ĐỀ TÀI 11: GIÁO HỘI VIỆT NAM MUỐN THEO CHÚA GIÊSU TRÊN CON ĐƯỜNG NHẬP THỂ

A. TRÌNH BÀY

Đức Giêsu Kitô đến từ Thiên Chúa vĩnh hằng nhưng đã chọn Á châu để làm nơi sinh hạ. Khi làm người, Đức Giêsu đã làm một người châu Á. Ngài đã cảm nghiệm những trạng huống và thực tại cuộc sống như một người Do Thái vùng Cận Đông, đã chia sẻ tất cả những thăng trầm của dân tộc mình. Ngài đã bước xuống dòng sông Giođan như bước vào một nền văn hoá hơn chỉ là đặt chân vào một dòng sông theo nghĩa hẹp. Chính lối sống và hành động như thế của Đức Kitô đã đúc kết thành cả một chương trình mục vụ của Vaticanô II cho Giáo Hội trong thời đại mới: liên đới với mọi nỗi vui mừng và lo âu, hy vọng và ưu sầu, an bình và đau khổ của con người... Vì thế, Giáo Hội tại Việt Nam cũng không thể có một hướng đi nào khác hơn là bước đi theo Con Thiên Chúa nhập thể, điểm gặp gỡ của Thiên Chúa và con người.

Theo hướng đi đó, Giáo Hội Việt Nam hôm nay ... muốn quan tâm đến hiện trạng của con người và xã hội hôm nay, để nhận ra và phân định cách sáng suốt về những thực tại xã hội-kinh tế phức tạp, xem như dấu chỉ qua đó khám phá những điều Thiên Chúa muốn nói cho Giáo Hội đang đồng hành với dân tộc trong một đất nước không ngừng biến chuyển... ở đó ánh sáng chen lẫn với bóng tối và dường như bóng tối đang lấn áp. Tuy nhiên, những mảng tối trong bức tranh của quê hương dưới nhiều góc độ không hề làm chúng ta bi quan, thất đảm. Trái lại, niềm hy vọng cho một tương lai tươi đẹp vẫn tỏa sáng bởi chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong công trình sáng tạo, làm khai sinh trật tự, hài hòa và liên kết lẫn nhau trong mọi loài hiện hữu. Ngài vẫn ảnh hưởng và tác động trên xã hội và các nền văn hoá bằng cách luôn gieo trồng những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết lý của họ. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong thế giới và lịch sử nhân loại, để chuẩn bị cho Tin Mừng và dẫn đưa mọi người đến với Chúa Kitô, cũng chính Ngài liên lỉ hoạt động trong cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn dưới mọi hình thức để làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể đến với mọi người.

Như thế, chính những thách đố mới lại có thể mang đến nhiều cơ hội mới cho Tin Mừng của Đức Kitô, nếu Giáo Hội tại Việt Nam biết tiến bước với một nhiệt tình mới, có một phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng, với những nhà truyền giáo mới, được Đức Kitô chiếm hữu trọn vẹn (Đề Cương 2.6).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Chương trình mục vụ mà Công đồng Vaticanô II đề ra cho Giáo Hội trong thời đại mới: liên đới với mọi nỗi vui mừng và lo âu, hy vọng và ưu sầu của con người, bắt nguồn từ mầu nhiệm nào?

T. Chương trình mục vụ mà Công đồng Vaticanô II đề ra cho Giáo Hội trong thời đại mới, bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, cụ thể là từ lối sống và hành động của Đức Giêsu.

2- H. Vào thời điểm ân sủng của Năm Thánh, Giáo Hội Việt Nam muốn canh tân mục vụ theo hướng nào?

T. Giáo Hội Việt Nam không thể có một hướng đi nào khác hơn là bước đi theo Con Thiên Chúa nhập thể, điểm gặp gỡ của Thiên Chúa và con người.

3- H. Theo hướng mục vụ này, Giáo Hội Việt Nam quan tâm trước tiên đến vấn đề gì?

T. Giáo Hội Việt Nam muốn quan tâm trước tiên đến hiện trạng của con người và xã hội hôm nay, từ đó phân định và khám phá ra điều Thiên Chúa muốn nói cho Giáo Hội đang chia sẻ cùng một hành trình với dân tộc của mình.

4- H. Giáo Hội Việt Nam tìm hiểu và nhận định về các thực tại xã hội-văn hóa-tôn giáo của đất nước, với tâm thức nào?

T. Giáo Hội tìm hiểu và nhận định về các thực tại xã hội-văn hóa-tôn giáo của đất nước trong niềm tin tưởng và hy vọng, bởi lẽ Thánh Thần luôn hoạt động trong thế giới và lịch sử nhân loại để chuẩn bị cho Tin Mừng và dẫn đưa mọi người đến với Chúa Kitô. Chính Ngài không ngừng hoạt động trong cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn dưới mọi hình thức, để làm cho ơn cứu độ đến với mọi người.

5- H. Để những thách đố mới có thể mang đến nhiều cơ hội mới cho Tin Mừng của Đức Kitô, Giáo Hội Việt Nam cần phải làm gì?

T. Để những thách đố mới có thể mang đến nhiều cơ hội mới cho Tin Mừng của Đức Kitô, Giáo Hội Việt Nam cần tiến bước với một nhiệt tình mới, có một phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng, với những nhà truyền giáo mới được Đức Kitô chiếm hữu trọn vẹn.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Bạn và giáo xứ của bạn quan tâm thế nào đến hiện trạng của con người và xã hội chung quanh? Thực trạng ấy sáng và tối, mạnh và yếu ở những điểm nào? Nó bộc lộ những khát vọng nào của con người và xã hội?

2. Để tìm hiểu và nhận định về tình hình của khu xóm hay giáo xứ, bạn hay giáo xứ của bạn thường làm gì và làm như thế nào?

3. Chương trình mục vụ của giáo xứ hay nhóm của bạn có được xây dựng trên thành quả của việc tìm hiểu và nhận định tình hình dưới ánh sáng của Lời Chúa không?