nam và đặt hai Giám quản tông toà: miền Nam (Đàng Trong) với Đức Giám mục Lambert de la Motte và miền Bắc (Đàng Ngoài) với Đức Giám mục François Pallu.

2- H. Những linh mục đầu tiên người Việt Nam là ai?

T. Đàng Trong có các linh mục Giuse Trang và Luca Bền, còn Đàng Ngoài có các linh mục Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ. Tất cả đều được Đức Giám mục Lambert de la Motte truyền chức tại Thái Lan.

3- H. Công đồng đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam được tổ chức tại đâu?

T. Công đồng đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam được tổ chức tại Phố Hiến (Hưng Yên) vào tháng 2 năm 1670 dưới quyền chủ toạ của Đức Giám mục Lambert de la Motte.

4- H. Nội dung của công đồng gồm những gì?

T. Công đồng đã đưa ra một chương trình hoạt động: chia giáo xứ, chọn thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội tại Việt Nam và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức Nhà Đức Chúa Trời.

5- H. Các Kitô hữu Việt Nam đã sống đức tin thế nào?

T. Các Kitô hữu Việt Nam đã kiên cường giữ vững đức tin; hằng trăm ngàn đã phải đổ máu đào để minh chứng cho đức tin của mình. Trong số đó, có 117 vị tử đạo gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Ngoài ra còn có thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội Việt Nam đã được biết bao trái tim và bàn tay các tín hữu khắp bốn phương săn sóc và dưỡng nuôi. Sự kiện này gợi lên cho bạn những cảm nghĩ và tâm tình nào?

2. Công đồng đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam đã được tổ chức tại Phố Hiến (Hưng Yên) vào tháng 2 năm 1670 dưới quyền chủ toạ của Đức Giám mục Lambert de la Motte. Theo bạn, Công đồng là gì? Công đồng có ý nghĩa và vai trò nào trong đời sống của Giáo Hội?

3. Kể lại cuộc đời và chứng từ của một vị thánh tử đạo tại Việt Nam mà bạn tôn kính và mến yêu.